Thông tư 65/2020 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 05/08/2020) quy định chi tiết về việc xác minh, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng CSGT thông qua các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có Facebook.
Cụ thể, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 65 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của CSGT.
Nội dung đáng chú ý trong thông tư này là quy định liên quan đến nguồn tin CSGT được tiếp nhận làm căn cứ xác minh, xử phạt.
Theo Thông tư 65/2020, thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là thông tin, hình ảnh) sẽ được tiếp nhận từ các nguồn sau:
– Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ);
– Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Các thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính (VPHC) phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và còn thời hiệu xử phạt VPHC theo quy định của pháp luật xử lý VPHC.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ CSGT phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 Thông tư 65/2020, thì ghi chép vào sổ (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư 65/2020) và báo cáo Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện như sau:
– Đối với trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật;
– Với trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị CSGT có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, căn cứ kết quả xác minh, tài liệu, tình tiết thu thập được, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:
– Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi VPHC thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản VPHC và ra quyết định xử phạt đối với hành vi VPHC thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý VPHC. Thực hiện trình tự xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Thông tư 65/2020;
– Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân cung cấp mà qua xác minh, xác định không có hành vi vi phạm hoặc không đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm thì tiến hành kết thúc hồ sơ vụ việc và lưu theo quy định.
Thực tế, trước khi Thông tư 65/2020 được ban hành, CSGT một số địa phương đã sử dụng hình thức xử phạt vi phạm từ hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội.
Điển hình là Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội. Thông qua Fanpage của mình, thời gian qua, Công an TP. Hà Nội liên tiếp nhận được hình ảnh do người dân cung cấp về các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong số này, nhiều trường hợp đã bị xử lý.
Với việc quy định chi tiết như Thông tư 65/2020, đây sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để CSGT các đơn vị triển khai rộng rãi hơn hình thức xử phạt trên.
(Theo Luật sư Việt Nam).