Tố giác hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như thế nào?


Hỏi:

Tháng 6/2017 tôi có quen 1 người tên Duy (cùng chỗ làm và ở cùng phòng). Sau đó người này mượn xe của tôi sử dụng và tự ý mang đi cầm cố để lấy tiền sử dụng. Sau khi cầm cố thì anh ta hứa vài tháng sau sẽ chuộc về trả lại cho tôi nên tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, hiện nay Duy đã về quê, có dấu hiệu bỏ trốn và không lên Sài Gòn. Tôi đã làm đơn khiếu nại đến công an phường để yêu cầu xử lý, nhưng đã được gần 5 tháng vẫn chưa được giải quyết. Xin hỏi trong trường hợp này tôi phải làm gì?

Nội dung tư vấn:

Trong trường hợp trên, Duy đã mượn xe (được sự đồng ý của bạn, hợp pháp), rồi mang xe đi cầm cố lấy tiền tiêu xài cá nhân và có dấu hiệu bỏ trốn về quê. Nếu chiếc máy trên có giá trị trên 4.000.000đ thì hành vi của Duy có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…”

Như vậy, khi xác định giá trị chiếc xe máy bị Duy mang đi cầm cố có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên thì bạn hoàn toàn có thể khai báo, tố giác với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát về hành vi có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Mặt khác, khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong khi đó hành vi bạn khiếu nại không phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, do đó không thể thực hiện khiếu nại.

Về thời hạn, Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn giải quyết tố giác tội phạm là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác. Trường hợp vụ việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Vi Sa, Đỗ Thị Hà – Công ty luật ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *