Cùng trẻ vị thành niên bỏ nhà đi có vi phạm pháp luật không?


Hỏi: Tôi 26 tuổi có người yêu 12 tuổi. Người yêu tôi bỏ nhà đi và rủ tôi đi cùng. Phát hiện sự việc, gia đình người yêu đã kiện tôi. Tôi chưa quan hệ tình dục với người yêu. Vậy tôi có tội không và mức án như thế nào?

Nội dung tư vấn:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Hiện nay, pháp luật hiện hành không có quy định nào về độ tuổi được yêu. Tuy nhiên, pháp luật lại có những quy định nghiêm khắc nhằm bảo vệ trẻ em.

Điều 325 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp. Cụ thể:

“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa; 

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa; 

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp…”

Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội  hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.…….”.

Điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/20/2013 quy định xử phạt hành chính đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi như sau:

 “1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống; b) Lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.

Đối chiếu các quy định vừa trích dẫn ở trên với trường hợp trên thì hành vi  phải thỏa mãn các điều sau thì bị coi là phạm pháp: có hành vi dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp người chưa thành niên; mục đích của hành vi đó lôi kéo họ thực hiện hành vi phạm tội hoặc sống sa đọa.

Trong trường hợp của bạn, nếu bạn không có bất kỳ hành vi lôi kéo dụ dỗ nào; người yêu của bạn  cũng không thực hiện hành vi phạm tội hoặc bạn không có những hành vi phạm tội với cô gái đó (đánh đập, hiếp dâm…) thì bạn không phạm tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp.

Như vậy, nếu bạn không có hành vi dụ dỗ, lôi kéo mà hoàn toàn do bạn gái đó tự nguyện đi cùng bạn thì bạn sẽ không phạm tội.

 Vi Sa – Công ty luật TNHH ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *