Trị tiếng ồn trong khu dân cư: Dễ hay khó? Nhà nước nên vào cuộc?


Phan Anh

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM)

Đã đến lúc nhìn nhận nghiêm túc về thực trạng này, kê toa để bốc đúng thuốc mới mong chấn chỉnh vào khuôn phép, hợp lòng dân

Ô nhiễm tiếng ồn do con người chủ động gây ra đang tác động hằng ngày, hằng giờ đến cuộc sống bình thường của người dân, đến mức nhiều người nhìn thấy thùng loa, dàn âm thanh karaoke là bị ám ảnh. Bao nhiêu lời ca thán, sự phản ứng từ nhẹ nhàng đến cực đoan khi bị vượt quá ngưỡng chịu đựng, hàng loạt các vụ án từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng cũng đã xảy ra.

Không đủ sức răn đe

Đối chiếu các quy định pháp luật về xử lý tiếng ồn hiện nay thì có Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định 155/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về việc gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép, Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về môi trường, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.

Theo khoản 8 điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (21 giờ đến 6 giờ).

Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Thế nhưng, việc xác định thế nào là gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo để xử phạt cũng không dễ dàng. Thêm vào đó, mức xử phạt được quy định chỉ từ 100.000-300.000 đồng nên không đủ sức răn đe.

Ngoài ra, thực tiễn cho thấy quy định của pháp luật cũng như cơ quan chức năng đang khá coi nhẹ việc gây ô nhiễm tiếng ồn. Trong khi đó, ô nhiễm tiếng ồn, kể cả của cá nhân hay cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất – kinh doanh, cũng đều gây ra những hậu quả xấu như làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bị ảnh hưởng, gây gián đoạn công việc, thậm chí nhiều vụ ẩu đả, gây thương tích, chết người xuất phát từ việc gây tiếng ồn quá mức.

Có thể nói, các quy định pháp luật hiện hành quá cứng nhắc trong việc đặt ra các ngưỡng để xử phạt với quy trình ghi nhận, xử lý phải tuân thủ chặt chẽ. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể áp dụng các quy định pháp luật hiện hành để xử lý ở mức chế tài nặng hơn rất nhiều. Nếu chưa xác định được mức độ tiếng ồn vượt ngưỡng quy định là 55dBA bằng thiết bị chuyên dụng, hợp pháp thì có thể căn cứ vào sự trình báo của người bị ảnh hưởng và việc kiểm tra trực quan của người có chức trách để xác định tiếng ồn là tiếng động lớn làm cơ sở xử phạt ở mức cơ bản. Nếu có đủ thiết bị chuyên dụng thì tiến hành đo để có cơ sở áp dụng mức chế tài tương ứng và khá phù hợp của Nghị định 155/2016 với mức xử phạt khá cao.

Không làm hết chức trách được giao, phải xử lý

Có thể nói, ô nhiễm tiếng ồn, một phần cũng từ lý do quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe cùng quy trình xử lý nhiêu khê, đặc biệt là việc cơ quan quản lý không mặn mà việc kiểm tra, giám sát, xử phạt. Thật sự cần những động thái mạnh tay, cần cải tổ từ quy định pháp luật và đặt ra phương án xử lý, đừng để sự việc đi quá xa, hậu quả xã hội báo động đỏ thì mới điều chỉnh thì vừa muộn lại vừa thể hiện sự bất lực trong việc sử dụng công cụ quản lý nhà nước là pháp luật. Tình trạng này cần có cái nhìn đủ, đúng thì khắc giải quyết được và cũng là việc có tính thu phục nhân tâm, xã hội ủng hộ.

Đừng ngại việc lộng quyền hay lạm dụng của người xử lý mà cần đặt niềm tin vào người thực thi công quyền với đầy đủ cơ sở xác định về ô nhiễm tiếng ồn thông qua sự trình báo của người dân bị ảnh hưởng, tác động và thực tế quan sát của cán bộ giải quyết cùng người làm chứng nếu đối tượng vi phạm không thừa nhận, là đủ cơ sở để xử lý.

Nhìn sang một số nước, chỉ cần qua trình báo của người dân lân cận về hành vi gây tiếng ồn lớn, cảnh sát khu vực sẽ có mặt và kiểm tra, nếu đúng sự thật sẽ xử phạt ngay. Chúng ta có thể học hỏi cách làm này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý, giải quyết ô nhiễm tiếng ồn.

Việc bị tiếng ồn nhân tạo tra tấn là nỗi ám ảnh, đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ức chế, bức bối, là nguồn cơn dẫn đến một số hành vi tội phạm không đáng có. Nhà nước phải vào cuộc để giải quyết tình trạng này một cách quyết liệt, triệt để thông qua việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành nhằm xử lý tối đa sự vi phạm. Cụ thể, nếu không có thiết bị đo, có thể xác định ngay vi phạm tiếng ồn thông qua việc trình báo của người dân và sự kiểm tra của người có chức trách là đủ cơ sở xác định thuộc trường hợp vi phạm “gây tiếng động lớn trong khu dân cư” của Nghị định 167/2014/NĐ-CP để xử phạt. Nếu có đủ thiết bị chuyên dụng, hợp pháp để đo thì thực hiện để có căn cứ áp dụng Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về giới hạn cho phép của tiếng ồn trong khung giờ khác nhau từ 6 đến 21 giờ và từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau và áp dụng khung xử phạt của Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức phạt cao hơn để tạo sự răn đe và tuân thủ quy định chung.

Cuối cùng, quy định pháp luật hiện diện nhưng thiếu sự quyết tâm của các cơ quan chức năng nên không xử lý được nạn ô nhiễm tiếng ồn. Nên chăng, cần phải ban hành quy định chế tài về việc không làm hết chức trách của các cá nhân, đơn vị mà pháp luật giao quyền trong các công việc loại này nhằm tạo tính nghiêm minh và trật tự hơn cho xã hội. Đã đến lúc có cái nhìn thật nghiêm túc về thực trạng này, kê toa để bốc đúng thuốc thì mới mong chấn chỉnh vào khuôn phép, hợp lòng dân.

Quy trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở

Liên quan tiếng ồn trong khu dân cư, UBND TP HCM đã chỉ đạo UBND các quận – huyện tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh; tiếp tục giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở cơ sở là chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo về nội dung này.

UBND TP HCM cũng chỉ đạo công an TP, Sở Tài nguyên – Môi trường và UBND quận – huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn; rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị Bộ Công an, Bộ Tài nguyên – Môi trường đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP; Nghị định 155/2016/NĐ-CP để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế áp dụng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

UBND TP HCM cũng giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu bổ sung tiêu chí về chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung không gây tiếng ồn vào các tiêu chuẩn văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; vào nội dung của hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Sở Công Thương, Cục Hải quan, Cục QLTT tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với việc nhập khẩu, kinh doanh các loại thiết bị phát thanh có công suất lớn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định thời gian qua, người dân rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, đề nghị Công an TP xem xét, tìm giải pháp xử lý hiệu quả. Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP HCM cho biết cũng rất bức xúc việc ngày nay trên thị trường xuất hiện nhiều loa di động với công suất mạnh, tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, việc đo tiếng ồn để xử lý rất nan giải. Công an TP HCM đề xuất phải có máy đo tiếng ồn chuyên dụng và sắp tới sẽ có những biện pháp mạnh để xử lý.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *