Luật sư Việt Nam » Nghiên cứu – Trao đổi
(LSNV) – Thực tế cho thấy, tình hình tội phạm về môi trường (TPMT) sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái đất, tài nguyên nước, môi trường biển… tiếp tục là vấn đề mang tính toàn cầu, làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế – xã hội trên toàn thế giới, trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh phi truyền thống. Xu hướng toàn cầu hóa, tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài gia tăng, diễn biến phức tạp, tinh vi khó phát hiện… sẽ hình thành những vi phạm pháp luật mới, thậm chí những vi phạm có tính chất nguy hiểm biến đổi thành tội phạm về môi trường, mang tính quốc tế cần phải phòng ngừa.
Thực trạng tội phạm về môi trường và thực tiễn xử lý
Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế những năm qua cho thấy, Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh hiệu quả về phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam cũng đối diện với vấn đề môi trường bị ô nhiễm. Các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị được hình thành nhanh chóng làm cho nguồn rác thải công nghiệp cũng như rác thải sinh hoạt đưa vào môi trường ngày càng nhiều, gây ô nhiễm không khí, đất, nước.
Hầu hết các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường tập trung hoặc có nhưng hoạt động chỉ mang tính chất đối phó; việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải trực tiếp ra sông, biển là khá phổ biến. Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào nước ta dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước, kể cả thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến nguy cơ biến nước ta thành bãi thải công nghiệp. Tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm xảy ra hết sức nghiêm trọng, làm giảm tính đa dạng sinh học; số vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật tăng nhanh làm cho tình hình tội phạm về môi trường và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam ngày càng gia tăng, không những ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của cá nhân, tổ chức mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường nói chung.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an, trong 11 năm qua (từ năm 2010 đến năm 2020), toàn lực lượng đã phát hiện 170.875 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; xử lý hành chính 141.000 vụ, khởi tố 2.624 vụ với 4.357 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 97.000 vụ với số tiền 1.166 tỉ đồng(1). Đặc biệt, đã điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội về môi trường, tập trung vào lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, an toàn thực phẩm. Số liệu của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, trong 11 năm từ năm 2010 đến năm 2020, hệ thống tòa án nhân dân đã thụ lý 2.842 vụ án về môi trường với 4.445 bị cáo. Trong đó xét xử 2.237 vụ với 4.145 bị cáo phạm tội về môi trường, chiếm 0,37% tổng số vụ án hình sự đã xét xử(2).
Số liệu thống kê trên cho thấy tình hình tội phạm về môi trường diễn ra có xu hướng ngày càng tăng, nhưng chủ yếu mới chỉ điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc các tội danh: “Gây ô nhiễm môi trường” (Điều 235 Bộ luật Hình sự, chỉ khởi tố được cá nhân phạm tội), “Hủy hoại rừng” (Điều 243 Bộ luật Hình sự) và tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm” (Điều 244) và gần đây nhất tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với nhân loại, chúng ta đã khởi tố, truy tố, xét xử hành vi “Làm lây lan dịch bệnh” (Điều 240). Trong khi đó, các tội danh khác, mặc dù gây hậu quả rất nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người dân và môi trường xung quanh nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Điển hình như vụ Vedan, Nicotex Thanh Thái, Hào Dương, Formosa Hà Tĩnh và gần đây nhất là vụ gây ô nhiễm nước sạch sông Đà chỉ xử lý được cá nhân, trong khi pháp nhân thương mại (chủ quản lý nguồn chất thải nguy hại) thì không xử lý được…
Nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn của tội phạm về môi trường
Nguyên nhân và điều kiện
Đất nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; nhập khẩu máy móc, phương tiện, thiết bị… phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này chưa chặt chẽ, cơ chế không rõ ràng là điều kiện phát sinh vi phạm.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe; cơ sở pháp lý bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng chuyên trách, trong đó có lực lượng Cảnh sát môi trường chưa hoàn chỉnh nên công tác phát hiện, điều tra, xử lý của các lực lượng này chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Do áp lực tăng trưởng kinh tế địa phương, nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả của tội phạm môi trường nên chính quyền một số địa phương, ban ngành kêu gọi đầu tư dàn trải, cấp phép kinh doanh ồ ạt, không quan tâm đến việc thẩm định ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường; chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt, chưa chú trọng đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường.
Vụ án về môi trường thường liên quan đến nhiều tội danh khác nhau như tội danh về buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hối lộ, tham nhũng(3)… nên phần tội danh về môi trường thường bị xem nhẹ, chưa kiên quyết tập trung điều tra, xử lý. Hậu quả của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường phần lớn không xảy ra ngay mà tích lũy theo thời gian, do vậy trong hoạt động điều tra không xác định rõ tính chất, mức độ nguy hiểm, không đánh giá đầy đủ thiệt hại gây ra nên thường chỉ xử lý bằng các biện pháp nhẹ (xử lý hành chính, cảnh cáo, nhắc nhở) không đủ mức độ răn đe và phòng ngừa tái phạm.
Phương thức và thủ đoạn
Hoạt động của tội phạm môi trường thường diễn ra khá phức tạp và hành vi phạm tội thường có sự chuẩn bị trước; người phạm tội có kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; tội phạm thường câu kết với một số cán bộ thoái hóa trong cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để được che chở, lách luật hoặc tìm cách cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường và cơ quan chức năng. Nghiêm trọng hơn là sự câu kết giữa tội phạm môi trường trong nước với cá nhân, tổ chức ở nước ngoài tìm mọi kẽ hở của pháp luật và sơ hở trong công tác quản lý để nhập khẩu vào nước ta công nghệ, thiết bị lạc hậu; phế liệu có lẫn chất thải độc hại, dần biến nước ta thành bãi rác thải công nghiệp của các nước phát triển (trong lĩnh vực xuất nhập khẩu)(4).
Hậu quả do tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường gây ra không xác định mức độ được ngay mà có tính tích lũy theo thời gian. Do đó các cơ quan thực thi pháp luật thường có tâm lý chủ quan, xem nhẹ, thiếu quyết liệt trong đấu tranh, xử lý. Quá trình điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, các cơ quan chức năng thường bị nhiều yếu tố tác động, thậm chí bị đối tượng vi phạm cản trở bằng thủ đoạn như thông qua các hội nghề nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng để bao biện, do đó rất khó khăn cho công tác xử lý.
Trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, các đối tượng lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất” và sơ hở trong công tác kiểm tra, giám sát, làm giả giấy tờ các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, sử dụng “thủ đoạn trá hình” như kê khai hải quan gian dối hoặc kê khai hàng miễn kiểm, nguyên liệu sản xuất, thiết bị chuyển giao công nghệ, dự án phát triển kinh tế…, câu kết với các tổ chức nước ngoài để đối phó với cơ quan chức năng Việt Nam, khi bị phát hiện thì khai là “gửi nhầm hàng” và xin được chuyển trả…
Trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, bảo vệ rừng, lợi dụng việc giải phóng mặt bằng, các dự án tái định cư, phát quang biên giới, chuyển đổi “rừng nghèo” trồng cao su… trong điều kiện địa bàn rộng, hiểm trở, lực lượng quản lý lỏng lẻo để hoạt động khai thác vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng, khai thác khoáng sản trái phép… Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khi lập dự án, doanh nghiệp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại để tránh bị giám sát, kiểm tra và quan trắc môi trường định kỳ; không đầu tư vốn để xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải; có hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó khi có thanh tra, kiểm tra.
Trong lĩnh vực y tế, lợi dụng những kẽ hở trong các văn bản quy định về công tác quản lý chất thải y tế, sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan chức năng, một số bệnh viện hoặc cán bộ, nhân viên bệnh viện thu gom chất thải để bán cho tư thương nhằm thu lợi nhuận. Trong hoạt động dịch vụ xử lý chất thải, các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với các đối tượng không có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, hoặc có chức năng nhưng do không kiểm tra giám sát nên đã sử dụng phương tiện vận chuyển không chuyên dụng, không xử lý, phân loại chất thải sau khi thu gom, chôn lấp xuống đất không đúng quy trình, chôn lẫn rác thải nguy hại với rác thải thông thường…
Dự báo xu hướng vận động của tội phạm về môi trường
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tội phạm môi trường đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Trên một số địa bàn, lĩnh vực, hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, có thể dự báo được xu hướng vận động của tội phạm về môi trường được thể hiện ở một số khía cạnh như sau:
Thứ nhất, TPMT trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, gia tăng, ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực môi trường
TPMT được EIA đánh giá là một trong những hình thức tội phạm thu lợi nhuận lớn nhất, lên tới hàng chục tỉ đô la mỗi năm. Sự gia tăng đột biến của TPMT cũng do đặc thù của loại tội phạm này không giống như những tội phạm bạo lực khác, các giao dịch cũng như hành vi nguy hiểm cho xã hội thường bị nhầm tưởng và đánh giá thấp hậu quả ảnh hưởng tới xã hội của nó(5).
Các lĩnh vực mà các TPMT đã và đang tác động đến đó là: lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị; lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề; lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại; lĩnh vực môi trường y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm… Qua thực tiễn cho thấy, các loại tội phạm này diễn ra ngày càng có tính phổ biến, khó nhận biết và kiểm soát nhưng hậu quả lại tác động xấu rất lớn đến môi trường.
Trong những năm tới, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái đất, tài nguyên nước, môi trường biển… tiếp tục là vấn đề mang tính toàn cầu, làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế – xã hội trên toàn thế giới, trở thành một trong những thác thức lớn nhất. Các TPMT ngày càng đa dạng, nhất là trong các lĩnh vực ô nhiễm hóa chất và kim loại nặng, ô nhiễm chất thải điện tử, ô nhiễm không khí do biến đổi khí hậu… sẽ hình thành những TPMT mới, mang tính quốc tế cần phải phòng ngừa.
Thứ hai, các tội phạm về môi trường tại Việt Nam có tính chất ngày càng tinh vi, khó phát hiện
Tính ẩn của TPMT khiến nó dường như khó phát hiện hơn các loại tội phạm khác, vì về bản chất, tội phạm có xu hướng chung là che giấu hành vi vi phạm pháp luật của mình(6).
Tính chất tinh vi, khó phát hiện của TPMT tại Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, nó có thể bị che giấu thông qua các hình thức hợp pháp, ví dụ giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép nhập khẩu hàng hóa, hồ sơ hải quan giả mạo cũng như việc cấu kết giữa người phạm tội với người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thông qua các hành vi tham nhũng. Yếu tố tham nhũng có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến TPMT phát triển tinh vi và khó phát hiện. Bởi người có thẩm quyền có thể ngăn chặn thông tin, sự thật và che giấu mức độ phạm tội của TPMT trong khi nếu đánh giá đúng, có thể giải quyết hiệu quả hoặc ngăn chặn tội phạm hình thành. Không xử lý được TPMT, các đối tượng phạm tội càng thu được lợi nhuận lớn, càng gia tăng sự giàu có và tiếp tục sử dụng tiền phi pháp để mua chuộc, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật môi trường.
Báo cáo của Interpol và Liên hợp quốc tại 70 quốc gia trên thế giới đã tập trung vào liên kết TPMT toàn cầu có trị giá lên tới 258 tỉ đô la hàng năm với các loại tội phạm khác đã chỉ ra rằng: 60% quốc gia cho thấy TPMT mới phát sinh và ngày càng tinh vi với những phương thức hiện đại, có sự liên kết xuyên quốc gia; 84% các quốc gia được khảo sát trong báo cáo cho thấy TPMT có mối quan hệ với tội phạm nghiêm trọng khác như tham nhũng, giả mạo, ma túy, tội phạm mạng và tội phạm tài chính(7). Tại nhiều quốc gia đang phát triển ở Châu Phi và Châu Á, do nhu cầu kinh tế, nhiều người dân đã tham gia vào đường dây TPMT để khai thác tài nguyên một cách trái phép(8). Những điển hình mà báo cáo này nêu ra cũng là những vấn đề mà Việt Nam sẽ phải đối mặt. Với tình hình TPMT có liên kết với những tội phạm nghiêm trọng khác, nhất là tham nhũng, cho thấy tình hình TPMT ngày càng phức tạp và tinh vi, với những thủ đoạn và sự lôi kéo thông qua các nguồn lợi bất chính khổng lồ. Điều này cảnh báo, nếu không có những phương thức đa ngành và kiên quyết, thì sẽ khó có thể đấu tranh phòng, chống TPMT hiệu quả.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình TPMT tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và phương thức, thủ đoạn phạm tội. Tình trạng trên đây sẽ là những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường ở nước ta, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Trong điều kiện hệ thống pháp luật vẫn đang được sửa đổi, bổ sung sẽ có những sơ hở hoặc khoảng trống pháp lý mà các đối tượng lợi dụng thực hiện, che giấu các hành vi vi phạm.
Thứ ba, các tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng và Việt Nam trở thành nước trung chuyển của một số loại TPMT xuyên quốc gia
Trong những năm gần đây, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước ta đã cởi mở và tạo điều kiện hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đề đầu tư, du lịch, kinh doanh… Bên cạnh yếu tố tích cực như thúc đẩy các nguồn lực kinh tế để xây dựng và phát triển đất nước, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng với tính chất nghiêm trọng và phức tạp, trong đó có TPMT(9). Ngoài ra, theo đánh giá của EIA, TPMT có bản chất là xuyên biên giới và trở thành các tập toàn tội phạm quốc tế. Trong thời đại tự do thương mại toàn cầu, giao tiếp có nhiều phương thức dễ dàng và dễ dàng vận chuyển hàng hóa, tiền bạc, càng tạo điều kiện cho các nhóm TPMT hoạt động(10). Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng không tránh khỏi những sự tác động này khiến tình hình TPMT mang tính quốc tế tăng lên. TPMT có yếu tố nước ngoài thể hiện ở một số lĩnh vực sau: xử lý chất thải công nghiệp; nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, phế liệu; buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm; khai thác khoáng sản.
Thứ tư, xu hướng toàn cầu hóa tác động đến lĩnh vực bảo vệ môi trường và tình hình TPMT
Không phải bây giờ các nhà nghiên cứu mới cảnh báo về mặt trái của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu trong thế giới hiện đại mà không quốc gia nào có thể nằm ngoài sự vận động đó. Toàn cầu hóa kéo theo một chuỗi phản ứng tiêu cực, đó là sự di tản của các công ty đa quốc gia nơi nền kinh tế phát triển, quy định về môi trường ngặt nghèo tới các quốc gia đang phát triển với nhân công rẻ, pháp luật bảo vệ môi trường còn lỏng lẻo. Đó là hệ quả của toàn cầu hóa, cái giá phải trả cho những quốc gia đánh đổi để phát triển kinh tế trước mắt là môi trường bị hủy hoại. Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu, song mang lại cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thế giới ngày càng có tính liên kết, liên tác động bởi các bệnh dịch, thương mại, chủ nghĩa khủng bố, du lịch, di cư, truyền thông, internet, và cả nạn ô nhiễm – trong đó có vấn đề khí nhà kính và sự biến đổi môi trường toàn cầu, kết quả là sự liên kết về các vấn đề sức khỏe, sự sống và rủi ro môi trường cần được chung tay dự báo và khắc phục.
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy được xu hướng vận động của TPMT trong thời gian tới tập trung vào các vấn đề sau: i) TPMT sẽ tăng cao, nhiều hành vi xâm phạm môi trường mới xuất hiện với sự tinh vi, khó đánh giá hành vi nguy hiểm cho xã hội, cho môi trường cũng như hậu quả nguy hiểm của nó; ii) tội phạm môi về trường quốc tế (hay TPMT xuyên quốc gia) sẽ hình thành các đường dây chuyên nghiệp và rõ nét hơn, với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài; iii) TPMT trong nước sẽ phức tạp hơn, nhất là với các pháp nhân thương mại, tổ chức khác liên quan đến thể chế chính sách của Nhà nước.
Có thể thấy, TPMT được nhìn nhận trên phương diện là tội phạm phi truyền thống, loại tội phạm mới khó nhận diện, khó kiểm soát vì tính chất, diễn biến phức tạp, kéo dài có tính liên vùng, liên lãnh thổ. Chính vì vậy, dự báo được tình hình về TPMT và xu hướng vận động của TPMT đã phần nào kiểm soát được sự gia tăng của loại tội phạm mới – phi truyền thống nhưng đặt ra những thách thức lớn trong thời gian tới trong công tác phòng ngừa và xử lý.
(1) Cục Cảnh sát phòng chống TPMT, Báo cáo tổng kết công tác, phòng chống TPMT năm 2015 đến năm 2020. (2) Tòa án nhân dân tối cao, Vụ Thống kê (2019), Thống kê xét xử các vụ án về môi trường từ năm 2009 đến năm 2020. (3) Cục Cảnh sát phòng chống TPMT, Báo cáo tổng kết công tác, phòng chống TPMT từ năm 2015 đến năm 2020. (4) Ngô Ngọc Diễm & Trần Thị Hoài Anh (2016), “Bàn về tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại trong Bộ luật Hình sự năm 2015”, Tạp chí Tòa án nhân dân, tr 1-5. (5) Stettan Barrett (2017), “Disrupting environmental crime at the local level: an operational perspective”, Human Social Sciences, Vol3, (2), pp.7-10. (6) Võ Khánh Vinh (2013), Giáo trình tội phạm học, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr 45. (7) EPA, USEPA, Environmental protection and environmental crimes, America (8) Cong Ma (2014), Problems of Chinese Environmental Criminal Law and Its Developing Trend, International Conference on Global Economy, Commerce and Service Science (GECSS 2014), p. 182-187. (9) Ngô Ngọc Diễm (2019), “Tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài – Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa và biện pháp xử lý”, Tạp chí Công thương, tr. 27-31. (10) Stettan Barrett (2017), “Disrupting environmental crime at the local level: an operational perspective”, Human Social Sciences, Vol3, (2), p.7-10. |
NGÔ NGỌC DIỄM – NGUYỄN THỊ MINH NHẬT
Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư Hà Nội