XỬ LÝ HÌNH SỰ ĐỐI VỚI HÀNH VI MUA, BÁN, LÀM GIẢ GIẤY TỜ


Ngày 18/12/2021, Báo Dân trí có đưa tin về 10.000 người đặt mua tài liệu, giấy tờ giả từ đường dây làm giả cực lớn với nội dung như sau:

Ngày 17/12, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an Huyện Phú Lộc, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an Tỉnh và các cục nghiệp vụ – Bộ Công an, triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Từ tháng 4/2021, Công an Tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo để rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả của các tổ chức, cơ quan nhà nước trên toàn quốc.

Quá trình điều tra phát hiện đường dây tội phạm rất tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn để che dấu hành vi phạm tội. Bước đầu xác định có khoảng 10.000 cá nhân trên toàn quốc đã đặt mua để sử dụng các loại tài liệu, giấy tờ giả.

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đường dây tội phạm do Phạm Tấn Huy cầm đầu có hơn 30 đối tượng tham gia, trực tiếp thực hiện hành vi làm giả hơn 20.000 các loại giấy tờ, tài liệu và chuyển cho người đặt mua trên toàn quốc, thu lợi bất chính số tiền hơn 30 tỷ đồng.”

Ảnh: Dân trí

Vậy với hành vi như trên thì sẽ bị xử lý hình sự như thế nào? Chuyên gia pháp lý thuộc Công ty luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội có những phân tích sau đây:

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là tội danh ghép được quy định trong cùng một điều luật (Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017), các hành vi đều xâm phạm cùng một khách thể được Bộ luật Hình sự bảo vệ, đó là trật tự quản lý hành chính của nhà nước, của tổ chức trọng lĩnh vực quản lý hành chính của nhà nước, của tổ chức trong lĩnh vực quản lý về con dấu, tài liệu.

Nhìn từ góc độ pháp lý: Hành vi của nhóm đối tượng nêu trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn, bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính.

Xét hành vi vi phạm pháp luật trên của nhóm đối tượng nêu trên về mặt khách quan: Các đối tượng trong đường dây nêu trên đã thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp thông qua hành vi viết, vẽ, in… các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như loại tài liệu (bằng, chứng chỉ) của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật là bán cho các cá nhân khác để sử dụng. Đồng thời, tại các giấy tờ, tài liệu nêu trên, các cá nhân thuộc nhóm đối tượng này đã sử dụng những con dấu giả của cơ quan, tổ chức. Đối với hành vi này được hiểu là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Về mặt chủ thể: Các cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu nêu trên là các cá nhân không phải cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, chức năng ban hành, phát hành các giấy tờ, tài liệu và sử dụng con dấu và đã đủ 16 tuổi theo quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Về mặt chủ quan, nhóm đối tượng này thực hiện hành vi có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu với lỗi cố ý.

Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nêu trên của nhóm đối tượng này, tùy vào mức độ thực hiện hành vi mà có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *