Tác động của Luật Doanh nghiệp 2020 tới hoạt động M&A tại Việt Nam


Những năm gần đây, hoạt động M&A (Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp) ngày càng phát triển rầm rộ tại Việt Nam. Luật Doanh nghiệp 2020 ra đời, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nói riêng.

M&A là gì?

M&A là viết tắt của 2 cụm từ Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Hoạt động M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại 1 phần (số cổ phần) hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác.

Mục đích của một thương vụ M&A không đơn thuần chỉ là sở hữu cổ phần, mà nhằm mục đích tham gia và quyết định các vấn đề quan trọng, tác động đến hoạt động kinh doanh, hoạt động quản trị của doanh nghiệp bị sáp nhập/mua lại.

Tại Việt Nam thời gian vừa qua, có rất nhiều những phi vụ M&A được quan tâm, như: Central Group – Big C; ThaiBev – Sabeco; Grab – Uber…

Luật Doanh nghiệp 2020 đã tác động tới hoạt động M&A như thế nào?

Luật Doanh nghiệp 2020 ra đời, có hiệu lực 01/01/2021 đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nói riêng. 

Thứ nhất, công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ và lợi ích của công ty bị hợp nhất, sáp nhập.

Điều 200 và 201 Luật Doanh nghiệp 2020 nhấn mạnh tính kế thừa của hoạt động hợp nhất – sáp nhập.

Sau khi công ty hợp nhất, sáp nhập đăng ký doanh nghiệp sẽ được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất, sáp nhập. Đồng thời, kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất, sáp nhập công ty.

Do đó, bên cạnh những lợi ích thì các công ty khi thực hiện M&A cũng cần lưu ý tới các khoản nợ, nghĩa vụ về tài sản và những rủi ro khác được chuyển giao toàn bộ. Ngoài ra, thủ tục quyết toán thuế và các nghĩa vụ tài chính khác phức tạp, tốn nhiều thời gian; khó xác định được thời điểm hiệu lực của hợp nhất sáp nhập cũng là điểm hạn chế của hoạt động M&A tại Việt Nam.

Thứ hai, giao dịch M&A theo phương thức bán tài sản mà bên mua là cổ đông chi phối cần phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Tại khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định đối với hợp đồng bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó sẽ phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Cổ đông đó sẽ không có quyền biểu quyết đối với giao dịch.

Như vậy, giao dịch M&A theo phương thức bán tài sản (asset acquisitions) mà bên mua là cổ đông chi phối sẽ cần phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận dù rằng giá trị giao dịch không đạt mức 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty.

Thứ ba, việc chào bán cổ phần riêng lẻ không phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ quy định phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh khi chào bán cổ phần riêng lẻ với công ty không phải công ty đại chúng. Đồng thời, khi chào bán cổ phần dự kiến phát hành, các cổ công hiện hữu sẽ được quyền ưu tiên tiến hành mua trong 15 ngày. Điều này giúp rút ngắn đáng kể thời gian trong quá trình các bên tham gia thương vụ M&A.

Thứ tư, quyền biểu quyết của cổ đông sở hữ cổ phần ưu đãi.

Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, giao dịch sáp nhập, hợp nhất hoặc bán tài sản có giá trị lớn (từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty) sẽ cần sự chấp thuận của số cổ đông sở hữu 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành, hoặc trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành nếu lấy ý kiến bằng văn bản.

Nếu nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành, hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Như vậy, nếu giao dịch sáp nhập, hợp nhất dẫn đến làm giảm quyền lợi và tăng nghĩa vụ cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi có thể sẽ cần phải được cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi tương ứng chấp thuận với tỷ lệ biểu quyết cao hơn so với nghị quyết của đại hội đồng cổ đông về giao dịch sáp nhập, hợp nhất thông thường.

(Theo Luật sư Việt Nam)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *