Dùng vũ lực để đòi lại tiền đã cho vay có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?


A vay tiền của B số tiền 50.000.000 đồng với thời hạn 2 tháng. Sau 2 tháng B đòi thì A nói chưa có đủ nên không thể trả được, thời gian trôi đi B vẫn đòi nhưng A đưa ra nhiều lý do để không trả nợ (A không trốn tránh). Sau 8 tháng, B rủ C cùng mình đi tìm A để đòi nợ, trên đường đi B và C gặp A đang đi chơi. Thấy vậy C nhảy xuống túm cổ áo, đấm và giữ A để B lục soát nơi giấu tiền, trong cốp xe của A có 100.000.000 đồng nhưng B chỉ lấy 50.000.000 đồng rồi bỏ đi. Xác định TNHS của các đối tượng A, B, C.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn luật trực tuyến của ThinkSmart. Chuyên viên pháp lý Phòng DVPL Hình sự đưa ra ý kiến tư vấn về trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, việc B cho A vay tiền đã hình thành nên một giao dịch dân sự bởi theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải lập văn bản, cũng không bắt buộc phải có công chứng, chứng thực hợp đồng. Về trách nhiệm dân sự, căn cứ quy định tại Điều 463: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” và Điều 466: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” thì A có trách nhiệm phải hoàn trả lại cho B đủ số tiền đã vay đúng với thời hạn 2 bên đã thỏa thuận. Ngoài ra, khi đến thời hạn mà A vẫn chưa trả nợ cho B thì ngoài số tiền nợ gốc ban đầu phải trả, A còn phải trả thêm tiền lãi chậm trả và tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo quy định của Bộ luật dân sự.

Thứ hai, Căn cứ vào tình tiết nêu trong tình huống trên, ta có thể xác định trách nhiệm hình sự của A, B và C như sau:

Về trách nhiệm hình sự của B và C: Theo quy định tại Điều 464 BLDS 2015 thì “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Do vậy, A đã trở thành chủ sở hữu hợp pháp đối với khoản tiền 50 triệu tại thời điểm được B cho vay. Việc B và C dùng vũ lực lấy 50 triệu không được coi là đòi lại tài sản của mình.

Trong trường hợp trên C đã thực hiện hành vi túm cổ áo, đấm và giữ làm cho A lâm vào tình trạng không thể chống cự được để B có thể thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của A nên căn cứ theo Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.” có thể thấy hành vi của B và C đã đủ dấu hiệu để cấu thành tội cướp tài sản. Số tiền mà B và C chiếm đoạt có giá trị là 50 triệu đồng nên theo quy định tại điểm đ) khoản 2 Điều 168 thì B và C có thể bị phạt tù từ 07-15 năm. 

Về trách nhiệm hình sự của A: Đầu tiên cần phải làm rõ vấn đề số tiền 100 triệu đồng mà A có trong cốp xe có thuộc quyền sở hữu của A hay không.

+ Nếu số tiền 100 triệu đồng không thuộc quyền sở hữu của A, đồng thời không có căn cứ để cho rằng A có đủ khả năng trả nợ cho B thì A sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay giữa A và B sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự nếu như B thực hiện quyền kiện đòi tài sản của mình ra tòa án nhân dân có thẩm quyền xử lý. 

+ Nếu số tiền 100 triệu đồng thuộc quyền sở hữu của A hoặc có căn cứ để cho rằng A có đủ khả năng trả nợ cho B thì lúc này A có thể bị truy cứu TNHS về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định các hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm:

  • Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

  • Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Do số tiền của A vay là 50 triệu đồng nên A có thể bị phạt tù từ 02 -07 năm căn cứ theo điểm c, khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, A có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

———————————- 

Bạn đọc có thể tham khảo thêm về tội cướp tài sản và dịch vụ tư vấn, hỗ trợ của chúng tôi tại đây.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *