“Tín dụng đen” hay “cho vay nặng lãi” là những hình thức cho vay tiền với lãi suất cao gấp rất nhiều lần so với mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Để che giấu cho hành vi này, các đối tượng thường sử dụng các hợp đồng giả tạo như: hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê thực hiện công việc, hợp đồng thuê lại tài sản của người đi vay, … hay để che dấu về thỏa thuận lãi vượt mức lãi suất dân sự cao nhất mà pháp luật cho các bên được thoả thuận bằng cách không ghi lãi suất, ghi lãi suất thấp hơn thực tế và tiến hành thu lại theo thoả thuận ngoài hợp đồng vay cao hơn mức lãi suất dân sự cho phép thoả thuận.
Thứ nhất, rủi ro hợp đồng bị vô hiệu do giả tạo
Đối với hành vi giao kết các loại hợp đồng khách thay vì lựa chọn hình thức hợp đồng vay tài sản để thực hiện giao dịch cho vay tiền luôn tiềm ẩn những rủi ro pháp lý nhất định. Một trong rủi ro mà bên cho vay có thể gặp phải là việc khi xảy ra tranh chấp, bên cho vay chỉ có thể đòi hoàn trả tiền theo giá trị của hợp đồng giả tạo và phạt vi phạm nếu các bên có thoả thuận chứ không thể yêu cầu bên vay hoàn trả số tiền lãi theo thoả thuận thực tế của các bên. Đối với bên vay, rủi ro pháp lý có thể gặp phải là bên cho vay có thể yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng giả tạo khi xét thấy việc thực hiện nghĩa vụ đó có lợi cho bên cho vay. Ngoài ra, một loại rủi ro pháp lý cũng rất thường gặp trong thực tiễn xét xử đó là hợp đồng giao kết giữa các bên sẽ bị TAND có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu do giảo tạo theo quy định tại khoản 1 Điều 124 của Bộ luật Dân sự 2015 khi có căn cứ phát hiện giao dịch do các bên đã tiến hành giao kết theo hợp đồng không tồn tại trên thực tế mà nhằm để che dấu giao dịch vay tiền mà thực tế các bên hướng đến và thực hiện. Khi đó, giao dịch dân sự giả tạo bị vô hiệu, giao dịch vay tiền được che dấu có hiệu lực nhưng do bị che dấu nên các bên không có thoả thuận về lãi suất nên bên cho vay không thể yêu cầu thanh toán.
Thứ hai, rủi ro về phần lãi suất vượt mức sẽ không được pháp luật bảo vệ
Đối với hành vi không quy định lãi suất hoặc quy định lãi suất thấp hơn mức thu thực tế mức lãi suất thu thực tế cao hơn mức pháp luật dân sự cho phép. Trường hợp này, người đi vay cần biết để bảo vệ quyền lợi của mình. Đối với giao dịch cho vay, thỏa thuận về lãi suất nếu vượt quá mức lãi suất giới hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chỉ được bảo vệ với mức cao nhất mà pháp luật cho phép là 20%/năm còn đối với phần lãi suất do các bên tự thoả thuận nhưng vượt quá 20%/ năm sẽ không được pháp luật bảo vệ. Thậm chí, nếu mức lãi suất của các bên thoả thuận vượt quá 05 lần trở lên mức lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự (tương ứng vượt quá 100%/năm) và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trở lên thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 201 BLHS với hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mặt khác, người cho vay có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể: theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Luật sư ThinkSmart tư vấn
Giao kết loại hợp đồng không đúng mục đích giao dịch và cho vay nặng lãi là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, ThinkSmart kiến nghị Quý khách không nên thực hiện. Trường hợp Quý khách gặp phải vướng mắc liên quan tới vấn đề trên, hãy liên hệ ngay với Công ty luật TNHH ThinkSmart qua tổng đài 1900636391 để được các luật sư tư vấn giải pháp tháo gỡ.
Trên đây là bài viết của Trung tâm tư vấn luật trực tuyến về thủ đoạn làm hợp đồng giả để che giấu giao dịch cho vay nặng lãi dưới góc độ pháp lý. Để được cung cấp ý kiến pháp lý về các vấn đề cụ thể Quý khách đang gặp phải, mời Quý khách gọi đến Tổng đài 1900 636391 (nghe và làm theo hướng dẫn) để kết nối với tư vấn viên thuộc Bộ phận pháp luật về Dân sự.
Trân trọng./.