Đăng ký logo là việc cần làm sau khi công ty đi vào hoạt động. Mỗi công ty sẽ có 1 logo riêng để đại diện cho doanh nghiệp của mình. Ngoài việc có thể gắn trực tiếp lên sản phẩm/dịch vụ mà công ty cung cấp thì logo còn giúp khách hàng nhận biết được sản phẩm/dịch vụ của các công ty khác nhau. Tuy nhiên một logo không những có thể đăng ký bảo hộ là một nhãn hiệu mà còn có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Nhiều chủ thể kinh doanh không biết mình nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho logo hay nhãn hiệu, hoặc nhầm lẫn giữa 2 việc đăng ký này. Vậy lúc nào thì cần đăng ký bảo hộ bản quyền, khi nào đăng ký nhãn hiệu?
Việc đăng ký bảo hộ logo dưới dạng bản quyền tác giả hay nhãn hiệu phụ thuộc vào mục đích sử dụng, mục đích đăng ký của chủ thể đăng ký. Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ giữa các chủ thể vì thế nên việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp bảo vệ quyền của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh để tránh nhầm lẫn, còn đăng ký bản quyền tác giả (cho logo) sẽ bảo vệ các sáng tạo tinh thần. Theo quy định pháp luật SHTT, Logo có thể được đăng ký bảo hộ dưới 2 hình thức:
– Đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật SHTT: “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”
– Đăng ký bản quyền tác giả dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật SHTT: “Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;…”
Đăng ký bảo hộ logo dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu
Khi logo là đối tượng được đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thì lúc này logo là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá/dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau, là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.
Để được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thì căn cứ theo Điều 72 Luật SHTT, logo phải đáp ứng đủ những điều kiện sau:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Khi đã đăng kí bảo hộ mà đủ điều kiện thì chủ sở hữu sẽ được sở hữu độc quyền nhãn hiệu (logo) này cho sản phẩm/dịch vụ mà mình đăng ký, được cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu, bất kỳ dấu hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn nào của người khác sử dụng cho sản phẩm/dịch vụ tương tự cũng có thể bị coi là yếu tố vi phạm và bị xử lý theo quy định pháp luật.
Đăng ký bảo hộ logo dưới hình thức đăng ký bản quyền tác giả
So với hình thức đăng ký nhãn hiệu thì thủ tục đăng ký dưới dạng bản quyền tác giả đơn giản hơn rất nhiều. Lúc này, logo được xem như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối và bố cục. Theo quy định pháp luật thì quyền tác giả sẽ tự động phát sinh kể từ khi tác phẩm (logo) được hình thành.
Do đó, logo khi muốn được bảo hộ theo cơ chế này phải đảm bảo tính sáng tạo và tính nguyên gốc, không sao chép từ bất kỳ nguồn nào.
Quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm đó được định hình, không phân biệt nội dung, ý nghĩa, chất lượng và không bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, để chống lại việc người khác thực hiện hành vi sao chép trái phép logo của mình thì các chủ sở hữu nên đi đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với logo của mình.
Như vậy có thể thấy một logo ngoài việc được đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu ra thì vẫn có thể được bảo hộ quyền tác giả. Tuỳ thuộc vào mục đích kinh doanh và mục tiêu chiến lược của mỗi công ty mà mỗi nơi sẽ lựa chọn hình thức đăng ký bảo hộ cho phù hợp.