Hỏi:
Trường hợp có kẻ lạ đột nhập vào nhà không được sự cho phép của gia chủ, để đảm bảo tính mạng, tài sản của mình, người trong nhà phải xử lý thế nào? Gần đây tôi thấy có nhiều bình luận trái chiều xoay quanh việc đánh bị thương hay giết kẻ trộm cướp đột nhập vào nhà thì gia chủ vẫn bị truy tố hình sự và có thể đi tù. Vậy mong cho tôi biết chiếu theo luật pháp hiện hành, chủ nhà phải làm như thế nào để đảm bảo tính mạng, tài sản của mình nhưng vẫn đúng luật?
Nội dung tư vấn:
Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:
Căn cứ theo Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Phòng vệ chính đáng:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Ở trường hợp chủ nhà chống trả lại kẻ lạ đột nhập trái phép vào nhà để bảo đảm tính mạng, tài sản của mình là hành vi phòng vệ chính đáng và không được coi là tội phạm (không bị truy tố hình sự). Tuy nhiên pháp luật cũng quy định hành vi chống trả này của chủ nhà phải là hành vi chống trả lại một cách cần thiết, trường hợp rõ ràng vượt quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại (đột nhập trái phép vào nơi ở) thì chủ nhà sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tùy theo mức độ vượt quá của hành vi chống trả.
Cụ thể, hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ tài sản, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v…
Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ. Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.
Có thể thấy, việc đánh giá đâu là giới hạn phòng vệ chính đáng trên thực tế là một hoạt động phức tạp, khó có một công thức chung để áp dụng mà đa phần dựa trên đánh giá và ý chí của cơ quan điều tra căn cứ trên những chứng cứ thu thập. Vì vậy, để phòng tránh các trường hợp chủ nhà phải chịu trách nhiệm hình sự do vượt quá phòng vệ chính đáng đồng thời vừa bảo vệ được tính mạng tài sản của bản thân và gia đình, chúng tôi có một số tư vấn trong những trường hợp trên:
– Chủ nhà cần giữ bình tĩnh và hạn chế đối đầu trực tiếp với kẻ đột nhập bằng cách sử dụng những hành động khiến kẻ đột nhập phải rút lui như bật đèn, hô hoán hàng xóm xung quanh…
– Trường hợp kẻ đột nhập vẫn tiếp tục thực hiện bằng được hành vi phạm tội, chủ nhà có thể thực hiện hành vi chống trả tùy thuộc vào khả năng của mình và có thể sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, cần tuyệt đối lưu ý khi đã không chế được kẻ đột nhập thì không được tiếp tục tấn công. Trường hợp kẻ đột nhập đã có ý định bỏ chạy, thoát thân thì không cần thiết phải đuổi bắt, khống chế bằng mọi giá nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc do vượt quá phòng vệ chính đáng.
Vi Sa – Công ty Luật TNHH ThinkSmart
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp