Tính tuỳ nghi, tính lựa chọn và tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt


PGS.TS TRẦN VĂN ĐỘ – Do những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, pháp luật hình sự quy định cho phép Toà án có quyền tuỳ nghi, lựa chọn và sáng tạo trong việc quyết định áp dụng một hình phạt cụ thể đối với người bị kết tội trong phạm vi và giới hạn luật định. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện những quy định này còn có những vướng mắc, do đó, BLHS cần hoàn thiện và khắc phục những quy định bất hợp lý.  

Đặt vấn đề

Áp dụng hình phạt là giai đoạn quan trọng trong áp dụng pháp luật hình sự do Toà án thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng luật dịnh. Trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, sau khi thực hiện việc định tội (định tội danh, định khung hình phạt), Toà án xác định các tình tiết của vụ án có ý nghĩa làm căn cứ quyết định hình phạt, trên cơ sở chế tài về tội phạm đó, Toà án lựa chọn biện pháp trách nhiệm hình sự, loại và mức hình phạt để áp dụng đối với người bị kết tội.

Do những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, pháp luật hình sự quy định cho phép Toà án có quyền tuỳ nghi, lựa chọn và sáng tạo trong việc quyết định áp dụng một hình phạt cụ thể đối với người bị kết tội trong phạm vi và giới hạn luật định.

Vì vậy, việc nghiên cứu cơ sở lý luận, pháp luật và thực tiễn của tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt là rất quan trọng trong việc bảo đảm áp dụng đúng hình phạt trong hoạt động xét xử của Toà án.

Quan niệm về tính tuỳ nghi, lựa chọn và sáng tạo trong áp dụng hình phạt

Tính tuỳ nghi trong áp dụng hình phạt

Toà án quyết định hình phạt trên cơ sở tính chất và nức độ nguy hiểm của tội phạm, nhân thân người bị kết tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tổng hợp các tình tiết đó tạo nên mức độ cảm nhận công lý của người áp dụng.

Tội phạm và người phạm tội cực kỳ phong phú, đa dạng. Cho nên từ góc độ quy định của pháp luật cũng như góc độ áp dụng hình phạt, một khoảng tuỳ nghi nhất định là cần thiết để việc áp dụng đạt được mục đích của hình phạt.

Tùy nghi có nghĩa là Toà án có thể áp dụng hoặc không áp dụng một biện pháp trách nhiệm hình sự, một loại hình phạt; có thể áp dụng một mức hình phạt cụ thể trong chế tài tuỳ nghi luật định. Thuật ngữ “có thể” trong các quy định về chế tài là cơ sở pháp lý để Toà án có thể tuỳ nghi áp dụng chế tài quy định.

Tính lựa chọn trong áp dụng hình phạt

Cùng với tình tuỳ nghi, tính lựa chọn cũng là một đặc tính quan trọng trong áp dụng hình phạt. Trên cơ sở các tình tiết của vụ án, tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, các tình tiết nhân thân người phạm tội… người làm luật quy định chế tài đối với tội phạm tạo điều kiện cho người áp dụng lựa chọm một biện pháp trách nhiệm hình sự, một loại hình phạt, một biện pháp chấp hành hình phạt phù hợp… để áp dụng đối với người bị kết tội, đảm bảo đạt được mục đích hình phạt đặt ra.

Tính lựa cọn trong áp dụng hình phạt có thể được thực hiện:

– Giữa áp dụng trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự;

– Giữa áp dụng hình phạt và biện pháp tư pháp hình sự;

– Giữa các hình phạt khác nhau trong chế tài lựa chọn hoặc áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS…

Tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt

Tội phạm là một hiện tượng xã hội, chỉ có thể phát sinh trong những điều kiện xã hội nhất định. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế, hậu quả pháp lý người phạm tội phải gánh chịu không thể tách rời các yếu tố xã hội. Tính tuỳ ghi, tính lựa chọn của áp dụng hình phạt không thể được thực hiện đúng đắn nếu tách rời bối cảnh xã hội nơi và khi tội phạm được thực hiện.

Áp dụng hình phạt cà cá biệt hoá chế tài của tội phạm vào trường hợp phạm tội cụ thể, người bị kết tội cụ thể trong bối cảnh xã hội cụ thể. Chỉ số nhận thức quy định của pháp luật, chỉ số cảm nhận của người áp dụng hình phạt các yếu tố xã hội  chính là cảm nhận công lý của người áp dụng, dẫn đến chỉ số công lý đạt được trong xét xử của Toà án nói chung, trong áp dụng hình phạt nói riêng. Thẩm phán không thể là người máy hoạt động trên cơ sở các phần mềm định sẵn.

Cơ sở của tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt

Cơ sở lý luận

Trước hết, tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt là xuất phát từ nguyên tắc quan trọng của Luật hình sự là nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, cá thể hoá hình phạt. Tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt chính là nội dung thể hiện trong pháp luật, là biện pháp bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc quan trọng này của Luật hình sự.

Tuỳ nghi, lựa chọn và sáng tạo trong áp dụng hình phạt là biện pháp phản ứng đúng đắn, hợp lý, kịp thời của Toà án đối với tác động của các biến đổi xã hội lên hoạt động áp dụng hình phạt, bảo đảm cho hình phạt được áp dụng đúng đắn, hợp lý, bảo vệ được công lý, quyền con người, nhất là quyền của người bị kết tội. Ở mọt mức độ nhất định, các yếu tố xã hội đã được thể hiện trong hoạt động lập pháp hình sự ở một mức độ nhất định; nhưng sự phân hoá đó không thể là triệt để trong bối cảnh thay đổi liên tục, cụ thể của các yếu tố xã hội. Ví dụ: cũng trộm cắp một lượng tài sản nhất định, nhưng tuỳ theo điều kiện kinh tế của từng bị hại; hoàn cảnh, động cơ phạm tội của người bị kết tội khác nhau… mà hình phạt được áp dụng cũng phải rất khác nhau. Quy định của pháp luật về chế tài tuỳ nghi, lựa chọn tạo điều kiện “hợp pháp” cho Thẩm phán sáng tạo trong áp dụng hình phạt nhằm đạt được mục đích, bảo vệ được công lý, quyền con người…

Cảm nhận công lý của xã hội, của chủ thể áp dụng hình phạt được hình thành trên cơ sở nhận thức pháp luật, nhận thức xã hội, tính cần thiết, hợp lý, hậu quả xã hội của việc áp dụng hình phạt mang đến cho cộng đồng, cho cá nhân. “Lương tâm người thẩm phán”, “Lương tri cách mạng” của Thẩm phán ngày xưa hay “Cảm nhận công lý” của Thẩm phán, Hội thẩm ngày nay là điều kiện cực ký quan trọng để áp dụng hình phạt. Tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo chính là điều kiện để cảm nhận công lý được thực hiện triệt để trong áp dụng hình phạt.

Cơ sở thực tiễn

Từ góc độ thực tiễn, tính đa dạng, phong phú của tội phạm đòi hỏi tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt của Toà án. Trong BLHS, tội giết người chỉ có một; nhưng trong thực tiễn, hàng năm hàng ngàn vụ giết người với điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, tình tiết vụ án có ý nghĩa pháp lý khác nhau, với những người bị kết tội có đặc điểm nhân thân khác nhau, với các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự khác nhau… dẫn đến phán quyết về vụ án cũng khác nhau. Tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo cho phép Thẩm phán và Hội thẩm có lựa chọn khác nhau trong áp dụng hình phạt đối với từng vụ án cụ thể.

Đồng thời sự phong phú của từng tội phạm, nhân thân người bị kết tội, tình hình tội phạm diễn ra trong từng thời kỳ cũng đặt ra đường lối xử lý cụ thể trong điều tra, truy tố, xét xử từng loại tội phạm, từng loại người phạm tội. Tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt là điều kiện, là thể hiện cụ thể của đường lối xử lý được đặt ra đó.

Cơ sở pháp lý

Tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt cũng được hình thành trên cơ sở của quy định pháp luật. Theo Điều 50 BLHS, quy định của pháp luật hình sự là căn cứ quan trọng đầu tiên của quyết định hình phạt. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng đòi hỏi việc quyết định hình phạt trong xét xử của Toà án phải tuân thủ các quy định của pháp luật hình sự.

Tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt xuất phát từ các quy định pháp luật sau đây:

Một là, xuất phát từ chế tài lựa chọn trong quy định của BLHS. Trong BLHS, đa số chế tài các quy phạm quy định về tội phạm ở dạng lựa chọn. Ở phạm vi chung nhất, người áp dụng pháp luật có thể lựa chọn giữa miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29, Điều 91 BLHS), miễn hình phạt (Điều 59 BLHS, Điều 91 BLHS) với áp dụng trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt. Đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là sự lựa chọn giữa hình phạt tù có thời hạn với tù chung thân, với hình phạt tử hình. Đối với tội phạm nghiêm trọng, có thể lựa chọn giữ hình phạt tù với phạt tiền, Cải tạo không giam giữ. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể lựa chọn giữa hình phạt tù có thời hạn, Cải tạo không giam giữ, Phạt tiền, Cảnh cáo…

Hai là, tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt xuất phát từ chế tài tuỳ nghi ủa BLHS. Trong BLHS, nhiều chế định của BLHS được quy định ở dạng tuỳ nghi áp dụng. Quy định về miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2, 3  Điều 29 BLHS), quy định về miễn hình phạt (Điều 59 BLHS), quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (Điều 54 BLHS)…

Trong chế tài các quy phạm, tình tuỳ nghi cũng khá phổ biến. Với vai trò hỗ trợ cho hình phạt chính trong giáo dục, phòng ngừa, các hình phạt bổ sung chủ yếu được quy định ở dạng “có thể”. Các chế tài về phạt tù có thời hạn, Cải tạo không giam giữ, phạt tiền… đều được quy định ở dạng tuỳ nghi với giới hạn tối thiểu, tối đa để Toà án tuỳ nghi quyết định trong phạm vi tuỳ nghi đó…

Ba là, quy định của pháp luật về nguyên tắc Độc lập xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm là một bảo đảm quan trọng để Thẩm phán, Hội thẩm có thể lựa chọn, tuỳ nghi và thể hiện sự sáng tạo của mình trong áp dụng hình phạt. Thẩm phán, Hội thẩm quyết định hình phạt độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trên cơ sở quy định của pháp luật, cảm nhận công lý của bản thân, các yếu tố xã hội… Thẩm phán, Hội thẩm hoàn toàn tuỳ nghi lựa chọn hình phạt để áp dụng đối với người bị buộc tội đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, các nguyên tắc áp dụng hình phạt nhằm bảo vệ Công lý, quyền con người, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bất cập, vướng mắc và một số kiến nghị

Những bất cập, vướng mắc liên quan đến tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt

BLHS 2015 đã khá thành công trong việc tạo cơ sở pháp lý mềm dẻo, thuận lợi cho việc áp dụng hình phạt đảm bảo tính nhân đạo, công bằng, nghiêm minh. Việc người làm luật phân biệt trường hợp miễn trách nhiệm hình sự bắt buộc (khoản 1 Điều 29) với các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tuỳ nghi (khoản 2,3 Điều 29); sửa đổi, bổ sung Điều 54; bổ sung tình tiết giảm nhẹ bắt buộc (khoản 1 Điều 51); tăng số lượng chế tài có chế tài lựa chọn không có phạt tù… là cơ sở quan trọng để Toà án thực hiện tốt sự tuỳ nghi, lựa chọn, sáng tạo trong áp dụng hình phạt.

Tuy nhiên, cũng có những quy định trong BLHS còn tỏ ra bất cập; một số trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật thiếu chính xác… làm cho tinh thần tuỳ nghi, lựa chọn, sáng tạo trong áp dụng hình phạt bị hạn chế. Cụ thể một số vấn đề sau:

– Quy định tại khoản 3 Điều 54 đã dẫn đến hạn chế chuyển sang loại hình phạt khác trong nhiều trường hợp cần được chuyển (ví dụ: tội làm nhục người khác theo khoản 2 Điều 155 BLHS, tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật theo khoản 2 Điều 336…);

– Theo quy định của Điều 65 BLHS thì án treo là chế định bắt buộc áp dụng nếu có đủ điều kiện luật định. Tuy nhiên, thực tiễn hướng dẫn (các Nghị quyết 01/2013, 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) và xét xử của các Toà án lại hầu như lại coi đó là quy định tuỳ nghi.

– Một số quy định khác, theo chúng tôi là chưa thật hợp lý làm cho việc áp dụng thiếu hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm. Ví dụ: quy định miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS chỉ ở dạng tuỳ nghi; quy định hình phạt bổ sung tịch thu tài sản chỉ ở dạng tuỳ nghi đối với các tội phạm tham nhũng…

Một số kiến nghị

Để việc áp dụng pháp luật đúng đắn, thống nhất và đảm bảo tính tuỳ nghi, tính lựa chọn, tính sáng tạo trong áp dụng hình phạt, theo chúng tôi, cần tiếp tục hoàn thiện BLHS theo một số hướng sau đây:

– Hoàn thiện khoản 3 Điều 29 BLHS theo hướng người phạm tội lần đầu tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà có được sự hoà giải của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại thì được miễn trách nhiệm hình sự;

– Hoàn thiện nội dung và điều kiện áp dụng chung của các hình phạt. Ví dụ: không hạn chế hình phạt cảnh cáo chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (Điều 34 BLHS) để mở rộng điều kiện áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS, áp dụng đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội;  

– Hoàn thiện khoản 3 Điều 54 BLHS, không hạn chế việc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn chỉ trong trường hợp tội phạm áp dụng chỉ có một khung hình phạt hoặc là khung hình phạt nhẹ nhất;

– Hoàn thiện chế tài quy phạm quy định về tội phạm. Quy định hình phạt tiền, tịch thu tài sản là bắt buộc đối với một số loại tội phạm. Ví dụ: quy định tịch thu một phần hoặc toàn bọ tài sản là hình phạt bổ sung bắt buộc đối với một số tội phạm tham nhũng như Tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS), Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS)… để có thể thay thế cho biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng trong khi BLHS nước ta chưa quy định tội làm giàu bất chính. Thực tiễn cũng cho thấy, do Điều 353, Điều 354 BLHS quy định phạt tiền, tịch thu tài sản chỉ quy định ở dạng tuỳ nghi, cho nên Toà án hầu như không áp dụng các hình phạt này trong các vụ án tham nhũng…

– Nhận thức đúng đắn quy định pháp luật; đảm bảo hướng dẫn chính xác việc áp dụng pháp luật. Việc hướng dẫn, theo chúng tôi, chưa chính xác về điều kiện cho hưởng án treo đã biến một chế định nhân đạo, coi trọng tính phòng ngừa thành một chế định tuỳ nghi dễ lạm dụng trong thực tiễn. TANDTC nên hướng dẫn đầy đủ, chính xác các điều kiện án treo; và khi bất kỳ bị cáo nào có đầy đủ điều kiện đó thì việc cho hưởng án treo phải là điều bắt buộc…


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *