Luật sư và trách nhiệm bảo vệ người câm, điếc khi lấy lời khai, hỏi cung


Lời mở đầu

Người câm điếc là nhóm người đặc biệt. Trong tố tụng hình sự, nhóm chủ thể này một mặt được đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ như các cá nhân bình thường. Một mặt được bảo vệ riêng bởi những quy định đặc thù.

Với tư cách người bào chữa hoặc bảo vệ cho người câm điếc, Luật sư cần chú trọng ngay từ giai đoạn điều tra, đặc biệt là hỏi cung/lấy lời khai bởi đây là giai đoạn rất dễ xảy ra “oan sai”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của thân chủ sau này.

Luật sư có trách nhiệm bảo vệ thân chủ là người câm điếc khi hỏi cung hoặc lấy lời khai thế nào?

Luật sư bảo vệ quyền được phiên dịch, dịch thuật của người câm điếc

Luật sư tư vấn, hướng dẫn thân chủ yêu cầu cơ quan điều tra mời người phiên dịch là người hiểu được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ dành cho người mù. Trường hợp cảm thấy người phiên dịch thiếu khách quan, luật sư có thể bày tỏ quan điểm và hướng dẫn thân chủ đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật.

Luật sư bảo vệ sự khách quan của nội dung lời khai

Luật sư được có mặt khi cán bộ điều tra lấy lời khai của thân chủ. Đồng thời, Luật sư được độc lập hỏi thân chủ của mình cũng như hỏi lại những câu cán bộ điều tra đã hỏi. Điều này góp phần đảm bảo cho khách hàng là người câm điếc không bị bức cung, nhục hình, không bị ép buộc trong việc hỏi cung, lấy lời khai.

Trường hợp nhận thấy cán bộ điều tra có dấu hiệu không khách quan hoặc có những hành vi gây áp lực, chèn ép thân chủ trong quá trình lấy lời khai, Luật sư có thể đề nghị thay đổi cán bộ điều tra. Luật sư có thể khiếu nại hành vi của cán bộ điều tra nếu thấy xâm phạm đến quyền lợi của khách hàng.

Lời kết

“Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự. Sự có mặt của Luật sư vừa đảm nguyên tắc trên vừa giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, tránh được những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Đồng thời, Luật sư sẽ giám sát hoạt động của cán bộ điều tra, giảm hành vi lạm quyền, bức cung, nhục hình, gây sức ép. Điều này góp phần đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc chứng minh trong tố tụng hình sự.

Vai trò của Luật sư trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai là rất quan trọng, đặc biệt đối với khách hàng là người câm điếc – nhóm người yếu thế trong xã hội./.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *