“BÁN CHUI” CỔ PHIẾU FLC – ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ


Tóm tắt vụ việc

Vào 17 giờ 45 phút ngày 10/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS từ Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo và công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. 

Điều đáng chú ý, trong một phiên giao dịch ngày 10/01, FLC là điểm nhấn khi ghi nhận kỷ lục cho lịch sử giao dịch của mình là có tới gần 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và tương đương với gần 20% tổng số phiếu lưu hành (710 triệu cổ phiếu) và chiến gần 10 % thanh khoản trên sàn của HOSE trong phiên. Đến chiều tối cùng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện một bảng đăng ký giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết ký ngày 05/01 nhưng không có dấu mộc, với nội dung đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng (thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 10/01 đến ngày 17/01 với mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản, phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh). Tuy nhiên, cho đến ngày giao dịch đầu tiên theo như đăng ký ngày 10/01 và ngày 11/01, trên cổng thông tin HOSE không xuất hiện thông tin.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/01, mã FLC đã giảm hơn 13.3% giá trị, xuống giá sàn còn 19.900 đồng/cổ phiếu sau khi lập đỉnh vào phiên ngày 07/01. Cũng chỉ trong hai phiên ngày 10/01 và 11/01, có tổng cộng gần 290 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao gấp 3-5 lần mức giao dịch hàng ngày của mã này, đồng thời chiếm gần 41% lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp đang lưu hành. 

Cùng với đó, ông Quyết đã gửi đơn giải trình tới SSC, HOSE với nội dung, trước khi đi công tác, ông có giao cho bộ phận thư ký thông báo đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu từ ngày 10/01 đến ngày 17/01 cho bộ phận phụ trách công bố thông tin của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Nhưng do bộ phận thư ký sơ suất trong quá trình xử lý công việc nên đã quên không gửi thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC cho ông sở hữu đúng quy định.

Bộ Tài Chính đã ban hành Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) bắt đầu từ ngày 11/1/2022. Thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.

Tới tối 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết sẽ hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trong ngày 10/1/2022.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch tập đoàn đã “bán chui” cổ phiếu FLC

Bình luận

Vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” cổ phiếu với tổng là 57 triệu cổ phiếu nhưng không công bố trước theo quy định. Khi đó, SSC đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông là 65 triệu đồng đối với vi phạm đó. Đồng thời, tại thời điểm đó, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS – do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch Hội đồng Quản trị) cũng bị phạt số tiền là 130 triệu đồng vì hành vi dự kiến bán hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản AMD Group (AMD) nhưng không báo cáo. Mức phạt hành chính này là quá ít so với số lãi thu được.

Có thể thấy, hành vi lặp lại việc “âm thầm bán tháo không báo cáo” của ông Quyết đã làm cho thị trường chứng khoán trở nên điên đảo, tạo thành cú sốc và gây nguy hại lớn đến thị trường chứng khoán mặc dù hiện nay thị trường chứng khoán đang trên đà phát triển tốt. Ngoài ra, hành vi của ông Quyết còn gây ảnh hưởng lớn đến ban lãnh đạo FLC, tác động tiêu cực đến bản thân cổ phiếu của FLC và hàng hóa của thị trường chứng khoán.

Mặt khác, hành vi đó còn vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán – nguyên tắc cơ bản, đầu tiên của việc công bố thông tin của các đối tượng công bố thông tin. Nguyên tắc này yêu cầu các đối tượng công bố thông tin phải tôn trọng tính trung thực vốn có của thông tin, không xuyên tạc, bóp méo thông tin công bố, hoặc có những hành vi cố ý gây hiểu nhầm thông tin. Các thông tin được công bộ từ tổ chức thực hiện công bố thông tin là căn cứ để các nhà đầu tư ra quyết định mua bán chứng khoán trên thị trường, là một trong những vấn đề cơ bản đảm bảo sự công bằng trong việc hình thành giá cổ phiếu. Qua đó, hành vi của ông Quyết đã gây tác động mạnh mẽ đến niềm tin của các nhà đầu tư (điểm quyết định sự tồn tại của thị trường chứng khoán). 

Ông Trịnh Văn Quyết có thể bị xử lý hình sự về hành vi “bán chui” cổ phiếu FLC.

Chính bởi hành vi của mình, đi kèm với các hậu quả xảy ra trên thực tế, theo quy định tại Nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, ông Quyết có thể bị xử phạt hành chính từ 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng; và đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng và tịch thu tang vật, công cụ vi phạm. Tuy nhiên, với hành vi tái phạm của ông Quyết thì mức phạt đó chưa đủ sức răn đe và ngăn ngừa những vi phạm tiếp theo của ông với hậu quả gây ra nghiêm trọng như đã đề cập ở trên. 

Ngoài ra, ông Quyết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, cố ý công bố sai thông tin và cố ý che đậy thông tin. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán tại Điều 209 thì người nào cố ý che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu lý, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán khi gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ năm trăm triệu đến 1 tỷ đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ một đến năm trăm triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đối với hành vi thu lợi bất chính từ 01 tỷ đồng trở lên, tái phạm nguy hiểm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ năm trăm triệu đồng đến 02 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết thì có thể bị phạt tiền tối đa 02 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Công ty luật TNHH ThinkSmart


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *