Miễn trách nhiệm dân sự vì lý do Covid-19?


Đại dịch COVID-19 đang càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây ra nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên mọi mặt của đời sống xã hội. Việc thực hiện các giao dịch dân sự trong bối cảnh dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, vấn đề pháp lý đặt ra là liệu các bên trong giao dịch có thể viện dẫn Covid-19 làm lý do để được miễn trách nhiệm dân sự?

Khoản 1 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định về trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền tương ứng. Vi phạm nghĩa vụ được hiểu là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

Cũng tại khoản 2 Điều 351 ghi nhận trường hợp ngoại lệ, bên vi phạm nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu do xảy ra sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Các bên có thể dẫn chiếu quy định của pháp luật về sự kiện bất khả kháng hoặc thỏa thuận và ghi nhận cụ thể các trường hợp được xem là sự kiện bất khả kháng.

Như vậy, để được miễn trách nhiệm dân sự vì lý do Covid-19, bên vi phạm nghĩa vụ cần chứng minh 4 yếu tố:

(i)  Covid-19 là nguyên nhân dẫn tới việc vi phạm nghĩa vụ;

(ii) Covid-19 là sự kiện xảy ra một cách khách quan;

(iii) Không thể lường trước; và

(iv) Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Thứ nhất, để chứng minh Covid-19 là sự kiện gây ảnh hưởng hoặc cản trở trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình, các bên có thể viện dẫn các lý do như doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc do các doanh nghiệp cung cấp đầu vào phải dừng hoạt động nên doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất, hoặc do các đơn vị vận tải không hoạt động được nên doanh nghiệp không thể thực hiện việc giao hàng đúng hạn,…

Thứ hai, Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn Covid-19 do Chính phủ ban hành không do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của các bên, do đó có thể chứng minh Covid-19 là sự kiện xảy ra một cách khách quan.

Thứ ba, đối với các giao dịch xác lập trước thời điểm xuất hiện Covid-19, việc xảy ra dịch bệnh và việc Chính phủ áp dụng các biện pháp ngăn chặn Covid-19 là nằm ngoài dự đoán của các bên, đáp ứng điều kiện không thể lường trước được.

Thứ tư, việc khắc phục Covid-19 nằm ngoài khả năng của các bên trong giao dịch. Tuy nhiên, việc chứng minh bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép cần phải đặt trong tình huống cụ thể. Ví dụ trong trường hợp không thể giao hàng đúng hẹn do Covid-19, bên vi phạm nghĩa vụ cần chứng minh đã liên hệ với tất cả các đơn vị vận chuyển nhưng do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên các đơn vị này đều dừng hoạt động.

Từ những phân tích trên, có thể kết luận các bên trong giao dịch có thể viện dẫn Covid-19 để được miễn trách nhiệm dân sự nhưng phải chứng minh được đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép trong bối cảnh cụ thể của giao dịch.

——————–

Trên đây là bài viết của Trung tâm tư vấn luật trực tuyến về miễn trách nhiệm dân sự vì lý do Covid-19. Để được cung cấp ý kiến pháp lý về các vấn đề cụ thể Quý khách đang gặp phải, mời Quý khách gọi đến Tổng đài 1900 636391 (nghe và làm theo hướng dẫn) để kết nối với tư vấn viên thuộc Bộ phận pháp luật về Dân sự.

Trân trọng./.

—————————–

TRUNG TÂM TƯ VẤN LUẬT TRỰC TUYẾN

CÔNG TY LUẬT TNHH THINKSMART

Địa chỉ: P1001 tầng 10 Tòa nhà CT3-3 Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội

Website: tuvanluatonline.vn, thinksmartlaw.vn

Hotline: 1900 636391


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *