PHẠM VI ĐẠI DIỆN THEO UỶ QUYỀN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ


Đặt vấn đề: Trong thực tiễn xét xử các vụ việc dân sự những năm qua, sự tham gia tố tụng dân sự của người đại diện theo uỷ quyền có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cũng như việc làm rõ sự thật của vụ việc dân sự, ngày càng chứng tỏ là một trong những thành phần không thể thiếu trong tố tụng dân sự…Chế định đại diện theo uỷ quyền cũng đã và đang khẳng định ý nghĩa, vai trò của mình trong hệ thống pháp luật tố tụng dân sự. Việc xác định, hoàn thiện các quy định pháp luật về phạm vi đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, với tư cách là người tham gia tố tụng dân sự, hoạt động của người đại diện cho đương sự có tác động không chỉ đến hoạt động của những người tham gia tố tụng khác, mà còn tác động đến cả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự, góp phần thúc đẩy sự dân chủ, tiến bộ của xã hội, hoàn thiện và bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa

Khái niệm đại diện và đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS): Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân ( người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Đại diện là một quan hệ pháp luật, chủ thể của quan hệ đại diện bao gồm người đại diện và người được đại diện. Người đại diện nhân danh người được đại diện xác lập quan hệ các giao dịch dân sự với người thứ ba, vì lợi ích của người được đại diện. Người được đại diện trong trường hợp này sẽ là người tiếp nhận các hậu quả pháp lý từ quan hệ do người đại diện xác lập, thực hiện đúng thẩm quyền từ đại diện.

Trong tố tụng dân sự, người đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa bên đại diện và bên được đại diện thông qua văn bản uỷ quyền, theo đó bên đại diện nhân danh vì quyền lợi của bên được đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng trong phạm vi uỷ quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bên được đại diện.

Đặc điểm của đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự 

Trước tiên, đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự có đầy đủ các đặc điểm của đại diện theo ủy quyền trong quan hệ dân sự và những đặc điểm riêng trong quan hệ tố tụng dân sự, cụ thể:

      Thứ nhất, quan hệ đại diện theo uỷ quyền được hình thành do thỏa thuận giữa bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền. Đây là cơ sở để người đại diện theo uỷ quyền tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự để bảo vệ quyền lợi cho bên mà mình đại diện.

Thứ hai, bên đại diện theo uỷ quyền nhân danh bên được đại diện tham gia vào quá trình tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên được đại diện.

Thứ ba, việc đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự bị giới hạn bởi nội dung, phạm vi ủy quyền theo thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật.

 Quy định pháp luật hiện hành về phạm vi ủy quyền trong TTDS

Phạm vi ủy quyền chính là phạm vi đại diện được quy định tại Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2015. Phạm vi đại diện ủy quyền là giới hạn ủy quyền mà các bên thỏa thuận với nhau. Các bên thực hiện công việc cũng như quyền và nghĩa vụ trong giới hạn đã được thỏa thuận trước. Mọi hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng giới hạn đều phát sinh những hậu quả pháp lý mà một trong các bên phải gánh chịu.

Người đại diện theo uỷ quyền chỉ được thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo nội dung uỷ quyền, nếu thực hiện hành vi vượt quá phạm vi uỷ quyền thì phải tự chịu trách nhiệm về phần vượt quá đó. Nếu người đại diện theo ủy quyền của đương sự xác lập, thực hiện các giao dịch vượt quá phạm vi đại diện thì sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện theo ủy quyền đồng ý hoặc biết mà không phản đối. Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng trong các loại việc, nhưng đối với việc ly hôn thì đương sự không đương ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình. Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Theo quy định tại Điều 563 Bộ luật dân sự năm 2015). Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng trong các loại việc, nhưng đối với việc ly hôn thì đương sự không đương ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng 

Những bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành về phạm vi ủy quyền trong TTDS.

        Thực tiễn tố tụng tại Tòa án cho thấy việc thực hiện quy định này cũng còn nhiều bất cập và khó khăn, vướng mắc như vướng mắc, bất cập trong việc xác định phạm vi ủy quyền và đảm bảo quyền của người đại diện ủy quyền trong tố tụng dân sự.

   Trên thực tế, hiện tượng người đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền nhưng Tòa án vẫn chấp nhận vẫn còn tồn tại. Các trường hợp vượt quá thẩm quyền đại diện diễn ra khá phổ biến hơn, do phạm vi thẩm quyền rất rộng, có thể bao gồm các hành vi thuộc quyền sở hữu của người được đại diện, thời hạn đại diện, giá cả, phương thức thanh toán trong hợp đồng giao kết với bên thứ ba, phạm vi ủy quyền đại diện tham gia tố tụng…Ví dụ là thực tiễn tại vụ án tranh chấp quyền sở hữu ghe đánh cá theo Quyết định số    17/2003/HĐTP-DS ngày 30/05/2003, theo đó đương sự chỉ uỷ quyền cho người đại diện tham gia tố tụng để lấy lại chiếc ghe, nhưng người đại diện theo ủy quyền lại tự ý bán chiếc ghe với giá rẻ là vượt quá phạm vi uỷ quyền, gây thiệt hại quyền lợi của đương sự. Thực tế khi các bên xác lập phạm vi uỷ quyền toàn bộ thì Toà án có chấp nhận toàn bộ hay chỉ chấp nhận công việc mà người đại diện theo uỷ quyền thực hiện có liên quan đến giải quyết vụ việc. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về phạm vi ủy quyền của đương sự, bổ sung quy định về ủy quyền một phần trong tố tụng dân sự.

Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phạm vi ủy quyền trong TTDS

BLTTDS sửa đổi cần có quy định cụ thể hơn về phạm vi ủy quyền, với việc ủy quyền toàn bộ, tức là việc đương sự ủy quyền cho người khác khi tham gia tố tụng được toàn quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Khi đương sự thực hiện việc ủy quyền một phần, văn bản ủy quyền cần nêu cụ thể các công việc ủy quyền, còn các công việc khác không được thể hiện trong văn bản đương sự có thể trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác. Cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm trong trường hợp vượt quá phạm vi đại diện. Nâng cao chất lượng công tác và nghiệp vụ của các cán bộ, thẩm phán ở Toà án, nâng cao chất lượng của luật sư để thay mặt đương sự bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trên đây là bài viết của tác giả về phạm vi đại diện theo tố tụng dân sự, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
  2. Nguyễn Minh Hằng, Ths,. Giảng viên Học viện Tư pháp “ Đại diện theo uỷ quyền- Từ pháp luật nội dung đến Tố tụng dân sự”.
  3. Trần Thị Hường. “Người đại diện theo ủy quyền của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam.” (2014).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *