Người lao động phải làm gì khi bị nợ lương?


Hỏi:

Tôi là tài xế lái xe container, lương theo thỏa thuận có thời gian cụ thể. Nay chủ xe không trả lương theo thỏa thuận, tôi tạm thời giữ xe để giải quyết vấn đề lương có phạm pháp hay không? Tôi phải làm gì khi bị nợ lương?

Nội dung tư vấn:

1. Đối với hành vi giữ xe

Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Trường hợp bạn giữ xe mà không trả lại cho chủ sở hữu thì bạn có khả năng cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi. Theo đó, tùy thuộc vào giá trị của tài sản bị chiếm đoạt là chiếc xe mà bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng cụ thể:

– Từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;

– Từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;

– Từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;

– Từ 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Có thể thấy, việc giữ chiếc xe của chủ xe để giải quyết vấn đề tiền lương có thể khiến bạn gặp các rủi ro pháp lý nêu trên. Vì thế, để xử lý việc người sử dụng lao động nợ lương, bạn nên vận dụng các quy định trong pháp luật lao động để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, trong trường hợp chậm lương, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và không có nghĩa vụ thực hiện các công việc lao động theo thỏa thuận với chủ xe.

2. Đối với hành vi nợ lương của người sử dụng lao động

Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động”.

Bên cạnh đó khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Trong đó lý do bất khả kháng được hiểu là do sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015).

Ngoài ra kể từ ngày thứ 15 trả chậm lương thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy việc người sử dụng lao động nợ lương là hành vi vi phạm quy định về tiền lương (trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi có một trong các hành vi:

i) Trả lương không đúng hạn;

ii) Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; 

iii) Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (khoản 5 Điều 16 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP).

3. Người lao động phải làm gì khi bị nợ lương?

Khi bị nợ lương, người lao động có thể sử dụng những phương thức sau để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện trả lương cho mình. Cụ thể:

3.1. Thương lượng với người sử dụng lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, do đó khi có tranh chấp xảy ra đây là phương thức giải quyết đầu tiên mà người lao động có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Khi bị nợ lương, người lao động nên thương lượng với người sử dụng lao động về tiền lương, thời gian trả lương,…

3.2. Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động

Theo khoản 1, Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (Điều 188 Bộ luật Lao động 2019).

Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.

Như vậy người lao động có thể yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết tranh chấp nợ lương trong vòng 06 tháng kể từ thời điểm đến hạn trả lương theo thỏa thuận.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết

3.3. Khiếu nại

Theo Điều 5 và Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, người lao động có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình như sau:

– Khiếu nại lần 1: Người lao động khiếu nại lần đầu đến người sử dụng lao động;

– Khiếu nại lần 2: Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khiếu nại lên Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và xã hội.

Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.

Trường hợp khiếu nại lần hai không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).

3.4. Tố cáo

Theo khoản 1, Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có quyền tố cáo trực tiếp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi nợ lương của công ty.

Thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 39 và Điều 41 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

– Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, xử lý tố cáo mà Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết nhưng vẫn có tố cáo tiếp hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; xử lý những vụ việc tố cáo được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao.

3.5. Khởi kiện tại Tòa án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.

Căn cứ khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Khi bị nợ lương, người lao động có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.

3.6. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Ngoài các phương thức trên người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị nợ lương theo điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019.

Vi Sa, Đỗ Thị Hà – Công ty luật ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *