Hỏi:
Năm nay em 19 tuổi, 3 năm trước em có bị 1 anh sinh viên học khoá trên (20 tuổi) hiếp dâm, quay video đồi trụy và về sau lấy những hình ảnh video đó đe dọa để ép buộc em quan hệ tình dục. Sau một thời gian, anh đó cũng không tìm em nữa nên em cũng bỏ qua mọi chuyện. Tuy nhiên, hiện nay anh ta tiếp tục nhắn tin và có ý đe dọa đến em, anh ta có cho biết muốn tung những hình ảnh nhạy cảm của em lúc trước lên mạng nếu em không làm theo ý anh ta.
Xin hỏi bây giờ em kiện anh ta về những lần hiếp dâm trước kia thì có còn hiệu lực nữa không?
Nội dung tư vấn:
Với câu hỏi trên, có những trường hợp như sau:
– Trường hợp thứ nhất, giả sử lúc bị anh sinh viên khóa trên thực hiện hành vi hiếp dâm (hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân) và hành vi cưỡng dâm (hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, mà cụ thể trong trường hợp của bạn là hành vi nhiều lần sử dụng hình ảnh video đồi trụy (cảnh quay 2 bạn đang quan hệ tình dục) đe dọa để ép buộc bạn quan hệ tình dục) bạn khi chưa đủ 16 tuổi thì hành vi của anh sinh viên kia có thể cấu thành 02 tội phạm là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 142 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 144 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
– Trường hợp thứ hai, giả sử lúc bị anh sinh viên khóa trên thực hiện hành vi hiếp dâm (hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân) và hành vi cưỡng dâm (hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, mà cụ thể trong trường hợp của bạn là hành vi nhiều lần sử dụng hình ảnh video đồi trụy (cảnh quay 2 bạn đang quan hệ tình dục) đe dọa để ép buộc bạn quan hệ tình dục) bạn đã đủ 16 tuổi thì hành vi của anh sinh viên kia có thể cấu thành 02 tội phạm là tội hiếp dâm theo quy định tại điều 141 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) và tội cưỡng dâm theo quy định tại Điều 143 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bên cạnh đó, Điều 27 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
“1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.”
Như vậy, trong trường hợp nói trên của bạn, với hành vi hiếp dâm và cưỡng dâm tùy vào độ tuổi của bạn khi anh sinh viên khóa trên thực hiện hành vi phạm tội có thể đủ yếu tố cấu thành tội phạm tương ứng nói trên. Trong các trường hợp phạm tội này, vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (xảy ra được 03 năm). Do đó, bạn hoàn toàn có tố giác hành vi phạm tội nói trên, đồng thời cung cấp những chứng cứ, lời khai có liên quan đối với cơ quan công an để yêu cầu can thiệp giải quyết.
Vi Sa – Công ty luật TNHH ThinkSmart
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp