Vấn đề ‘hình sự hóa quan hệ dân sự’ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19


Luật sư Việt Nam » Luật sư – Bạn đọc

(LSVN) – Dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động của xã hội, trong đó hoạt động kinh tế – thương mại là một trong các lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Bối cảnh giãn cách xã hội khiến nhiều công ty phải ngừng hoạt động, nhiều cá nhân bị mất việc,… cả doanh nghiệp và người lao động đều lâm vào tình cảnh không có thu nhập. Hệ lụy của việc này ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ mà trước đó doanh nghiệp hoặc cá nhân đã giao kết với bên thứ ba.

Hiện nay, do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số vấn đề dân sự không thể thực hiện được. Vì vậy, trong trường hợp hết dịch thì khả năng một số vấn đề dân sự sẽ bị hình sự hóa như việc vi phạm hợp đồng, chậm trả lãi,… Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Ngô Ngọc Diễm – Công ty luật ThinkSmart nhấn mạnh, trường hợp vì lý do dịch bệnh mà không thực hiện được cam kết trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là quy định có tính phổ quát được nhiều quốc gia thừa nhận, luật quốc tế cũng quy định về nội dung này tại Điều 11, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cụ thể như sau: “Không ai bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng”. Nắm bắt tinh thần của ICCPR, luật Việt Nam cũng có những quy định nhằm loại trừ trách nhiệm hình sự trong quan hệ hợp đồng.

Luật sư Diễm phân tích rõ, xét về bản chất khi hai bên tự do đàm phán, thỏa thuận giao kết hợp đồng vay làm phát sinh quyền và nghĩa vụ thì đây là quan hệ dân sự theo nghĩa rộng giữa cá nhân với cá nhân, được điều chỉnh bởi các quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 (về nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm,…). Trong khi đó, luật hình sự thuộc ngành luật công điều chỉnh các mối quan hệ giữa chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với nhà nước, chỉ khi nào phạm một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì lúc đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về nguyên tắc, hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự – thương mại nên các nguyên tắc về tự do, thiện chí, trung thực phải được đề cao. Nhà nước không thể dùng quyền lực công can thiệp vào các giao dịch dân sự nếu các giao dịch này không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh có xu hướng diễn biến căng thẳng, nhiều tỉnh thành đã quyết định chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân mất đi nguồn thu nhập, điều này tác động trực tiếp đến khả năng trả nợ đúng hạn. Về cơ bản, đây được coi là sự kiện bất khả kháng làm gián đoạn việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Đây là vấn đề chung của toàn xã hội, hoàn toàn không co lỗi của bên đi vay. Hơn nữa tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng đã không lường trước được thực tế này có thể xảy ra, bản thân bên vay đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục nhưng vẫn không thực hiện được.

Khoản 2, Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, trong trường hợp vì lý do dịch bệnh dẫn đến bên vay không có khả năng trả nợ khi đến hạn sẽ không bị coi là cố ý vi phạm hợp đồng, không phải chịu bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác). Bên vay và bên cho vay có thể cùng thỏa thuận lại để kéo dài thời hạn trả nợ đến một thời điểm khác.

Trên thực tế, có rất nhiều cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh, mặc dù có đầy đủ khả năng thanh toán nhưng cố tình không muốn trả. Tùy tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp (vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng) sau đó phát sinh ý thức chiếm đoạt và thực hiện một trong các các hành vi sau:

– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

– Sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 40 triệu đồng trở lên hoặc dưới 40 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc bị kết án về các tội xâm phạm sở hữu (tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 Bộ luật Hình sự) thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất là từ 12 đến 20 năm tù giam.

Theo Luật sư Diễm, dịch bệnh sẽ qua đi, các hoạt động cuộc sống sẽ trở về quỹ đạo bình thường, do đó việc thực hiện hợp đồng vẫn sẽ phải tiếp tục được các bên tuân thủ. Mặc dù việc chậm trả nợ do thiệt hại bởi dịch bệnh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ vẫn nên tuân thủ đầy đủ các điều khoản đã giao kết trong hợp đồng cũng như quy định của pháp luật dân sự – thương mại. Việc trốn tránh nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp vẫn có đủ khả năng hoàn trả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trần Trọng Nam

Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn luật sư Hà Nội


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *