I. Quy định về đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư đối với người đã là Điều tra viên trung cấp
1. Người đã là Điều tra viên trung cấp được miễn đào tạo nghề luật sư
Nội dung này được quy định tại Điều 13 Luật Luật sư, theo đó người được miễn đào tạo nghề luật sư gồm những người sau đây:
– Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
– Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.
– Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
– Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Như vậy, người đã là Điều tra viên trung cấp được miễn đào tạo nghề luật sư.
2. Người đã là Điều tra viên trung cấp được miễn tập sự hành nghề luật sư
Khoản 1 Điều 16 Luật Luật sư quy định: “Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.”
Như vậy, người đã là Điều tra viên trung cấp được miễn tập sự hành nghề luật sư.
II. Trình tự, thủ tục xin cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với người đã là Điều tra viên trung cấp
1. Thành phần hồ sơ:
– Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;
– Sơ yếu lý lịch;
– Phiếu lý lịch tư pháp;
– Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật hoặc bản sao Bằng tiến sỹ luật;
– Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn tập sự hành nghề luật sư: Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Điều tra viên trung cấp hoặc các giấy tờ hợp pháp khác có giá trị chứng minh.
– Giấy chứng nhận sức khoẻ.
2. Cơ quan thực hiện:
Bộ Tư pháp
3. Thời hạn thực hiện:
Trong thời hạn 30 ngày (ba mươi ngày), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Ghi chú: trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.
Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
III. Quy định về hành nghề Luật sư
Người có đủ các tiêu chuẩn sau:
i) Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt,
ii) Có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư,
iii) Có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư,
muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. (Theo Điều 10, 11 Luật Luật sư).
1. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:
– Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;
– Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;
– Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.
2. Cơ quan thực hiện:
Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư
3. Thời gian, tiến độ thực hiện:
– Trong thời hạn 07 ngày (bảy ngày) làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, ra quyết định về việc gia nhập Đoàn luật sư.
– Trong thời hạn 07 ngày (bảy ngày) làm việc, kể từ ngày có quyết định gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư. Thời hạn cấp Thẻ luật sư không quá 20 ngày (hai mươi ngày), kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Đoàn luật sư.
4. Các lưu ý:
– Thẻ luật sư có giá trị không thời hạn, được đổi khi luật sư chuyển Đoàn luật sư hoặc khi bị mất, hỏng.
– Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.
– Trong thời hạn 03 năm (ba năm), kể từ ngày được cấp Thẻ luật sư, luật sư không làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc không thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở hoặc luật sư không hành nghề luật sư trong thời hạn 05 năm (năm năm) liên tục sau khi được cấp Thẻ luật sư thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xóa tên luật sư đó khỏi danh sách luật sư và đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư.
– Luật sư chuyển Đoàn luật sư phải gửi đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư mà mình đang là thành viên giấy đề nghị rút tên ra khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
Trong thời hạn 05 ngày (năm ngày) làm việc, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư ra quyết định xóa tên đối với luật sư rút khỏi danh sách luật sư của Đoàn, đồng thời gửi giấy giới thiệu của Đoàn kèm theo hồ sơ của luật sư đó đến Đoàn luật sư nơi luật sư dự định gia nhập. (Theo Luật Luật sư 2006, sửa đổi và bổ sung 2012).
Huyền Trang, Minh Nhật – Công ty luật ThinkSmart