Hỏi:
Xử lý trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ?
Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân sử dụng chất nổ đến 1kg/lần sử dụng trở lên mới bị xem xét xử lý trách nhiệm về hình sự. Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, quy định như trên là không phù hợp. Đề nghị Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 theo hướng không quy định cứng số lượng chất nổ được sử dụng mà chỉ quy định theo tính chất nguy hiểm, mức gây thiệt hại đến môi trường tự nhiên hay vi phạm nhiều lần là đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Nội dung tư vấn:
Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018; theo đó, tại Điều 305 quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, Khoản 1 nêu rõ: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” và Khoản 2 nêu rõ: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:… b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;”.
Quy định này được hiểu người nào sử dụng thuốc nổ dưới 10 kilôgam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ nếu đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm. Mặt khác, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật Hình sự đã hết hiệu lực thi hành (chỉ có tính chất tham khảo). Do vậy, không thể căn cứ vào văn bản này để làm cơ sở xác định trách nhiệm hình sự trong thời điểm hiện nay.
Minh Hồng- Công ty luật TNHH ThinkSmart
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin Bộ Công an.