Thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định mới góp phần cải thiện môi trường kinh doanh


Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã cụ thể hóa hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, nhằm phát huy sự chủ động của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và thời gian đi lại của doanh nghiệp.

Những rào cản pháp lý tác động đến môi trường kinh doanh

Có thể thấy Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những Nghị quyết Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số này lên 10-15 bậc với nhiều giải pháp cụ thể nhằm ghi nhận quyền thành lập doanh nghiệp là một nội dung của quyền tự do kinh doanh của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Quá trình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã đạt được những kết quả, trong đó có “khởi sự kinh doanh” giảm từ 8 bước thủ tục và 17 ngày xuống 5 bước và 8 ngày; cấp phép xây dựng từ 10 bước thủ tục và 166 ngày xuống 10 bước thủ tục và 62 ngày; số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần…

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 02/NQ-CP, nhiều văn bản pháp luật đã quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, để chủ thể kinh doanh vận dụng khởi sự doanh nghiệp thuận lợi hơn, yên tâm khi lựa chọn một mô hình kinh doanh. Cụ thể, nhiều bộ, ngành đã quyết tâm cải thiện thủ tục hành chính như: rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính (TTHC), nhất là việc bãi bỏ các thành phần hồ sơ không phù hợp, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC[1].

Điều này đã được Doing Business của Ngân hàng thế giới cho thấy 04 năm qua điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng. Còn theo bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh của diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam được đánh giá có nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và thăng hạng tốt nhất toàn cầu năm 2019, tăng 3,5 điểm và 10 bậc, lên vị trí 67 của bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm gần đây thì việc cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập, chỉ thay đổi cách thức thực thi các rào cản kinh doanh mà chưa chú trọng đến cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi đúng như tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP. Cụ thể năm 2019, vị trí này đã bị tụt 01 bậc từ vị trí 68 của bảng xếp hạng xuống vị trí 69, trong đó có 8 trong 12 trụ cột có thứ hạng thấp. Bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất: Thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính còn quá nhiều, nhất là trong lĩnh vực đất đai, doanh nghiệp rất khó tiếp cận về thông tin quy hoạch và thiếu quỹ đất sạch. Những thủ tục đăng ký hậu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, 16% doanh nghiệp phải chờ hơn 01 tháng mới có đủ các giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động, 31% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp[2]… Tất cả những vấn đề này dẫn đến chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam giảm 11 bậc (xếp hạng 115/190).

Hiện nay, để khởi sự kinh doanh ở Việt Nam phải thực hiện tất cả 8 thủ tục, thời gian thực hiện mất 17 ngày, sự kết hợp giữa các cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký kinh doanh, tổng liên đoàn lao động[3]… còn rời rạc, chậm.

Thứ hai: Tồn tại nhiều giấy phép con

Hiện nay, văn bản quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh được ban hành bởi nhiều cơ quan quản lý nhà nước, điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, việc “giấy phép đè giấy phép”cùng một nội dung, cùng một bộ hồ sơ, nhưng lại nộp cho nhiều cơ quan quản lý nhà nướctình trạng này đã kéo dài trong thời gian vừa qua nên điều này đã tạo ra sự phiền phức và khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba: Chí phí không chính thức

Hiện nay có 53,6% các doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức như chi trả hoa hồng để thắng thầu, tự nguyện bỏ tiền để tránh bị các cán bộ địa phương gây nhũng nhiễu giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, hoạt động thanh kiểm tra…

Thực tế, việc cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta trong thời gian vừa qua đang có xu hướng chững lại, hoặc là có cải thiện nhưng rất chậm, nên việc đặt môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm 4 của các nước ASEAN càng trở nên khó khăn và nhiều thách thức hơn, không chỉ cải thiện trước mắt mà cần phải ổn định lâu dài và phù hợp với quốc tế.

Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về thủ tục thành lập, đăng ký doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung thêm 04 đối tượng  không được thành lập và quản lý doanh nghiệp: (i) người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; (ii) công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; (iii) người bị tạm giam; (iv) tổ chức là pháp nhân thương mại cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp

Theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng,giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn”.

Về cơ bản, Luật Doanh nghiệp năm 2020 giữ nguyên những quy định về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp, chỉ thay đổi một số thuật ngữ như: “giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ” thành “quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ” để cho phù hợp với Bộ luật Dân sự quy định về tài sản.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 thay cụm từ “tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp” bằng cụm từ “tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp”. Sự thay đổi này nhằm bảo đảm quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân có đầy đủ cả 03 quyền: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản, từ đó chủ sở hữu tài sản dễ dàng trong việc đăng ký tài sản thực hiện kinh doanh. Đây là những tiêu chí đo lường mức độ bảo vệ quyền sở hữu cho nhà đầu tư, thủ tục đăng ký tài sản để đánh giá chỉ số môi trường kinh doanh ở Việt Nam theo bảng đánh giá các chỉ số của Ngân hàng Thế giới (Doing Business).

Ngành nghề kinh doanh

Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 đã cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của công dân. Trong đó, đã có sự chỉnh sửa, khắc phục sự bất cập giữa Luật Đầu tư và các luật có liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh như: đất đai, thuế, nhà ở, kinh doanh bất động sản…

Ngoài ra, Luật Đầu tư năm 2020 đã làm rõ những lĩnh vực ngành nghề, cấm đầu tư kinh doanh.

Đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp không phải chứng minh điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký kinh doanh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi kinh doanh. Số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề đã được cắt giảm xuống còn 227 ngành nghề.

Đối với ngành nghề kinh doanh không cần phải điều kiện theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 quy định khi doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh một ngành nghề mới, doanh nghiệp được quyền triển khai thực hiện luôn và có nghĩa vụ thông báo trong vòng 10 ngày, khác với Luật Đầu tư năm 2014, doanh nghiệp phải đăng ký mới được kinh doanh.

Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời tiếp tục cắt cảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp

Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Từ năm 2021, ngoài quy định về chữ viết nêu trên thì tại khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung thêm yêu cầu: tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh”. Sự quy định này nhằm bảo đảm địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện; việc quy định phải có cả tên của doanh nghiệp nhằm phân biệt với trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô kinh doanh, nhưng không muốn bộ máy quá cồng kềnh, với hình thức này khi kinh doanh thì không có mã số thuế mà chỉ có mã số đơn vị trực thuộc, địa điểm kinh doanh chỉ nộp thuế môn bài hằng năm là 1.000.000 VND làm giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm mở rộng quy mô kinh doanh cho doanh nghiệp.

Không phải thông báo mẫu dấu trước khi dùng

Theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp không cần phải thông báo mẫu dấu tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Quy định dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. 

Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

Khi thực hiện các giao dịch hay hợp đồng, con dấu được xem như là chữ ký của doanh nghiệp và thể hiện giá trị pháp lý của các văn bản. Việc bãi bỏ, thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm rút bớt các thủ tục khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp theo tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới (Doing Business), đồng thời làm thay đổi cách tư duy của doanh nghiệp luôn coi trọng con dấu, nhiều vụ việc tranh chấp trong kinh doanh liên quan đến con dấu. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định có thể bỏ con dấu doanh nghiệp thay thế bằng chữ ký điện tử, công nhận chữ ký điện tử của doanh nghiệp, quy định scan chữ ký, đưa vào hợp đồng, giấy tờ, điều này đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi rút ngắn được thủ tục, tiết kiệm chi phí, thích ứng với thời đại cách mạng công nghệ số.

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ cần phải nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền[4]. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. 

Đối với từng loại hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định hồ sơ thành lập doanh nghiệp là khác nhau: doanh nghiệp tư nhân tại Điều 19; công ty hợp danh tại Điều 20; công ty TNHH tai Điều 21; công ty cổ phần tại Điều 22.

Về cơ bản, hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:

– Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp (mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);

–  Dự thảo điều lệ của doanh nghiệp;

– Bản sao chứng minh nhân dân/hộ chiếu/các giấy tờ tương đương của người sáng lập, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Nếu doanh nghiệp có tổ chức góp vốn thì hồ sơ gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng với các giấy tờ chứng thực cá nhân người quản lý phần vốn góp được đại diện theo ủy quyền.

– Quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc những tài liệu tương đương khác của tổ chức.

–  Văn bản ủy quyền cho đơn vị, cá nhân thực hiện thủ tục.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã cụ thể hóa một số giấy tờ như giấy pháp lý của người đại diện là phù hợp thực tiễn, nhằm xác định rõ nhân thân của đối tượng này bảo đảm tính xác thực trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các phương thức đăng ký doanh nghiệp gồm: đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử[5].

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã cụ thể hóa hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, nhằm phát huy sự chủ động của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và thời gian đi lại của doanh nghiệp.

Hiện nay, 100% tỉnh, thành phố đã áp dụng hình thức nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử song song với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương chỉ áp dụng hình thức nộp hồ sơ qua mạng điện tử, không nhận hồ sơ trực tiếp.

Tại Điều 27 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã ghi nhận sử dụng chữ ký số hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: nếu nộp hồ sơ bằng tài khoản đăng ký kinh doanh, người ký xác thực hồ sơ cần được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh; nếu nộp hồ sơ bằng chữ ký số công cộng, người ký xác thực hồ sơ cần được gán chữ ký số công cộng vào tài khoản.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: theo quy định sau 03 ngày làm việc sẽ có thông báo phản hồi về tình trạng xử lý hồ sơ qua email.

Việc đăng ký kinh doanh qua mạng nhằm đẩy mạnh trụ cột ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tăng điểm theo các tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).

Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện kinh doanh khi có nhu cầu muốn tìm hiểu đối tác, tổ chức, cá nhân có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền (Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc tại phòng đăng ký kinh doanh hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính của các loại hình doanh nghiệp được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải trả phí theo quy định. Quy định này có vai trò hỗ trợ cho các chủ thể khi tiến hành kinh doanh, giúp họ nắm bắt được thông tin của doanh nghiệp và hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin về nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý lao động, bảo hiểm xã hội… để những cơ quan này thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay Điều 33 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bãi bỏ quy định trách nhiệm của cơ quan đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, phòng đăng ký kinh doanh gửi thông tin đăng ký doanh nghiệp và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đó cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội[6]. Quy định mới này giúp cơ quan đăng ký doanh nghiệp giảm bớt khối lượng công việc, trong khi mọi việc đã được số hóa trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, nên các cơ quan chuyên môn cũng như các cơ quan khác trên cùng địa bàn dễ dàng truy cập, cập nhật thông tin và thực hiện hoạt động “hậu kiểm” đối với doanh nghiệp.

Kết luận

Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2020 góp phần xây dựng nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, cùng với đó là các bộ, ngành cũng đang từng bước điều chỉnh, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm bớt thủ tục, tạo niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ nhiều hơn.

Một trong những cải cách của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là thủ tục đăng ký kinh doanh. Đây là một trong những chỉ số quan trọng để cấu tạo nên thứ hạng môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới hàng năm. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. tập trung bổ sung, sửa đổi các quy định, cải cách thủ tục hành chính bằng cách rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, có sự quan tâm của các bộ, ngành để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thực thi dịch vụ công một cửa liên thông giữa các cơ quan, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chuyên ngành.

Như vậy có thể thấy, các quy định mới trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm tạo ra môi trường kinh doanh không chỉ hướng tới là cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân khi thực hiện việc khởi sự thành lập doanh nghiệp, mà còn là nỗ lực từ Chính phủ nhằm giải quyết tận gốc để có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, ổn định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.


[1] Báo cáo của Cục đăng ký kinh doanh năm 2019 Bộ kế hoạch và Đầu tư.

[2] Báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh – Bộ kế hoạch và Đầu tư năm 2019.

[3] Báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh – Bộ kế hoạch và Đầu tư năm 2019.

[4] Khoản 1 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

[5] Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[6] Khoản 1 Điều 31 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

(Theo Luật sư Việt Nam).


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *