Những vấn đề pháp lý đặt ra đối với hành vi của Hoài linh ‘ỉm’ hơn 14 tỷ đồng tiền từ thiện


Nguyễn Minh Nhật

Trung tâm tư vấn pháp luật trực tuyến – Công ty luật ThinkSmart

Trần Trọng Nam

Phòng Pháp luật Hình sự – Công ty luật ThinkSmart

Điện thoại: 1900636391

Trong những ngày vừa qua, báo chí và các trang mạng xã hội liên tục đưa tin về vụ  việc Nghệ sĩ Hoài Linh bị nghi ngờ “ăn chặn” 14 tỷ đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Được biết, vào những tháng cuối năm 2020, nhiều tỉnh miền Trung phải hứng chịu nhiều cơn bão gây lụt úng thiệt hại rất lớn về tài sản và tính mạng. Cùng với nhiều văn nghệ sĩ, Hoài Linh – cũng là một người con của miền Trung – đã đứng ra vận động quyên góp tiền của nhân dân khắp mọi miền tổ quốc với mục đích giúp bà con miền Trung vượt qua cơn khó khăn này. Tổng số tiền quyên góp tính đến thời điểm cuối năm 2020 là 14,7 tỉ đồng. Số tiền này đang nằm trong tài khoản riêng do nam nghệ sĩ thiết lập. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, số tiền này Hoài Linh vẫn chưa có động thái hỗ trợ kịp thời cho người dân Miền Trung. Có thể nói, đây là tài sản không phải là của Hoài Linh mà cất giữ trong khoảng hơn nửa năm khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về tính minh bạch của vấn đề. Quan điểm của chúng tôi tư vấn giải quyết vụ việc này như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 72/2008/TT-BTC thì những tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

4. Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này”

Do vậy có thể thấy, ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên thì không có tổ chức, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên về bản chất, Nghị định 64/2008/NĐ-CP không điều chỉnh trường hợp các cá nhân kêu gọi, tiếp nhận tiền đóng góp từ thiện từ người khác (như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh, Thủy Tiên). Bởi nghị định này quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện… đứng ra tổ chức (các cơ quan, tổ chức có chức năng hoạt động xã hội và làm từ thiện một cách chuyên nghiệp). Trong trường hợp đối tượng đứng ra vận động quyên góp là các cá nhân sẽ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP nêu trên.

Thứ hai, Việc cá nhân đứng ra kêu gọi và nhận tiền quyên góp tự nguyện từ các cá nhân, tổ chức có thể nhìn dưới góc độ luật dân sự. Theo đó, các cá nhân vận động quyên góp giữ vai trò trung gian, có thể gọi là người được các mạnh thường quân “ủy quyền” thay mình trao tài sản ủng hộ đến người dân bị nạn (theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015). Luật không cấm một người đưa tiền cho một người khác đi làm từ thiện cũng không cấm cá nhân nhân danh chính mình đứng ra vận động quyên góp (nhất là trong tình huống khẩn cấp).

Đối với việc sử dụng số tiền sau khi kêu gọi quyên góp cũng là một vấn đề lớn cần đặt ra. Pháp luật hiện nay không quy định chi tiết một cá nhân sau khi kêu gọi quyên góp thì trong thời hạn bao lâu phải giải ngân hết số tiền. Đây là kẽ hở khiến nhiều người lợi dụng để cố tình kéo dài hoặc chiếm đoạt số tiền quyên góp được. Tuy nhiên, trong trường hợp không giải ngân đúng thời hạn như đã cam kết thì tùy tính chất và mức độ các cá nhân có thể đối mặt với các hậu quả pháp lý khác nhau:

Trường hợp 1: Nếu ban đầu, cá nhân lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, lũ lụt tàn phá để đưa  ra các thông tin kêu gọi ủng hộ khiến người dân tin tưởng mà gửi tiền vào tài khoản đã lập sẵn. Sau đó thực hiện chiếm đoạt số tiền, không thực hiện cứu trợ như đã cam kết. Hành vi này cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người thực hiện tội phạm này thường dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả (bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động…) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Nói cách khác, giữa hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản trái phép có mối quan hệ nhân quả. Căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt để định khung hình phạt tương ứng, trong trường hợp số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng có thể đối mặt với mức hình phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp 2: Nếu ban đầu hành động kêu gọi ủng hộ, quyên góp giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, khắc phục sự cố thiên tai là có thật, với mục đích thiện nguyện nhưng sau khi có được tiền thì nổi lòng tham, có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì người nhận ủy quyền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, trong trường hợp nếu số tiền quyên góp không được giải ngân toàn bộ nhưng cá nhân đó vẫn cố tình không hoàn lại mặc dù có đủ điều kiện hoàn trả thì cũng có thể bị xử lý về tội này. Về hình phạt, đối với hành vi chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể đối mặt với mức án từ 12 đến 20 năm tù giam.

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp 3: Nếu thực tế cá nhân thực hiện việc kêu gọi, ủng hộ vì mục đích thiện nguyện tuy nhiên do sự kiện bất khả kháng khiến việc giải ngân số tiền quyên góp không đúng như dự kiến thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (bão, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh…). Trường hợp, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, thì những cá nhân tiếp nhận tiền ủng hộ đã vi phạm nghĩa vụ giải ngân số tiền đó, bởi lẽ việc ủng hộ phải diễn ra nhanh chóng, kịp thời, đúng thời hạn cam kết.

Để việc kêu gọi, vận động ủng hộ quyên góp của các nghệ sĩ được hợp pháp, tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra thì ngay từ ban đầu các cá nhân này cần công khai số tiền nhận được và có kế hoạch sử dụng số tiền đó rõ ràng như: thời gian giải ngân trong bao nhiêu lâu? Dùng vào mục đích gì? Tại địa phương nào?…nếu có phát sinh sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thực hiện đúng kế hoạch như đã cam kết thì phải có trách nhiệm thông báo công khai. Đồng thời cũng cần bổ sung quy định của pháp luật để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp này. Thêm vào đó, cũng cần sửa đổi quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế hiện nay, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định trong các văn bản pháp luật khác.

Thiết nghĩ: Nhà nước pháp quyền là nhà nước đề cao vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội, được tổ chức, hoạt động trên cơ sở một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng và các nguyên tắc chủ quyên nhân dân, phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm quyền con người, tự do cá nhân, công bằng, bình đẳng trong xã hội. Trong vụ việc này đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ trả lại danh dự, nhân phẩm cho nghệ sĩ Hoài Linh, còn nếu nghệ sĩ Hoài Linh vi có vi phạm sẽ xử lý thích đáng theo đúng quy định của pháp luật

Trên đây là nội dung tư vấn của ThinkSmart về các vấn đề pháp lý liên quan đến hiện tượng một cá nhân đứng ra kêu gọi và tiếp nhận tiền ủng hộ, quyên góp. Trân trọng cảm ơn Quý khách đã quan tâm và tin dùng dịch vụ pháp lý của ThinkSmart./.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *