Hỏi:
Mẹ tôi muốn đưa em trai tôi, hiện đang tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, lên nhà thầy lang ở vùng núi để tiến hành điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy bằng bài thuốc riêng.
Tuy nhiên tôi không đồng ý và cho rằng việc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy phải do y, bác sĩ được đào tạo, tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy và được Sở Y tế cấp tỉnh cấp chứng chỉ; áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành.
Xin hỏi, ý kiến của tôi có đúng không?
Nội dung tư vấn:
Hiện nay, bên cạnh trách nhiệm phòng, chống ma túy thì trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc điều trị và cai nghiện cho người nghiện ma túy cũng rất được chú trọng.
Cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy là một giai đoạn trong quy trình cai nghiện ma túy
Điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy là 1 trong 5 giai đoạn thuộc quy trình cai nghiện ma túy. Quy trình cai nghiện ma túy bao gồm các giai đoạn sau đây:
(1) Tiếp nhận, phân loại;
(2) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;
(3) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách;
(4) Lao động trị liệu, học nghề;
(5) Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải bảo đảm đầy đủ 5 giai đoạn nêu trên.
(Theo Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định về Quy trình cai nghiện ma túy).
Việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cần tuân thủ theo quy định pháp luật
Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.
Việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải bảo đảm hoàn thành đủ 03 giai đoạn thuộc quy trình cai nghiện ma túy là: (1) Tiếp nhận, phân loại; (2) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; (3) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách.
Giai đoạn “Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác” được hướng dẫn thực hiện tại Điều 23 Nghị định 116/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) theo các bước sau đây:
– Khám, xây dựng bệnh án đối với người cai nghiện; chú ý các dấu hiệu rối loạn tâm thần, bệnh cơ hội.
– Xác định loại ma túy, liều lượng ma túy người nghiện sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
– Tư vấn tâm lý đối với người nghiện trước khi điều trị cắt cơn, giải độc.
– Thực hiện phác đồ điều trị theo các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Kết hợp sử dụng thuốc với các biện pháp tâm lý và các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng; kết hợp điều trị cắt cơn, giải độc với điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh cơ hội khác.
Khi thực hiện tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, người cai nghiện có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tức là người cai nghiện phải tuân thủ quy trình và từng bước cai nghiện nêu trên, bao gồm thực hiện “Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác” theo đúng quy định pháp luật.
Đối với việc “lên nhà thầy lang ở vùng núi để tiến hành điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy bằng bài thuốc riêng”
Hiện nay pháp luật phòng, chống ma túy không hạn chế người cai nghiện ma túy và gia đình thực hiện điều trị cắt cơn, giải độc bằng các phương pháp dân gian khác. Tuy nhiên bên cạnh các phương pháp đó, người cai nghiện và gia đình phải tuân thủ đúng quy định, các bước cai nghiện ma túy nói chung và điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác nói riêng theo đúng quy định pháp luật.
Lê Khanh, Minh Nhật – Công ty luật ThinkSmart