Trách nhiệm của KOL đối với người tiêu dùng khi PR sản phẩm


Sự kiện

Báo điện tử 35express đưa tin về vụ việc mỹ phẩm The Ordinary bản Hàn có vỏ hộp chữ Tiếng Việt:

Gần đây, vụ việc mỹ phẩm The Ordinary bản Hàn có hộp chữ tiếng Việt fake cực kì nổi tiếng trên các group làm đẹp. Theo như thông tin thì shop bán hàng này được Youtuber Võ Hà Linh quảng cáo link Affiliate Shopee. Sau đó, cô nàng đăng đàn thông báo cũng như kêu gọi mọi người report (báo cáo) những shop này trên shopee. Võ Hà Linh cũng đã livestream lên tiếng và xin lỗi những fan hâm mộ của mình.

Trách nhiệm của KOL khi PR sản phẩm?

Có thể thấy trong sự việc “bản Hàn tiếng Việt” này, đối tượng bị xâm phạm trực tiếp đến sức khoẻ, thân thể là người tiêu dùng, những vị khách đã mua và sử dụng sản phẩm “fake” từ cửa hàng mỹ phẩm, thông qua quảng cáo từ KOL.

Từ câu chuyện trên, chuyên viên Hoàng Thị Hoài – Phòng DVPL Dân sự Công ty luật ThinkSmart sẽ chia sẻ quan điểm, ý kiến tư vấn đến Quý khách hàng về trách nhiệm của KOL đối với người tiêu dùng khi PR sản phẩm.

Vấn đề hàng thật, hàng giả  hay theo ngôn ngữ giới trẻ hiện nay thường gọi đó là “Real/Fake” luôn là vấn đề nóng trong xã hội , chưa bao giờ là hết “hot”. Vậy tại sao vấn đề này lại luôn nhận được sự quan tâm của chúng ta đến vậy? 

Dưới sự phát triển của nền tảng công nghệ số 4.0, chỉ cần một hành động “click” đã có thể cho chúng ta thấy cả thế giới ở trong tầm tay. Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã từng khi đang lướt facebook, tiktok, youtube … bắt gặp những bài viết, video review các loại  thực phẩm chức năng, mỹ phẩm … của một  youtuber, ca sĩ, người mẫu, diễn viên nào đó, có thể gọi chung họ là những người có tầm ảnh hưởng tới công chúng trên một nền tảng hay lĩnh vực nào đó. Họ dựa vào tầm ảnh hưởng của mình và kiếm tiền thông qua việc giới thiệu, review đánh giá, PR … sản phẩm tới người tiêu dùng, họ còn được gọi là các KOL. Số tiền họ kiếm được sẽ phụ thuộc vào tầm ảnh hưởng, lượt view, follow hay số lượng sản phẩm mà họ bán được thông qua các kênh, link dẫn của mình  trên các nền tảng mạng xã hội.

Gần đây, vụ việc mỹ phẩm The Ordinary bản Hàn có hộp chữ tiếng Việt fake đang cực kì nổi tiếng. Theo như thông tin thì shop bán hàng này được Youtuber Võ Hà Linh quảng cáo link Affiliate Shopee thông qua kênh của mình. Vấn đề này xảy ra đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều. 

Đây chỉ là một trong số các vụ việc điển hình xảy ra liên quan đến vấn đề hàng Real/Fake. Dù là ở vụ việc nào đi chăng nữa thì chúng ta đang thấy một vấn đề chung đó là quyền lợi của  người tiêu dùng như chúng ta đang bị xâm phạm một cách trực tiếp.

Như vậy, trong các trường hợp này thì các KOL có trách nhiệm như thế nào về hành vi của mình?

Quảng cáo hàng giả kém chất lượng có vi phạm pháp luật không?

Chúng ta cần phải biết rằng, hành vi quảng cáo là một trong các hoạt động thương mại nhằm đưa sản phẩm tới người tiêu dùng hướng tới mục đích sinh lợi. Với bất kì hoạt động quảng cáo nào cũng đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật,  không được xâm phạm đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức khác. Trước khi đưa sản phẩm ra quảng cáo tới người tiêu dùng thì các KOL phải có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm để đưa ra đánh giá một cách chân thực và khách quan, chính xác. 

Hành vi các KOL tương tự với Youtuber Võ Hà Linh, đã chia sẻ link shopee, PR, review dưới bất kỳ hình thức nào dẫn tới người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng  là đang vi phạm quy định pháp luật về các hành vi quảng cáo thương mại bị cấm quy định tại khoản 7 Điều 109 Luật thương mại và khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo hiện hành.

Trách nhiệm pháp lý của các KOL như thế nào?

Hành vi PR không đúng chất lượng sản phẩm xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng là vi phạm pháp luật. Vì vậy, các KOL sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.

Đầu tiên, đối với người tiêu dùng, do quảng cáo sai, làm người tiêu dùng tin và hiểu sai về chất lượng sản phẩm  được quảng cáo thì các KOL phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra. Như vậy người tiêu dùng có quyền yêu cầu KOL bồi thường thiệt hại, mức độ bồi thường sẽ được căn cứ theo mức độ thiệt hại bị gây ra.

Thứ hai, ngoài việc phải bồi thường thiệt hại thì các KOL còn có thể bị xử phạt hành chính với mức xử phạt từ 10.000.000 đồng – 70.000.000 đồng tùy thuộc vào từng loại sản phẩm và mức độ vi phạm theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Đặc biệt, đối với các sản phẩm sữa, thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng… còn có thể bị chịu thêm mức phạt từ 5.000.000 đồng – 15.000.000 đồng quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, các KOL còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nếu như đã quảng cáo gian dối mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích. Với mức xử phạt 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Có thể bị cấm hành nghề từ 01 đến 05 năm theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự về Tội quảng cáo gian dối.

Có thể thấy ranh giới giữa hàng Real/Fake là vô cùng mong manh và khó phân biệt. Đặc biệt trước sự phát triển của công nghệ  ngày nay các hành vi làm hàng giả ngày càng tinh vi hơn. Các KOL với vai trò là những người có tầm ảnh hưởng lớn tới một bộ phận hoặc số đông công chúng trước khi PR, review một sản phẩm cần kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ để làm giảm thiểu tối đa việc hàng giả, kém chất lượng thâm nhập vào thị trường góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chính bản thân mình.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *