Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển người bệnh


Hỏi: Tôi muốn kinh doanh dịch vụ chuyên chở người bị bệnh đi cấp cứu hoặc từ bệnh viện về nhà. Vậy, tôi cần phải làm những thủ tục gì? Bạn đọc L. Q. hỏi.

1. Ngành nghề Kinh doanh có Điều kiện

Dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh là một loại hình dịch vụ y tế. Đây là dịch vụ đặc biệt, bạn cần đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật mới được phép kinh doanh, theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP:

“Điều 22. Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức tổ chức sau đây:

[…]

7. Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm:

c) Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài;”.

2. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh

Các điều kiện được quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP:

Cơ sở vật chất

–  Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);

–  Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

–  Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

Trang thiết bị y tế

– Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

– Vận chuyển cấp cứu phải có xe ô tô cứu thương; có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu. Có hợp đồng vận chuyển cấp cứu với công ty dịch vụ hàng không nếu cơ sở đăng ký vận chuyển người bệnh ra nước ngoài.

Nhân sự

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề;

– Có văn bằng chuyên môn hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã được học về chuyên ngành hồi sức cấp cứu.

3. Thủ tục kinh doanh dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh

Trước hết, bạn cần thành lập doanh nghiệp hoặc làm thủ tục đầu tư nếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài. Tôi chỉ đề cập đến thủ tục xin cấp phép của các cơ quan y tế. Thủ tục được quy định tại Luật Khám bệnh chữa bệnh 2009 và Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Cơ quan giải quyết

Sở y tế tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở

Hồ sơ đăng ký

– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;

– Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;

–  Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

–  Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề);

–  Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

–  Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định;

– Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

– Đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh: Bản sao hợp lệ hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với bệnh viện. Trong trường hợp có cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài cần có bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh với công ty dịch vụ hàng không.

Trình tự thủ tục

Đơn vị nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở y tế tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động, Sở Y thực hiện như sau:

– Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận gửi ngay cho cơ sở Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định;

– Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện thì trong thời hạn 03 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến), cơ quan tiếp nhận gửi cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định.

Hồ sơ hợp lệ:

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét để cấp giấy phép hoạt động trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp không cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Hồ sơ không hợp lệ:

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể là bổ sung những tài liệu nào, nội dung nào cần sửa đổi;

– Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, cơ sở phải bổ sung, sửa đổi theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

– Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, sửa đổi, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải cấp giấy phép hoạt động trong thời gian quy định (45 ngày); nếu không cấp, cấp lại, điều chỉnh thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

– Sau 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu mà cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động không bổ sung, sửa đổi, hoặc bổ sung, sửa đổi hồ sơ nhưng không đạt yêu cầu thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động.

Theo Luật sư Việt Nam


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *