Qua các nghiên cứu cho thấy, hệ thống pháp luật của các nước khác nhau điều chỉnh về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp không giống nhau. Có nhiều lý do tác động đến pháp luật điều chỉnh hoạt động sáp nhập doanh nghiệp như nền tảng pháp lý, sự phát triển kinh tế, cơ cấu quản lý của công ty, cơ chế thực thi pháp luật … Các quy định về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp chủ yếu được quy định trong các đạo luật về doanh nghiệp. Đây là nguồn cơ bản điều chỉnh hoạt động sáp nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về hợp đồng … cũng có quy định liên quan đến hoạt động sáp nhập doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, sáp nhập doanh nghiệp được quy định trong Bộ luật Dân sự về sáp nhập pháp nhân và quy định về hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp. Pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh sáp nhập doanh nghiệp với tính chất là biện pháp tổ chức lại doanh nghiệp với mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Pháp luật cạnh tranh kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế có thể gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Pháp luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh các quan hệ chuyển giao tài sản trí tuệ. Pháp luật về thuế; pháp luật về lao động; pháp luật về đất đai điều chỉnh vấn đề về thuế trong vụ sáp nhập doanh nghiệp; quy định về giải quyết việc làm cho người lao động khi sáp nhập doanh nghiệp …
Đối với một số ngành nghề, lĩnh vực hoạt động như tài chính, ngân hàng, viễn thông… các bên tham gia vụ sáp nhập doanh nghiệp còn phải chịu sự điều chỉnh theo những quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành để đảm bảo sự hài hòa, bình ổn giữa sáp nhập doanh nghiệp và các chính sách về an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế, an sinh xã hội.
1. Dẫn nhập
Sáp nhập (Mergers) được hiểu là việc kết hợp giữa hai hay nhiều doanh nghiệp và cho ra đời một pháp nhân mới. Sau khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, doanh nghiệp nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các doanh nghiệp bị sáp nhập.
Về cơ bản, hoạt động sáp nhập là quá trình thống nhất tổ chức giữa các doanh nghiệp bị sáp nhập (tổ chức lại doanh nghiệp). Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ theo cơ chế kinh tế thị trường và hiện có khoảng hơn 2 triệu doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng hơn 90%. Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều thương vụ sáp nhập, mua bán doanh nghiệp với giá trị giao dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc thực hiện sáp nhập, mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam đang gặp phải những khó khăn về phương diện pháp lý, bởi vì khung pháp lý cho sáp nhập, mua bán doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ và nằm rải rác ở các văn bản luật khác nhau.
2. Khái niệm pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp
Qua các nghiên cứu cho thấy, hệ thống pháp luật của các nước khác nhau điều chỉnh về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp không giống nhau. Có nhiều lý do tác động đến pháp luật điều chỉnh hoạt động sáp nhập doanh nghiệp như nền tảng pháp lý, sự phát triển kinh tế, cơ cấu quản lý của công ty, cơ chế thực thi pháp luật… Các quy định về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp chủ yếu được quy định trong các đạo luật về doanh nghiệp. Đây là nguồn cơ bản điều chỉnh hoạt động sáp nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về hợp đồng… cũng có quy định liên quan đến hoạt động sáp nhập doanh nghiệp.
Ở Nhật Bản, pháp luật điều chỉnh về hợp nhất, sáp nhập và mua lại công ty bao gồm Bộ luật Thương mại, Luật Chứng khoán và thị trường chứng khoán, Luật Chống độc quyền tư nhân và duy trì cạnh tranh lành mạnh, Luật Ngoại hối và ngoại thương. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Bộ luật Thương mại, Luật Sáp nhập và mua bán cổ phần chi phối trên thị trường chứng khoán, Luật Chống hạn chế cạnh tranh, Luật Công ty cổ phần… Pháp luật Singapore điều chỉnh về mua lại, hợp nhất, sáp nhập bởi Luật Công ty. Singapore không có Luật Chống độc quyền, nhưng trong một số ngành như viễn thông, bưu chính, ngành dịch vụ công có những quy định về chống độc quyền. Ngoài ra, khi mua lại, hợp nhất, sáp nhập còn chịu sự điều chỉnh hoặc liên quan đến pháp luật về lao động, thuế, sở hữu trí tuệ[1].
Ở Việt Nam, sáp nhập doanh nghiệp được quy định trong Bộ luật Dân sự về sáp nhập pháp nhân và quy định về hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp. Pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh sáp nhập doanh nghiệp với tính chất là biện pháp tổ chức lại doanh nghiệp với mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Pháp luật cạnh tranh kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế có thể gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Pháp luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh các quan hệ chuyển giao tài sản trí tuệ. Pháp luật về thuế; pháp luật về lao động; pháp luật về đất đai điều chỉnh vấn đề về thuế trong vụ sáp nhập doanh nghiệp; quy định về giải quyết việc làm cho người lao động khi sáp nhập doanh nghiệp… Đối với một số ngành nghề, lĩnh vực hoạt động như tài chính, ngân hàng, viễn thông…, các bên tham gia vụ sáp nhập doanh nghiệp còn phải chịu sự điều chỉnh theo những quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành để đảm bảo sự hài hòa, bình ổn giữa sáp nhập doanh nghiệp và các chính sách về an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế, an sinh xã hội.
Có thể thấy rằng, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sáp nhập doanh nghiệp được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau, song cùng hướng tới mục tiêu là đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động sáp nhập doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ sáp nhập doanh nghiệp, bảo đảm ổn định thị trường và trật tự xã hội. Từ đó, có thể đưa ra khái niệm: “Pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp là một bộ phận của pháp luật về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện sáp nhập doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động sáp nhập doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ sáp nhập doanh nghiệp, bảo đảm ổn định thị trường và trật tự xã hội”.
3. Những nội dung cơ bản của pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp
Pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp bao gồm hệ thống các quy định pháp luật thuộc nhiều chế định pháp luật khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu bảo đảm cho việc sáp nhập doanh nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi doanh nghiệp bị sáp nhập; đảm bảo việc định giá chính xác tài sản của doanh nghiệp bị sáp nhập; quy định về hoán đổi phần vốn góp, cổ phần của chủ sở hữu doanh nghiệp bị sáp nhập sang doanh nghiệp nhận sáp nhập; giải quyết hài hòa lợi ích với các chủ nợ, bạn hàng của doanh nghiệp bị sáp nhập khi thực hiện thanh toán các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng… Nội dung pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp bao gồm các chế định cơ bản sau đây:
Thứ nhất, quy định về sáp nhập doanh nghiệp
Sáp nhập doanh nghiệp được pháp luật các quốc gia thừa nhận như một biện pháp tổ chức, sắp xếp lại tổ chức quản lý và chuyển đổi phương hướng kinh doanh của doanh nghiệp với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp. Với tư cách là nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, hệ thống pháp luật doanh nghiệp của Hoa Kỳ hướng tới việc bảo vệ các nhà đầu tư và môi trường kinh doanh lành mạnh. Mặc dù chính sách và pháp luật thương mại của Hoa Kỳ rất thống nhất, nhất là trong lĩnh vực thương mại giữa các bang, thương mại quốc tế, ngân hàng, chứng khoán… song hình thức tổ chức kinh doanh được Chính quyền Liên bang trao cho Chính quyền các Bang. Luật Công ty Bang Delaware chia ra thành sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp trong nước và sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sáp nhập công ty mẹ và công ty con hoặc công ty khác, sáp nhập công ty trong nước và công ty cổ phần hoặc hiệp hội, sáp nhập các công ty không phải công ty cổ phần trong nước, sáp nhập các công ty không phải công ty cổ phần trong nước và nước ngoài.
Có thể thấy, pháp luật về công ty của Hoa Kỳ đã tính toán và phân chia từng loại hình doanh nghiệp sáp nhập và có quy định phù hợp với từng loại hình. Theo Luật Công ty Bang Delaware, sáp nhập công ty được hiểu là “Bất kỳ hai hoặc nhiều doanh nghiệp của bang này có thể sáp nhập thành một doanh nghiệp trên cơ sở một doanh nghiệp được sáp nhập hoặc tạo thành một doanh nghiệp mới, theo một thỏa thuận về sáp nhập hoặc hợp nhất tuân theo và được thông qua phù hợp với quy định của pháp luật”. Như vậy, sáp nhập công ty được hiểu theo nghĩa rộng (bao gồm cả hợp nhất công ty).
Cộng đồng Châu Âu cũng đã có một định nghĩa cụ thể về sáp nhập và mua lại tại Quy định về sáp nhập của Cộng đồng Châu Âu số 139/2004 ngày 20/01/2004 (EC Merger Regulation) như sau: (i) Sự sáp nhập giữa hai pháp nhân độc lập hoặc hai bộ phận của hai pháp nhân; (ii) Thâu tóm quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc mua lại chứng khoán hoặc tài sản của một công ty khác; (iii) Tạo ra một liên doanh mới. Quy định về sáp nhập của Cộng đồng Châu Âu đã đưa ra cách tính về doanh số, thủ tục cần thiết để tiến hành việc sáp nhập và mua lại một cách cụ thể. Mặc dù hệ thống pháp luật của từng quốc gia thuộc thành viên của Cộng đồng chung Châu Âu là khác nhau, nhưng Quy chế về sáp nhập của Cộng đồng Châu Âu được áp dụng chung và là văn bản có hiệu lực điều chỉnh cao hơn pháp luật của từng quốc gia phê chuẩn.
Thứ hai, quy định về các điều kiện sáp nhập doanh nghiệp
Sáp nhập doanh nghiệp là một hoạt động liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau và có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ sở hữu doanh nghiệp khi thay đổi tỷ lệ góp vốn vào vốn điều lệ của doanh nghiệp phát sinh từ việc sáp nhập doanh nghiệp; ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng, người lao động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt hoạt động. Đối với những ngành kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, thì sáp nhập doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định của nền kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, lợi dụng quyền tự do sáp nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tìm cách hạn chế cạnh tranh và lạm dụng quyền lực thị trường của doanh nghiệp mình gây tác hại đến trật tự cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, cần đặt ra những điều kiện trước khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp để phòng ngừa, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn từ việc sáp nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chỉ được thực hiện sáp nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định. Thông thường, điều kiện về tập trung kinh tế không thuộc các trường hợp bị pháp luật cạnh tranh nghiêm cấm; cùng các điều kiện về vốn và an toàn vốn đối với các vụ sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính; doanh nghiệp nhận sáp nhập phải đáp ứng điều kiện để kinh doanh dịch vụ bảo hiểm về vốn, về loại hình doanh nghiệp, về nhân sự quản lý điều hành doanh nghiệp…
Luật Chống độc quyền của Hoa Kỳ có quy định giới hạn về điều kiện sáp nhập doanh nghiệp. Hoạt động tập trung kinh tế tại Hoa Kỳ được điều chỉnh bởi Điều 1, Điều 2 Đạo luật Sherman, Điều 5 Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang và Điều 7 Đạo luật Clayton. Nếu từ việc tập trung kinh tế mà doanh nghiệp có khả năng độc quyền thì vụ việc đó sẽ thuộc sự điều chỉnh của Điều 2 Đạo luật Sherman. Điều 5 Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang cũng điều chỉnh đối với những vụ việc tập trung kinh tế nếu đó là các phương thức cạnh tranh không công bằng hay là các hành vi lừa dối.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ chủ yếu sử dụng Đạo luật Clayton để điều chỉnh các hành vi tập trung kinh tế có tác động tiêu cực đến trật tự cạnh tranh. Đạo luật Clayton không quy định cụ thể như thế nào là tập trung kinh tế và cũng không quy định tập trung kinh tế dưới các hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay liên doanh giữa các doanh nghiệp. Cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ chủ yếu hướng đến việc ngăn chặn các tác động tiêu cực mà những vụ việc tập trung kinh tế có khả năng gây ra cho môi trường cạnh tranh và cấu trúc thị trường. Theo đó, chỉ cần có căn cứ xác định rằng, trong một giao dịch, việc doanh nghiệp này có được tài sản hoặc cổ phần của doanh nghiệp khác và có khả năng làm giảm tính cạnh tranh hoặc tạo ra thế độc quyền thì các cơ quan quản lý cạnh tranh của Hoa Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Với mục tiêu chống tập trung kinh tế dưới hình thức sáp nhập giữa hai doanh nghiệp với nhau hay mua lại cổ phần hoặc tài sản của doanh nghiệp khác không phải là vấn đề quá quan trọng[2]. Trong trường hợp các cơ quan này cho rằng, việc sáp nhập doanh nghiệp có khả năng làm giảm tính cạnh tranh hoặc tạo ra thế độc quyền thì sẽ cảnh báo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Ở Pháp, Điều L 420-1 Bộ luật Dân sự Pháp đã quy định các nguyên tắc của thỏa thuận cạnh tranh. Điều khoản này có quy định ngăn cấm bất kỳ hoạt động nào có mục đích hoặc hậu quả ngăn ngừa, hạn chế hoặc ảnh hưởng đến cạnh tranh. Đây chính là vấn đề mà các doanh nghiệp sáp nhập phải lưu ý trước khi thực hiện việc sáp nhập. Hoạt động tập trung kinh tế bao gồm cả sáp nhập doanh nghiệp được quy định tại Điều L. 430-1 nhằm ngăn ngừa một công ty có được vị trí thống lĩnh thị trường. Việc sáp nhập công ty phải có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Ủy ban Cạnh tranh nếu đáp ứng các điều kiện sau: (i) Tổng doanh số toàn cầu không kể thuế của các bên trước khi sáp nhập nhiều hơn 150 triệu ơ-rô; (ii) Tổng doanh số không kể thuế ở Pháp của hai hay nhiều bên trước khi sáp nhập nhiều hơn 50 triệu ơ-rô[3].
Ở Trung Quốc, một trong những mục tiêu của Luật Chống độc quyền Trung Quốc là nhằm ngăn cấm các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp mà làm hạn chế hoặc loại bỏ cạnh tranh trên thị trường. Luật này đã kiểm soát các dự án mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong và nước ngoài để hình thành các doanh nghiệp sáp nhập, mua cổ phần, mua tài sản có thể khống chế các doanh nghiệp khác. Về điều tra chống độc quyền, cơ quan thực thi chống độc quyền của Trung Quốc có thể quyết định cấm giao dịch hoặc cho phép giao dịch hoặc cho phép giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp được thực hiện nếu đáp ứng một số điều kiện, phụ thuộc vào các tiêu chí như: Thị phần và năng lực thị trường của doanh nghiệp có liên quan; mức độc tập trung thị trường; sự tác động của giao dịch vào thị trường đầu vào và sự phát triển của công nghệ; sự tác động của giao dịch về khách hàng và những doanh nghiệp khác; sự tác động của giao dịch đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia[4].
Thứ ba, quy định về trình tự, thủ tục sáp nhập doanh nghiệp
Thủ tục được hiểu là cách thức tiến hành một công việc theo trình tự nhất định theo quy định của pháp luật. Thủ tục có vai trò quan trọng trong việc điều hành tổ chức hoạt động của một tổ chức kinh doanh nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đối với Nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định thể hiện sự quản lý nhà nước đối với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam bao gồm:
(i) Chủ sở hữu doanh nghiệp bị sáp nhập thông qua phương án sáp nhập doanh nghiệp với tính chất là một biện pháp tổ chức lại doanh nghiệp;
(ii) Chủ sở hữu doanh nghiệp nhận sáp nhập và doanh nghiệp bị sáp nhập thông qua cơ quan quản lý của doanh nghiệp quyết định việc sáp nhập doanh nghiệp và soạn hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp để giải quyết các hệ quả pháp lý phát sinh từ việc sáp nhập doanh nghiệp;
(iii) Đăng ký thay đổi tình trạng pháp lý của doanh nghiệp nhận sáp nhập tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký doanh nghiệp hoặc thực hiện các thủ tục thông báo tập trung kinh tế tại cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Thứ tư, quy định về hậu quả pháp lý sau khi sáp nhập doanh nghiệp
Hậu quả pháp lý của sáp nhập doanh nghiệp là giải quyết các mối quan hệ tài sản gắn với trách nhiệm pháp lý về tài sản, quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia sáp nhập doanh nghiệp, theo đó, pháp luật quy định:
(i) Trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các doanh nghiệp sáp nhập, doanh nghiệp bị sáp nhập trong việc giải quyết các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với doanh nghiệp bị sáp nhập. Doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ kế thừa các quyền, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm với khách hành, người lao động và các đối tác khác phát sinh từ các nghĩa vụ dân sự giữa doanh nghiệp bị sáp nhập với họ. Một nội dung quan trọng của sáp nhập doanh nghiệp đó là việc định giá tài sản, phần vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp bị sáp nhập và doanh nghiệp bị sáp nhập trong tương quan so sánh khi quy đổi tỷ lệ phần vốn góp với chủ sở hữu doanh nghiệp nhận sáp nhập. Các nội dung nói trên sẽ được ghi nhận cụ thể trong hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp căn cứ trên sự thỏa thuận của các bên tham gia sáp nhập và quy định của pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp như nguyên tắc định giá, cơ sở định giá tài sản, phương pháp định giá tài sản, tổ chức định giá tài sản…
(ii) Việc chấm dứt tư cách pháp lý của một chủ thể kinh doanh độc lập, chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý của doanh nghiệp bị sáp nhập bằng việc xóa tên doanh nghiệp bị sáp nhập trong sổ đăng ký doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp.
Thứ năm, quy định pháp luật điều chỉnh sáp nhập doanh nghiệp dưới góc độ là pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế
Sáp nhập doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự hình thành các doanh nghiệp có sức mạnh và lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp trước khi sáp nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được hình thành sau khi sáp nhập doanh nghiệp có thể lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình để triệt tiêu cạnh tranh. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát trước khi các doanh nghiệp thực hiện sáp nhập với nhau. Pháp luật cạnh tranh kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp với tính chất là một trong những hành vi tập trung kinh tế với các nhóm quy định cơ bản sau:
(i) Quy định về cách thức kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp;
(ii) Quy định về trình tự, thủ tục kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp tại cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh;
(iii) Quy định xử lý vi phạm về tập trung kinh tế.
Có thể thấy, quy định kiểm soát hành vi sáp nhập theo Luật Cạnh tranh và Luật Doanh nghiệp khác nhau. Việc kiểm soát sáp nhập của Luật Cạnh tranh dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia sáp nhập trên thị trường liên quan hoặc quy mô của doanh nghiệp sau sáp nhập giống như trong trường hợp hợp nhất. Còn tại Luật Doanh nghiệp quy định trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại điện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác. Cấm các trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác. Quy định này có sự khác biệt so với Luật Cạnh tranh bởi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia sáp nhập trên thị trường liên quan hoàn toàn khác với mức thị phần trên thị trường liên quan của công ty nhận sáp nhập.
[1]. Phạm Minh Sơn (2016), Pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ luật học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học Xã hội.
[2]. Cao Hoàng Oanh, Kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật Hoa Kỳ, tham khảo trên trang web https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:vtFhARa2W1AJ:https://caohoangoanh.wordpress.com/2013/11/03/kiem-soat-tap-trung-kinh-te-theo-phap-luat-canh-tranh-viet-nam-va-hoa-ky-phan-3/+&cd=10&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
[3]. Điều L.430-1 Bộ luật Thương mại Pháp.
[4]. Lê Thị Khánh Ly, Bài dịch “Luật Chống độc quyền ở Hoa Kỳ”, N.Gregory Mankiw (2008), Những nguyên tắc của kinh tế vi mô, tái bản lần thứ năm.
(Theo Luật sư Việt Nam)