CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐIỀU CHỈNH NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN PHẦN MỀM CHATGPT


Thời gian gần đây, trên khắp các nền tảng mạng xã hội, phần mềm ChatGPT nổi lên như một hiện tượng mới. Giới trẻ thi nhau tương tác, trò chuyện với ChatGPT, thậm chí sinh viên còn áp dụng hỗ trợ cho việc viết luận văn hoàn thành khoá học. Đây là một sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các tương tác theo bối cảnh. Trí thông minh nhân tạo phổ biến đã có trước đó là Google, ChatGPT phát triển ở cấp độ cao hơn, thông minh hơn và gần với người thật hơn. Phần mềm này có khả năng xử lý dữ liệu lớn, tự học, tự rút kinh nghiệm khiến cho nó thông minh hơn và có khả năng thoát khỏi sự phụ thuộc vào con người. Vậy, điều gì sẽ xảy ra khi một phần mềm máy tính có khả năng tham gia sâu hơn, tác động trực tiếp tới đời sống của con người và liệu pháp luật Việt Nam sẽ điều chỉnh những vấn đề này như thế nào? Bài viết sẽ tìm hiểu về những vấn đề liên quan và cơ sở pháp lý điều chỉnh phần mềm ChatGPT.

Ảnh minh họa.

1. Khái niệm phần mềm ChatGPT

ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 – một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát.

ChatGPT được ra mắt dưới dạng nguyên mẫu vào tháng 11/2022 với mục đích phi lợi nhuận, chỉ nhằm phục vụ lợi ích của nhân loại. Sau khi ra mắt, phần mềm này nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. ChatGPT học tổng hợp nhiều nguồn thông tin, đọc nhiều sách báo thông qua việc chúng ta đăng tải, chia sẻ các thông tin lên mạng internet, tìm kiếm thông tin trên các trình duyệt. Đây chính là cách cung cấp thông tin để trí thông minh nhân tạo học tập. Từ đó nó tạo ra văn phong riêng, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có chiều sâu phù hợp nhất với câu hỏi của người dùng. Phần mềm này có thể làm được rất nhiều thứ, từ giải toán cho tới viết báo, làm luận cho tới xây dựng giáo án, lập trình máy tính và thậm chí là cả phân tích, giải thích các quy định của pháp luật.

Có thể thấy, khả năng tiềm ẩn của phần mềm ChatGPT là rất lớn. Lấy ví dụ ngay trong lĩnh vực pháp luật, khi được hỏi một câu hỏi pháp lý, ChatGPT sẽ ngay lập tức tìm kiếm các quy phạm pháp luật điều chỉnh, từ luật cho tới nghị quyết, thông tư cho tới các bản án, án lệ… để áp dụng trả lời câu hỏi. Có thể hiện tại ChatGPT vẫn chưa thể vượt qua năng lực tư duy, xử lý thông tin của con người. Tuy nhiên, với cơ chế tự học, tự rút kinh nghiệm, kết hợp với khả năng thu thập và xử lý dữ liệu lớn thì việc trong tương lai phần mềm này vượt qua cả con người cũng không phải điều không thể.

2. Một số vấn đề về phần mềm ChatGPT và cơ sở pháp lý điều chỉnh

ChatGPT được coi như một bước đột phá mới của công nghệ với nhiều điểm tối ưu, tuy nhiên đi cùng với đó cũng là một loạt thách thức mới trong đó nổi bật nhất là thách thức về mặt xã hội và pháp lý. Để bắt kịp xu hướng chung, giới học giả và cả Chính phủ các quốc gia đều rất quan tâm đến những thách thức pháp lý đối với AI nói chung và ChatGPT nói riêng. Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý nhằm điều chỉnh các vấn đề liên quan đến AI [1]. Việt Nam hiện tại vẫn chỉ đang tập trung điều chỉnh các quan hệ xã hội truyền thống liên quan đến thể nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân. Đối với các quan hệ có sự tham gia của công nghệ, phải công nhân sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về vấn đề này vẫn còn rất nhiều lỗ hổng.

2.1. Về tư cách pháp lý

ChatGPT có khả năng tư duy thông qua việc tìm kiếm và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra quyết định, điều này đồng nghĩa với việc trong một số trường hợp, nó có thể tự thực hiện một số tác vụ ảnh hưởng tiêu cực tới con người. Ví dụ, việc ChatGPT có khả năng lập trình, thiết kế phần mềm, từ đó thiết kế những phần mềm virus độc hại hay thu thập trái phép dữ liệu cá nhân… Trong trường hợp này, công ty quản lý phần mềm không phải người thực hiện tác vụ trên, cũng không có bất kỳ cá nhân nào yêu cầu ChatGPT thực hiện. Như vậy, trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai? Mặc dù hiện tại, ChatGPT mới chỉ là phiên bản thử nghiệm đầu tiên, còn thô sơ và phải có yêu cầu của con người mới thực hiện tác vụ nhưng tiềm năng tương lai của ChatGPT là rất lớn. Khi ChatGPT trở nên hoàn thiện và thông minh hơn thì việc tự mình thực hiện các tác vụ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ thừa nhận tư cách chủ thể đối với cá nhân hoặc tổ chức. Theo đó, phần mềm ChatGPT không thể được coi là một chủ thể trong pháp luật, không có quyền và nghĩa vụ như con người hay tổ chức. Có ý kiến cho rằng “Không nên cố gắng xác định tư cách pháp lý của AI, mà tập trung định nghĩa AI và các vấn đề phát sinh. Còn đối với thực thể mang AI như ChatGPT cần có quy định rõ đến việc xác định bản chất của nó”[2]. Quả thực để xác định tư cách pháp lý của một phần mềm điện tử là rất khó khăn. Có hai cách tiếp cận về tư cách pháp lý của AI nói chung:

Thứ nhất AI – trong trường hợp này cụ thể là phần mềm ChatGPT có thể được xem xét có quyền như con người.

Thứ hai, ChatGPT là một đối tượng riêng biệt trong pháp luật và được kiểm soát bởi những quy định đặc biệt, về bản chất chúng là một tài sản, công cụ hay sản phẩm.

Nếu coi ChatGPT là một loại tài sản thì về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường đối với thiệt hại do tài sản của mình sở hữu gây ra.

Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam chưa có một cách tiếp cận nào rõ ràng cho AI nói chung và những thực thể mang AI nói riêng. Đây chính là một thách thức lớn trong quá trình vận dụng pháp luật để điều chỉnh những vấn đề pháp lý phát sinh.

2.2. Về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bảo hộ sáng chế do AI tạo ra không phải một vấn đề quá mới. Vấn đề này đã được đặt ra từ cuối năm 2019, WIPO đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới hệ thống sở hữu trí tuệ [3]. Càng ngày lượng đơn sáng chế liên quan đến AI càng tăng chóng mặt. Một loạt các vấn đề pháp lý về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được đặt ra như loại công nghệ trí tuệ nhân tạo nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế, sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt về trí tuệ nhân tạọ và không thể không kể đến bảo hộ sáng chế do AI tạo ra.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được đặt ra đối với những tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra. Cụ thể, khoản 6 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Dù cho sáng chế có đáp ứng đủ mọi điều kiện bảo hộ tuy nhiên tác giả sáng chế không phải là con người thì sáng chế đó cũng không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thực tế trên thế giới, có nhiều sáng chế, giải pháp kỹ thuật liên quan đến AI nhưng người nộp đơn không đề cập tác giả là trí tuệ nhân tạo. Nhìn vào thực tế không khó để có thể dự đoan rằng trong tương lai sẽ có nhiều đơn đăng ký sáng chế hay tác phẩm mà tác giả là trí tuệ nhân tạo. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý mới điều chỉnh việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với những tác phẩm, sáng chế mà tác giả là trí tuệ nhân tạo. Quay lại phần mềm ChatGPT, với khả năng tự mình tạo ra những tác phẩm, sản phẩm trí tuệ nhưng phần mềm này chỉ được coi là một công cụ hỗ trợ con người trong quá trình tạo ra tác phẩm thì việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả sẽ được thực hiện như thế nào để có thể đảm bảo các quyền và lợi ích của các chủ thể.

Việc thiếu sót những quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề về sở hữu trí tuệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo và cụ thể hơn là phần mềm ChatGPT là thực trạng chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Bởi, sở dĩ trí tuệ nhân tạo vốn là một lĩnh vực rất phức tạp, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội nan giải.

2.3. Về vấn đề đề thu thập, bảo mật dữ liệu cá nhân

ChatGPT hoạt động dựa trên cơ sở thu thập và phân tích dữ liệu. Để có thể sử dụng một cách hiệu quả, con người cần cung cấp thông tin đầu vào hay kênh khai thác dữ liệu. Nguồn dữ liệu lớn nhất mà ChatGPT có thể khai thác được là từ internet. Đồng thời, cũng không thể loại trừ rủi ro về nguy cơ các dữ liệu cá nhân bị phẩn mềm ChatGPT thu thập trái phép nhằm mục đích khai thác và trục lợi. Những lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, trước đây Công ty DeepMind (đơn vị AI của Google) đã từng bị cáo buộc về việc vi phạm luật bảo vệ dữ liệu của Vương quốc Anh và quy tắc bảo mật của bệnh nhân trong quá trình phát triển và thử nghiệm ứng dụng cho Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) [4]. Hay Facebook cũng từng chấp nhận thua kiện và bồi thường do sử dụng cookie và một chương trình mở rộng trên trình duyệt để thu thập trái phép thông tin về việc truy cập của của người dùng đến các trang web khác [5].

Đi cùng với sự phát triển của internet, công nghệ là rất nhiều nguy cơ thiếu an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân. Tình trạng các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người dùng diễn ra rất phổ biến. Với một ứng dụng AI hoạt động dựa trên việc thu thập thông tin như ChatGPT thì vấn đề bảo mật thông tin cá nhân lại càng cần được quan tâm. Ở Việt Nam, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật và còn sơ khai [6]. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình… Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.” Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định tổ chức, cá nhân chỉ có thể tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin và chỉ được sử dụng vào mục đích ban đầu. Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã đề ra chế tài đối với hành vi xâm hại đến dữ liệu cá nhân. Cụ thể, xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác có thể bị phạt tới 3 năm tù; hay việc đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông có thể bị phạt mức cao nhất là 7 năm tù giam. Tuy nhiên, có thể thấy quy định trên chưa chỉ ra được cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay. Đặc biệt, chủ thể ở đây mà pháp luật công nhận và nói tới vẫn chỉ là các cá nhân, tổ chức còn không hề có quy định về các đối tượng khác như AI nói chung.

3. Những vấn đề đặt ra cho pháp luật Việt Nam

A person in a tie smiling

Description automatically generated with low confidence

PGS.TS Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trường Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

Trao đổi với PGS.TS Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học văn hoá Hà Nội, cho rằng, phần mềm ChatGPT mới xuất hiện chưa lâu nhưng đây được coi là một bước đột phá mới trong công nghệ, mang tiền năng vô cùng lớn và sẽ phát triển mạnh mẽ trên thế giới. ChatGPT luôn mang theo hai mặt lợi và hại, bên cạnh những tích cực, những lợi thế mà nó đem lại cho con người thì cũng tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức mới trong đó có cả những thách thức cho vấn đề gian lận trong thi cử và có khả năng dẫn đến thui chột tư duy. Chẳng hạn như tình huống làm luận văn của “siêu chatbot” diễn ra trong thời gian gần đây, khiến các chuyên gia trong ngành giáo dục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sinh viên có thể tận dụng công cụ này để gian lận trong thi cử, đề xuất quay lại phương án thi trên giấy để đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người. Việc lạm dụng AI cũng có thể khiến khả năng tư duy của con người bị thui chột.

Trước thực tiễn đó, Trung Quốc hiện đang cấm công cụ này, các tập đoàn lớn tại Trung Quốc như Tencent, Alibaba nhận được yêu cầu về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ ba. Ngoài cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng đưa ra thông báo về việc các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) có liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào tại quốc gia này được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI như ChatGPT [7].

ChatGPT hiện vẫn đang là một vấn đề quá mới đối với pháp luật Việt Nam. Nhìn vào khung pháp lý của Việt Nam hiện nay, Chat GPT có thể được coi là một đối tượng đặc biệt cần được điều chỉnh bởi những quy định riêng biệt. Tư cách, bản chất pháp lý của ChatGPT cần phải được nghiên cứu và xác định rõ. Đó là cơ sở để cơ quan lập pháp có thể xây dựng được khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến phần mềm này như quan hệ về tài sản, các quan hệ sở hữu. Từ đó giải quyết các vấn đề về bồi thường thiệt hại, quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất, chủ sở hữu ChatGPT, người chiếm hữu hợp pháp hoặc trái phép hệ thống ChatGPT [8].

Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý toàn diện và hoàn chỉnh hơn. Nên có một văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có quy định cụ thể về hoạt động thu thập thông tin của các thực thể mang Ai như ChatGPT với những chế tài rõ ràng, khắc phục việc quy định rải rác, thiếu cụ thể, khó áp dụng, không đầy đủ. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, khu vực đi trước như Luật Bảo vệ dữ liệu chung Châu Âu (GDPR) ban hành tháng 5/2018. GDPR đã chọn cách tiếp cận ghi nhận quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là một quyền độc lập bên cạnh các quyền khác, trong đó có quyền riêng tư. Từ đó, hình thành nên cơ chế bảo vệ mạnh mẽ đối với việc thực thi quyền bảo vệ thông tin cá nhân [9]. GDPR được đánh giá là tạo ra cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân khắt khe nhất trên thế giới hiện nay và còn thiết lập một cơ quan bảo vệ dữ liệu ở cấp Liên minh.

Với vấn đề bảo hộ quyền sở hưu trí tuệ đối với tác phẩm do ChatGPT tạo ra, các nhà lập pháp cần có cái nhìn rộng và thoáng hơn. Đi cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thì việc càng ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm, sáng chế mà tác giả chính là trí tuệ nhân tạo chứ không phải con người. Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quốc gia cần đề ra những quy định nhằm giải quyết được vấn đề bảo hộ đối với tác phẩm do trí tuệ nhân tạo làm ra, đảm bảo động lực khuyến khích công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển. Trong bài viết “The Artificial Inventor Project” (WIPO Magazine), tiến sĩ Ryan Abbott cho rằng nên ghi nhận tác giả sáng chế là trí tuệ nhân tạo. Việc chỉ cho phép con người là tác giả sáng chế trong khi thực tế sản phẩm là do máy móc tạo ra sẽ mang đến nguy cơ làm mất giá trị sức sáng tạo của con người, khi mà con người không cần suy nghĩ sáng tạo mà thay vào đó là nhờ tới sự thông minh của máy móc. Công nhận trí tuệ nhân tạo là tác giả sáng chế không đương nhiên trao quyền năng pháp lý cho máy móc vì AI không thể sở hữu và thực thi các quyền tài sản, quyền nhân thân phát sinh từ sáng chế. Người sở hữu công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ chính là người sở hữu sáng chế do trí tuệ nhân tạo đó tạo ra [10].

Kết luận

Có thể thấy, ChatGPT là một hiện tượng mới với nhiều triển vọng sẽ đem lại lợi ích cho con người trong tương lai. Thực tiễn xã hội luôn thay đổi nhanh chóng và khôn lường do đó không thể tránh khỏi việc pháp luật bị bỏ lại phía sau. Mỗi một hiện tượng xã hội mới xuất hiện cũng sẽ dẫn tới những điểm mới về pháp luật. Đứng trước một hiện tượng mới như vậy, pháp luật quốc gia cần nhanh chóng thích nghi, bắt kịp sao cho vừa khuyến khích sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, vừa hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của chúng tới đời sống xã hội. Ngoài ra, cần có những công trình nghiên cứu một cách toàn diện sâu sắc về tác động của các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI đối với hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật từ đó có thể đưa ra những giải pháp pháp lý phù hợp.

[1] Lưu Minh Sang, Trần Đức Thành (29/5/2020), “Trí tuệ nhân tạo và những thách thức pháp lý”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3303/tri-tue-nhan-tao-va-nhung-thach-thuc-phap-ly.aspx.
[2] Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ với báo Dân trí (03/02/2023), “Những vấn đề pháp lý đáng lo ngại đằng sau ánh hào quang của ChatGPT”, Báo điện tử Dân trí, https://dantri.com.vn/ban-doc/nhung-van-de-phap-ly-dang-lo-ngai-dang-sau-anh-hao-quang-cua-chatgpt-20230203104654982.htm.
[3] “Một số tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo tới hệ thống báo hộ sáng chế” (28/4/2020), Cục Sở hữu trí tuệ, https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17709/mot-so-tac-dong-cua-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-toi-he-thong-bao-ho-sang-che.aspx.
[4] Website University of Birmingham, “How has the law been pushed aside in the age of AI”, https://www.birmingham.ac.uk/research/quest/emerging-frontiers/AI-and-the-law.aspx.
[5] Facebook thua kiện 90 triệu USD, VNExpress https://vnexpress.net/facebook-thua-kien-90-trieu-usd-4428019.html
[6] Nam Kiên (23/11/2022), “Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí điện tử Pháp lý, https://phaply.net.vn/phap-luat-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-cua-mot-so-nuoc-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-a237913.html.
[7] “Trung Quốc cấm công cụ ChatGPT” (23/02/2023), Báo điện tử VTV News, Đài Truyền hình Việt Nam, https://vtv.vn/cong-nghe/trung-quoc-cam-cong-cu-chatgpt-20230223172620057.htm.
[8] Lưu Minh Sang, Trần Đức Thành (29/5/2020), “Trí tuệ nhân tạo và những thách thức pháp lý”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3303/tri-tue-nhan-tao-va-nhung-thach-thuc-phap-ly.aspx.
[9] PGS.TS. Trần Thị Thu Phương, Khoa Kinh tế – Luật, Đại học Thương mại (23/01/2022), “Quy định chung của Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu cá nhân và một số khuyến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam”, http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210980/Quy-dinh-chung-cua-Lien-minh-chau-Au-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-va-mot-so-khuyen-nghi-den-Quoc-hoi–Chinh-phu-va-doanh-nghiep-Viet-Nam.html.
[10] “Một số tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo tới hệ thống báo hộ sáng chế” (28/4/2020), Cục Sở hữu trí tuệ, https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17709/mot-so-tac-dong-cua-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-toi-he-thong-bao-ho-sang-che.aspx.

Tiến sĩ NGÔ NGỌC DIỄM

Khoa Luật, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

CHU HUYỀN MY

Đại học Luật, Đại học quốc gia Hà Nội


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *