VIỆC PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI CỦA UBND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN THẾ NÀO?


Hỏi:

Việc phòng chống bệnh Dại của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thế nào?

Nội dung tư vấn:

Bệnh dại được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong (theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007). Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài tại Việt Nam đều có trách nhiệm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm (bao gồm bệnh dại nêu trên).

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030”. Căn cứ các nội dung của Chương trình này, các cơ quan của trung ương và địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trong giai đoạn từ năm 2022 – 2030. 

Sau đây là một số yêu cầu cụ thể đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phòng, chống bệnh dại:

– Chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xây dựng, trình để phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của địa phương; trong Kế hoạch cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo để có cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại.

– Hằng năm phê duyệt, cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí trong phạm vi dự toán được giao để thực hiện Chương trình tại địa phương, bao gồm: kinh phí quản lý đàn chó, mèo; kinh phí mua vắc xin; kinh phí tiêm phòng vắc xin; kinh phí đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin Dại; công tiêm phòng; kinh phí mua vật tư, hóa chất; kinh phí tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng, xét nghiệm mẫu; thông tin, tuyên truyền; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại trên động vật.

– Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm, báo cáo thống kê: số lượng chó, mèo nuôi và kết quả tiêm phòng bệnh Dại, kết quả tổ chức thực hiện Chương trình của địa phương gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

– Tổ chức giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó, mèo cắn người; giám sát, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng, kết quả tiêm phòng, xử phạt vi phạm hành chính của các cấp chính quyền địa phương.

– Căn cứ tình hình và điều kiện thực tế tại địa phương, có chính sách hỗ trợ mua vắc xin và tổ chức tiêm miễn phí phòng bệnh Dại cho chó, mèo nuôi tại các khu vực có dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi khu vực II, III, các tỉnh biên giới,…

– Tổ chức và hỗ trợ chi phí điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh Dại cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dưới 6 tuổi trong vùng dịch, người có công với cách mạng, cán bộ thú y và y tế nguy cơ cao, những người tham gia phòng, chống dịch và các trường hợp đặc biệt khác.

– Tổ chức xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại trên động vật.

– Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại địa phương theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.

– Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các nội dung, giải pháp của Chương trình trên địa bàn; đồng thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính kết quả thực hiện Chương trình.

Lê Khanh, Minh Nhật – Công ty luật ThinkSmart

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *