Nên bảo hộ nhãn hiệu đen trắng hay nhãn hiệu màu?


Yếu tố màu sắc là không thể thiếu được đối với nhãn hiệu hàng hóa bởi ưu điểm gây ấn tượng đối với thị giác con người, qua đó giúp cho nhãn hiệu thực hiện được chức năng phân biệt của mình. Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định về đặc điểm của nhãn hiệu tại Khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Do vậy có thể hiểu rằng một nhãn hiệu có thể được đăng ký bảo hộ ở dạng đen trắng lẫn các màu sắc khác.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Phạm vi bảo hộ của một nhãn hiệu đen – trắng hoặc một nhãn hiệu trong dạng màu sắc đạt đến mức độ nào, nhãn hiệu nào được bảo hộ mạnh hơn?

Thông qua quy định luật pháp và thực tiễn áp dụng có thể phân ra hai cách tiếp cận chính của các nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu đen – trắng và nhãn hiệu màu.

– Cách tiếp cận thứ nhất: Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu phụ thuộc chặt chẽ vào mẫu nhãn hiệu đã đăng ký, nhãn hiệu đăng ký thế nào sẽ được bảo hộ đúng như vậy. Do đó, chủ một nhãn hiệu đen – trắng không thể tự ý sử dụng nhãn hiệu đó dưới các dạng màu tùy ý, hay nói một cách khác là việc sử dụng như vậy không thuộc quyền được bảo hộ của chủ nhãn hiệu.

– Cách tiếp cận thứ hai linh hoạt hơn: Một nhãn hiệu được đăng ký ở dạng đen – trắng thì có nghĩa nội dung (hình/chữ) của nó đã được bảo hộ, vì vậy nhãn hiệu có thể được sử dụng ở các màu khác với đen – trắng miễn là các hình/chữ của nó vẫn được giữ nguyên còn màu sắc sử dụng không phải là thành phần phân biệt của nhãn hiệu. Nếu màu sắc lại là thành phần tự thân đóng góp vào tính phân biệt của nhãn hiệu thì nhất thiết nhãn hiệu phải được đăng ký ở dạng màu sắc để đạt đươc sự bảo hộ hiệu quả nhất.

Vì vậy, có thể thấy: Một nhãn hiệu được đăng ký ở dạng màu sắc nói chung được bảo hộ mạnh hơn so với cùng nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng đen – trắng. Bởi ngoài việc được bảo hộ về mặt nội dung (hình/chữ) như một nhãn hiệu đen – trắng, nhãn hiệu màu sắc còn được bảo hộ cả màu hoặc kết hợp màu, giúp bảo vệ nhãn hiệu chống lại cả các hành vi xâm phạm bằng cách sử dụng kết hợp màu sắc tương tự gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, khi đã đăng ký dạng màu sắc chủ nhãn hiệu lại bị hạn chế trong việc sử dụng, nghĩa là chỉ được sử dụng nhãn hiệu đúng như mẫu đã đăng ký. Trong khi đó, nhãn hiệu đen – trắng lại có ưu thế giúp chủ nhãn hiệu có thể linh hoạt sử dụng nhãn hiệu một cách rộng hơn, theo các phương án màu khác nhau phù hợp với các điều kiện thực tế.

Do đó, nếu có đủ điều kiện, chủ nhãn hiệu nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu cả trong dạng đen trắng lẫn màu sắc để đạt được sự bảo hộ hiệu quả nhất.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật ThinkSmart về bảo hộ nhãn hiệu dưới góc độ pháp lý của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành. Cảm ơn Quý vị đã quan tâm và đón đọc. Để nhận tư vấn pháp luật, mời Quý vị kết nối với Luật sư ThinkSmart qua số điện thoại 1900 636391. Trân trọng./


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *