Một số lưu ý pháp lý về cạnh tranh khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp


Để tăng cường năng lực cạnh tranh, nhiều công ty thực hiện sáp nhập, hợp nhất với công ty khác để mở rộng thị phần, tăng doanh thu cũng như tạo ra cơ hội tăng trưởng mới. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành sáp nhập, hợp nhất một số công ty đã mắc phải sai phạm do bỏ qua những quy định có liên quan trong Luật cạnh tranh.

Điều kiện để doanh nghiệp được sáp nhập?

Theo quy định tại Điều 16 Luật cạnh tranh thì sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp là hình thức tập trung kinh tế. Vì vậy, sáp nhập doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành khi thỏa mãn một trong những điều kiện sau:

– Doanh nghiệp sau khi sáp nhập, hợp nhất thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP.

– Thị phần của doanh nghiệp sau sáp nhập, hợp nhất chiếm không quá 50% thị phần trên thị trường liên quan.

– Thị phần của doanh nghiệp sau sáp nhập, hợp nhất chiếm trên 50% trên thị trường liên quan nhưng thuộc trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Theo đó, có 2 trường hợp được miễn trừ:

+ Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

+ Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Quy trình tiến hành việc sáp nhập

Ngoài quy định về thủ tục sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp quy định tại Luật doanh nghiệp 2014. Luật cạnh tranh 2004 cũng đưa ra một số quy định đối với quy trình sáp nhập doanh nghiệp. Cụ thể:

– Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thuộc loại hình nhỏ và vừa thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

– Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà thuộc trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ thay cho thông báo việc tập trung kinh tế.

Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào nếu vi phạm?

Xử phạt vi phạm hành vi sáp nhập doanh nghiệp bị cấm:

– Phạt tiền doanh nghiệp nhận sáp nhập, doanh nghiệp được hình thành sau hợp nhất đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp nhận sáp nhập và doanh nghiệp bị sáp nhập, doanh nghiệp tham gia hợp nhất trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi sáp nhập, hợp nhất bị cấm.

– Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp nhận sáp nhập, doanh nghiệp sau hợp nhất có thể bị buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, doanh nghiệp đã hợp nhất.

Xử phạt vi phạm hành vi không thông báo về việc sáp nhập, hợp nhất:

Phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định của Luật Cạnh tranh.

(Theo Thư viện pháp luật)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *