Bảo đảm quyền con người của Người làm chứng là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự


TS Vũ Thị Phượng – Khoa Luật, Đại học Công đoàn

Chuyên gia pháp lý Phòng DVPL Hình sự, Công ty luật ThinkSmart

Tóm tắt: Vấn đề bảo vệ quyền con người của người dưới 18 tuổi là người bị buộc tội, bị hại trong vụ án hình sự đã được quan tâm, ghi nhận trong các Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) trước đây. Tuy nhiên, lần đầu tiên thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người làm chứng là người dưới 18 tuổi được quy định trong BLTTHS năm 2015 là bước tiến mới trong chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người tham gia tố tụng này và hoàn thiện thêm về chính sách đối với người dưới 18 tuổi khi tiếp xúc với tư pháp hình sự. Trên cơ sở phân tích sự cần thiết của quy định và phân tích các nội dung quy định pháp lý để nêu lên một số vấn đề gợi mở hướng đến hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người của người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Từ khóa: Người làm chứng dưới 18 tuổi, thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi, bảo vệ quyền con người của trẻ em.

1. Sự cần thiết bảo đảm quyền con người của người làm chứng là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự Việt Nam

Các thập kỷ gần đây, cộng đồng quốc tế và Việt Nam ngày càng đáp ứng nhu cầu tăng cường bảo vệ các quyền con người của người dưới 18 tuổi/người chưa thành niên/trẻ em. Mặc dù, các quốc gia đưa ra rất nhiều các biện pháp hạn chế xâm hại quyền sống, quyền an toàn tình dục, quyền tự do và an ninh cá nhân… của người dưới 18 tuổi và các biện pháp hạn chế tối đa người dưới 18 tuổi phạm tội, tuy nhiên có thể thấy thực trạng vẫn tồn tại không thể xóa bỏ là nhóm đối tượng này vẫn tham gia tố tụng hình sự bên cạnh số it là người bị buộc tội thì phần lớn là bị hại hoặc là người làm chứng của tội phạm. Do đó, việc các quốc gia trong đó có Việt Nam nỗ lực xây dựng các thủ tục tố tụng thân thiện cả trong và ngoài quá trình xét xử đối với nhóm đối tượng đặc biệt này là cần thiết.

Tuy nhiên, lược sử pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cho thấy các quy định về tư pháp thân thiện trước đây mới chỉ hướng đến áp dụng cho người dưới 18 tuổi là chủ thể của tội phạm và bị hại của tội phạm mà chưa đề cập đến trong trường hợp họ là người làm chứng của vụ án hình sự. Sự hạn chế này đã được khắc phục phần nào trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (viết tắt BLTTH) đáp ứng được sự cần thiết cả lý luận và thực tiễn bởi các lý do sau:

Thứ nhất, người làm chứng là người dưới 18 tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt trong xã hội, cần đảm bảo hạn chế các tổn thương tiềm ẩn liên quan đến việc cung cấp lời khai của họ khi tham gia vụ án hình sự.

Sự đặc biệt được thể hiện ở chỗ “trẻ em[1] khác biệt với người trưởng thành về sự phát triển thể chất và tâm lý, ở nhu cầu tình cảm và nhu cầu được giáo dục”[2]. Chính bởi sự hạn chế trong trải nghiệm và nhận thức xã hội đồng thời sức mạnh thể chất còn rất hạn chế nên khả năng tự bảo vệ của người dưới 18 tuổi nói chung và người làm chứng là người dưới 18 tuổi nói riêng làthấp thậm chí ở độ tuổi còn quá nhỏ thì khả năng tự bảo vệ này hoàn toàn không có do đó cần có chính sách ưu tiên của Nhà nước để đảm bảo họ không bị những chấn thương tâm lý và an toàn về thể chất, tinh thần khi tham gia tố tụng hình sự.


[1] Trẻ em theo khái niệm pháp luật quốc tế là người dưới 18 tuổi (CRC)

[2] Khoa Luật – ĐHQGHN (2010), Quyền con người – Tập hợp những bình luận và khuyến nghị chung của Ủy ban công ước Liên Hợp Quốc, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.778


Sự thật chỉ ra rằng, việc tham gia tố tụng của người làm chứng dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự với tính chất vụ việc mang tính nguy hiểm cao, khả năng người làm chứng có thể bị tấn công, bị mua chuộc, bị làm cho hoảng loạn, sợ hãi mà không thể khai báo (do bị quên hoặc không dám khai báo) đến từ nhiều đối tượng khác nhau như từ phía người bị buộc tội, bị hại, các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thậm chí cả dư luận xã hội hay không khí của buổi làm việc như sự tôn nghiêm cũng như diễn biển tại các buổi lấy lời khai hoặc phiên tòa. Chính vì thế, sự tồn tại quy định pháp luật tố tụng hình sự về thủ tục lấy lời khai, tham gia phiên tòa, quy định về người đại diện, người tiến hành tố tụng… là vô cùng cần thiết để tạo ra một giới hạn chuẩn mực đảm bảo các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ hướng đến sự ổn định tâm lý và an toàn cho người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên các quy định của pháp luật tố tụng khi tạo ra một quyền ưu tiên tư pháp cho nhóm đối tượng này hơn những người trưởng thành cũng cần phải lưu ý rằng khi xác định nhóm người dưới 18 tuổi hay bất kỳ nhóm chủ thể nào thuộc đối tượng nhóm người dễ bị tổn thương “đều có thể dẫn đến hậu quả bất bình đẳng, phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến quyền con người của họ vì thế trách nhiệm của Nhà nước là chỉ nên xác định tính dễ bị tổn thương như là một công cụ quan trọng liên quan đến cách thức sắp xếp xã hội.[3]


[3] Vũ Thị Phượng (2020), Bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, tr.17


Thứ hai, tầm quan trọng của việc tối đa hóa tính hợp lệ và độ tin cậy trong lời khai của người làm chứng là người dưới 18 tuổi ở các vụ án hình sự.

Người làm chứng là “người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng”[4] do vậy lời khai của họ có giá trị lớn và trong một số trường hợp là đặc biệt lớn đối với việc chứng minh tội phạm. Mặc dù để chứng minh tội phạm các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiều các biện pháp khác nhau và lời khai của người làm chứng cũng chỉ là một nguồn chứng cứ trong nhiều nguồn chứng cứ khác và chỉ có giá trị chứng minh khi nó đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp tức là phải có sự tương thích, phù hợp với các tình tiết vụ án. Song không thể phủ nhận giá trị chứng minh trong lời khai của người làm chứng.


[4] Khoản 1 Điều 66 BLTTHS năm 2015


Như trên đã phân tích tính chất đặc biệt của người làm chứng là người dưới 18 tuổi nên khả năng chịu được các áp lực về thể chất và tinh thần của họ bị hạn chế cũng như họ dễ bị dao động và chịu tác động nhanh chóng từ bên ngoài. Do đó, chỉ cần tâm lý không ổn định, sợ hãi… từ bất kỳ yếu tố nào qua lời nói, cử chỉ, hành động (đe dọa, mua chuộc, lấn át, quát nạt, ánh mắt không thiện cảm…) của bất kỳ chủ thể nào trong quá trình người làm chứng là người dưới 18 tuổi tiếp xúc thì đều có thể ảnh hưởng đến khả năng khai báo hoặc tính chính xác của lời khai. Do đó, pháp luật tố tụng hình sự cần đưa ra các quy định để bảo đảm quyền con người của người làm chứng là người dưới 18 tuổi, họ sẽ tự động đủ điều kiện nhận các biện pháp bảo đảm đặc biệt. Tuy nhiên, cần lưu ý bởi những quy định đó có thể mâu thuẫn với quyền được đối chất với người làm chứng của bị cáo hoặc các quyền chứng minh khác của bị cáo (như quyền được tranh tụng).

Thứ ba, bảo đảm quyền con người của người làm chứng là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự đảm bảo tính hội nhập quốc tế của pháp luật quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia đều phải chuẩn bị và sẵn sàng mọi điều kiện để đủ sức, cũng như thích ứng với những đòi hỏi của bối cảnh, trong đó có pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự trên nguyên tắc luật pháp quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế. Vấn đề bảo vệ quyền con người của người dưới 18 tuổi nói chung trong đó có quyền của người làm chứng là người dưới 18 luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức quốc tế, nhiều văn bản quốc tế được ban hành, nhiều cơ quan tổ chức có trách nhiệm được thành lập để xây dựng, kiểm soát và hỗ trợ xây dựng chính sách quốc gia, kiểm soát và phối hợp thực hiện thúc đẩy các hoạt động thực thi pháp luật nhân quyền của các quốc gia về vấn đề này. Trong Nghị quyết ECOSOC 2005/20 của Liên hợp quốc “Hướng dẫn về công lý trong các vấn đề liên quan đến trẻ em là nạn nhân và nhân chứng của tội phạm” khẳng định: “Lưu ý đến những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của tội phạm và việc trở thành nạn nhân và nhân chứng đối với trẻ em, đặc biệt là trong các trường hợp liên quan đến bóc lột tình dục song cũng lưu tâm đến thực tế rằng sự tham gia của trẻ em là nạn nhân và nhân chứng trong quá trình tư pháp hình sự là cần thiết để có hiệu quả khởi tố, đặc biệt khi nạn nhân là trẻ em có thể là nhân chứng duy nhất”[5]. Cùng với các quy định khác trong các văn bản pháp lý quốc tế liên quan đến tư pháp cho người dưới 18 tuổi (Công ước quyền trẻ em, Hội đồng Hướng dẫn Châu Âu về Tư pháp thân thiện cho trẻ em; Quy tắc Bắc Kinh; Nguyên tắc và Hướng dẫn trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự, Hướng dẫn 10…) sẽ là cơ sở để quốc gia nội luật hóa hướng đến sự phù hợp với điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội của quốc gia và pháp luật quốc tế.


[5] https://www.un.org/en/ecosoc/docs/2005/resolution%202005-20.pdf


2. Pháp Luật tố tụng hình sự Việt Nam bảo đảm quyền con người của người làm chứng là người dưới 18 tuổi

2.1. Các nguyên tắc bảo đảm quyền con người của người làm chứng là người dưới 18 tuổi

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã quy định các quyền con người được “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 14). Đây là đạo luật cao nhất mang tính định hướng các luật chuyên ngành khác trong đó có pháp luật tố tụng hình sự. Trước đây vấn đề bảo vệ quyền con người của người làm chứng đã được đề cập trong BLTTHS năm 1988 và BLTTHS năm 2003 tuy nhiên mới chỉ là các quy định cho người làm chứng nói chung, không quy định cụ thể về nhóm người dưới 18 tuổi. BLTTHS năm 2015 lần đầu tiên quy định các vấn đề liên quan đến người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại Phần thứ bảy- Chương XXVIII về thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi và được hướng dẫn bởi một số thông tư, thông tư liên tịch (bài viết đề cập). Theo đó, thủ tục tố tụng đối với người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng chung với thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Đây là bước tiến mới trong chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người tham gia tố tụng này và hoàn thiện thêm về chính sách đối với người dưới 18 tuổi khi tiếp xúc với tư pháp hình sự. Các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi chứng minh tội phạm có làm việc với người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

Trong lần pháp điển hóa năm 2015 nhà làm luật đã luật hóa nguyên tắc này để phù hợp với CRC và các chuẩn mực quốc tế khác có liên quan thể hiện quan điểm của Đảng và nhà nước ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế bảo vệ người dưới 18 tuổi. Đảm bảo thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, bảo đảm lợi ích tốt nhất của người làm chứng là người dưới 18 tuổi buộc các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các quy định về con người, môi trường, thái độ… thân thiện khi làm việc, tránh trường hợp người làm chứng dưới 18 tuổi căng thẳng, hoảng sợ, khó khăn trong việc đưa ra lời khai đồng thời trong trường hợp người làm chứng rơi vào trạng thái tâm lý, sức khỏe không đảm bảo thì không được tiến hành các hoạt động lấy lời khai hay xét xử. Mặt khác, các lịch làm việc cũng cần có sự cân nhắc đến thời gian học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Thứ hai, bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Việc giữ bí mật về nhân thân (tên, tuổi, địa chỉ…), về lời khai của người làm chứng là người dưới 18 tuổi là cần thiết để đảm bản sự an toàn cho họ. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện trong và sau quá trình tố tụng vụ án hình sự. Vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 185 BLTTHS năm 2015 “Giấy triệu tập người làm chứng dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ” thay bằng việc “giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập” như đối với người làm chứng là người trưởng thành. Bên cạnh đó, cũng như những người làm chứng trưởng thành, người làm chứng là người dưới 18 tuổi có quyền được yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa. (khoản 3 Điều 66 BLTTHS năm 2015).

Thứ ba, bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.

Như trên đã phân tích, người làm chứng là người dưới 18 tuổi chưa phát triển toàn diện, đầy đủ về thể chất và tinh thần, theo quy định của pháp luật họ là người chưa có năng lực hành vi đầy đủ, do đó trong mọi quan hệ pháp luật họ đều phải có người đại diện tham gia đồng hành, đại diện cho họ nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, trong tố tụng hình sự ngoài người đại diện của người dưới 18 tuổi tham gia thì sự có mặt của đại diện các đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã và đang có sự gần gũi, tin tưởng, có khả năng tạo ra được tâm lý an toàn, ổn định cho người làm chứng là người dưới 18 tuổi khi tiếp xúc với các cơ quan tư pháp tham gia đó là đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên, người có hiểu biết về tâm lý, xã hội nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt. Sự tham gia của các chủ thể này như một sự đồng hành, sự “cam kết” về tinh thần cho người làm chứng dưới 18 tuổi yên tâm đưa ra lời khai và đảm bảo các cơ quan tư pháp không sử dụng các biện pháp làm tổn hại đến người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Từ đó, vừa đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người làm chứng là người dưới 18 tuổi vừa đạt được hiệu quả cho quá trình xác định sự thật vụ án.

Thứ tư, bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Việc kéo dài vụ án hình sự có liên quan đến người bị buộc tội, bị hại hay người làm chứng là người dưới 18 tuổi đều có ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý và sự phát triển của họ. Sự kéo dài vụ việc sẽ tạo ra tâm lý lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi, căng thẳng khi phải khai nhiều lần hoặc phải tiếp xúc nhiều lần với cơ quan tư pháp hình sự và điều này có hại cho bất kỳ ai đặc biệt là người dưới 18 tuổi khi họ chưa có khả năng cân bằng các cảm xúc tiêu cực như người trưởng thành có nhiều trải nghiệm cuộc sống trước đó. Việc khai nhiều lần về hành vi có tính nguy hiểm cao cho xã hội là tội phạm sẽ vô hình chung tạo ra ký ức sâu sắc về tội phạm trong tiềm thức và ký ức của người làm chứng là người dưới 18 tuổi từ đó có thể ảnh hưởng không chỉ đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến hành vi, nhân cách của họ. Do đó, khi tiến hành làm việc với người làm chứng là người dưới 18 tuổi các cán bộ tư pháp cần chuẩn bị đầy đủ nhất các vấn đề cần chứng minh, đi vào trọng tâm vấn đề để buổi làm việc hiệu quả nhanh chóng, không cần phải triệu tập nhiều lần.

2.2. Quy định về thủ tục tiến hành một số hoạt động điều tra,xét xử bảo đảm quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người làm chứng là người dưới 18 tuổi

2.2.1. Lấy lời khai người làm chứng là người dưới 18 tuổi

Về thủ tục lấy lời khai người làm chứng là người dưới 18 tuổi được quy định theo hướng nhanh chóng, hạn chế đến mức thấp nhất việc lấy lời khai và đối chất đối với người dưới 18 tuổi, nhằm bảo đảm các hoạt động tố tụng được thực hiện phù hợp tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người làm chứng là người dưới 18 tuổi, bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất đối với họ, phù hợp với quy định của các văn bản quốc tế mà trực tiếp là CRC. Theo đó, thủ tục lấy lời khai người làm chứng là người dưới 18 tuổi đã được quy định tại Điều 421 BLTTHS và hướng dẫn tại Thông tư số 43/2021/TT-BCA ngày 22 tháng 4 năm 2021 Quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi (viết tắt là Thông tư số 43/2021/TT-BCA). Cụ thể:

Về nơi tiến hành lấy lời khai: Việc lấy lời khai người làm chứng dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi học tập, lao động và sinh hoạt của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp lấy lời khai tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi (Phòng điều tra thân thiện). Trên thực tế, phòng điều tra thân thiện đã được xây dựng thí điểm từ năm 2006 tại Đồng Tháp theo tài trợ của UNICEF, phòng được trang trí, lắp đặt các dụng cụ, trò chơi tạo cho trẻ em cảm giác gần gũi, thân thiện[6]. Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã thí điểm xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện để lấy lời khai của người dưới 18 tuổi tại 18 tỉnh, thành phố[7].


[6] http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/hieu-qua-mo-hinh-phong-dieu-tra-than-thien–95082.aspx

[7] https://plo.vn/phap-luat/bo-cong-an-xay-dung-mo-hinh-phong-dieu-tra-than-thien-945377.html


Về người trực tiếp lấy lời khai: Điều tra viên, Cán bộ điều tra lấy lời khai có thể mặc thường phục để tạo sự thân thiện với người được lấy lời khai đồng thời có thái độthân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần lấy lời khai, và phải tạm dừng ngay việc lấy lời khai khi người làm chứng là người dưới 18 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.[8]


[9] Điều 14, Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH


Chuẩn bị lấy lời khai: Trước khi lấy lời khai của người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Cơ quan điều tra phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người đại diện của họ và yêu cầu người phiên dịch, người dịch thuật, thực hiện theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (trong trường hợp cần thiết).

Về trình tự, thủ tục: Việc lấy lời khai phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện của người làm chứng là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 183, Điều 421, các điều luật khác có liên quan của BLTTHS và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/01/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

2.2.2. Người tiến hành tố tụng các vụ án có người làm chứng là người dưới 18 tuổi

“Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó” là nghĩa vụ pháp lý của bất kỳ người làm chứng nói chung nào (khoản 4 Điều 66 BLTTHS). Tuy nhiên, để thực hiện được nghĩa vụ này thì người đó phải được ở trong trạng thái trí nhớ ổn định nhất. Như trên đã phân tích, giá trị của lời khai của người làm chứng là rất quan trọng trong việc xác định sự thật vụ án nhưng đồng thời với người làm chứng là người dưới 18 tuổi thì việc tiếp xúc với họ của các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho người đó. Để có thể dung hòa được cả hai lợi ích trên cùng một lúc sẽ phụ thuộc rất lớn vào người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi tiếp xúc trực tiếp với người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Vì vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây: i) Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; ii) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; iii) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Đối với Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi (bao gồm nhưng không loại trừ trường hợp có người làm chứng là người dưới 18 tuổi) phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Trong đó, người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi[9].


[9] Điều 5, Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH


Người làm chứng là người dưới 18 tuổi khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp hình sự sẽ có những tác động nhất định đến tâm sinh lý. Việc hiểu biết về tâm sinh lý, có kiến thức và kinh nghiệm làm việc với nhóm người dưới 18 tuổi là vô cùng quan trọng để một mặt tạo ra sự tin cậy, cảm giác an toàn và gần gũi, cởi mở cho người làm chứng đưa ra lời khai đồng thời có khả năng đánh giá được người làm chứng là người dưới 18 tuổi có đang hợp tác, khai báo trung thực không, đánh giá được khả năng tiếp tục hay cần dừng/tạm dừng buổi làm việc…

2.2.3. Sự tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức

Như trên đã phân tích, việc tham gia của người đại diện, trường học, tổ chức cùng với người làm chứng là người dưới 18 tuổi là cần thiết để đảm bảo khi tiếp xúc với các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng người làm chứng là người dưới 18 tuổi được ổn định về tâm sinh lý và đưa ra lời khai trung thực đầy đủ. Theo đó,

Về chủ thể tham gia: Những chủ thể sau cần phải có mặt và tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng: i) người đại diện của người làm chứng là người dưới 18 tuổi (theo chế định người đại diện quy định tại Điều 136 BLDS năm 2015); ii) đại diện của nhà trường (có thể là thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường); iii) Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh iv) đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt (Điều 9 Thông tư liên tịch số 06/2018).

Về thủ tục tham gia: i) sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì những người trên phải có văn bản trả lời cho cơ quan, người ra thông báo về họ tên, thông tin, địa chỉ liên lạc của người được cử để tham gia tố tụng; trường hợp cần thiết có thể báo tin trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi bằng văn bản. ii) Người được thông báo phải có mặt đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo. Trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng hoặc do trở ngại khách quan thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể hoãn việc thực hiện hoạt động tố tụng hoặc yêu cầu đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác cử ngay người khác tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi.[10]


[10] Điều 9, Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH


Cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo đảm việc tham gia tố tụng theo quy định của BLTTS năm 2015 của người đại diện, người giám hộ, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tạo điều kiện để người làm chứng là người dưới 18 tuổi nhận được sự trợ giúp chuyên môn về mặt y tế, sức khỏe, pháp lý, tâm lý phù hợp khi họ cần; bảo vệ bí mật thông tin cá nhân (khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 24 Thông tư số 43/2021/TT-BCA).

Về phạm vi tham gia: Tại các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử người đại diện của người làm chứng là người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật chứng minh tội phạm, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc tham gia làm chứng của mình và người làm chứng do họ đại diện theo Điều 66 BLTTHS năm 2015.

2.2.4. Bảo vệ an toàn của người làm chứng là người dưới 18 tuổi

Việc bảo vệ người làm chứng là người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại Điều 486 BLTTHS năm 2015. Theo đó, khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người làm chứng là người dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ :i) Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; ii) Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ; iii) Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; iv) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý; v) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tùy tình hình thực tế, Cơ quan điều tra có thể áp dụng thêm các biện pháp sau đây để bảo vệ người làm chứng là người dưới 18 tuổi[11]:

i) Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông không đăng tải, gỡ các bài báo, thông tin liên quan đến vụ việc, vụ án, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bị hại là người dưới 18 tuổi; ii) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm bị hại là người dưới 18 tuổi bị phát tán trên mạng Internet hoặc các mạng xã hội; iii) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền đối với người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin nhân thân của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ việc, vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi.


[11] Điều 23, khoản 2 Điều 24 Thông tư số 43/2021/TT-BCA


3. Vấn đề đặt ra

3.1. Mở rộng đối tượng áp dụng phiên tòa thân thiện đối với vụ án hình sự có người làm chứng là người dưới 18 tuổi tham gia

Cùng hướng đến bảo vệ quyền con người của người dưới 18 tuổi tham gia tư pháp hình sự nhưng với mỗi lĩnh vực pháp luật khác nhau thì bảo vệ ở các khía cạnh khác nhau. Theo đó, pháp luật tố tụng hình sự hướng đến bảo vệ quyền con người của nhóm đối tượng này bằng việc xây dựng và áp dụng tư pháp thân thiện trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia với mô hình phòng điều tra thân thiện, phòng xử án thân thiện, đặc biệt xây dựng thiết chế tòa gia đình và người chưa thành niên.

Theo Điều 413 BLTTHS quy định thì thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng chung. Tuy nhiên, thủ tục áp dụng chung này mới được áp dụng thống nhất cho hoạt động điều tra với các quy định về điều tra thân thiện trong trường hợp vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia với tư cách là bị hại, là người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, người chứng kiến, người bị buộc tội đã được quy định tại Thông tư 43/2021/TT-BCA (xem khoản 2 Điều 24) còn trường hợp xét xử thì chưa được quy định thống nhất. Cụ thể: với tư cách là người làm chứng, người làm chứng dưới 18 tuổi vẫn được triệu tập để làm sáng tỏ vụ án tại phiên tòa có thể là có hoặc không có bị hại hoặc bị cáo là người dưới 18 tuổi. Nhưng hiện nay Thông tư 02/2018/TT-TANDTC mới chỉ quy định trường hợp áp dụng thủ tục phiên tòa thân thiện trong trường hợp vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên (Điều 1 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC). Như vậy, với phạm vi này thì trường hợp vụ án không có bị hại hoặc bị cáo là người dưới 18 tuổi tham gia thì cho dù có người làm chứng là người dưới 18 tuổi tham gia thì cũng không được xét xử tại phòng xử án thân thiện. Điều này thứ nhất chưa thống nhất với Điều 413 BLTTHS nêu trên, thứ hai sẽ xảy ra thực trạng buộc người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải đối mặt trực tiếp với bị cáo, người bào chữa, bị hại…tại phiên tòa và không khí trực tiếp tại phiên tòa cùng không gian với những người tham gia tố tụng khác mà không có phòng cách ly như trường hợp bị hại tham gia theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC. Với trường hợp như vậy sẽ không đảm bảo được sự an toàn, ổn định tâm lý cho người làm chứng là người dưới 18 tuổi khi tham gia phiên tòa. Do đó, cần bổ sung trường hợp áp dụng phòng xử án thân thiện đối với vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi là người làm chứng tham gia để đảm bảo tính thống nhất trong quy định và áp dụng pháp luật.

3.2. Bổ sung quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi

Theo quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 mới chỉ quy định về cách xác định tuổi của người bị buộc tội và bị hại là người dưới 18 tuổi trong khi quy định về thủ tục tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với cả ba đối tượng là người bị buộc tội, bị hại và người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Do đó, để có căn cứ áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người làm chứng là người dưới 18 tuổi cần bổ sung quy định về xác định tuổi của người tham gia tố tụng này trong Điều 417 nêu trên. Theo đó, tên và khoản 1 Điều 417 được sửa đổi thành:

“Điều 417 – Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi

1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật”

Tóm lại, bảo đảm quyền con người của người làm chứng là người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng hình sự đã lần đầu tiên được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, việc tham gia tố tụng của nhóm người dưới 18 tuổi nói chung và người làm chứng là người dưới 18 tuổi nói riêng trong vụ án hình sự – “lĩnh vực mà quyền con người có nguy cơ bị vi phạm nhiều nhất thì việc quy định quyền tố tụng đi đôi với nghĩa vụ tố tụng của người tham gia tố tụng và trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm cho công dân thực hiện các quyền tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng”[12]. Do đó, cần hoàn thiện bổ sung một số quy định về phạm vi áp dụng phiên tòa xét xử thân thiện, mở rộng mô hình phòng điều tra thân thiện, tòa gia đình và người chưa thành niên để quyền con người của người dưới 18 tuổi nói chung khi tham gia tư pháp hình sự được bảo đảm tuyệt đối.


[12] Trần Văn Độ (2010), Bảo đảm quyền con người trong tư pháp hình sự, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.99


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *