Pháp luật quy định cấp dưỡng là một trong những nghĩa vụ quan trọng của cha, mẹ đối với con cái. Do đó, việc trốn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn của cha, mẹ có thể dẫn đến các hình thức xử phạt khác nhau.
Nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con cái được quy định tại Điều 82, Điều 107, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
– Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
– Trường hợp cha, mẹ ly hôn mà không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
– Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật
Theo đó, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con có thể bị xử lý như sau:
Xử lí hành chính
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn.
(Theo Điều 54 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013).
Truy cứu trách nhiệm hình sự
+ Trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
+ Trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án mà người cấp dưỡng không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(Theo Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, Điều 186, Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015).
(Theo Thư viện pháp luật)