Bàn về tính thống nhất trong pháp luật hình sự Việt Nam


Ngô Ngọc Diễm

Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật hình sự (PLHS) nói riêng, bám sát được thực tiễn khách quan của đời sống xã hội. Để làm được điều này, các nhà lập pháp cần phải xác định được tầm quan trọng và thiết thực của việc phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất là một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động sáng tạo pháp luật. Việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp chính là tiền đề cốt lõi để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Và ngược lại, khi tính thống nhất được bảo đảm cũng chính là cơ sở quan trọng để phát huy tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn tồn tại một số những hạn chế, chưa bảo đảm sự nhất quán, chưa chính xác về mặt khoa học, chưa chặt chẽ về mặt cấu trúc và còn nhiều bất cập liên quan đến tính thống nhất, trong đó có cả PLHS.

Nghị quyết số 48 – NQ/TW ngày 14/05/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch…”; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”; Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra rằng: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…; hoàn thiện hệ thống pháp luật…”. Tất cả những văn bản này đã cho thấy những đòi hỏi khách quan, sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống PLHS nói riêng.

Bộ luật hình sự (BLHS) là văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, hướng dẫn các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, các quyền và tự do của con người, từ đó hướng tới giáo dục mọi công dân có ý thức tuân thủ, tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Vì vậy, chính bản thân nội tại BLHS đòi hỏi tính thống nhất rất cao bởi nếu mất đi sự thống nhất thì các quy định trong nó sẽ bị mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau, từ đó, không thể đảm bảo việc đồng bộ, nhất quán giữa các quy định của PLHS với các ngành luật khác. Như vậy, hệ thống PLHS nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung không thể tạo ra sự điều chỉnh pháp luật một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Khi đó, không chỉ người dân chấp hành pháp luật mà ngay cả các cơ quan thi hành và bảo vệ pháp luật sẽ gặp rất nhiều những khó khăn khi lựa chọn quy định nào để thực thi trong một hệ thống pháp luật bị rối tung, chồng chéo. Vì vậy, bản thân các quy định của pháp luật cũng phát sinh nhu cầu phải sửa đổi cho phù hợp, thống nhất. Qua đó, có thể khẳng định rằng một đạo luật hay một pháp lệnh có thật sự chất lượng, có thực hiện tốt được các nhiệm vụ đã được đặt ra, bảo đảm sự nhất quán trong lý luận và thực tiễn hay không một phần lớn nhờ vào tính thống nhất[1]. Một văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp hiến và hợp pháp khi chúng phải có sự thống nhất chặt chẽ cả về nội dung và hình thức.

Trong lần pháp điển hoá thứ ba, BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã lĩnh hội, chắt lọc, tiếp tục thừa kế và phát huy những ưu điểm của BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999. BLHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi và những điểm mới, khắc phục được một số hạn chế trong các lần pháp điển hóa trước đây, có nhiều tiến bộ nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện cả về kỹ thuật lập pháp hình sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó, BLHS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục cả về phương diện nội dung và hình thức, được thể hiện qua tính thống nhất của nó. Do đó, với cách tiếp cận tính thống nhất dưới góc độ khoa học PLHS, bài viết bước đầu đã làm rõ nội dung của tính thống nhất trong PLHS, đánh giá được thực trạng của BLHS và từ đó đề ra được những kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện BLHS hiện hành, hướng tới xây dựng một BLHS tương lai một cách hợp lý về mặt thực tiễn, chặt chẽ về mặt khoa học, cấu trúc và bảo đảm tính thống nhất xuyên suốt, từ đó, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao, cũng như bảo đảm thực hiện tốt các chức năng của luật hình sự[2].

2. Khái niệm, phân loại tính thống nhất trong pháp luật hình sự

2.1. Khái niệm

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Thống nhất: 1. Hợp lại thành một khối, có chung một cơ cấu tổ chức, có sự điều hành chung; 2. Làm cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn với nhau[3]. Do đó, tiếp cận tính thống nhất dưới góc độ khoa học luật hình sự, chúng tôi đưa ra một khái niệm đang nghiên cứu như sau: Tính thống nhất trong PLHS được hiểu là sự phù hợp, sự đồng bộ trong các quy định của PLHS về nội dung và hình thức.

2.2. Phân loại

Như vậy, từ khái niệm về tính thống nhất trong PLHS đã nêu, cùng với nhận thức về tầm quan trọng của tính thống nhất như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các quy định của PLHS và thực trạng quy định PLHS Việt Nam hiện hành, chúng tôi chỉ ra các đặc điểm phản ánh sự phân loại như sau:

Một là, tính thống nhất phải được thể hiện và bảo đảm giữa các điều, các khoản của điều luật; giữa các quy định của Phần chung; giữa các quy định của Phần các tội phạm; và giữa các quy định của Phần chung với Phần các tội phạm – mối quan hệ thống nhất nội tại.

Hai là,sựthống nhất giữa luật nội dung (BLHS) và luật hình thức (Bộ luật tố tụng hình sự) của PLHS; giữa BLHS với các đạo luật khác (Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động…); giữa BLHS với các văn bản dưới luật – mối quan hệ thống nhất đồng cấp.

Ba là, bảo đảm tính thứ bậc của giá trí pháp lý mỗi văn bản (văn bản có hiệu lực pháp lý thấp thì phải phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao, ở đây Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất) – mối quan hệ thống nhất theo thứ bậc.

Bốn là,phải thống nhất giữa các quy phạm PLHS trong nước với chuẩn mực và khuyến nghị của quốc tế – mối quan hệ thống nhất ngoài[4].

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, gắn với quy định của PLHS, tính thống nhất còn phản ánh sự thống nhất về mặt nội dung (giữa BLHS với các đạo luật phòng, chống tội phạm có liên quan; giữa BLHS với các đạo luật chuyên ngành; giữa BLHS và các văn bản hướng dẫn; giữa BLHS và các văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn phải phù hợp với Hiến pháp. BLHS phải quy định rõ đối tượng, chức năng, phương pháp điều chỉnh, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được PLHS bảo vệ…) và tính thống nhất về mặt hình thức (được thể hiện ở tính thống nhất trong Phần chung, tính thống nhất trong Phần các tội phạm và tính thống nhất giữa các quy định của Phần chung và Phần các tội phạm).

3. Thực trạng sự thể hiện tính thống nhất trong Bộ luật hình sự năm 2015 hiện hành và một số kiến nghị hoàn thiện

Như vậy, bên cạnh những điểm mới trong BLHS năm 2015, nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, BLHS năm 2015 vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế về tính thống nhất trên một số phương diện về mặt hình thức (như đã nêu), cùng với đó có cả về mặt nội dung mà dưới đây chúng tôi sẽ đề cập.

3.1. Trong phần chung Bộ luật hình sự và kiến nghị hoàn thiện

Trong Phần chung BLHS phản ánh một số nội dung thiếu sự thống nhất như sau:

Thứ nhất, Điều 1 BLHS đã ghi nhiệm vụ bảo vệ thông qua việc liệt kê các khách thể được PLHS quy định như: “chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước…”. Bằng phương pháp này, Điều 8 BLHS đã đưa ra một khái niệm khoa học pháp lý về tội phạm thông qua việc quy định những dấu hiệu của tội phạm và khách thể của tội phạm. Các khách thể đó là: “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc…”. Như vậy, đối chiếu những khách thể loại được quy định tại hai điều đã không được thống nhất và trùng khớp với nhau. Hơn nữa, các khách thể đã nêu tại Điều 1 và Điều 8 cũng chưa thống nhất với tên gọi của 14 chương trong Phần các tội phạm [5]như Chương XXVI “Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và Tội phạm chiến tranh”. Bên cạnh đó, quan niệm “độc lập, chủ quyền” là quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ cũng chưa phù hợp về mặt pháp lý.  Ngoài ra, tại Điều 1 BLHS còn liệt kê một loạt những khách thể, trong đó “trật tự quản lý Nhà nước về kinh tế” hay “an toàn môi trường”… là các khách thể cũng cần được bảo vệ thì lại không được quy định tại Điều này. Do đó, BLHS nên quy định lại các khách thể một cách chính xác, ngắn gọn, không nhất thiết phải liệt kê từng loại khách thể. Xét thấy BLHS có thể chia khách thể thành các nhóm khách thể loại lớn (4 -5 nhóm) để tổng quan và khoa học hơn[6].

Thứ hai,BLHS bao gồm 107 điều được chia ra thành 12 chương của Phần chung và 318 điều được chia ra thành 14 chương của Phần các tội phạm[7].Tuy nhiên, đoạn 2 Điều 1 điều khoản về “Nhiệm vụ của BLHS” ghi nhận về nhiệm vụ của Bộ luật này như sau:“Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt”. Như vậy, đối chiếu hai vấn đề trên, chúng tôi thấy rằng BLHS không chỉ quy định về chế định tội phạm và hình phạt mà còn quy định về những chế định khác. Do đó, Điều 1 BLHS cần bổ sung để bảo đảm phản ánh đầy đủ các nội dung giúp thể hiện tốt các nhiệm vụ của BLHS.

Thứ ba,tiếp theo, khoản 1 Điều 2 BLHS quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu TNHS”, điều này phản ánh phải có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 14 lại ghi nhận “Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu TNHS” như vậy trong một số trường hợp chưa cần thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn phải chịu TNHS, tức là chỉ cần người đó tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để phục vụ cho việc thực hiện các tội phạm. Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp theo chúng tôi cần sửa cụm từ “phạm một tội” đối với cả chủ thể là cá nhân và cả chủ thể là pháp nhân thương mại thành “phạm một hay nhiều tội. Riêng khoản 1 Điều này nên sửa thành “Chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã được Bộ luật Hình sự quy định hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự trên những cơ sở chung[8].

Thứ tư, Chương III BLHS với tên gọi là “Tội phạm” và đây là một trong rất ít các chương mà khái niệm của nó được những nhà làm luật xác định bằng một điều luật riêng biệt. Tuy nhiên, Điều 8 này lại một lần nữa thể hiện sự thiếu thống nhất của BLHS ngay cả trong các khoản của một điều luật. Tại khoản 1 Điều này đã ghi nhận định nghĩa lập pháp về khái niệm tội phạm dựa trên các dấu hiệu tội phạm, tuy nhiên tại khoản 2 lại đề cập đến một trường hợp không phải là tội phạm: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Vì vậy, việc đặt tên của điều này là khái niệm tội phạm chưa hoàn toàn chính xác, chưa tổng quát hoá và bao trùm được tất cả các nội dung, các khoản của điều luật. Điều này đã chỉ ra những dấu hiệu xác định tội phạm thông qua quy định của hai khoản này. Do đó, tên gọi Điều 8 cần đổi tên thành “Xác định dấu hiệu tội phạm[9].

Thứ năm, trong khoa học đề cập đến luật hình sự có nghĩa đề cập đến tội phạm và hình phạt, đến vấn đề định tội danh và quyết định hình phạt, qua đó, để bảo đảm việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của BLHS, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, BLHS mới thể hiện được ba vấn đề (tội phạm, hình phạt và quyết định hình phạt), trong khi vấn đề định tội danh chưa được đề cập đến. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 8 quy định chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại nhưng có một số điều luật chỉ quy định về một loại chủ thể là cá nhân mà không hề nhắc đến pháp nhân thương mại như điều 7, 10, 11, 14… mà rõ ràng chủ thể phạm tội nêu tại các điều luật này có thể là người đại diện hoặc người được uỷ quyền của pháp nhân thương mại[10]. Vì vậy, BLHS nên có nội dung quy định về định tội danh vừa để làm chặt chẽ việc xác định những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của từng loại tội phạm vừa để giúp chặt chẽ trong việc áp dụng thực tiễn PLHS để xác định chủ thể phạm tội (có thể là cá nhân cũng có thể là người đại diện hoặc người được uỷ quyền của pháp nhân thương mại).

3.2. Trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự và kiến nghị hoàn thiện

Tương tự như Phần chung BLHS, Phần các tội phạm cũng phản ánh thực trạng chưa bảo đảm được tính thống nhất trong các quy định như sau:

Một là, các nhà làm luật đã quy định tên Điều 160 BLHS là “Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân” và tên Điều 161 “Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân” là chưa chặt chẽ bởi nếu chỉ nói đến việc bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết trưng cầu ý dân mà không nói rõ trong trường hợp nào, đối tượng nào thì việc tham gia bầu cử các chức danh trong doanh nghiệp, trong các tổ chức đoàn thể phi chính phủ hay các mô hình tổ chức nhỏ nhất của xã hội cũng có thể xếp vào trường hợp vi phạm tội này. Do đó, đối chiếu theo Điều 27 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định” và Điều 95 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” xét thấy khách thể của Điều luật này là quyền hiến định về bầu cử, ứng cử của công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và các văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã nêu. Do đó, ở hai Điều luật này cần phải bổ sung thêm thuật ngữ bầu cử, ứng cử “đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân” để tránh hiểu sai trong việc áp dụng quy định này vào thực tiễn xét xử.

Hai là, nội dung của Điều 165 BLHS “Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới” đã liệt kê 10 lĩnh vực được PLHS bảo vệ để bảo đảm sự bình đẳng giữa các giới. Tuy nhiên, việc liệt kê như vậy vẫn còn thiếu sót khi chưa nêu đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Căn cứ vào 11 lĩnh vực được quy định tại Chương II Luật Bình đẳng giới năm 2006[11] thì Điều 165 BLHS còn nêu thiếu 01 lĩnh vực vô cùng quan trọng được quy định tại Điều 18 chương II của Luật này đó là “gia đình”. Sở dĩ có thể nói như vậy, bởi theo phong tục, tập quán của người Việt Nam từ trước tới nay luôn đề cao tính thứ bậc, khuôn phép, giáo dục, giá trị của mái ấm gia đình. Vì vậy, để bảo vệ được sự công bằng giữa các giới thì gia đình là tiền đề, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, phát triển toàn diện và bảo vệ quyền được bình đẳng trong mọi mặt của đời sống.

Ba là, tiếp đến, tại Điều 167 BLHS “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân có quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, …”. Tuy nhiên, quyền biểu tình trong nhóm quyền trên chưa được ghi nhận chính thức trong một văn bản pháp luật cụ thể có hiệu lực nào, Luật Biểu tình mới đang chỉ dừng lại ở dự thảo và vẫn bị “treo” trên thực tế. Vì vậy, việc BLHS quy định quyền biểu tình vào Điều này còn mang tính hình thức, chưa có giá trị áp dụng trong thực tiễn.

Bốn là, Điều 352 “Khái niệm tội phạm về chức vụ” thuộc Chương XXIII “Các tội phạm về chức vụ” đã đưa ra hai khái niệm khác nhau là tội phạm về chức vụ và khái niệm người có chức vụ. Như vậy, chủ thể của loại tội phạm này được xác định là người có chức vụ theo quy định của khoản 2 Điều 352. Tuy nhiên, xét thấy rằng có những điều luật được xếp vào chương này nhưng chủ thể của tội phạm đó không nhất thiết phải là người có chức vụ mới thực hiện được hình vi phạm tội như tội phạm tại Điều 364 “Tội đưa hối lộ” và Điều 366 “Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

3.3. Trong quy định của Phần chung và Phần các tội phạm Bộ luật hình sự

Giữa các quy định của Phần chung và Phần các tội phạm BLHS luôn có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ, tương hỗ với nhau. Có thể khẳng định như vậy vì các quy định Phần chung và các quy định của Phần riêng đều có chức năng chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ chung của PLHS. Phần chung chính là cơ sở để áp dụng các quy định của Phần riêng trong thực tế. Tuy nhiên, giữa các quy định của hai phần này vẫn phản ánh thực trạng thiếu thống nhất của BLHS như sau:

Thứ nhất, Điều 8 BLHS năm 2015 có điểm mới so với BLHS năm 1999 đã bổ sung thêm một chủ thể mới của tội phạm là pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, tại Điều 76 “Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” đã quy định về 33 cấu thành tội phạm của pháp nhân thương mại, như vậy có thể thấy hành vi của chủ thể mới này chỉ có thể xâm hại đến một số tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII), môi trường (Chương XIX), an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XXI)[12]. Vì vậy, có thể khẳng định pháp nhân thương mại không thể xâm phạm tới tất cả các khách thể loại như khoản 1 Điều 8 này đã quy định. Vì vậy, việc quy định ngang hàng chủ thể là cá nhân và pháp nhân thương mại trong quy định về khái niệm tội phạm là chưa hợp lý[13].

Thứ hai, theo quy định tại Điều 37 BLHS, trục xuất có thể được áp dụng vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội là người nước ngoài. Tuy nhiên, rà soát toàn bộ nội dung Phần các tội phạm, chúng tôi nhận thấy rằng hình phạt này chỉ được quy định tại Phần chung mà không được quy định là hình phạt cho bất kì tội phạm nào được quy định tại Phần các tội phạm BLHS. Sở dĩ có sự không thống nhất này một phần là do tính chất phức tạp và nhạy cảm của việc xử lý chủ thể này. Nhà nước ta luôn tuân thủ và theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tăng cường, giao lưu, hợp tác quốc tế vì vậy việc áp dụng hình phạt trục xuất yêu cầu phải thật linh hoạt mà vẫn bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia. Do đó, chúng tôi đề nghị sửa đổi đoạn 2 Điều 37 trong Phần chung để thống nhất với Phần các tội phạm về hình phạt này (khi được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung).

Thứ ba, Điều 44 Phần chung BLHS quy định: “Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân …” tức là nếu người nào xâm phạm đến an ninh quốc gia thì ngoài hình phạt chính có thể bị tước một vài (nhiều hơn một) các quyền cơ bản như đã nêu ở Điều luật này. Còn tại Điều 122 Phần các tội phạm BLHS lại quy định về hình phạt bổ sung như sau: “người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” Như vậy, đối chiếu các quy định tại hai điều khoản này, chúng tôi thấy rằng BLHS còn chưa thống nhất về việc quy định số lượng hình phạt bổ sung được áp dụng đối với chủ thể xâm phạm loại khách thể này. Theo Điều 122 thì Tòa án có thể áp dụng ít nhất là hai hình phạt bổ sung còn theo quy định tại Điều 44 có thể được áp dụng một hoặc nhiều hơn một hình phạt bổ sung đối với chủ thể thực hiện tội phạm này. Do đó, cần sửa lại để bảo đảm tính thống nhất như sau: “Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân (trừ trường hợp được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này)…”.

Thứ tư, Điều 76 BLHS ghi nhận: “Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này”. Pháp nhân thương mại là một chủ thể được bổ sung vào các quy định của PLHS trong lần pháp điển hoá thứ ba. Tuy nhiên, việc quy định thêm một chủ thể mới này cũng đòi hỏi việc nhất quán giữa các quy định về chủ thể của tội phạm một cách chặt chẽ và phải thống nhất, đồng thời những quy định mới này cũng phải có giá trị thực tiễn cao. Pháp nhân thương mại là một thực thể pháp lý khác hoàn toàn với thực thể sinh học. Chính vì vậy, việc quy định chủ thể tội phạm là pháp nhân thương mại chưa chính xác và chưa chặt chẽ. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa: “Pháp nhân thương mại không thể là chủ thể của thực hiện tội phạm mà chỉ có thể là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do cá nhân (người) thực hiện. Do vậy, chỉ có thể có pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự mà không có pháp nhân thương mại phạm tội theo đúng nghĩa[14]. Theo đó, BLHS cần quy định rõ lại pháp nhân thương mại chỉ có thể liên đới chịu TNHS về hành vi phạm tội của người đại diện hoặc người được uỷ quyền của mình và BLHS phải có điều luật cụ thể mô tả được hoạt động của pháp nhân thương mại thì lúc đó mới có thể quy tội và áp dụng triệt để PLHS vào việc định tội danh và quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại.

4. Kết luận

Tóm lại, việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống PLHS nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này phải được quy định thành một nguyên tắc, một yêu cầu quan trọng trong quy trình lập pháp. Bởi việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống PLHS sẽ giúp các cơ quan bảo vệ luật pháp định tội danh và quy định hình phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, giúp hạn chế tối đa khả năng gây thiệt hại cho Nhà nước và cho xã hội, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được PLHS bảo vệ. Do đó, để tiếp tục hoàn thiện BLHS hiện hành và hướng tới xây dựng một BLHS chặt chẽ cả về mặt nội dung và hình thức, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống PLHS Việt Nam, bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, chúng tôi đề xuất việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần có cả sự tham gia của những cơ quan hành pháp để đưa ra những quy định bảo đảm sự nhất quán trong cả lý luận và thực tiễn, cũng như cần có nhiều nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về BLHS để bảo đảm tính khoa học, tính minh bạch, tính hợp pháp và tính toàn diện hơn nữa./.


[1] Xem: Phí Thị Thanh Tuyền, Bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/bao-dam-tinh-thong-nhat-giua-cac-quy-pham-phap-luat-trong-he-thong-phap-luat-viet-nam-hien-nay-53811.htm, giờ truy cập 12h15, ngày 14/02/2018

[2] Do giới hạn của bài viết nên sự thống nhất giữa BLHS với các văn bản pháp luật và ngành luật khác sẽ được chúng tôi trình bày trong một bài viết riêng biệt.

[3] Xem: Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006, tr.954.

[4] Xem: Nguyễn Ngọc Hòa, Nghiên cứu tính thống nhất giữa BLHS trong việc quy định các tội phạm với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Báo cáo về sản phẩm khoa học và công nghệ của đề tài cấp Bộ năm 2016, tr.2-3.

[5] Hiện nay, theo BLHS năm 2015, 14 chương Phần các tội phạm có tên gọi lần lượt là: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Các tội xâm phạm sở hữu;  Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Các tội phạm về môi trường; Các tội phạm về ma túy; Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; Các tội phạm về chức vụ; Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

[6] Xem: Lê Văn Cảm, Hoàn thiện chế định lớn về tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, Tạp chí Khoa học, chuyên san Luật học, ĐHQGHN, tập 34, số 1, 2018, tr.2.

[7] Tên gọi của các chương xem tại Phần chung BLHS năm 2015.

[8] Xem: Trịnh Tiến Việt, Bảo đảm tính thống nhất khi sửa đổi, bổ sung BLHS, Tạp chí Kiểm sát, số 7(4)/2013, tr.34-35.

[9] Hiện nay, trong quy định của BLHS các nước khác có rất ít các điều khoản về khái niệm, định nghĩa (BLHS Liên bang Đức năm 1998 sửa đổi bổ sung năm 2009, BLHS Liên bang Nga năm 1996 sửa đổi bổ sung năm 2010, BLHS Trung Quốc năm 1979 sửa đổi bổ sung năm 1997). Tuy nhiên, BLHS không phải là từ điển nên theo chúng tôi Điều này cần đổi tên như vậy để bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho việc áp dụng quy định vào thực tiễn để xác định tội phạm.

[10] Xem: Lê Văn Cảm, Hoàn thiện chế định lớn về tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, Tạp chí Khoa học, chuyên san Luật học, ĐHQGHN, tập 34, số 1, 2018, tr.3.

[11] Theo đó, 11 lĩnh vực được quy định trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 lần lượt là: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; y tế; gia đình.

[12] Xem: Lê Văn Cảm, Hoàn thiện chế định lớn về tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN, Tập 34, Số 1, 2018, tr.2.

[13] Xem: Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung),Dự thảo Giáo trình Sau đại học, Nxb. ĐHQGHN, 2018, tr.654.

[14] Xem: Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Bình luận khoa học BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr.17-18.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *