Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện


Luật sư Việt Nam » Trao đổi – Ý kiến

(LSVN) – Việc nghiên cứu về tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt cho người phạm tội. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể về tội phạm chưa hoàn thành. Do đó, dẫn đến nhiều vướng mắc và khó khăn nhất định trong việc giải quyết các vụ án xảy ra trong thực tế. Bài viết nhằm phân tích đưa ra những luận cứ khoa học về tội phạm chưa hoàn thành, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hành vi phạm tội có thể gây ra, giúp chúng ta phát hiện, khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử một cách kịp thời đối với tội phạm chưa hoàn thành, qua đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Khái niệm phạm tội chưa hoàn thành

Pháp luật hình sự tại các nước trên thế giới và tại Việt Nam đa phần đều phân biệt các giai đoạn thực hiện tội phạm. Cụ thể, pháp luật hình sự Việt Nam đã ghi nhận trong quá trình thực hiện tội phạm do lỗi cố ý bao gồm các giai đoạn sau: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

Trong Bộ luật Hình sự của Liên Bang Nga tại Điều 29 Chương 6 quy định: “1. Tội phạm chưa hoàn thành là chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt…”.

Phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 BLHS Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Trong khoa học Luật Hình sự căn cứ vào thái độ tâm lí của người phạm tội đối với hành vi mà họ đã thực hiện, khoa học pháp lý chia phạm tội chưa đạt thành hai loại: phạm tội chưa đạt chưa thành và phạm tội chưa đạt đã thành. Tuy cùng là giai đoạn phạm tội chưa đạt nhưng xét về mặt tính chất và mức độ thì lại hoàn toàn khác nhau. Có nhiều cách hiểu khác nhau về giai đoạn phạm tội này, theo TSKH Lê Cảm “Phạm tội chưa đạt đã thành là trường hợp cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội nhưng họ đã thực hiện hết các hành vi dự định làm”. Còn phạm tội chưa đạt chưa thành “là trường hợp người phạm tội có ý thức thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội và họ cũng chưa thực hiện hết những hành vi dự định làm”.

Có thể hiểu phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội vì nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi), ví dụ: A đã trèo tường vào nhà B để trộm tài sản, nhưng thấy có đông người trong nhà nên phải rút lui. Và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan (ngoài ý muốn) hậu quả đó không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, hoàn thành về hành vi), ví dụ: kẻ giết người đã cho người bị hại uống thuốc độc, nhưng do liều lượng quá nhẹ nên người bị hại không chết.

Qua quá trình nghiên cứu có thể nhận thấy điểm khác nhau cơ bản giữa các giai đoạn phạm tội chính là ở những yếu tố khách quan của hành vi phạm tội bao gồm: 1) Tính chất nguy hiểm cho xã hội của các hành vi phạm tội; 2) Mức độ thực hiện ý định phạm tội của chủ thể thực hiện hành vi; 3) Thời điểm chấm dứt của những hành vi đó.

Từ phân tích nêu trên có thể đưa ra khái niệm phạm tội chưa hoàn thành là hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt của cá nhân, pháp nhân thương mại cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội nhưng họ đã thực hiện hết hoặc chưa hết các hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội mà họ dự định làm.

Đặc điểm của phạm tội chưa hoàn thành

Thứ nhất, người phạm tội chưa bắt tay vào thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong cấu thành tội phạm mà chỉ có các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm; hành vi chuẩn bị chưa trực tiếp xâm hại đến quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ, chưa làm thay đổi, biến dạng đối tượng tác động của tội phạm; hậu quả của tội phạm chưa xảy ra, do chưa thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong cấu thành tội phạm nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chưa xảy ra.

Thứ hai, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Sự bắt đầu thể hiện ở chỗ người phạm tội đã thực hiện hành vi được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hoặc là người phạm tội thực hiện hành vi liền trước hành vi được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm, đó là những hành vi thể hiện sự bắt đầu của hành vi khách quan và kế tiếp ngày sau nó hành vi khách quan sẽ xảy ra; hành vi của họ chưa thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm; người phạm tội mới chỉ thực hiện được một hành vi trong những hành vi quy định trong cấu thành tội phạm.

Thứ ba, nguyên nhân của việc không thực hiện tội phạm đến cùng là những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội. Điều đó có ý nghĩa rằng về ý thức người phạm tội luôn luôn mong muốn cho việc thực hiện tội phạm được xảy ra chót lọt nhưng bị các điều kiện khách quan cản trở khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Thứ tư, hậu quả của hành vi phạm tội chưa xảy ra hoặc người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải là hậu quả được quy định trong cấu thành tội phạm. Tùy theo tính chất từng loại tội phạm mà luật hình sự quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc (trong cấu thành vật chất) hay không bắt buộc (trong cấu thành hình thức) của một tội phạm. Trường hợp hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm thì hành vi phạm tội chưa đạt nếu có gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì hậu quả đó cũng chưa phù hợp với dấu hiệu hiệu quả được quy định trong luật.

Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chưa hoàn thành

Hiện nay, BLHS năm 2015 chưa có điều luật cụ thể nào quy định về khái niệm tội phạm chưa hoàn thành, nhưng đã có những quy định cụ thể về các giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt (quy định tại Điều 14 và Điều 15 BLHS 2015). Như vậy, BLHS năm 2015 đã có sự phân biệt giữa tội phạm chưa hoàn thành với tội phạm đã hoàn thành, điều này tạo cơ sở cho việc xác định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm ở những giai đoạn phạm tội khác nhau, với tính chất mà mức độ nguy hiểm khác nhau.

Tại Điều 14 của BLHS năm 2015 quy định về chuẩn bị phạm tội như sau: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 Bộ luật này…”.

BLHS năm 2015 quy định về phạm tội chưa đạt như sau: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Nhìn chung theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 của BLHS năm 2015 đã đưa ra khái niệm tương đối rõ ràng, đầy đủ và ngắn gọn về giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Từ đó, có thể hiểu tội phạm chưa hoàn thành là khi người phạm tội mới bắt đầu hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm hay đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người đó. Cơ sở để xác định một người đã thực hiện tội phạm chưa hoàn thành (mới bắt đầu hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm hay không thực hiện được đến cùng) là ở chỗ người đó đã thỏa mãn hết các dấu hiệu của một cấu thành của một tội phạm cụ thể hay chưa, trường hợp một người mới bắt đầu hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm hoặc thực hiện hành vi chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của một cấu thành tôi phạm cụ thể, do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người đó thì tội phạm do người đó thực hiện là tội phạm chưa hoàn thành, hành vi của người đó là hành vi chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt.

Về trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn phạm tội chưa hoàn thành: Trách nhiệm hình sự được hiểu là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lí bất lợi về hành vi phạm tội của mình.

Theo quy định của BLHS năm 2015 thì người thực hiện tội phạm chưa hoàn thành phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội (với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) và phạm tội chưa đạt, đó là một dạng trách nhiệm pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội và người phạm tội sẽ bị tước bỏ một số quyền hoặc lợi ích hợp pháp nhất định. Về khách quan, hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, chúng đe dọa trực tiếp gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Về chủ quan, người chuẩn bị phạm tội và người phạm tội chưa đạt đã có ý thức lựa chọn hành vi xử sự trái với các quy tắc và chuẩn mực chung xã hội (có lỗi). Người chuẩn bị phạm tội và người phạm tội chưa đạt chưa thực hiện được tội phạm đến cùng hoàn toàn do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của họ.

Việc xác định người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quy trách nhiệm hình sự. Chỉ đối với những tội phạm thực hiện do lỗi cố ý thì mới có giai đoạn chuẩn bị phạm tội, vì khi cố ý phạm tội thì người phạm tội mới thường tiến hành một số hoạt động như: bàn bạc với người khác, tìm kiếm, sửa soạn phương tiện phạm tội hoặc tạo những điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện tội phạm. Trong tội phạm chưa hoàn thành thì giai đoạn chuẩn bị phạm tội là giai đoạn có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với phạm tội chưa đạt vì chưa trực tiếp xâm hại đến khách thể của loại tội định thực hiện. Do vậy, luật hình sự Việt Nam chỉ đặt vấn đề trách nhiệm hình sự cho những trường hợp chuẩn bị phạm tội khi tội định phạm là một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Khi hành vi của người phạm tội đã chuyển sang giai đoạn thực hiện thì hành vi đó đã thực sự nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, Điều 15 BLHS 2015 quy định trừng trị tất cả các trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Mặc dù Bộ luật hình sự không quy định cụ thể, nhưng xét việc thực hiện hành vi được cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm, thì tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm ở trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành cao hơn trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, cho nên phải xử phạt nặng hơn.

Các giai đoạn thực hiện tội phạm ở các mức độ khác nhau thì cũng phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Từ đó luật hình sự Việt Nam quy định việc xác định hình phạt được áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội nhẹ hơn hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt và hình phạt được áp dụng đối với cả hai trường hợp phạm tội này đều nhẹ hơn hình phạt được áp dụng đối với tội phạm hoàn thành.

Như vậy, từ những phân tích trên thì người thực hiện tội phạm chưa hoàn thành sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu biểu hiện đầy đủ các yếu tố sau:

– Tội phạm thực hiện hành vi phạm tội mà hành vi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại được BLHS quy định.

– Giai đoạn thực hiện của tội phạm là giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt (quy định tại Điều 14 và Điều 15 BLHS 2015).

– Người phạm tội có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và làm chủ được hành vi của mình. Luật hình sự Việt Nam quy định người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 BLHS 2015) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS 2015).

– Người phạm tội đạt độ tuổi nhất định, người chưa đạt độ tuổi bắt đầu có năng lực trách nhiệm hình sự sẽ luôn luôn được coi là không có lỗi, vì người đó chưa có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó, BLHS Việt Nam quy định 14 tuổi là tuổi bắt đầu có năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi 16 là tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.

– Người phạm tội phải có lỗi, người phạm tội đã lựa chọn, quyết định và thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội, mặc dù trong trường hợp đó người phạm tội có thể lựa chọn, quyết định và thực hiện hành vi phù hợp.

Một số giải pháp

Thứ nhất, cần bổ sung một Điều luật về tội phạm chưa hoàn thành để làm nguyên tắc chung xử lý, qua đó phân biệt giữa tội phạm chưa hoàn thành và tội phạm đã hoàn thành để làm cơ sở phân chia các giai đoạn phạm tội, cũng như việc quy định trách nhiệm hình sự đối với từng giai đoạn thực hiện tội phạm, cụ thể Điều luật cần bổ sung như sau:

Điều…: Tội phạm chưa hoàn thành

1. Tội phạm chưa hoàn thành là hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.

2. Người phạm tội chưa hoàn thành phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, được quy định theo Điều luật tương ứng của Bộ luật này.

Thứ hai, tại Điều 14 BLHS 2015 quy định về “Chuẩn bị phạm tội” cần sửa đổi một số quy định như sau: Tại Khoản 1 Điều 14 BLHS 2015 mới chỉ tập trung đề cập đến hành vi của người chuẩn bị (bao gồm: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác hoặc thành lập… để thực hiện tội phạm) nhưng chưa đề cập đến hành vi của người này trong mối liên hệ với những người đồng phạm khác như hành vi tìm kiếm, liên kết những người đồng phạm. Do đó, cần bổ sung thêm vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn xét xử và tham khảo như kinh nghiệm lập pháp của BLHS của Liên bang Nga.

Thứ ba, đối với Điều 15 BLHS 2015 quy định về phạm tội chưa đạt có thể sửa đổi như sau:

1. Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội.

2. Phạm tội chưa đạt thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả chưa xảy ra.

b) Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà người phạm tội đã thực hiện các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả chưa xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng chưa phù hợp với dấu hiệu hậu quả trong cấu thành tội phạm.

3. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn so với phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành”.

Thứ tư, khi quyết định hình phạt đối với tội phạm chưa hoàn thành, Tòa án cần căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, bao gồm hai phần: Phần chung và Phần các tội phạm, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Ngoài ra, Tòa án còn phải dựa vào các căn cứ, tình tiết của vụ việc để đưa ra quyết định hình phạt đối với tội phạm chưa hoàn thành, cụ thể được quy định tại Điều 57 BLHS Việt Nam về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.

Luật sư NGÔ NGỌC DIỄM

Chuyên gia pháp lý NGÔ NGỌC TRÀ

Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *