DƯƠNG THỊ HỒNG NGÁT (Tòa án quân sự Quân khu 3)
Tạp chí điện tử có đăng bài viết “Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích” của tác giả ThS. Trần Quang Minh (TAND TP Hải Dương) và Nguyễn Minh Nhật (Công ty luật ThinkSmart), đăng ngày 29/05/2021, tôi có quan điểm trao đổi cho rằng Công H phạm tội “Giết người chưa đạt”.
Xem bài viết “Định tội danh giữa tội GIết người và tội Cố ý gây thương tích”:
Thứ nhất, các dấu hiệu để phân biệt giữa tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”
Xác định mục đích hành vi phạm tội
Nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác thì phạm tội giết người, còn nếu ý thức chủ quan không có ý định giết người thì phạm tội cố ý gây thương tích.
Xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công
Theo Từ điển Tiếng Việt thì: “Mức độ là tiêu chuẩn để xác định cho hành động; Cường độ là độ mạnh của lực”, việc xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công nhằm phân biệt hai tội danh này là rất quan trọng trọng. Nếu người phạm tội có hành vi đánh người một cách liên tục và rất mạnh, chứng tỏ họ có ý định giết người.
Xác định vị trí tác động
Để nhằm phân biệt hai loại tội phạm này trong thực tiễn cần căn cứ vào vị trí tấn công trên cơ thể, có thể xác định các vị trí như vùng đầu, vùng ngực, bụng … đây được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Ngoài ra khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng…
Xác định yếu tố lỗi
Lỗi của người thực hiện hành vi. Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.
Thứ hai, xác định Công H phạm tội “Giết người chưa đạt”
Theo nội dung vụ án: Công H có mâu thuẫn với Duy H, Công H đã về nhà lấy dao đi tìm Duy H để đánh cho chừa thói ngông cuồng. Khi đi đến đoạn đường đầu làng, Công H thấy Duy H và Đức L đang đứng nói chuyện với nhau nên đã xông vào tấn công. Công H chém một nhát, Duy H đưa tay đỡ khiến phần lưỡi dao găm vào vùng thái dương. Thấy vậy anh Đức L và người dân xung quanh đã can ngăn, vứt dao của Công H ra xa. Duy bị thương tật lên đến 35%.
Xác định hành vi chém Duy H của Công H
Mặc dù Duy H đã dùng tay cản nhưng vết thương ở vùng thái dương vẫn rất nặng (thương tật 35%). Do đó, có thể thấy Công H tấn công chém Duy H rất nhanh và một lực mạnh.
Xác định mục đích tấn công của Công H là vào vùng hiểm yếu trên cơ thể
Vết chém vào vùng thái dương nhưng do bị Duy H dùng tay đỡ, có thể khẳng định Công H có hướng chém từ trên xuống và vị trí muốn chém vào vùng đầu hoặc vùng cổ của Duy H – là vùng hiểm yếu, hành vi dùng tay đỡ của Duy H đã làm lệch hướng dao và làm giảm cường độ tấn công. Do đó, Công H không thực hiện được hành vi phạm tội như mong muốn ban đầu.
Công H thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp
Trong lúc tấn công Duy H thì Công H bị Đức L và người dân xung quanh ngăn cản, vứt dao ra xa nên không tiếp tục thực hiện được hành vi phạm tội. Việc bị mọi người căn ngăn và Duy H không chết cũng là ngoài ý muốn của Công H khi thực hiện hành vi phạm tội.
Như vậy có thể khẳng định mục đích của Công H nhằm tước đoạt tính mạng của Duy H, không thực hiện được hành vi đến cùng và Duy H không chết cũng là ngoài mong muốn của Công H. Do đó, truy cứu trách nhiệm hình sự Công H về tội “Giết người chưa đạt” theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015 và Điều 15 BLHS 2015 là có căn cứ.
Trên đây là trao đổi của tác giả rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý của bạn đọc cùng đồng nghiệp./.
Một bình luận cho “Công H phạm tội “Giết người chưa đạt”? – Bài đăng trên Tạp chí điện tử Toà án nhân dân ngày 05/06/2021”
[…] Tại đây […]