TS. VŨ THỊ PHƯỢNG
Khoa Luật – Đại học Công đoàn
Tóm tắt: Quyền an toàn tình dục của trẻ em là một quyền con người quan trọng cần được bảo vệ. Các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã chỉ rõ cần nghiêm cấm, hình sự hóa tất cả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định mang tính kế thừa Bộ luật Hình sự năm 1999 và bổ sung các hành vi xâm hại tình dục trẻ em thể hiện tính tương thích với pháp luật quốc tế, đồng thời cụ thể hóa chính sách hình sự nói riêng và chính sách bảo vệ trẻ em nói chung của Việt Nam trong việc nỗ lực xây dựng môi trường sống, phát triển lành mạnh, an toàn đối với trẻ em.
Từ khóa: trẻ em, bảo vệ trẻ em, quyền an toàn tình dục của trẻ em
Abstract: The sexual safety of children is an important human right that needs to be protected. The international legal standards provide indications that all acts of child sexual abuses shall be strictly prohibited and criminalized. In Vietnam, the Penal Code of 2015 retains the inheritance provisions of the Penal Code of 1999 and is added with the child sexual abuse practices that demonstrate its consistence with the international laws, and concurrently the legal regulations are detailed for the criminal policy in particular and for the plocy on childern protection in general in the effort to build a healthy and safe living environment for children.
Keywords: Children; children protection; right of sexual safety for children
1. Chuẩn mực quốc tế của bảo vệ quyền an toàn tình dục của trẻ em
Vấn đề bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại tình dục được pháp luật quốc tế rất quan tâm và có nhiều quy định trực tiếp thể hiện quan điểm bảo vệ tối đa trẻ em bị xâm hại tình dục. Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người năm 1948 khẳng định: “không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”[1]. Điều 17 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966[2] quy định: “không ai bị can thiệp một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư … hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”. Hành vi bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của các em.
Điều 34 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em[3] (CRC) đã nhấn mạnh: “Các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em chống lại tất cả các hình thức bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục”. Điều 34 CRC cũng đã chỉ ra các hình thức bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em mà các quốc gia phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để ngăn ngừa bao gồm:
“Việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào.
Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong mại dâm hay các hành vi tình dục trái pháp luật khác.
Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các buổi biểu diễn hay tài liệu khiêu dâm”.
Để thực hiện tốt hơn những mục đích và các quyền trẻ em được ghi nhận trong CRC, Liên hiệp quốc tiếp tục ban hành Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho CRC về Buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000[4]. Nghị định thư đã nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia thành viên trước những hoạt động về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em “phải được đề cập đầy đủ trong pháp luật hình sự dù cho các tội phạm này tiến hành trong nước hay ở nước ngoài, do cá nhân hay trên cơ sở có tổ chức” (Điều 3). Ngoài ra, các quốc gia có thể xác lập quyền tài phán đối với các tội phạm này xảy ra trên tàu bay, máy bay được đăng ký ở quốc gia này hoặc khi “người bị cho là phạm tội là công dân của quốc gia đó hay là người thường trú trên lãnh thổ của quốc gia đó hoặc khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó” (Điều 4). Đồng thời Nghị định thư cũng nhấn mạnh: “những tội phạm này phải được đưa vào danh sách các tội phạm có thể bị dẫn độ trong bất kỳ một hiệp ước dẫn độ nào giữa các quốc gia thành viên…” (Điều 5). Cùng quan điểm này, Công ước về Trấn áp việc buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949 của Liên hiệp quốc[5] cũng nhấn mạnh: “Các quốc gia thành viên Công ước này nhất trí trừng phạt bất cứ người nào, để làm thoả mãn dục vọng của người khác, mà: 1. Môi giới, dụ dỗ hoặc dẫn dắt một người khác nhằm mục đích mại dâm, thậm chí với sự đồng ý của người đó; 2. Bóc lột mại dâm người khác, thậm chí với sự đồng ý của người đó” (Điều 1). Đồng thời, Công ước cũng khẳng định: “các thành viên của Công ước này cũng nhất trí sẽ trừng phạt bất cứ người nào: 1.Tổ chức hay quản lý, cố ý tài trợ hoặc tham gia vào việc tài trợ cho một nhà chứa mại dâm; 2. Cố ý cho thuê hoặc đi thuê một ngôi nhà hoặc một địa điểm khác hoặc bất kỳ một phần địa điểm như vậy để sử dụng vào mục đích mại dâm” (Điều 2).
Phân tích nội dung các quy định trên cho thấy, mục đích thống nhất của các văn bản pháp lý quốc tế về quyền trẻ em nhằm bảo vệ quyền an toàn về thân thể của trẻ em, đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hóa các hành vi xâm hại cụ thể với chính sách mang tính trừng phạt các hành vi đó.
2. Sự tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong bảo vệ quyền an toàn tình dục của trẻ em
Việt Nam đã tham gia rất nhiều công ước và văn bản pháp lý quốc tế khác nhau nhằm bảo vệ trẻ em một cách toàn diện và tối đa, trong đó có bảo vệ quyền an toàn tình dục của trẻ em. Bảo vệ quyền an toàn tình dục của trẻ em là việc bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại tình dục. “Xâm hại tình dục trẻ em được xác định là hành vi cưỡng ép hoặc khuyến khích trẻ em hoặc người chưa thành niên tham gia các hoạt động tình dục. Các hành vi cưỡng ép không nhất thiết là hành vi bạo lực và hành vi phạm tội được xác định bất kể trẻ em nhận thức được các hoạt động đó là hoạt động tình dục hay không”[6]. Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã trực tiếp xâm hại quyền con người quan trọng của trẻ em đó là quyền được bảo vệ bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm và sự phát triển bình thường của trẻ. Khi đề cập đến quyền này, chúng tôi cho rằng, quyền này không bao gồm sự “tự do” về tình dục của trẻ em mà phạm vi chỉ là sự “an toàn” về tình dục bởi các em chưa đủ nhận thức để có thể hiểu về hành vi này, nên sự “tự do” biểu đạt ý chí của các em trong các quan hệ tình dục là không đúng đắn, cần có sự định hướng và phải được ngăn chặn. Hơn nữa, sự “tự do” đó có thể đến từ những sự non nớt trong nhận thức, sự lừa gạt, dụ dỗ của người phạm tội khiến cho sự đồng thuận của các em bị lệch lạc và hậu quả sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống lâu dài của các em. Theo quy định của Bộ luật Hình sự(BLHS), ở các mức độ xâm hại khác nhau, các hành vi xâm phạm quyền an toàn tình dục của trẻ em đều có thể bị xử lý theo các tội khác nhau, cho dù có hay không có sự thuận tình của các em đã cho thấy, đây là một quyền được pháp luật hình sự bảo vệ tuyệt đối.
Trước những sự biến đổi xã hội, hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất nguy hiểm và xuất hiện thêm nhiều dạng hành vi tình dục mới, BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi bảo vệ quyền an toàn tình dục của trẻ em thông qua việc tội phạm hóa thêm một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em so với BLHS năm 1999. Khái niệm hành vi “giao cấu” trong BLHS năm 1999 đã bị bó hẹp trong cách hiểu của Hướng dẫn số 392/HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao được các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng trong suốt thời gian dài mới chỉ bảo vệ được trẻ em gái trước những hành vi xâm hại tình dục quy định trong Hướng dẫn này, còn số lượng lớn các trẻ em trai bị xâm hại tình dục và số lượng lớn trẻ em bị xâm hại bởi đối tượng phạm tội là người đồng tính thì chưa có căn cứ để xử lý đúng với bản chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm này gia tăng. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng du lịch tình dục ngày càng phát triển bởi khả năng dễ tiếp cận với trẻ em và bởi việc duy trì được tình trạng ẩn danh của chủ thể phạm tội nên hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em đường phố bị bỏ mặc, bỏ rơi bởi người nước ngoài ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn. Chính vì thế, lần đầu tiên BLHS năm 2015 đã tội phạm hóa dấu hiệu “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, thể hiện trong quy định ở các tội liên quan đến xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn bổ sung hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).
Đối với các tội xâm phạm quyền an toàn tình dục trẻ em, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể về cấu thành tội phạm, xác định rõ các trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” “hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật, cụ thể:
– Hành vi hiếp dâm trẻ em
Đây là hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng nhất. BLHS năm 2015 kế thừa BLHS năm 1999 trong việc xây dựng cấu thành tội hiếp dâm trẻ em trên cơ sở độ tuổi của nạn nhân, theo đó độ tuổi nạn nhân càng nhỏ thì mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại tình dục các em càng lớn. Điều 142 BLHS năm 2015 – Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, quy định độ tuổi của nạn nhân càng nhỏ thì dấu hiệu hành vi thuộc mặt khách quan được nhà làm luật quy định được thu hẹp cũng đủ để cấu thành tội phạm này: với nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu bị dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được (như bị tâm thần, bị tật nguyền…) hoặc thủ đoạn khác để thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì bị xử lý theo khoản 1 tội phạm này; với nạn nhân dưới 13 tuổi thì trong mọi trường hợp chỉ cần có mặt khách quan thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác dù có hay không có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực thì người thực hiện hành vi đều bị xử lý theo Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Ngoài ra, nếu một người thực hiện hành vi mua dâm người dưới 13 tuổi cũng có thể bị xử lý về tội này và người làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt người khác mua dâm người dưới 13 tuổi, làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt người dưới 13 tuổi bán dâm cũng bị xử lý về tội này với vai trò đồng phạm. So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 có sự thay đổi khi xác định hành vi hiếp dâm trẻ em từ đủ 10 tuổi đến dưới 13 tuổi và hành vi hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trong cùng một khung hình phạt với mức cao nhất là 15 năm tù, còn hành vi hiếp dâm mà nạn nhân là trẻ em dưới 10 tuổi thì bị xử lý theo khung hình phạt tăng nặng nhất của điều luật là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
– Hành vi cưỡng dâm trẻ em
Hành vi dùng mọi thủ đoạn như dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa… để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi đang bị lệ thuộc hoặc đang cần sự giúp đỡ của mình sẽ bị xử lý về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 BLHS năm 2015). Có thể thấy, trẻ em vốn là đối tượng chưa thể có được sự tự lập trong cuộc sống nên chịu sự lệ thuộc từ vật chất (nuôi dưỡng, chăm sóc, trợ giúp các điều kiện sinh sống…) đến tín ngưỡng, gia đình và xã hội (học hành, chữa bệnh…) nhưng người trợ giúp các em đã lợi dụng sự lệ thuộc này để khống chế đưa các em vào tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi trái đạo đức xã hội, trái truyền thống văn hóa và quan trọng nhất đã thực sự nguy hại đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của các em. Khi xã hội càng phát triển thì các mối quan hệ xã hội ngày càng được mở rộng và trẻ em trở thành chủ thể trong các mối quan hệ xã hội đó cũng ngày càng dễ dàng hơn, tuy nhiên cũng vì thế mà nguy cơ các em bị lệ thuộc vào một mối quan hệ xã hội nào đó ngày càng cao hơn đồng nghĩa với việc nguy cơ bị cưỡng dâm cũng trở nên khó kiểm soát hơn. Do đó, việc tội phạm hóa các hành vi này đã tạo cơ sở pháp lý để xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời tạo ra một công cụ sắc bén để bảo vệ các em dưới hình thức phòng ngừa tội phạm.
– Hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trong trường hợp không được sự đồng thuận của nạn nhân thì có thể bị xử lý theo hai tội danh nêu trên (Điều 142, Điều 144) cho thấy quan điểm của Nhà nước trong việc nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền an toàn tình dục, thân thể của trẻ em một cách bất hợp pháp khi không có sự đồng thuận của trẻ. Tuy nhiên, ngay cả khi có được sự đồng thuận của nạn nhân thì người thực hiện các hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) nếu việc thực hiện hành vi không có mục đích lợi nhuận, còn trong trường hợp có mục đích lợi nhuận thì người trực tiếp thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác đó sẽ bị xử lý theo tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329) với tình tiết định khung tăng nặng là “mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và khung hình phạt cao nhất có thể bị áp dụng cho một lần mua dâm trẻ em trong độ tuổi này là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù (khoản 2 Điều 329), hình phạt áp dụng cho 02 lần trở lên là từ 07 năm đến 15 năm tù (khoản 3 Điều 329). Cũng trong trường hợp này, người có hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt người khác mua dâm trẻ em trong độ tuổi nêu trên sẽ bị xử lý về tội môi giới mại dâm (Điều 328) với tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo điểm a khoản 3 Điều 328 với hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; người có hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm trẻ em trong độ tuổi trên sẽ bị xử lý theo khung tăng tặng trách nhiệm hình sự của tội chứa mại dâm (khoản 3, khoản 4 Điều 327) với tình tiết định khung là “phạm tội đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và khung hình phạt đối với việc chứa mại dâm đối với một trẻ em ở lứa tuổi trên là từ 10 năm đến 15 năm tù, với việc chứa mại dâm đối với từ hai trẻ em ở độ tuổi trên hình phạt là tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bên cạnh việc bảo vệ thân thể trẻ em trước sự xâm phạm dưới dạng hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác như nêu trên, pháp luật hình sự còn nghiêm cấm các hành vi xâm hại tình dục trẻ em không có mục đích giao cấu thông qua việc tội phạm hóa hành vi dâm ô với trẻ em và hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm (Điều 146, Điều 147). Theo đó, với hai tội danh này, người thực hiện hành vi đều phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và đều là cấu thành hình thức bởi hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc cho việc định tội mà chỉ cần thực hiện hành vi là tội phạm coi như đã hoàn thành. Trường hợp có hành vi kích dục đối với trẻ em hoặc hành vi buộc trẻ em phải kích dục cho mình[7] nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì bị xử lý theo tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146); trong trường hợp lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em trình diễn bộ phận nhạy cảm trên cơ thể hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn bộ phận nhạy cảm trên cơ thể nơi đông người nhằm mục đích kích thích sự ham muốn về thể xác cho người khác hoặc cho chính các em thì sẽ bị xử lý theo tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Các hình thức khiêu dâm bao gồm[8]: khiêu dâm bằng động tác như người thực hiện hành vi khiêu dâm sẽ ăn mặc hở hang, gợi cảm, hoặc làm nhiều động tác kích thích như tự xoa khắp thân thể mình, cởi bỏ hay hé mở quần áo ở những vùng kín đáo. Mạnh hơn, người khiêu dâm có thể kích thích đối tượng mình muốn đạt mục đích bằng cách va chạm nhẹ hay mạnh vào thân thể của họ; khiêu dâm bằng hình ảnh là việc sử dụng những bức ảnh chụp trong tư thế hở toàn bộ hoặc hở một phần kín đáo nhạy cảm; khiêu dâm bằng lời nói là hình thức quyến rũ đối tượng bằng những ngôn từ liên quan đến tình dục ở nhiều mức độ nặng hoặc nhẹ khiến đối phương mất tự chủ. Như vậy, nếu đối tượng của các hình thức khiêu dâm kể trên là trẻ em thì người sử dụng trẻ em vào các hoạt động này sẽ bị xử lý về tội danh theo Điều 147. Ngoài ra, nếu các buổi trình diễn khiêu dâm này vì mục đích thương mại thì sẽ là tình tiết định khung tăng nặng với mức hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Việc tội phạm hóa hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm tại Điều 147 BLHS năm 2015 đáp ứng yêu cầu đặt của Điều 34 CRC và phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam[9]. Do đó, việc nghiêm cấm hành vi này là cần thiết và thiết thực trong bảo vệ quyền con người của trẻ em nói chung và quyền an toàn về tình dục của trẻ em nói riêng. Bên cạnh đó, trong trường hợp do hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em phạm pháp đó mà dẫn đến tình trạng các em có lối sống sa đọa “buông thả, sa vào các tệ nạn như hút chích ma túy, mại dâm…” thì người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp theo điểm c khoản 2 Điều 325 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng phạm tội “đối với người dưới 13 tuổi” và bị phạt tù đến 07 năm.
Ngoài ra, hành vi truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy cho trẻ em dưới các hình thức như làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy dưới dạng in, vẽ, chụp ảnh, vẽ lại hoặc ghi hình… được hoặc không được số hóa cũng bị xử lý với tình tiết định khung tăng nặng “phổ biến cho người dưới 18 tuổi” theo điểm e khoản 2 Điều 326 BLHS với mức hình phạt đến 10 năm tù. Quy định này cho thấy việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em như thế nào bởi hành vi này có thể kéo theo các hành vi mất an toàn tình dục khác của các em như các em có thể sẽ chủ động phạm tội về tình dục hoặc có thể sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của những hành vi xâm hại tình dục khác bởi chính yếu tố tò mò, thích khám phá của các em. Do đó, đây là tội phạm xâm phạm một cách gián tiếp đến quyền an toàn về tình dục của trẻ em.
Có thể nói, các hành vi dâm ô với trẻ em hoặc sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm hay như hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đến trẻ em tuy không xâm phạm đến thân thể trẻ em theo tính chất như các hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, nhưng nó ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, tâm sinh lý cũng như sự phát triển bình thường, lành mạnh của các em. Do đó, việc hình sự hóa các hành vi này đã cho thấy Nhà nước ta đang hướng đến xây dựng một cuộc sống lành mạnh cho trẻ em trong đó quyền an toàn về tình dục được bảo vệ, phòng ngừa một cách tối đa.
Tóm lại, quyền an toàn tình dục của trẻ em là một quyền con người quan trọng cần được bảo vệ. Các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã chỉ rõ cần nghiêm cấm, hình sự hóa tất cả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em và trong lần sửa đổi BLHS năm 2015, Việt Nam đã có những quy định mang tính kế thừa và bổ sung các hành vi xâm hại tình dục trẻ em và với hình phạt nghiêm khắc cho thấy tất cả các tội phạm đó đều được ghi nhận là loại tội phạm nghiêm trọng đến tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều này thể hiện chính sách hình sự nói riêng và chính sách bảo vệ trẻ em nói chung của Việt Nam trong việc nỗ lực xây dựng môi trường sống, phát triển lành mạnh, an toàn đối với trẻ em./.
[1]Xem: “Tuyên ngôn quốc tế 1948 về Nhân quyền”, Gudmundur Alfredsson & Asbjorn Eide chủ biên, Nxb Lao động – Xã hội, 2011, tr.14.
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx, truy cập ngày 21/3/2018.
[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-cua-Lien-hop-quoc-ve-quyen-tre-em-233659.aspx, truy cập ngày 21/3/2018.
[4]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nghi-dinh-thu-khong-bat-buoc-bo-sung-Cong-uoc-quyen-tre-em-ve-buon-ban-mai-dam-tre-em-2000-276359.aspx, truy cập ngày 21/3/2018.
[5]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Cong-uoc-ve-tran-ap-buon-ban-nguoi-va-boc-lot-mai-dam-nguoi-khac-1949-269863.aspx, truy cập ngày 21/3/2018.
[6]Crosson-tower (2005), Understanding child abuse and neglect 6/e.
[7]Xem Nguyễn Ngọc Điệp (chủ biên) (2017), Bình luận khoa học BLHS, Nxb. Thế giới, H., tr.68
[8]xem https://luattoanquoc.com/dung-nguoi-duoi-16-tuoi-vao-muc-dich-khieu-dam-co-pham-toi
[9] Hiện nay, ngày càng nhiều du khách nước ngoài và người Việt Nam có nhu cầu cung cấp các dịch vụ về tình dục, đặc biệt là từ trẻ em, khiến một số lượng lớn trẻ em (nhất là đối tượng trẻ em lang thang) bị dụ dỗ, mua chuộc bằng các lợi ích vật chất nhỏ rồi sa ngã vào con đường này, thậm chí các em coi đó là một “nghề” để kiếm sống, từ đó kéo theo rất nhiều hệ lụy khác, đưa trẻ đến lối sống sa đọa, trụy lạc.
(Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15(367), tháng 8/2018)./.