Ý thức thực hiện pháp luật lao động của người lao động doanh nghiệp Việt Nam


Luật sư Việt Nam » Nghiên cứu – Trao đổi

(LSVN) – Ý thức thực hiện pháp luật lao động của người lao động được xây dựng trên cơ sở ý thức pháp luật và thực hiện pháp luật, bao gồm tư tưởng và tâm lý thực hiện pháp luật lao động của người lao động; ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi, hiệu quả thực hiện pháp luật lao động của người lao động. Để hình thành và nâng cao ý thức thực hiện pháp luật lao động còn chưa tốt hiện nay nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, công đoàn cần xây dựng ý thức này cho NLĐ.

Đặt vấn đề

Quá trình tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cho thấy “mảng tổ chức thi hành pháp luật còn bị coi nhẹ, chưa có những giải pháp thực sự đột phá trong tổ chức thực thi, hiệu quả còn rất thấp. Chiến lược về vấn đề này cho giai đoạn tới cần đưa ra những giải pháp và công cụ thực tế hơn, đem lại hiệu quả rõ ràng hơn trong tổ chức thi hành pháp luật”. Thực tế cho thấy, dù chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt nhưng thực thi kém, ý thức pháp luật của người dân thấp thì hệ thống pháp luật đó cũng chỉ nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống để phát huy tác dụng được.

Do đó, để tối đa hóa tính hiệu quả cho thực tiễn của pháp luật thì vấn đề nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của công dân hiện nay cần được quan tâm đặc biệt ở mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lao động – nơi tập trung số lượng đông đảo công dân là người lao động (NLĐ) có thể được xem là điển hình. Vậy nên, bài viết này tập trung phân tích ý thức thực hiện pháp luật ở góc độ của NLĐ trong doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra định hướng chuyên biệt về nâng cao ý thức thực hiện pháp luật lao động (PLLĐ) cho NLĐ trong doanh nghiệp, cũng chính là góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, góp phần phát triển bền vững hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và xã hội Việt Nam.

Nhận thức về ý thức thực hiện pháp luật lao động của người lao động trong doanh nghiệp

Trong luật học, các khái niệm: ý thức pháp luật, thực hiện pháp luật đã cơ bản được xác định rõ ràng, phổ biến trong nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục chuyên ngành luật học  và trong nhiều hoạt động xã hội khác. Tuy nhiên, khái niệm ý thực hiện pháp luật, chuyên biệt trong lĩnh vực PLLĐ thì chưa thấy được bàn luận và xác định. Để xây dựng khái niệm ý thức thực hiện PLLĐ của NLĐ trong doanh nghiệp, nhóm tác giả phân tích, kế thừa từ chuỗi các khái niệm như sau:

Thứ nhất, khái niệm ý thức pháp luật là khái niệm đã được các nhà luật học xác định trên cơ sở nền tảng khái niệm ý thức, ý thức xã hội của chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo đó, ý thức xã hội chính là “xã hội tự nhận thức về mình,… về hiện thực xung quanh mình”. Về các thành tố và mối quan hệ của các thành tố trong ý thức xã hội đã được các học giả xác định: Ý thức xã hội gồm có hệ tư tưởng xã hội và tâm lý xã hội, trong hệ tư tưởng xã hội thì quan trọng nhất là các quan điểm, các học thuyết và các tư tưởng; trong tâm lý xã hội có tình cảm, tâm trạng, truyền thống… nảy sinh từ tồn tại xã hội, phản ánh tồn tại xã hội; tâm lý xã hội là sự phản ánh trực tiếp và tự phát về tồn tại xã hội, còn hệ tư tưởng là sự khái quát hóa những kinh nghiệm xã hội để hình thành nên những quan điểm, những tư tưởng về chính trị, pháp luật,…

Từ lý thuyết về ý thức xã hội nêu trên, các nhà luật học xác định rằng ý thức pháp luật là một loại, một hình thái ý thức xã hội, “là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm, tâm trạng, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác, thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật, sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp… đối với hành vi, lợi ích hoặc quan hệ từ thực tiễn đời sống pháp lý và xã hội”. Xét về mặt cấu trúc, ý thức pháp luật gồm tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Tư tưởng pháp luật được xây dựng trên nền tảng tri thức pháp luật, là tổng thể sự hiểu biết khoa học về pháp luật, bao gồm cả phương diện lý luận và thực tiễn, được hình thành qua hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và thực tiễn. Tư tưởng pháp luật chỉ đạo tâm lý pháp luật và quá trình xác lập hành vi thực tế của con người trong đời sống pháp lý. Tâm lý pháp luật là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của tư tưởng pháp luật. Ý thức pháp luật được nhận diện theo từng cá nhân, nhóm, cộng đồng xã hội… Ý thức pháp luật là nhân tố đóng vai trò quyết định, chi phối trực tiếp đến tính chất, hiệu quả thực tế của các hoạt động pháp lý…, không có yếu tố nào của quá trình điều chỉnh pháp luật lại không liên quan hoặc thiếu sự chi phối của ý thức pháp luật.

Vậy rõ ràng rằng nội hàm và phạm vi tác động của ý thức pháp luật là rất rộng, gồm toàn bộ tri thức, sự hiểu biết, nhận thức và thái độ, tình cảm của con người bao trùm toàn bộ quá trình hoạt động của pháp luật, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp – từ khi xây dựng đến thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu của xã hội hiện đang yếu ở khâu tổ chức thực hiện pháp luật, cần chuyên sâu xem xét để khâu thực hiện pháp luật đạt hiệu quả cao hơn thì nghiên cứu xác định riêng biệt khái niệm ý thức thực hiện pháp luật là cần thiết. Vấn đề xây dựng ý thức thực hiện pháp luật tốt trở thành yêu cầu đối với tất cả các chủ thể trong xã hội, là một bảo đảm cho việc thực hiện tốt các quy định pháp luật hiện nay.

Thứ hai, khái niệm thực hiện pháp luật và ý thức thực hiện pháp luật. Thực hiện pháp luật được xác định là “hoạt động có mục đích, làm cho quy định của pháp luật trở thành những hành vi thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật”. Theo đó các chủ thể pháp luật thực hiện các hành vi phù hợp với nhu cầu của mình và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Các yêu cầu của pháp luật bao gồm: (1) Chủ thể kiềm chế, không tiến hành các hoạt động mà pháp luật cấm; (2) tiến hành các hoạt động mà pháp luật buộc phải làm một cách chủ động, tích cực; (3) tiến hành những hoạt động mà pháp luật cho phép trong phạm vi luật định. Các yêu cầu này của pháp luật được thực hiện thông qua bốn hình thức là: (1) Tuân thủ pháp luật; (2) thi hành pháp luật; (3) sử dụng pháp luật; (4) áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, riêng hình thức thực hiện pháp luật thứ tư (áp dụng pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền hoặc chủ thể được ủy quyền (gọi chung là Nhà nước) tiến hành tổ chức cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ; hoặc nhà nước tự mình, căn cứ vào các quy định của pháp luật bảo đảm các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật được thực hiện – ở hình thức này cá nhân tổ chức không thể tự mình thực thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định được, mà luôn cần sự hiện diện của nhà nước. Vậy, đứng ở khía cạnh một cá nhân, công dân bình thường hay NLĐ trong doanh nghiệp, gắn với sự tự chủ động, tích cực thực hiện pháp luật thì chỉ cần chú trọng quan tâm tới việc tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật.

Với phân tích nêu trên, thực hiện pháp luật gắn hành vi tích cực, chủ động đáp ứng các yêu cầu của của pháp luật trong khi đó hành vi của con người luôn bị ý thức chi phối nên có thể xác định hiệu quả thực hiện pháp luật sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi ý thức thực hiện pháp luật. Nếu ý thức thực hiện pháp luật không tốt, thái độ, tâm lý của con người thiếu tích cực trước việc thực hiện pháp luật thì cho dù có hiểu biết rõ ràng về pháp luật họ vẫn thực hiện không tốt, tựa như cá nhân biết rõ ràng luật giao thông đường bộ quy định là cấm vượt đèn đỏ nhưng do thiếu ý thức tuân thủ pháp luật nên vẫn vi phạm pháp luật, vẫn vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Gốc rễ của thực hiện pháp luật tốt chính là ý thức thực hiện pháp luật tốt.

Xuất phát từ khái niệm ý thức pháp luật là khái niệm “rộng”, phản ánh xuyên suốt ý thức của con người cả trong quá trình lập pháp, hành pháp và tư pháp đồng thời là khái niệm nền tảng, ngoại diên của khái niệm ý thức thực hiện pháp luật – một khái niệm mang tính chuyên sâu. Ý thức thực hiện pháp luật của con người chính là ý thức pháp luật của con người ở khía cạnh thực tiễn của pháp luật hay cũng chính là ý thức pháp luật ở khía cạnh pháp luật đi vào đời sống xã hội, gắn với hành vi hợp pháp của con người trong hoạt động xã hội.

Vậy nên, từ khái niệm ý thức pháp luật kết nối với khái niệm thực hiện pháp luật cho phép chúng ta xác định ý thức thực hiện pháp luật là tư tưởng và tâm lý của con người đối với việc thực hiện pháp luật. Trong đó tư tưởng thực hiện pháp luật là tổng thể các quan điểm, quan niệm, sự hiểu biết về thực hiên pháp luật; tâm lý thực hiện pháp luật bao gồm thái độ, tình cảm của con người trước việc thực hiện pháp luật.

Thứ ba, khái niệm ý thức thực hiện pháp luật lao động của NLĐ trong doanh nghiệp. Khảo cứu thực tiễn cho thấy phổ biến nhiều tài liệu bàn luận về khái niệm luật lao động hơn là khái niệm PLLĐ. Tuy nhiên trên cơ sở nghiên cứu khái niệm pháp luật nói chung và khái niệm luật lao động nói riêng, xác định rằng PLLĐ là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động phát sinh trong quá trình sử dụng lao động.

Theo đó, “quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể”. Các quan hệ lao động được điều chỉnh bởi các quy phạm PLLĐ được thể hiện ở Bộ Luật lao động và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác như: Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn…, mở rộng tới cả các quy định pháp luật về tố tụng, giải quyết tranh chấp trong lao động, các văn kiện pháp lý quốc tế về lao động, công đoàn…

Từ khái niệm ý thức thực hiện pháp luật và khái niệm pháp luật lao động có thể xác định ý thức thực hiện PLLĐ của NLĐ là tổng thể những tư tưởng, quan điểm, quan niệm, tâm trạng, thái độ, tình cảm của NLĐ đối với việc thực hiện PLLĐ. Ý thức thực hiện PLLĐ của NLĐ được tập trung thể hiện ở ba hình thức là: (1) ý thức tuân thủ PLLĐ, là tư tưởng và tâm lý của NLĐ trong việc tuân thủ các điều cấm của PLLĐ; (2) ý thức thi hành PLLĐ, là tư tưởng và tâm lý của NLĐ trong việc thi hành các nghĩa vụ – các công việc buộc NLĐ phải làm trong quan hệ lao động; (3) ý thức sử dụng PLLĐ, là tư tưởng và tâm lý của NLĐ trong việc sử dụng các quyền của người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Tương tự như ý thức pháp luật pháp luật nói chung, ý thức thực hiện PLLĐ của NLĐ luôn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: trình độ giáo dục, văn hóa, truyền thống, điều kiện kinh tế, mối quan hệ với người sử dụng lao động và mối quan hệ với các tổ chức đại diện, cơ quan quản lý lao động… Các yếu tố này bao gồm cả yếu tố chủ quan của NLĐ và các yếu tố khách quan khác.

Thực trạng và giải pháp nâng cao ý thức thực hiện pháp luật lao động của người lao động trong doanh nghiệp Việt Nam

Thực trạng ý thức thực hiện PLLĐ của NLĐ trong doanh nghiệp Việt Nam

Mặc dù vấn đề ý thức tự giác, chủ động thực hiện PLLĐ và kỷ luật lao động của NLĐ luôn được nhiều chủ thể quan tâm, bàn luận, thống kê, phân tích và đánh giá ở nhiều khía cạnh, song thực tế cho thấy vấn đề vẫn mang tính thời sự nóng hổi, vẫn không chỉ làm “đau đầu” các bên tham gia quan hệ lao động mà hậu quả cũng chưa ai đo – đếm được đầy đủ. Ý thức thực hiện các quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ vẫn ở tình trạng: đi sớm, về muộn không báo trước, không chú tâm trong giờ làm việc, lo làm việc riêng, nói chuyện ồn ào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc và các bộ phận xung quanh; tình trạng lãng phí nguyên vật liệu vẫn diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp…; thậm chí vẫn tồn tại tình trạng NLĐ tự bớt, xén các tài sản, nguyên vật liệu của doanh nghiệp làm tài sản cá nhân; nhiều trường hợp, việc công nhân không có ý thức chấp hành đúng nội quy, quy định của công ty cũng như pháp luật lao động. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Ở khía cạnh khác, tình trang vi phạm các quy định của PLLĐ từ phía người sử dụng lao động như việc không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, dẫn đến tình trạng nợ nhiều tỉ đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NLĐ nhưng NLĐ chưa thực sự thường trực ý thức về sử dụng quyền của mình để bảo đảm quyền lợi cho bản thân một cách kịp thời, hiệu quả…

Nguyên nhân của hạn chế ý thức thực hiện PLLĐ của NLĐ trong doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, nguyên nhân chủ quan: i) NLĐ chưa có thói quen làm việc trong môi trường kỉ luật. Một số lượng không nhỏ NLĐ chưa từng làm việc trong môi trường công nghiệp, không quen làm việc dưới sự quản lý, lại bị ràng buộc bởi nhiều nội quy, quy chế, giờ giấc… nên thời gian đầu rất dễ nản. Nếu không được doanh nghiệp, đồng nghiệp động viên, giúp đỡ, tuyên truyền kịp thời và bản thân không đủ kiên trì thì khó có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Thực tiễn cũng cho thấy NLĐ trong nhiều trường hợp đã biết các quy định PLLĐ, đã biết nội quy, kỷ luật lao động nhưng ý thức của NLĐ trong thực hiện các quy định đó còn rất thấp; ii) NLĐ chưa hình thành được tư duy thường trực, chủ động, tích cực và đặt quyết tâm thực hiện các quy định của PLLĐ. Công tác tuyên truyền, phổ biến PLLĐ cho NLĐ hiện nay mới chỉ tập trung vào nội dung các quy định, chỉ ra cho NLĐ các quyền của nghĩa vụ của họ trong quan hệ lao động mà chưa nhấn mạnh, hoặc chưa đề cập, chưa “ghim” vào tư duy, nhận thức của NLĐ về ý thức tích cực, chủ động, giá trị văn minh, sự tiến bộ và lợi ích lâu dài, bền vững trong thực hiện tốt các quy định của PLLĐ.

Thứ hai, nguyên nhân khách quan: i) Công tác tuyên truyền, phổ biến PLLĐ chưa có tính bao phủ rộng đến mọi quy mô doanh nghiệp. Hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến PLLĐ mới chỉ bao phủ ở các doanh nghiệp vừa và lớn; việc tuân thủ, thi hành PLLĐ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế; ii) Đội ngũ cán bộ công đoàn có kiến thức pháp luật chuyên sâu còn mỏng, thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng thành lập tổ chức công đoàn, đối với doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì phần lớn là làm việc kiêm nhiệm, chưa toàn tâm, toàn ý cho công tác tuyên truyền, phổ biến cũng như bảo vệ NLĐ, người cán bộ công đoàn trình độ pháp lý chuyên sâu chưa nhiều để có thể bảo vệ, tuyên truyền PLLĐ cho NLĐ…; iii) Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến PLLĐ còn hạn hẹp… nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Một số giải pháp nâng cao ý thức thực hiện pháp luật lao động của NLĐ trong doanh nghiệp Việt Nam

Hiện chưa có quy định pháp luật cụ thể nào quy định về trách nhiệm nâng cao ý thức thực hiện PLLĐ cho NLĐ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ vào các điều luật quy định về chính sách của Nhà nước về lao động (Điều 4, Bộ luật Lao động năm 2019), về nội dung quản lý nhà nước về lao động (Điều 212, Bộ luật Lao động năm 2019), về thanh tra lao động, xử lý vi phạm pháp luật về lao động (Chương XVI, Bộ luật Lao động năm 2019), về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, NLĐ, tổ chưc đại diện NLĐ (Điều 5,6,7, 178, Bộ luật Lao động năm 2019) có thể hiểu việc nâng cao ý thức thực hiện PLLĐ cho NLĐ là trách nhiệm của nhiều chủ thể trong xã hội, bao gồm nhà chức trách, tổ chức đại diện NLĐ, nhà sử dụng lao động và chính bản thân NLĐ. Mỗi chủ thể có trách nhiệm riêng của mình trong mối quan hệ với trách nhiệm của các chủ thể khác. Tuy nhiên, trách nhiệm này đặt nặng lên vai của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho NLĐ hơn so với NLĐ, bởi NLĐ vẫn luôn là yếu thế để có thể tự nâng cao ý thức, nhận thức và bảo đảm các điều khác vật chất, tình thần khác cho bản thân NLĐ. Vậy nên một số giải pháp nâng cao ý thức thực hiện PLLĐ cho NLĐ có thể phân tích như sau:

Một là, nhà nước phải tiếp tục giải quyết vấn đề gốc rễ là nâng cao dân trí cho nhân dân, cho NLĐ. Chỉ khi trình độ dân trí được nâng cao và nâng cao thực chất thì tri thức, nhận thức về các hình thức và giá trị của thực hiện pháp luật nói chung và PLLĐ nói riêng mới được nâng cao, mới được “ghim” rõ ràng trong tư duy, từ đó hình thành thói quen chỉ đạo hành vi cụ thể, hợp pháp của NLĐ trong quan hệ lao động.

Hai là, các cơ quan quản lý lao động, báo chí, truyền thông, doanh nghiệp kết hợp với tổ chức công đoàn cần tiếp tục đầu tư, quan tâm tới giải pháp trước mắt là tuyên truyền, giáo dục PLLĐ cho NLĐ. Trong đó thực hiện tuyên truyền, giáo dục ở mức độ sâu hơn, chuyên biệt hơn về ý thức thực hiện PLLĐ, tức là không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục các quyền và nghĩa vụ của NLĐ, mà còn tập trung ở khía cạnh các quyền và nghĩa vụ đó cần phải được thực hiện bằng các hình thức, hành vi cụ thể nào của khái niệm thực hiện pháp luật, khi nào cần phải kiềm chế hành vi, khi nào phải thực hiện hành vi một cách tích cực, chủ động, các quyền luật định được sử dụng sao cho kịp thời, hiệu quả nhất…; đồng thời tuyên truyền, giáo dục về các giá trị, lợi ích trước nhất lâu dài cho chính NLĐ khi hình thành và nâng cao ý thức thực hiện PLLĐ, sau nữa là góp phần phát triển doanh nghiệp và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, xã hội văn minh; cần chỉ rõ những yếu tố chủ quan, khách quan ảnh hưởng, cản trở tới ý thức thực hiện PLLĐ cho NLĐ để họ có ý thức quyết tâm trong thực hiện PLLĐ. Đồng thời cơ quan quản lý, báo chí và truyền thông cũng như doanh nghiệp phải phối kết hợp chặt chẽ trong việc thỏa thuận, thương lượng, phản biện, kiểm tra, thanh tra thực chất, thường xuyên, bảo đảm các chế tà được áp dụng đúng quy định của pháp luật, đây cũng là một hình thức tác động tới ý thức của NLĐ trong thực hiện PLLĐ.

Ba là, bản thân mỗi NLĐ trong mối quan hệ lao động với doanh nghiệp cần phải luôn rèn luyện bản thân, không chỉ có thái độ chủ động, tích cực trong học tập, bồi dưỡng nâng cao tay nghề mà còn phải chủ động, tích cực trong tìm hiểu các quy định pháp luật, tìm hiểu cách thức để thực hiện các quy định có một cách hiệu quả, tự bản thân NLĐ cần không ngừng nâng cao nhận thức về các giá trị tốt đẹp, văn minh của pháp luật và thực hiện pháp luật, hình thành tư duy, thói quen thường trực, kiên trì, quyết tâm thực hiện các hành vi đúng đắn, phù hợp với PLLĐ.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mọi mặt đời sống của xã hội đang ngày một phát triển, hệ thống các quy định PLLĐ ngày một hoàn thiện, văn minh hơn nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao thì việc nghiên cứu, ứng dụng giá trị của ý thức pháp luật, chuyên sâu ở khía cạnh hình thành và nâng cao ý thức thực hiện PLLĐ có ý nghĩa to lớn trong bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật nói chung và PLLĐ nói riêng, giúp doanh nghiệp phát triển, khẳng định tính hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quản lý lao động và tổ chức đại diện cho NLĐ.

Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Tiến Dũng (VP Chính phủ) (2020), “Hệ thống pháp luật Việt Nam trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (401), tháng 01/2020.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Tư pháp; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2017), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội.
3. Phạm Văn Đức (2019), Giáo trình Triết học Mác – Lênin, tr. 85, 90-95, 232-234 (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Nxb  Chính trị Quốc gia sự thật
4. Bộ Luật lao động năm 2019. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
5. Lê Trang – Ngọc Tú (2020), Nâng cao ý thức kỷ luật lao động cho người lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, http://congdoan.vn/tin-tuc/chinh-sach-phap-luat-quan-he-lao-dong-509/nang-cao-y-thuc-ky-luat-lao-dong-cho-nguoi-lao-dong-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-516582.tld, truy cập ngày 20/7/2021.
6. Hồ Thảo (2019), nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật động, http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/201910/nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-phap-luat-lao-dong-2970378/index.htm, cập nhật ngày 08/7/2021.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THANH

& Thạc sĩ NGUYỄN ANH THU

Khoa Luật – Trường Đại học Công Đoàn

Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯỢNG

Khoa Luật – Trường Đại học Công Đoàn &

Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *