Tội phạm là gì? Đặc điểm của tội phạm?


Đi kèm với sự phát triển của xã hội là hiện tượng tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều. Tội phạm là gì? Đặc điểm của tội phạm như thế nào? Sau đây công ty luật ThinkSmart sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc về vấn đề này.

1. Tội phạm là gì?

Dưới góc độ pháp lý, có nhiều quan điểm khác nhau về tội phạm, tại Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 định nghĩa khái niệm tội phạm như sau: 

“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”

Về cơ bản có thể hiểu ngắn gọn tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.

2. Tội phạm có những đặc điểm nào?

Về bản chất pháp lý thì tội phạm là một trong 4 loại vi phạm pháp luật, trong đó tội phạm là vi phạm pháp luật hình sự nên phải chứa đựng đầy đủ các đặc điểm của vi phạm pháp luật nói chung. Song bên cạnh đó nó còn mang các đặc điểm có tính đặc thù riêng của nó để dựa vào đó có thể phân biệt được tội phạm với các vi phạm pháp luật khác, đó là:

(1) Tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội

Bất kỳ một hành vi vi phạm nào cũng đều có tính nguy hiểm cho xã hội, nhưng đối với tội phạm thì tính nguy hiểm cho xã hội luôn ở mức độ cao hơn so với các loại vi phạm pháp luật khác.

Để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chúng ta phải cân nhắc, xem xét, đánh giá một cách toàn diện các yếu tố sau: Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm phạm;Phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội;Mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe doạ gây ra;Hình thức và mức độ lỗi;Động cơ và mục đích phạm tội; Nhân thân người phạm tội; Hoàn cảnh chính trị xa hội lúc và nơi hành vi phạm tội xảy ra;Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

(2) Tính có lỗi

Một người thực hiện hành vi phạm tội luôn bị đe dọa phải áp dụng hình phạt – là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất. Mục đích của hình phạt theo luật hình sự Việt Nam là không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ. Mục đích này chỉ đạt được nếu hình phạt được áp dụng đối với người có lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội. 

(3) Tính trái pháp luật hình sự

Bất kỳ một hành vi nào bị coi là tội phạm cũng đều được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đặc điểm này đã được pháp điển hoá tại Điều 2 Bộ luật Hình sự “chỉ người nào phạm một tội đã được bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, một người thực hiện hành vi dù nguy hiểm cho xã hội đến đâu nhưng hành vi đó chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự thì không bị coi là tội phạm.

Đặc điểm này có ý nghĩa về phương diện thực tiễn là tránh việc xử lý tuỳ tiện của người áp dụng pháp luật. Về phương diện lý luận nó giúp cho cơ quan lập pháp kịp thời bổ sung sửa đổi Bộ luật Hình sự theo sát sự thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đạt hiệu quả.

(4) Tính phải chịu hình phạt

Đặc điểm này không được nêu trong khái niệm tội phạm mà nó là một dấu hiệu độc lập có tính quy kết kèm theo của tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự. Tính phải chịu hình phạt của tội phạm có nghĩa là bất cứ một hành vi phạm tội nào cũng bị đe dọa phải áp dụng một hình phạt đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Trên đây là tư vấn của Công ty luật ThinkSmart về vấn đề tội phạm và các đặc điểm của tội phạm. Cảm ơn Quý vị đã quan tâm và đón đọc. Để nhận tư vấn pháp luật về Hình sự, mời Quý vị kết nối với Luật sư ThinkSmart qua số điện thoại 1900 6363 91 nhánh số 3. Trân trọng./.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *