Ngô Hương Ly
Công ty Luật Thinksmart – Đoàn luật sư Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Trước yêu cầu đổi mới của đất nước và trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, hòa nhập với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa đã đặt ra cho nhà nước ta những nhiệm vụ cấp thiết trong vấn đề hòa nhập, phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục,… và đặc biệt trong việc xây dựng, cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhiệm vụ đó đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận tại các văn bản như Nghị quyết số 48 – NQ/TW ngày 14/05/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch…”; Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra rằng: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…; hoàn thiện hệ thống pháp luật…”. Tất cả những văn bản trên đã cho thấy những đòi hỏi khách quan, sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật hình sự (PLHS) nói riêng.
Nhắc đến khoa học luật hình sự không thể không đề cập đến tội phạm, trách nhiệm hình sự (TNHS) và hình phạt – những vấn đề nghiên cứu trọng tâm nhất của luật hình sự. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ, logic và hữu cơ với nhau. Vì vậy, để có cái nhìn tổng quan nhất về tội phạm, ngoài việc nghiên cứu khái niệm, bản chất thì cần nghiên cứu cách phân loại của tội phạm. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại tội phạm trên phương diện xã hội – pháp lý cũng như phương diện khoa học – thực tiễn, trong BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã quy định chế định phân loại tội phạm ở một điều khoản riêng biệt cùng với việc lĩnh hội, chắt lọc, tiếp tục sửa đổi, bổ sung những quy định mới so với BLHS năm 1999 trước đây. Những quy định này đã có nhiều tiến bộ, khắc phục được một số hạn chế trong các lần pháp điển hóa, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cải thiện về kỹ thuật lập pháp hình sự. Tuy nhiên đánh giá một cách khách quan, chính những quy định mới về phân loại tội phạm lại một lần nữa cho thấy BLHS năm 2015 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa có sự chặt chẽ về mặt cấu trúc, nhất quán về mặt logic pháp lý, chính xác về mặt khoa học và chưa khả thi về mặt thực tiễn. Do đó, chúng tôi nhận thấy tính cấp thiết của việc phải nghiên cứu và phát triển chế định phân loại tội phạm, đồng thời cần đưa ra những kiến nghị cụ thể và khả thi để hoàn thiện hơn nữa chế định này. Như vậy, với cách tiếp cận phân loại tội phạm là một chế định của PLHS, bài viết với kết cấu gồm 3 phần bước đầu đã làm rõ khái niệm, tiêu chí phân loại tội phạm trong khoa học LHS nói chung và BLHS năm 2015 nói riêng và một số vấn đề đặt ra từ việc nghiên cứu chế định phân loại tội phạm trong BLHS, tiếp thu những kinh nghiệm lập pháp hình sự của BLHS Liên bang Nga năm 1996 sửa đổi bổ sung năm 2010 (gọi tắt là BLHS Nga năm 1996), từ đó đề ra những kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện BLHS hiện hành, hướng tới xây dựng BLHS tương lai một cách chặt chẽ, khoa học, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, là công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ các quan hệ xã hội và hướng tới giáo dục người phạm tội nói riêng và mọi công dân nói chung có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
2. Khái niệm và tiêu chí phân loại tội phạm
2.1. Khái niệm
Việc phân loại tội phạm trong BLHS trên cơ sở khoa học – thực tiễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc áp dụng đúng đắn và chính xác các quy định của pháp luật trong công tác truy cứu TNHS cá nhân và pháp nhân thương mại (PNTM) phạm tội, xác định rõ thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử, xác định các nguyên tắc xử lý, các điều kiện để áp dụng các loại hình phạt và một số biện pháp tư pháp[1]. Bên cạnh đó, việc phân loại tội phạm còn là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng các chế định khác về tội phạm và hình phạt, về việc quy định thời hạn, thời hiệu truy cứu TNHS, đối với việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm[2]. Ngoài ra, việc phân loại tội phạm còn là cơ sở chính để thực hiện nguyên tắc phân hóa TNHS và cá thể hóa hình phạt đối với cá nhân và PNTM phạm tội. Khi viết về vai trò và giá trị thực tiễn của chế định phân loại tội phạm, một nhà khoa học đã viết: “Phân loại tội phạm đúng không chỉ là một trong những căn cứ quan trọng để phân hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt, cũng như áp dụng chính xác một loạt các chế định khác của Phần chung luật hình sự (như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, án treo, xác định tái phạm..), mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một cách chính xác và khoa học các chế tài pháp lý hình sự trong Phần riêng (Phần các tội phạm) của nó”[3].
Vì vậy, dưới góc độ khoa học, chúng tôi đưa ra một khái niệm đang nghiên cứu về phân loại tội phạm như sau: Phân loại tội phạm là việc xếp các hành vi phạm tội vào các nhóm khác nhau dựa trên sự kết hợp cùng lúc các tiêu chí nhất định tuỳ vào mục đích và ý nghĩa mà các nhà làm luật muốn hướng tới, thông qua đó thể hiện được nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt đối với cá nhân và PNTM phạm tội.
2.2. Tiêu chí phân loại trong khoa học luật hình sự
Tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội, cũng như nguyên nhân, điều kiện phát sinh, tính chất của các quan hệ bị xâm hại, những tình tiết khách quan, chủ quan là những đặc điểm tạo ra những hành vi phạm tội khác nhau. Tuy nhiên,tội phạm đều có chung tính nguy hiểm cho xã hội nhưng mức độ gây nguy hiểm đó không giống nhau, vì vậy trong lý luận đòi hỏi phải có sự phân hoá TNHS giữa các loại tội phạm để từ đó cá thể hoá TNHS đối với người phạm tội trên thực tiễn. Ngoài ra, các nhà làm luật cũng phải xây dựng các chế tài khác để áp dụng đối với các loại tội phạm tương ứng. Do đó, có rất nhiều tiêu chí để phân loại tội phạm nhưng nhìn chung vẫn phải dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng loại tội và hậu quả pháp lý hình sự đối với tội phạm tương ứng[4].
Trong khoa học luật hình sự phân loại tội phạm có những tiêu chí như sau:
Thứ nhất, tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thuộc tính khách quan, là tiêu chí phản án nội dung của tội phạm và được thể hiện trong việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được bảo vệ bởi PLHS.
Thứ hai, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là sự biểu hiện của tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, là cơ sở để xác định hậu quả mà tội phạm gây ra cho các khách thể được PLHS bảo vệ.
Thứ ba, hình thức lỗi thực hiện tội phạm là tiêu chí để đánh giá thái độ của người thực hiện hành vi đối với hành vi phạm tội và với hậu quả xảy ra. Tội phạm có thể được thực hiện bởi lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
Thứ tư, mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với việc thực hiện loại tội phạm tương ứng: là tiêu chí pháp lý, là cơ sở để phân biệt rõ nhất từng loại tội phạm. Có thể căn cứ vào mức cao nhất hoặc căn cứ đồng thời cả điểm bắt đầu và mức cao nhất của khung hình phạt (ví dụ như từ 03 năm đến 07 năm tù).
Thứ năm, tính chất của các quan hệ bị xâm hại là tiêu chí khẳng định ý nghĩa chính trị, xã hội và đạo đức,… cũng như giá trị của các khách thể được các nhà làm luật nhìn nhận, đánh giá theo vai trò và tính cấp thiết lần lượt cần được PLHS bảo vệ.
Ngoài ra, có một số nhà khoa học còn xây dựng những tiêu chí để phân loại tội phạm trong cả Phần chung và Phần các tội phạm[5].
2.3. Tiêu chí phân loại tội phạm trong BLHS năm 2015
Nếu BLHS năm 1999 dựa trên ba tiêu chí – Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và mức hình phạt tù cao nhất do luật định đối với tội phạm tương ứng để chia tội phạm ra thành 04 loại (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng), BLHS năm 2015 vẫn tiếp tục lĩnh hội, kế thừa những tiêu chí này để phân loại tội phạm:
Một là, tiêu chí căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thể hiện thông qua các thuật ngữ “ít nghiêm trọng”, “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”;
Hai là, tiêu chí căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thể hiện thông qua các thuật ngữ “không lớn”, “lớn”, “rất lớn” và “đặc biệt lớn”;
Ba là, tiêu chí căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng với các tội phạm tương ứng được thể hiện thông qua các thuật ngữ “đến ba năm tù”, “đến bảy năm tù”, “đến mười lăm năm tù”và “trên mười lăm năm tù, tù chung thân và tử hình”. Một điểm cần lưu ý ở đây, mức cao nhất là mức tối đa của từng khung hình phạt chứ không phải là mức cao nhất của khung hình phạt cao nhất mà quy định đối với từng loại tội phạm[6].
3. Một số vấn đề đặt ra từ việc nghiên cứu chế định phân loại tội phạm trong BLHS năm 2015
3.1. Các kinh nghiệm hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm lập pháp hình sự của BLHS Nga
Nhìn chung, ở Nga và Việt Nam việc phân loại tội phạm đều dựa trên nhiều tiêu chí và không bị giới hạn. Điều này được hiểu là ở cả hai nước có nhiều cách phân loại dựa trên những tiêu chí, ý nghĩa và mục đích phân loại khác nhau tuỳ vào mục đích của những nhà lập pháp, tuy nhiên mục đích chung nhất vẫn là thực hiện hoá nguyên tắc phân hóa TNHS và cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội. Khi phân loại tội phạm, ở Điều 9 BLHS Việt Nam và Điều 15 BLHS Nga đều quy định những cơ sở và tiêu chí để phân loại một cách rõ ràng, cụ thể và cũng giống như BLHS Việt Nam, BLHS Nga cũng chia tội phạm ra thành 4 loại (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Cùng thể hiện mục đích và ý nghĩa của nguyên tắc phân hoá TNHS nhưng những quy định, cơ sở và nội dung phân loại của BLHS Nga so với BLHS nước ta có những điểm khác nhau rõ rệt, cụ thể tại Điều 15 BLHS Nga quy định như sau:
Thứ nhất, tội phạm ít nghiêm trọng là những hành vi cố ý hoặc vô ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức phạt cao nhất do BLHS Nga quy định là đến 02 năm tù.
Thứ hai, tội phạm nghiêm trọng là những hành vi cố ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức phạt cao nhất do BLHS Nga quy định là đến 05 năm tù; và những hành vi vô ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt được BLHS Nga quy định là trên 02 năm tù.
Thứ ba, tội phạm rất nghiêm trọng là những hành vi cố ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức phạt cao nhất do BLHS Nga quy định là đến 10 năm tù.
Thứ tư, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là những hành vi cố ý mà việc thực hiện những hành vi này BLHS Nga quy định hình phạt tù trên 10 năm, hoặc hình phạt nghiêm khắc hơn[7].
Như vậy, BLHS Nga căn cứ chủ yếu vào tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mức cao nhất của khung hình phạt và căn cứ vào hình thức lỗi của hành vi phạm tội để chia tội phạm thành 04 loại, cụ thể như sau:
– Tiêu chí thứ nhất – căn cứ vào tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội – ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng;
– Tiêu chí thứ hai – căn cứ vàomức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với tội phạm tương ứng – đến hai năm tù, đến năm năm tù, trên hai năm tù, đến mười năm tù, trên mười năm tù và hình phạt nghiêm khắc hơn.
– Tiêu chí thứ ba – hình thức lỗi của hành vi phạm tội – hành vi cố ý, hành vi vô ý.
Bên cạnh đó, cùng xếp tội phạm cố ý và tội phạm vô ý vào một nhóm tội, BLHS Nga đã quy định rất rõ ràng cơ sở là khung hình phạt cao nhất riêng biệt đối với các loại hình thức thực hiện hành vi phạm tội này. Và theo quy định của pháp luật Nga, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ có thể là những hành vi vi phạm PLHS được thực hiện một cách cố ý, đây cũng là điểm khác biệt rõ ràng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng. Điều này vừa thể hiện được nguyên tắc nhân đạo, vừa thể hiện được nguyên tắc đúng người, đúng tội, bởi trong những điều kiện như nhau hành vi vi phạm pháp luật do vô ý sẽ gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn tội phạm do cố ý vì vậy TNHS của người thực hiện hành vi phạm tội do vô ý vẫn nên được xem xét nhẹ hơn so với tội phạm được thực hiện do cố ý. Ngoài ra, khung hình phạt cao nhất đối với các nhóm tội ở BLHS Nga cũng được quy định nhẹ hơn so với BLHS nước ta, cụ thể như sau: tội phạm ít nghiêm trọng BLHS Nga quy định khung hình cao nhất đối với tội đó là đến 02 năm tù còn BLHS năm 2015 là đến 03 năm tù.
Đánh giá một cách tổng quan, việc phân loại tội phạm dựa trên sự kết hợp các tiêu chí như tính chất, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, khung hình phạt cao nhất và hình thức lỗi thực hiện tội phạm theo BLHS Nga khá rõ ràng, khoa học và đầy đủ. Đây có thể là cơ sở để BLHS nước ta sửa đổi và bổ sung bởi việc thêm chủ thể là PNTM vào BLHS năm 2015, cùng với trách nhiệm phải thể hiện rõ xu hướng cá thể hoá và phân hoá TNHS tối đa trong PLHS tạo điều kiện thuận lợi cho thực tiễn áp dụng, nhà làm luật nên quy định rõ ràng, sâu sắc, thuyết phục hơn vấn đề phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện làm tiền đề cho việc phân loại tội phạm do người được đại diện hoặc người được uỷ quyền của PNTM thực hiện. Để làm được điều này, các nhà làm luật nên kết hợp đồng thời cáctiêu chí – tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; chế tài do PLHS quy định đối với loại tội phạm tương ứng và hình thức lỗi thực hiện tội phạm để phân loại tội phạm. Như vậy, việc xếp các tội phạm vào các nhóm tội phạm tương ứng sẽ cụ thể, khách quan, công bằng hơn đối với những tội phạm được thực hiện do vô ý và do cố ý.
3.2. Một số tồn tại và hạn chế của chế định phân loại tội phạm
So với BLHS trước đây, chế định phân loại tội phạm được BLHS hiện hành quy định rõ ràng, khoa học và cụ thể hơn.
Thứ nhất, nếu BLHS năm 1999 ghi nhận các quy phạm của chế định phân loại tội phạm cùng với điều luật về khái niệm tội phạm, BLHS năm 2015 đã bảo đảm về mặt kỹ thuật lập pháp khi đã tách riêng chế định phân loại tội phạm thành một điều luật riêng biệt (Điều 9) và bổ sung thêm những quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Thứ hai, BLHS năm 1999 chỉ quy định khung hình phạt cao nhất đối với mỗi loại tội phạm thì BLHS hiện hành đã bổ sung điểm bắt đầu để xác định mức cao nhất của khung hình phạt giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật dễ dàng hơn trong việc xác định các loại tội phạm.
Thứ ba, lần đầu tiên sau 30 năm (1985 – 2015) kể từ khi pháp điển hoá LHS lần thứ nhất, các nhà làm luật đã bổ sung thêm một chủ thể mới của tội phạm là PNTM. Đây là một điểm mới đáng ca ngợi khi các nhà làm luật đã nhận thức đúng đắn tính chất, mức độ nguy hại của PNTM khi để cho người được đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh pháp nhân phạm tội hoặc liên kết PNTM này với PNTM khác để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, những nhà lập pháp nhận thấy cần phải có những quy định để xác định TNHS, từ đó, quy định hình phạt đối với chủ thể liên đới này nhằm thực hiện tối đa nhiệm vụ phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên đây là một vấn đề mới, vì vậy việc xây dựng các quy định xung quanh chủ thể này đòi hỏi phải có sự chặt chẽ về mặt khoa học, nhất quán giữa các quy định về chủ thể của tội phạm, đồng thời những quy định mới này cũng phải có giá trị thực tiễn cao, đặc biệt là quy phạm phân loại tội phạm do PNTM phạm tội. Bên cạnh đó, Điều 9 BLHS vẫn còn một số tồn tại và hạn chế chưa được khắc phục về mặt khoa học cũng như về mặt kỹ thuật lập pháp như sau:
Thứ nhất, khi quy định các loại hình phạt đối với nhóm tội phạm ít nghiêm trọng, Điều 9 quy định như sau: “… mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”, tuy nhiên sau khi rà soát toàn bộ hệ thống hình phạt của PLHS Việt Nam, ngoài những hình phạt trên, hình phạt cảnh cáo được quy định tại Điều 34 áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Như vậy, đối chiếu hai vấn đề trên, các nhà làm luật quy định những hình phạt được áp dụng cho tội phạm ít nghiêm trọng tại hai điều đã không được thống nhất và trùng khớp với nhau.
Thứ hai, khoản 2 điều này đã bổ sung thêm một điều khoản về phân loại tội phạm do PNTM thực hiện. Tuy nhiên, quy định mới này lại một lần nữa cho thấy BLHS còn chưa thống nhất, chưa chặt chẽ về mặt khoa học và còn tồn tại những quy định mang tính hình thức và chưa có tính thực tiễn cao. PNTM không giống như một thực thể sinh học nên không thể có lỗi. Lỗi của PNTM ở đây chỉ có thể được hiểu là việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đã để cho người được đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh pháp nhân với đầy đủ các điều kiện được quy định Điều 75 BLHS năm 2015 thực hiện hành vi phạm tội nêu tại Điều 76, do vậy, PNTM không thể trực tiếp thực hiện tội phạm mà chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới cùng với cá nhân phạm tội[8].
Thứ ba, các nhà làm luật phân loại tội phạm do PNTM thực hiện dựa trên các tiêu chí, sự phân loại do cá nhân phạm tội là chưa chặt chẽ bởi nếu quy định như vậy thì khi xét xử, trách nhiệm của PNTM có được xem xét dưới 04 loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng[9]. Vấn đề quan trọng nhất để truy cứu TNHS của PNTM trước tiên là phải xác định được chủ thể thực hiện tội phạm của PNTM, phải có những phạm trù quy định những hoạt động của PNTM thế nào là phạm tội. Bên cạnh đó, nếu có tội phạm xảy ra thì các nhà làm luật phải quy định chế tài xử phạt đối với cả PNTM do việc thiếu trách nhiệm để người được uỷ quyền hoặc người đại diện nhân danh pháp nhân thực hiện các tội phạm được quy định tại Điều 76 BLHS, đây cũng chính là tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt giữa cách phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện và phân loại tội phạm do PNTM phải liên đới chịu TNHS.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định phân loại tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 2015
Dựa trên sự phân tích về chế định phân loại tội phạm của BLHS năm 2015 cùng với việc đánh giá, so sánh, lĩnh hội những ưu điểm của BLHS Nga, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, để phân loại tội phạm, định tội danh và quy định hình phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thực tiễn hoá nguyên tắc phân hoá TNHS và cá thể hoá hình phạt đồng thời giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thuận lợi trong việc áp dụng các quy định, các nhà làm luật nên xây dựng chế định phân loại tội phạm dựa trên sự kết hợp đồng thời các tiêu chí – tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; chế tài do PLHS quy định đối với loại tội phạm tương ứng và hình thức lỗi thực hiện tội phạm để phân loại tội phạm.
Thứ hai, các nhà làm luật chỉ nên quy định tội phạm do vô ý vào nhóm tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng như BLHS Nga quy định, vì trong những điều kiện như nhau hành vi vi phạm PLHS do vô ý sẽ gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn tội phạm do cố ý vì vậy TNHS của người thực hiện hành vi phạm tội do vô ý vẫn nên được xem xét nhẹ hơn so với tội phạm được thực hiện do cố ý.
Thứ ba, những nhà làm pháp nên xem xét và chỉ quy định khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm do vô ý là 15 năm tù hoặc lên đến 20 năm tù và không nên quy định hình phạt khác nặng hơn như hình phạt tù chung thân hoặc tử hình và dù mức hình phạt áp dụng đối với tội phạm do vô ý là tù đến 15 năm hoặc thậm chí là 20 năm thì cũng không nên xếp tội phạm do vô ý vào nhóm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng[10].
Thứ tư, các nhà làm luật phải quy định lại chủ thể tội phạm của PNTM (người đại diện hoặc người được uỷ quyền), phải có phạm trù quy định về hoạt động của PNTM thì mới có thể định tội danh và quy định hình phạt đối với PNTM.
Thứ năm, TNHS và chế tài áp dụng đối với PNTM phải được xem xét đồng thời dưới hai dạng sau: đối với người được đại diện hoặc được uỷ quyền nhân danh PNTM thực hiện loại tội phạm được quy định tại Điều 76 BLHS này thì sẽ áp dụng những tiêu chí và chế tài tương ứng 04 loại tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 9, còn riêng đối với PNTM các nhà lập pháp phải xây dựng những quy định về chế tài riêng để áp dụng đối với cả PNTM đó như phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn. Bên cạnh quy định những hình phạt, có thể xây dựng các biện pháp tư pháp để áp dụng cho PNTM như: buộc công khai xin lỗi; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra,… Như vậy, mới giúp phân định rõ ràng giữa hai cách phân loại tội phạm của cá nhân và PNTM.
Tóm lại, dựa trên sự phân tích về chế định phân loại tội phạm, những ưu điểm và những hạn chế còn tại tồn tại trong quy định của BLHS hiện hành đồng thời trên sự tiếp thu, lĩnh hội những kinh nghiệm lập pháp hình sự của BLHS Nga năm 1996 và quan điểm chế tài là tiêu chí quan trọng nhất để có thể phân biệt việc phân loại tội phạm do cá nhân và do PNTM thực hiện, vì vậy chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hình thức thực hiện của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là những hành vi được thực hiện do cố ý hoặc vô ý có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội đó là phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là những hành vi được thực hiện do cố ý hoặc vô ý có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với những hành vi do cố ý là đến 07 năm tù, với những hành vi do vô ý là trên 03 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là những hành vi được thực hiện do cố ý có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với những hành vi đó là đến 15 năm tù.
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là những hành vi được thực hiện do cố ý có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp để cho người đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh pháp nhân với đầy đủ các điều kiện được quy định Điều 75 BLHS năm 2015 thực hiện hành vi phạm tội được phân loại căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hình thức thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này, đồng thời, căn cứ theo loại tội phạm mà người đại diện hoặc người được uỷ quyền phải chịu theo khoản 1 cùng với chế tài xử phạt riêng đối với pháp nhân thương mại, phân loại tội phạm pháp nhân thương mại, cụ thể như sau: :
a) Pháp nhân thương mại có người đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh pháp nhân phạm tội ít nghiêm trọng thì bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 03 tỷ đồng;
b) Pháp nhân thương mại có người đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh pháp nhân phạm tội nghiêm trọng thì bị xử phạt từ 03 đồng đến 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 18 tháng;
c) Pháp nhân thương mại có người đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh pháp nhân phạm tội rất nghiêm trọng thì bị xử phạt từ 10 tỷ đồng đến 25 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 18 tháng đến 03 năm;
d) Pháp nhân thương mại có người đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh pháp nhân phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử phạt trên 25 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh những hình phạt chính, pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một số biện pháp tư pháp sau đây: buộc công khai xin lỗi; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra”.
Như vậy, chế định phân loại tội phạm là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành và là nền tảng vững chắc của lý luận về tội phạm. Bởi để định tội danh và quy định hình phạt đối với chủ thể tội phạm thì các nhà làm luật phải xác định hành vi vi phạm PLHS đó thuộc các loại hoặc các nhóm tội phạm nào. Hơn nữa, việc phân loại tội phạm còn có ý nghĩa trong việc thống nhất các quy định của Phần chung và Phần các tội phạm BLHS, giữa luật nội dung (BLHS) và luật hình thức (Bộ luật tố tụng hình sự) của PLHS. Bên cạnh đó, ứng dụng việc phân loại tội phạm giúp những nhà làm luật có cơ sở để áp dụng những chính sách đối với việc tha tù trước thời hạn có điều kiện đồng thời phân chia những người phạm tội thành các nhóm khác nhau, phục vụ cho quá trình giáo dục, cải tạo hay giúp họ hòa nhập cộng đồng trở thành người lương thiện, hạn chế khả năng tái phạm – đây chính là nhiệm vụ, mục đính quan trọng mà PLHS nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung đã và đang hướng tới.
[1] Xem: Trịnh Tiến Việt, Tội phạm và trách nhiệm hình sự, Sách chuyên khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, 2014, tr. 44.
[2] Xem: Võ Khánh Vinh, Luật hình sự Việt Nam phần chung, Giáo trình sau đại học, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội, 2014, tr. 119 – 120.
[3] Xem: Lê Văn Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung),Sách chuyên khảo Sau đại học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr. 316.
[4] Nguyễn Ngọc Hoà (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân Hà Nội, 2017, tr. 67 – 68.
[5] Các tiêu chí đó được TSKH. GS. Lê Cảm thể hiện trong Dự thảo Giáo trình Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. ĐHQGHN, 2018, tr. 335 – 336 và GS. TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên): Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Giáo dục Hà Nội, 2001, tr. 136 – 137.
[6] Xem: Nguyễn Ngọc Hà (chủ biên), Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Học viện an ninh nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 62.
[7] Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 28.
[8] Xem: Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Dự thảo Giáo trình sau đại học, Nxb. ĐHQGHN, 2018, tr. 342.
[9] Xem: Đinh Văn Quế, Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015 (Phần thứ nhất), Nxb. Thông tin và truyền thông, 2017, tr. 57.
[10] Xem: Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự … (sđd), tr. 343.