Quấy rối tình dục nơi công sở hay hành vi hiếp dâm?


Nguyễn Phương Thảo

Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội

Theo Công an tỉnh Thái Nguyên, khoảng 20 giờ ngày 03/8, Công an TP. Thái Nguyên nhận được đơn trình báo và đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can của chị N.T.T, là cán bộ Sở KH-ĐT tỉnh Thái Nguyên. Trong đơn tố cáo, chị T trình bày việc bị ông Đ.D.A., Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thái Nguyên, thực hiện hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự tại công sở và đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều Công an TP. Thái Nguyên khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông A. về hành vi trên.

Được biết, sau khi cơ quan công an tiếp nhận đơn của chị T., Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên đã tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh theo quy định. Tuy nhiên, đến 14 giờ 30 ngày 04/8, chị T. đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên nộp đơn xin rút yêu cầu khởi tố.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc kể trên, sáng 06/8, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tiến hành xác minh vụ việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, yêu cầu đảng viên, chi bộ, Đảng ủy Sở KH-ĐT và đồng chí Đ.D.A giải trình, kiểm điểm. Tại buổi làm việc, ông Đ.D.A đã thừa nhận những sai sót của mình trong quá trình ứng xử nơi công sở. Như vậy, vụ việc sàm sỡ nhân viên tại Sở KH-ĐT là có thật.

Trao đổi với Luật sư – Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội có quan điểm như sau:

Thứ nhất, Việc tố cáo và rút đơn tố cáo thuộc về quyền của người bị hại và pháp luật hiện hành ghi nhận 10 trường hợp khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại.

Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Thứ hai, hậu quả pháp lý khi bị hại rút đơn yêu cầu được quy định tại khoản 2, 3 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

– Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ;
– Trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
– Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Xét thấy trong sự việc nêu trên, ông Đ.D.A đã có hành vi gọi điện cho nhân viên (chị T) sang phòng làm việc và kéo vào phòng ngủ thực hiện hành vi “khiếm nhã” khiến chị T kêu cứu và làm đơn tố cáo với nhà chức trách. Trong trường hợp này, nếu chị T nhận định rằng ông A có hành vi hiếp dâm thì vấn đề đặt ra như sau:

  • Ông A phải có hành vi thể hiện ý định hiếp dâm thì cô T mới làm đơn tố cáo đến nhà chức trách đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
  • Chị T khi làm việc với cơ quan điều tra có được phổ biến về quy định của pháp luật về những trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và lưu ý khi đã tố cáo mà sau đó rút đơn tố cáo thì người bị hại mất quyền tố cáo hay không?
  • Phải làm rõ việc liệu có sự tác động của bên thứ 3 đối với hành vi rút đơn của cô T hay không. Nếu có hành vi tác động, khuyên nhủ, cưỡng ép (nhất là người có chức vụ, quyền hạn, người có sự ảnh hưởng) dẫn tới việc cô T rút đơn trái ý muốn thì cần phải xem xét phục hồi điều tra (và phải xử lý TNHS đối người có hành vi ép buộc).
  • Ngoài ra, hành vi của ông A có thể bị xem xét bởi hành vi quấy rối tình dục quy định tại khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Mức phạt hành chính quy định Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Có mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000.

Nếu chị T bị ép buộc rút đơn, nay lại tiếp tục tố cáo thì hành vi của ông Đ.D.A có thể cấu thành tội Hiếp dâm, tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015, cụ thể như sau:

Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. …”

Theo quy định của pháp luật, Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.

Trước hết phải hiểu hành vi “giao cấu” là hành vi quan hệ tình dục (hành vi đưa bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ). Tuy nhiên BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi hành vi khách quan không chỉ là hành vi giao cấu. Theo đó, các hành vi quan hệ tình dục khác[1] cũng thuộc hành vi khách quan của tội hiếp dâm. Như vậy, dấu hiệu hành vi khách quan của tội hiếp dâm chỉ đòi hỏi hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác mà không đòi hỏi hành vi này phải kết thúc về mặt sinh lý.

Từ đó có thể hiểu hành vi khách quan có thể là: Hành vi dùng vũ lực và hành vi giao cấu với người khác trái ý muốn của họ; hành vi dùng vũ lực và hành vi quan hệ tình dục khác với người khác trái ý muốn của họ; hành vi đe dọa dùng vũ lực và hành vi giao cấu với người khác trái ý muốn của họ; hành vi đe dọa dùng vũ lực và hành vi giao cấu với người khác trái ý muốn của họ…;

Dấu hiệu “trái ý muốn” của người khác, có nghĩa là người khác không chấp nhận hoặc không có ý muốn của người khác vì họ đang trong tình trạng không thể biểu lộ được ý chí.

Dấu hiệu “dùng vũ lực” được hiểu là dùng sức mạnh vật chất, đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân như xô ngã, vật, giữ, bóp cổ…; thủ đoạn “đe dọa dùng vũ lực” được hiểu là thủ đoạn làm ý chí của nạn nhân bị tê liệt như dọa giết, dọa gây thương tích; thủ đoạn “lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” là lợi dụng việc người khác vì lý do nào đó không thể chống lại hành vi của người phạm tội, ví dụ ốm đau…

Có thể thấy cấu thành tội phạm chỉ nêu ra dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà không nói đến hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ở đây có thể hiểu, do tính chất nghiêm trọng của hành vi hiếp dâm, xâm phạm vào khách thể có tầm quan trọng đặt biệt, chỉ cần người nào thực hiện một hành vi trong mặt khách quan nghĩa là người đó có ý định hiếp dâm người khác và có hành động dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm mục đích giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ là đã đủ điều kiện để cấu thành tội phạm, bất kể hành vi đó có được hoàn thành và gây hậu quả hay không. Như vậy việc cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm chỉ cần đề cập đến hành vi gây nguy hiểm mà không cần hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là đủ.

Từ những lập luận nêu trên, có thể đưa ra một số đường lối xử lý như sau:

Một là, Nếu chị T đã được nhà chức trách phổ biến về quyền được làm đơn tố cáo hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, thể xác, quyền tự do về tình dục và ngược lại chị T cũng được phổ biến về quyền rút đơn nếu cho rằng chưa bị xâm hại các quyền nêu trên. Nhưng tuyết đối việc làm đơn và rút đơn không bị ép buộc, cưỡng ép, dụ dỗ, đe dọa bởi chủ thể khác thì không đặt ra vấn đề TNHS đối với ông A nếu xem xét ở mức độ khoản 1 Điều 141 BLHS. Trường hợp phạm tội xem xét ở khoản 2 thì không cần khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và việc rút đơn không còn ý nghĩa đối với công tác điều tra khởi tố của nhà chức trách.

Hai là, nếu Chị T rút đơn trái ý muốn thì có quyền tiếp tục tố giác tội phạm đến cơ quan điều tra thụ lý vụ việc và làm đơn cố cáo hành vi ép buộc rút đơn trái ý muốn đến cơ quan chức năng;

Ba là, Nếu cơ quan chức năng căn cứ vào việc rút đơn của người bị hại mà đình chỉ không giải quyết vụ việc theo tố tụng hình sự thì ông Đ.D.A sẽ bị xử lý vi quấy rối tình dục quy định tại khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Mức phạt hành chính quy định Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Có mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000.

Ngoài ra, ông A sẽ bị xử lý theo Luật Công chức đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công sở theo, Điều 79 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, luật số: 52/2019/QH14 và văn bản hướng dẫn bởi Khoản 2, 3 Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Các hình thức kỷ luật đối với công chức luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức, quy định:

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.

Xét thấy, hành vi của ông Đ.D.A  theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP vì đã gây ra tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Do đó có thể áp dụng biện pháp mạnh nhất, nghiêm khắc nhất như “cách chức hoặc buộc thôi việc” mới đảm bảo tính răn đe.


[1] Được hiểu “hành vi quan hệ tình dục khác” quy định tại Khoản 1 các Điều 141, 142, 143, 144 và 145 của BLHS được hiểu là hành vi của những người cùng giới hoặc khác giới sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác ở bất kì mức độ nào, gồm: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác. Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác. Trong đó, dụng cụ tình dục là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ: dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả…) hoặc những đồ vật khác nhưng được sử dụng cho hoạt động tình dục. Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2019.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *