Dấu hiệu định tội, định khung đối với Tội Hủy hoại rừng trong Pháp luật Hình sự Việt Nam


Ngô Ngọc Diễm

Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chuyên gia tư vấn pháp luật – Công ty luật ThinkSmart

Đặt vấn đề: Từ xưa đến nay, rừng được xem là lá phổi của thiên nhiên, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giữ cân bằng sinh thái, môi trường, ổn định khí hậu toàn cầu, góp phần ngăn chặn, hạn chế hậu quả khốc liệt do thiên tai gây ra. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình trạng lũ lụt xảy ra thường xuyên, thiệt hại về người và tài sản là vô cùng nghiêm trọng phần lớn do tác động của việc khai thác, chặt, đốt phá và đặc biệt là hành vi hủy hoại rừng đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp. Để ngăn chặn, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã khởi tố vụ án hình sự nhưng tình trạng hủy hoại rừng tuy giảm nhưng tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Bài viết tập trung phân tích dấu hiệu định tội, định khung đối với tội hủy hoại rừng được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 (BLHS) và một số khuyến nghị đối với việc quy định và áp dụng đối với tội danh này.

Từ khóa: hủy hoại rừng, dấu hiệu định tội, định khung, môi trường, Bộ luật hình sự 2015.

Question: Since ancient times, forests have been considered as the lungs of nature, playing an extremely important role in climate regulation, keeping ecological and environmental balance, stabilizing the global climate, contributing to climate change, be a part of preventing and limiting the severe consequences caused by natural disasters. In fact, in recent years, floods have occurred frequently, and human and property damage is extremely serious, largely due to the impact of mining, cutting, arson and especially the Forest destruction has been taking place more and more complicatedly. To prevent, many local authorities have prosecuted criminal cases, but the destruction of forests has not decreased. On the occasion of the Lawyer Electronic Magazine on June 25, 2021, there was an announcement “Prosecuting the case of ‘Destruction of the forest’ in the Thi Vai mountain area, Ba Ria – Vung Tau”, the author of the article focused on analyzing the signs. The crime of forest destruction is defined in the Penal Code 2015 and some recommendations are made for the regulation and application of this crime.

Keywords: forest destruction, sings of crime, framing, environment, Penal Code 2015

1. Khái niệm tội hủy hoại rừng

Hành vi hủy hoại rừng được coi là tội phạm khi xâm phạm các qui định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể là xâm phạm các qui định về bảo vệ rừng của Nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm là các loại thực vật, thảm thực vật, các loại sinh vật trong môi trường sinh thái là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Hủy hoại rừng là một trong các tội phạm về môi trường, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:“1. Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên; 2. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu”[1]. Do đó, để hiểu được khái niệm thế nào là tội hủy hoại rừng thì cần hiểu khái niệm “rừng” và “hủy hoại rừng”. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định: “Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng”. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học[2] thì “hủy hoại” có nghĩa là làm cho hư hỏng đi, phá đi, cho tan nát. Như vậy,“hủy hoại rừng” là hành vi cố ý làm cho nguồn tài nguyên rừng, cây rừng bị hủy hoại, bị chết hàng loạt. Hành vi hủy hoại rừng là những hành vi cố ý đốt, phá rừng trái phép hoặc có những hành vi khác làm cho rừng bị tan nát, bị hư hỏng, bị diệt phá và cây rừng bị chết hàng loạt[3], làm cho diện tích rừng và giá trị lâm sản bị thiệt hại.


[1] Khoản 1,2 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quốc hội 14

[2] Viện ngôn ngữ học (2002) Từ điển Tiếng Việt, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, tr.416.

[3] Đào Bội Nhân (2017) Tội hủy hoại rừng theo Luật Hình sự Việt Nam từ thực tiễn huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, tr.7.


Từ những phân tích nhận định trên, thiết nghĩ cần phải có nhận thức chung nhất về hành vi hủy hoại rừng để đưa ra khái niệm về tội hủy hoại rừng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện có lỗi, xâm hại tài nguyên rừng làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc làm suy giảm đáng kể giá trị của rừng.

Qua khái niệm nêu trên có thể thấy những nội dung bao hàm trong khái niệm tội hủy hoại rừng gồm: Là tội phạm được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi khách quan hủy hoại rừng (đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác), chủ thể thực hiện tội phạm có lỗi và gây thiệt hại về rừng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).

2. Dấu hiệu định tội

Về dấu hiệu chủ thể

Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường và theo Điều 12 của BLHS năm 2015 là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS. Lưu ý, người chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ rừng nếu có hành vi hủy hoại rừng do mình được giao chăm sóc, quản lý, bảo vệ thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Trong trường hợp “Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e” khoản 1, dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” được xác định là một dấu hiệu định tội.

Pháp nhân thương mại cũng có thể trở thành chủ thể của tội hủy hoại rừng.

Về dấu hiệu hành vi khách quan

Theo quy định tại khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015 thì hành vi hủy hoại rừng trong cấu thành tội phạm gồm:

Thứ nhất, các hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng. Theo quy định tại các tiểu mục 3.1, 3.2, 3.3, mục 3, phần IV Thông tư 19/2007/TTLT thì: Đốt rừng trái phép là hành vi cố ý làm cháy rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được người hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Phá rừng trái phép là chặt phá rừng, ken cây và các hành vi khác trái pháp luật làm cho cây rừng bị chết với bất kỳ mục đích gì. Hành vi khác hủy hoại rừng là đào bới, nổ mìn, san ủi, đào, đắp ngăn nước thủy triều, tháo nước hoặc xả chất độc hại vào rừng trái pháp luật… làm cho cây rừng bị chết hàng loạt, đất rừng bị ô nhiễm. Các hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng được quy định tại khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015 chỉ bị truy cứu TNHS nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2).

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2). Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: Rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Rừng sản xuất là rừng trồng; Rừng giống gồm rừng trồng và rừng tự nhiên qua bình tuyển, công nhận.

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2). Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2). Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học[4].

+ Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích.

+ Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.


[4] Quốc hội (2004) Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.


Thứ hai, diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm nêu trên nhưng đã bị XPVPHC về một trong các hành vi quy định tại Điều 243 hoặc đã bị kết án về tội hủy hoại rừng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Trường hợp đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ… thì bị xử lý như sau: Nếu chủ rừng đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thì bị truy cứu TNHS theo Điều 243 BLHS. Nếu người đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XVI – Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS[5]. Về cơ bản mặt khách quan của tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 189 BLHS năm 1999 và Điều 243 BLHS năm 2015 là giống nhau như: Hành vi khách quan là các hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng.


[5] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao (2007) Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số Điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, ban hành ngày 08/3/2007, tr.8, Hà Nội.


Về dấu hiệu hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thì tội hủy hoại rừng là tội có cấu thành vật chất. Diện tích cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 m2 đến dưới 50.000 m2, diện tích rừng sản xuất bị huỷ hoại từ trên 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2, diện tích rừng phòng hộ bị huỷ hoại từ trên 3.000 m2 đến dưới 7.000 m2, diện tích rừng đặc dụng bị huỷ hoại có diện tích từ trên 1.000 m2 đến dưới 3.000 m2, gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu.

Thứ ba, hành vi khác hủy hoại rừng: Đây là những hành vi không phải là đốt, phá rừng nhưng cũng có thể là hủy hoại rừng như đào, bới, nổ mìn, san ủi, đào, đắp ngăn nước thủy triều, tháo nước hoặc xả chất độc hại vào rừng trái pháp luật…làm cho cây rừng bị chết hàng loạt, đất rừng bị ô nhiễm[6].


[6] Tiểu mục 3.2, mục 3 phần IV thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 8/3/2007, hướng dẫn áp dụng một số Điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.


Dấu hiệu nhân thân thay thế cho dấu hiệu hậu quả của tội phạm: Chủ thể thực hiện hành vi đã bị “xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích” về hành vi này đã thực hiện trước đó mà không phụ thuộc vào dạng hành vi trong trường hợp diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 243 thì vẫn bị truy cứu TNHS, đây là quy định mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

Về dấu hiệu lỗi của tội phạm

Đối với tội hủy hoại rừng, lỗi của người phạm tội này là lỗi cố ý. Chủ thể (cá nhân hoặc pháp nhân thương mại) thực hiện hành vi phạm tội này là cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp), chủ thể phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Điều này thể hiện ở tên tội danh “hủy hoại” và trong cách diễn đạt của điều luật. Khái niệm “hủy hoại” đã chứa đựng ý thức chủ quan của người có hành vi đốt, phá rừng. Cũng tương tự như tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, nhà làm luật chỉ quy định cố ý làm hư hỏng chứ không quy định cố ý hủy hoại. Do đó đối với các trường hợp vi phạm về phòng cháy, chữa cháy hoặc vô ý gây cháy rừng chỉ có thể bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định tại Điều 232 BLHS năm 2015 chứ không thể truy cứu TNHS về tội hủy hoại rừng.

Như vậy, so với BLHS năm 1999, tội hủy hoại rừng trong BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung, các quy định như dấu hiệu định tội “gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại khoản 1 Điều 189 BLHS năm 1999 đã được cụ thể hoá bằng những dấu hiệu thiệt hại về diện tích rừng bị đốt, phá trái phép hoặc bị huỷ hoại. Đối với trường hợp, thiệt hại không được tính bằng diện tích thì được cụ thể hoá bằng thiệt hại về trị giá lâm sản hoặc trị giá của các loại thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA như quy định tại khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015. Bên cạnh đó, một phần tội phạm được quy định tại điều này đã được chuyển thành tội phạm hình thức thay điều kiện xử lý hình sự về hậu quả đối với các hành vi huỷ hoại rừng bằng các quy định cụ thể về định lượng theo diện tích rừng bị huỷ hoại với các mức khác nhau.

3. Dấu hiệu định khung

Đối với tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 BLHS năm 2015, bên cạnh khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 thì có hai khung hình phạt tăng nặng được ghi nhận tại khoản 2 và khoản 3 Điều 243 BLHS năm 2015. Để làm rõ dấu hiệu định khung tăng nặng, cần phải làm sáng tỏ một số tình tiết định khung tăng nặng đặc biệt bên cạnh những tình tiết định khung quy định về diện tích rừng bị hủy hoại và giá trị lâm sản bị gây thiệt hại được quy định tại khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 243 BLHS thì khung hình phạt này là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, áp dụng cho các trường hợp:

Tình tiết “Có tổ chức” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 243, hiện nay pháp luật hình sự về tội hủy hoại rừng chưa có giải thích, hướng dẫn cho tình tiết này. Tuy nhiên, thông qua các quy định khác trong BLHS như tại khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015 quy định:“Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm” và theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02-/HĐTP/NQ ngày 16/11/1988 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02- HĐTP ngày 05/01/1986 thì phạm tội có tổ chức được giải thích là phải có từ hai người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội và có sự nhất trí của những người cùng thực hiện tội phạm, phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm như những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như: Đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội; hoặc những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước; hoặc những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện và có khi chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm[7]. Khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015 xây dựng tình tiết định khung hình phạt tăng nặng cho tình tiết “Có tổ chức” với khung hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, là nhằm răn đe, trừng trị nghiêm khắc những người có hành vi hủy hoại rừng. Bởi lẽ, phạm tội có tổ chức thì tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như hậu quả gây ra là rất lớn.


[7] Hội đồng Thẩm phán TANDTC (1988) Nghị quyết số 02/HĐTP/NQ ngày 16/11/1988 về hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02-HĐTP, ban hành ngày 05/01/1986, tr.1-2, Hà Nội.


Tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015.

+ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản mà sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 243, nghĩa là dựa vào quyền năng do chức vụ, quyền hạn mang lại để thực hiện hành vi phạm tội. Người có chức vụ, quyền hạn là người được tuyển dụng bằng hình thức hợp đồng hoặc được bổ nhiệm, điều động hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nắm giữ chức vụ cụ thể và gắn liền với chức vụ là quyền hạn cụ thể do Nhà nước quy định. Theo tác giả Đinh Văn Quế thì nếu những người này, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hủy hoại rừng thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ để phạm tội. Nếu có chức vụ, quyền hạn nhưng lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hủy hoại rừng thì không gọi là lợi dụng chức vụ[8]. Thông qua việc nắm giữ chức vụ đó, người có hành vi phạm tội đã lợi dụng chức vụ thực hiện quyền hạn trái với quy định. Như vậy, trong trường hợp này chức vụ, quyền hạn đã được người phạm tội sử dụng như một phương tiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm.


[8] Đinh Văn Quế (2005) Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự – Phần các tội phạm, Tập VIII, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, tr.200-201.


+ “Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” là hành vi của người hiện đang là thành viên của cơ quan, tổ chức đó. Thông qua việc cơ quan tổ chức đang thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn luật định mà người này có hành vi lấy danh nghĩa cơ quan tổ chức đó để thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích cá nhân, làm người khác hiểu nhầm là người này đang thực hiện quyền hạn cho cơ quan, tổ chức. BLHS năm 2015 quy định đây là một dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bởi vì những người nắm giữ những chức vụ, có những quyền hạn trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng như trong việc hoạch định chính sách đầu tư, trồng rừng, chăm sóc rừng; quản lý quy hoạch rừng, giao đất trồng rừng… nên có quyền năng trong việc chi phối, quyết định đến việc phát triển và bảo vệ rừng. Đồng thời, có khả năng biết được những kế hoạch, chính sách phát triển và bảo vệ rừng, có tính nguy hiểm cao hơn so với các trường hợp bình thường.

Tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015, theo quy định tại Điều 53 BLHS năm 2015 thì trường hợp được coi là tái phạm nguy hiểm gồm: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung mới hoàn toàn so với khoản 2 Điều 189 BLHS năm 1999 là đã xây dựng thêm các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i; đây chính là các tình tiết thuộc các tình tiết “Hủy hoại diện tích rừng rất lớn”, “Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 189 BLHS năm 1999 nhưng BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết không còn phụ thuộc vào Thông tư 19/2007/TTLT theo các căn cứ định tội định khung: “Tái phạm nguy hiểm” – lần đầu tiên quy định trong tội hủy hoại rừng; diện tích rừng bị thiệt hại; giá trị lâm sản bị thiệt hại. Khoản 3 Điều 189 BLHS năm 1999 quy định 03 tình tiết định khung tăng nặng như “Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn”, “Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và 03 tình tiết định khung tăng nặng này Điều 189 BLHS năm 1999 chưa có quy định cụ thể, mà phải nghiên cứu tại mục 3, phần IV Thông tư 19/2007/TTLT nhưng cũng chưa hướng dẫn rõ ràng nên gây khó khăn cho hoạt động tiến hành tố tụng trong thực tế.

Khoản 3 Điều 243 BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung mới hoàn toàn các tình tiết định khung tăng nặng như xây dựng mới các điểm a, b, c, d, đ, e; bỏ các tình tiết tiết định khung tăng nặng như “Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn”, “Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”,“Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” như quy định tại khoản 3 Điều 189 BLHS năm 1999. Khoản 3 Điều 243 BLHS năm 2015 căn cứ vào diện tích rừng, giá trị lâm sản bị thiệt hại và thực vật thuộc danh mục quy định để làm căn cứ định tội theo khung tăng nặng, đây là sửa đổi, bổ sung thể hiện kỹ thuật lập pháp cao của BLHS năm 2015, thuận lợi trong quá trình áp dụng luật vào thực tiễn, không phải phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ rừng nói riêng được Đảng và Nhà nước ta ngày càng chú trọng, chính vì vậy hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng diễn ra có chiều hướng thuyên giảm. Theo thống kê của Bộ NN và PTNT – Cục Kiểm lâm, tình hình vi phạm trong bảo vệ rừng tính thời điểm từ năm 2009 đến năm 2020 tổng số vi phạm bị phát hiện là 97.435 vụ, số đối tượng vi phạm là 51.763 đối tượng,. Số vụ xử lý hành chính là 92.183 vụ, số vụ xử lý hình sự là 957 vụ.

Giai đoạnTổng số
vi phạm
Số đối tượng bị xử lýXử lý hành chínhXử lý hình sự
2009 – 201122.6739.59421.320240
2012 – 201419.3899.37717.179145
2015 – 201716.9807.82016.049179
201812.9458.94112.379192
201912.4037.17912.25576
202013.0458.85213.001125
Tổng số97.43551.76392.183957
Thống kê tình hình xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ và phát triển rừng của ngành kiểm lâm từ năm 2009 đến 2020 (Nguồn: Bộ NN và PTNT, Cục Kiểm lâm)

Nhìn vào biểu đồ cho thấy, số vụ việc vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng có chiều hướng năm sau giảm đi so với năm trước nhưng nạn chặt phá rừng ở Việt Nam hiện nay đang trở thành vấn đề hàng đầu cần được giải quyết triệt để. Hiện diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về quy hoạch đât rừng hợp lý, người dân sống ở khu vực xung quanh vẫn có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ, đốn củi một cách thiếu ý thức; quy hoạch rừng để xây dựng thuỷ điện, nhà máy, làm trang trại; bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, nhà cửa để phục vụ cho việc di canh di cư; do sự tham gia, câu kết của cán bộ kiểm lâm với lâm tặc chuyên chặt phá cây rừng. Có thể thấy, tình trạng này chiếm phần lớn tỷ lệ cây rừng bị chặt phá ở nước ta hiện nay. Thực tế, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam đang ngày càng suy giảm nhanh với tốc độ chóng mặt. Nhất là độ che phủ rừng ở khu vực miền Trung. Độ che phủ ở nước ta hiện còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012 -2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật mất chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Năm 2019, riêng phá rừng đã phát hiện 1.179 vụ, tăng trên 16% so với năm 2018[9].


[9] Góc nhìn đại biểu: giải pháp nào cho vấn nạn phá rừng? https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=44130, truy cập lúc 22h ngày 14/7/2021


4. Những vấn đề cần đặt ra đối với việc qui định tội hủy hoại rừng

Mặc dù, BLHS năm 2015 đã đáp ứng được những yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới của đất nước, phần nào đã khắc phục được những vướng mắc, hạn chế của BLHS năm 1999 trong đó có tội hủy hoại rừng. Tuy nhiên, do BLHS năm 2015 mới có hiệu lực thi hành, thực tiễn áp dụng chưa nhiều, về quy định cũng có những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, về hướng dẫn, giải thích pháp luật

So với Điều 189 BLHS năm 1999 có Thông tư 19/2007/TTLT hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nhưng Điều 243 BLHS năm 2015 với nhiều tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp, quy định cụ thể mức định lượng về diện tích, giá trị lâm sản bị thiệt hại nhưng Điều 243 hiện nay chưa có bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn, giải thích chi tiết, rõ ràng hơn các quy định trong điều luật.

Tiếp theo, cơ quan có thẩm quyền cần ra văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong trường hợp các loại cây cỏ, bụi cây, dây leo có là đối tượng tác động của tội hủy hoại rừng, cụ thể hóa hơn nữa Điều 243 vào trong văn bản hướng dẫn, hướng dẫn về đối tượng tác động của tội hủy hoại rừng bao gồm các loại cây cỏ, bụi cây, dây leo[10].


[10] Trần Quốc Viêt (2019), Tội hủy hoại rừng theo pháp luât hình sự Việt Nam, từ thực tiễn tỉnh Bình Định, Luận văn thạc sĩ,  tr.66, Hà nội.


Một vấn đề nữa, Điều 243 BLHS năm 2015 cần sớm có quy định hướng dẫn phần đối tượng tác động giữa tội hủy hoại rừng và tội hủy hoại tài sản, cụ thể: Trường hợp đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ… thì bị xử lý như sau: Nếu chủ rừng đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 243 BLHS năm 2015. Nếu người đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XVI – Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS[11].


[11] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao (2007) Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số Điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, ban hành ngày 08/3/2007, tr.8, Hà Nội.


Thứ hai, Cần hoàn thiện quy định về hình phạt của tội hủy hoại rừng

Việc quy định hình phạt tại Điều 243 BLHS năm 2015 về tội hủy hoại rừng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: i) hình phạt tiền vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung hiện nay chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; ii) hình phạt tù có thời hạn quy định với mức dao động của khung hình phạt lớn (khoản 1 thì từ 01 đến 05 năm, khoản 2 thì từ 03 đến 07 năm, khoản 3 thì từ 07 đến 15 năm), nên việc quyết định hình phạt chưa thể hiện sự khách quan mà dựa trên ý chí chủ quan của các cơ quan xét xử.

Hơn nữa, việc quy định về hình phạt trong tội hủy hoại rừng chưa thể hiện được mức tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội hủy hoại rừng gây ra, cách xây dựng quy định của nhà lập pháp chưa phù hợp với biên độ dao động lớn, cùng như khả năng dự liệu cho quy định hình phạt và mức hình phạt chưa cao. Khi xây dựng BLHS năm 2015, nhà lập pháp còn theo tư duy của BLHS năm 1999, chưa xây dựng, so sánh hậu quả thiệt hại của hành vi hủy hoại rừng với mức độ ảnh hưởng đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến môi trường như hiện nay. Điều 243 BLHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, về hình phạt và mức hình phạt có sự điều chỉnh so với Điều 189 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, xét về mặt toàn diện thì vẫn chưa phù hợp trong tình hình kinh tế, xã hội của đất nước phát triển, tình hình tội phạm về hủy hoại rừng diễn biến ngày càng phức tạp, quy mô như hiện nay. Khi xây dựng Điều 243 BLHS 2015, nhà làm luật vẫn xây dựng mức giao động của khung hình phạt giữa khoản 1 và khoản 2 còn rất lớn.

5. Kết luận

Tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 243 BLHS năm 2015 so với Điều 189 BLHS năm 1999 có rất nhiều điểm mới, thuận tiện hơn trong công tác áp dụng và tuân thủ pháp luật. Nhưng hiện nay, quy định chỉ được thể hiện duy nhất trong điều luật chứ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Do vậy, việc phân tích dấu hiệu định tội, định khung để hiểu rõ, hiểu đúng, biết và nắm vững các quy định của Điều 243 BLHS năm 2015 để tránh những thiếu sót, hạn chế trong việc áp dụng và quá trình giải quyết các vụ án về tội hủy hoại rừng, nhằm mục đích đáp ứng tốt nhất yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đánh giá đúng bản chất vụ án, quyết định hình phạt tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội, mức độ, hậu quả do tội phạm gây ra, để hình phạt không chỉ nhằm răn đe, phòng ngừa mà còn phải phát huy được tính chất giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của công dân đối với việc tôn trọng pháp luật, nhằm giải quyết được nguyên nhân hủy hoại rừng.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *