Xử lý tiếng ồn, đừng đổ lỗi thêm cho thiết bị đo


TÚ ANH – TIẾN LONG – THẢO LÊ

Theo báo Tuổi trẻ online

TTO – Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định sẽ cụ thể hóa việc xử lý vấn nạn tiếng ồn bằng một đợt cao điểm hành động, vận dụng linh hoạt các quy định chứ không phụ thuộc vào các thiết bị đo.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã nhấn mạnh về quyết tâm của ban lãnh đạo TP tại cuộc họp ngày 9-3 với các sở ngành, quận huyện bàn về xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn mà ông gọi là “vấn nạn”.

“Chúng ta cố gắng có một nền kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, văn hóa được hưởng thụ ở nhiều góc độ khác nhau thì dứt khoát chúng ta cũng phải tìm cách để xử lý cho bằng được những vấn đề tác động làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó phải xử lý tiếng ồn.”

Đừng đổ lỗi thêm cho thiết bị đo

Tại cuộc họp, các số liệu công bố cho thấy dù người dân đã bức xúc trong thời gian dài nhưng các vụ xử phạt cụ thể rất ít ỏi trong hai năm 2019 và 2020. Nguyên nhân do đại diện Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) nêu ra cũng không có gì mới. 

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – phó giám đốc sở, để xử phạt phải có kết quả đo đạc bởi đơn vị có chức năng được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận; xã, phường, thị trấn chưa có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, mức tiền phạt nhỏ nên chưa đủ sức răn đe, bị “trói tay” theo khung thời gian xử phạt từ 22h đến 6h sáng, chưa có quy định cụ thể để xử lý những trường hợp “karaoke di động”…

Nói về cái khó do đại diện Sở TN-MT nêu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phân tích: “Lâu nay, cơ quan chúng ta hay nghiêng về hướng có máy đo để xác định được cường độ, nhưng điều đó chỉ áp dụng trong một không gian cụ thể, còn không gian công cộng không thể áp dụng được. 

Cho nên từ nay về sau đừng nhắc lại chuyện này nữa mà phải áp dụng giải pháp khác. Cứ loay hoay chỗ không có công cụ để đo âm thanh, không có người thực hiện nhiệm vụ và thời điểm không phù hợp để chúng ta buông không quản lý vấn đề tiếng ồn là không đúng”.

Theo ông Hoan, thực tế một hành vi vi phạm có thể vận dụng với nhiều nghị định. 

“Chúng ta có thể xử lý được, cho nên phải có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm, xem đó là việc của chúng ta phải làm vì sự bình yên của người dân. Ngoài thực hiện tuyên truyền, việc xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn phải thực hiện đồng bộ, từ TP xuống cơ sở và có sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu” – ông Hoan nhấn mạnh.

Cửa hàng linh kiện điện thoại dùng loa khuếch đại âm thanh quảng cáo các sản phẩm, gây ô nhiễm tiếng ồn (ảnh chụp trên đường Linh Trung, P.Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ Ý

Chặn đứng nhanh vi phạm tiếng ồn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng Nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh nhưng dứt khoát không chấp nhận những hành vi từ kinh doanh, mua bán, hoạt động tác động ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh. 

TP.HCM thống nhất chủ trương mở một đợt cao điểm với hai giai đoạn tập trung từ nay đến cuối năm triển khai “Vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta”.

Mục tiêu xử lý triệt để và đảm bảo đến cuối năm nay không xảy ra việc vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư. Sau đợt cao điểm, TP sẽ sơ kết đánh giá và tiếp tục triển khai, bổ sung vào các quy định. 

Cụ thể, giai đoạn 1 từ nay đến cuối tháng 5 sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến cho người dân. Giai đoạn này chưa có việc xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn. 

Theo ông Hoan, các khu chung cư cần có quy định dứt khoát không ca hát gây ồn. Tại các khu dân cư, ông Hoan yêu cầu tất cả phường xã, quận huyện phổ biến cho người dân. Qua đó, ngành chức năng chọn một số trường hợp thường xuyên vi phạm, bị phản ảnh nhiều lần, vận động họ thực hiện cam kết. 

Ông Hoan cũng giao Sở TN-MT chủ trì việc soạn tờ rơi để tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và biên tập các nội dung liên quan đến xử phạt.

Giai đoạn 2, từ tháng 6 đến cuối năm sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm theo quy định. Theo ông Hoan, xử phạt hiện nay có thể linh hoạt áp dụng nhiều nghị định như nghị định 98, 100, 155, 167…

“Thật ra nhiều người không nhận thức, không hiểu hành vi của mình ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe người khác và có thể chính họ cũng là nạn nhân. Thậm chí họ không hiểu hết quy định pháp luật. Do vậy, trước hết phải vận động người dân, doanh nghiệp hiểu và cùng nhau cam kết. Đồng thời triển khai các biện pháp xử lý phải đồng bộ, từ TP xuống cơ sở, có sự phối hợp giữa các cơ quan, thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu” – ông Hoan nhấn mạnh.

20 Đó là tổng số trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư, bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng trong hai năm 2019 và 2020.

Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, trong hai năm đó có 17/22 quận, huyện tiếp nhận thông tin phản ảnh về tiếng ồn qua các kênh; đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng.

4 nhóm tiếng ồn tại TP.HCM:

Từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như quán bar, vũ trường.

Từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc công suất lớn.

Từ hộ gia đình.

Từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo.

Ông Nguyễn Hữu Hưng (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM):

Tăng cường nhắc nhở, chấn chỉnh

Trong khi chờ các luật được sửa đổi, bổ sung thì việc cần làm ngay là tăng cường nhắc nhở các hộ dân điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe sau 21h. Mỗi địa phương cần công khai đường dây nóng, để mọi người kịp thời phản ảnh. Khi thấy được sự giám sát của địa phương, người dân sẽ tự nhắc nhở và chấn chỉnh.

Ông Lê Hồng Nam (giám đốc Công an TP.HCM):

Trang bị máy đo

Phải tính toán cách giải quyết cho từng nhóm tiếng ồn đã được định dạng. Không nên lấy mức phạt làm tiêu chí hàng đầu. Hiện Công an TP đang kiến nghị Bộ Công an trang bị máy đo cho phường, xã, thị trấn để xử lý vấn đề tiếng ồn, nhưng giải pháp không kém phần quan trọng là tuyên truyền và địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở.

Ông Từ Lương (phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông):

Có cổng thông tin 1022

Ngoài karaoke loa kéo, hiện nay nhiều xe cấp cứu đang lạm dụng việc sử dụng kèn còi công suất lớn vào ban đêm ngay khi không làm nhiệm vụ gây nhiều bức xúc cho người dân. Sở TT-TT đang vận hành cổng thông tin 1022 để tiếp nhận, xử lý, phản ánh về cơ quan chức năng đối với vấn đề an ninh trật tự. Người dân có thể thông qua kênh này để trực tiếp phản ảnh các hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng để xử lý.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM):

Cần có “cảnh sát môi trường”

Ở nhiều nước, không có chuyện muốn kéo dàn loa di động đi đâu thì đi, muốn hát bất cứ giờ nào, kéo dài đến lúc nào muốn, mở âm lượng cỡ nào cũng được. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng khi chiếu theo các loại luật khác nhau như môi trường, an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng. Công việc này không giao cho phường, xã mà giao cho cảnh sát môi trường cơ động. Cảnh sát môi trường khi đi tuần tra bắt gặp, hay người dân phản ảnh họ đến ngay, trước là tịch thu dụng cụ phát âm thanh để tiêu hủy, sau là phạt tiền, có thể lao động công ích, thậm chí bị tù hay bị ghi vào lý lịch tư pháp khiến sau này rất khó cho việc giao dịch dân sự như xin việc, nợ nần và danh dự.

Dân An Giang mong có đường dây nóng để phản ảnh

Theo ghi nhận, cả tuần qua người dân An Giang đã thực sự được trở về với sự an bình sau bao ngày bị tra tấn bởi karaoke.

Kể từ khi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ra quyết định mạnh mẽ cấm karaoke di động trên toàn tỉnh từ ngày 3-3, gần như người dân khắp địa phương đều vui mừng, phấn khởi.

“Tụi tui khoái rồi đó”

Ông Nguyễn Phú Sỹ (67 tuổi, ngụ phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu) chia sẻ tuần vừa rồi ông cảm thấy “nhẹ tai” khi tụi trẻ trong xóm không còn hát hò um sùm ở địa phương như thời gian qua. “Từ khi UBND tỉnh ban hành công văn cấm karaoke di động thì ở thị xã Tân Châu thực hiện nghiêm lắm, không còn nhạc sống hát hò ầm ầm nữa. Tôi đề xuất UBND tỉnh sắp tới nên cấm theo khung giờ đối với những người tổ chức đám, tiệc. Vì đôi khi nhiều người lợi dụng việc này cũng hát hò lâu lắm. Trước mắt, tôi thấy anh em bạn già như tui khoái rồi đó” – ông Sỹ vui vẻ nói.

Ông Đặng Văn Đồng – trưởng khóm Vĩnh Đông, phường Núi Sam, TP Châu Đốc – nói thêm: “Từ khi tỉnh ban hành văn bản thì ở phường đã họp với các khóm. Sau đó, khóm đã mời các chủ cơ sở cho thuê loa âm thanh làm cam kết không cho thuê loa âm thanh hát karaoke di động. Nhờ vậy tuần qua Núi Sam không còn cảnh nhậu nhẹt, hát hò thâu đêm, không còn nghe bà con phản ảnh nữa. Bà con đồng thuận rất cao việc này”.

Trung tá Nguyễn Văn Út – trưởng Công an thị trấn Long Bình, huyện An Phú – dẫn chứng chuyện ở thị trấn Long Bình có một hộ dân tổ chức đám cưới nhưng khi được địa phương vận động thì bà con đã hiểu không tổ chức rình rang nữa. “Tình trạng tụi nhỏ tụ tập ăn nhậu hát hò ban đêm đã không còn. Thay vì lúc trước đêm nào cũng tuần tra nhắc nhở thì nay cũng không còn. Tuần qua có 2 trường hợp vừa định hát thì chúng tôi vận động họ kịp thời nên không hát nữa. Về lâu dài, chính quyền nên cấm luôn nhưng phải có kế hoạch rõ ràng hơn” – trung tá Út chia sẻ.

Các hộ kinh doanh cho thuê loa ở TP Long Xuyên bất ngờ trước quyết định cấm karaoke lưu động của UBND tỉnh An Giang – Ảnh: BỬU ĐẤU

Cần có quy định rõ hơn

Ông Dương Thiện Hùng – chủ cơ sở cho thuê âm thanh ở TP Long Xuyên – khẳng định đồng ý với việc cấm karaoke di động để phòng dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Tuần qua, thực hiện lệnh cấm này thì gia đình ông đã thiệt hại 50%. Theo ông Hùng, lệnh cấm này trước mắt đã gây thiệt thòi, mất thu nhập và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của một nhóm người sống bằng nghề cho thuê giàn âm thanh như gia đình ông. “Nếu được, ngành chức năng nên quy định cho ca hát, phát âm thanh từ 15h đến 21h30. Nếu không thực hiện đúng giờ quy định thì xử phạt chủ nhà hay chủ cho thuê. Trường hợp khác, chúng tôi muốn phản ảnh ai đó làm sai lệnh cấm và muốn phản ảnh thì cũng không biết phản ảnh đến ai. Tỉnh An Giang nên có đường dây nóng để bà con phản ảnh. Nên chăng phạt chủ nhà khi để âm thanh phát lớn tại gia đình. Tại họ là người muốn hát lớn để nghe “sướng” chứ người cho thuê âm thanh để hát hò không ai muốn mở lớn vì mở càng lớn thì mau hư hỏng đồ” – ông Hùng giãi bày.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-3, ông Nguyễn Khánh Hiệp – giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh An Giang – khẳng định qua một tuần thực hiện cấm karaoke di động của chủ tịch UBND tỉnh thì bà con trong tỉnh đã đồng thuận, ủng hộ rất cao. “Đến thời điểm này, chúng tôi đã tìm hiểu từ các địa phương thì vấn nạn hát karaoke di động đã cải thiện và giảm chưa từng có. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh đưa tiêu chí gây mất an ninh trật tự và tiếng ồn vào đánh giá công nhận các khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa, địa phương văn hóa” – ông Hiệp khẳng định.

Thụy Sĩ tính thiệt hại do tiếng ồn hơn 2 tỉ USD

Tại Thụy Sĩ, ngưỡng tiếng ồn được cho phép trong các khu dân cư là 50 decibel (dB) – tương đương mức tiếng động của một văn phòng có nhiều người làm việc. Nhưng theo các thống kê, có đến 14% dân số Thụy Sĩ cảm thấy bị phiền vì các âm thanh quá ồn ở nơi mình sống. Bà Sophie Hoehn – trưởng ban tiếng ồn ngoài phố của Văn phòng Liên bang về môi trường (OFEV) của Thụy Sĩ – xác nhận: “Ô nhiễm tiếng ồn là nguồn gốc của nhiều vấn đề về sức khỏe con người như mất ngủ, trầm cảm, cao huyết áp, tiểu đường và thậm chí là nhồi máu cơ tim”.

Theo báo Planète Santé của Thụy Sĩ, nạn ô nhiễm tiếng ồn làm 500 người thiệt mạng sớm mỗi năm. Các tính toán cho thấy mỗi cấp độ tiếng ồn tăng 10 dB thì nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 4%. Âm thanh ở mức 40-50 dB sẽ gây rối loạn giấc ngủ và từ đó sẽ khiến mất tập trung hoặc giảm khả năng ghi nhớ trong ngày hôm sau. Thiệt hại vật chất từ ô nhiễm tiếng ồn (tính theo chi phí về chăm sóc sức khỏe cho những người bị ảnh hưởng) được cơ quan chức năng Thụy Sĩ tính ra là hơn 2 tỉ USD mỗi năm.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *