MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI TÀI XẾ UỐNG RƯỢU, BIA ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG?


Hỏi: 

Gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế uống rượu, bia. Vậy, mức xử phạt đối với tài xế uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là như thế nào? Chế tài như thế nào đối với người vi phạm? 

 

Nội dung tư vấn:

Có thể thấy, hành vi uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện là lỗi vi phạm giao thông đường bộ rất nhiều người mắc phải. Do đó, căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng bia rượu được quy định như sau:

Thứ nhất là đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi. 

Theo điểm c khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ có mức xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng. 

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 – 12 tháng. Trường hợp khác, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 – 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Theo Điểm c khoản 8 Điều 5) sẽ bị phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 – 18 tháng. 

Trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (Điểm a, b khoản 10 Điều 5) sẽ có mức xử phạt từ 30 – 40 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng.

Thứ hai, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm một trong các hành vi. 

Đối với trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Theo căn cứ tại điểm c khoản 6 Điều 6) thì sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 – 12 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm c khoản 7 Điều 6) bị phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 – 18 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (Điểm e, g khoản 8 Điều 6) có mức xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng và có hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Thứ ba, đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm một trong các hành vi.

Khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Điểm c khoản 5 Điều 7) sẽ bị xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1- 3 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm b khoản 7 Điều 7) bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 16 tháng đến 18 tháng.

Trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (Điểm a, b khoản 9 Điều 7) được quy định Mức xử phạt là phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng. Đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 – 24 tháng.

Thứ tư, đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm một trong các hành vi.

Đối với trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (Điểm q khoản 1 Điều 8) có mức xử phạt từ 80.000 – 100.000 đồng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm e khoản 3 Điều 8) bị phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (Điểm c, d khoản 4 Điều 8) có mức phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng.

Hoàng Long, Nguyễn Thị Hồng – Công ty luật ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *