Trong quan hệ yêu đương việc các cặp đôi tặng quà cho nhau là hết sức bình thường. Tuy nhiên khi chia tay, kết thúc mối quan hệ, một số người đã “đòi lại” quà. Vậy pháp luật quy định thế nào về hành vi này? Liệu chia tay rồi có đòi lại quà được không?
Dưới góc độ pháp lý việc tặng quà được hiểu là quan hệ tặng cho tài sản. Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Như vậy kể từ thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực bên tặng cho đã chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho, do đó không thể đòi lại được tài sản. Tuy nhiên cần xác định rõ thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực áp dụng đối với từng loại tài sản, cụ thể như sau:
1. Tặng cho bất động sản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015, bất động sản bao gồm: i) Đất đai; ii) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; iii) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; iv) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Đối với bất động sản, khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản (khoản 2 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015).
Như vậy bên tặng cho chỉ có thể đòi lại bất động sản khi chưa thực hiện thủ tục sang tên đối với bất động sản phải đăng ký hoặc khi chưa chuyển giao đối với bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu.
2. Tặng cho động sản
Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Như vậy bên tặng cho chỉ có thể đòi lại động sản khi chưa chuyển giao tài sản. Đối với một số động sản pháp luật yêu cầu phải đăng ký như tàu biển, xe máy, ô tô,… thì có thể đòi lại nếu bên được tặng cho chưa đăng ký quyền sở hữu.
3. Đối với trường hợp tặng cho tài sản có điều kiện
Tặng cho tài sản có điều kiện là trường hợp bên tặng cho yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015).
Trong trường hợp này bên tặng cho có thể đòi lại tài sản vfa yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho. Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
Tóm lại, tặng cho tài sản là một quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ do đó không ai có thể đòi lại một cách tùy tiện tài sản đã tặng cho. Khi yêu nhau các cặp đôi cần cân nhắc trước khi tặng quà để tránh trường hợp đòi lại sau khi đã tặng bởi hành vi này không chỉ không phù hợp về mặt đạo đức mà còn trái với quy định của pháp luật.
Đỗ Thị Hà – Công ty luật ThinkSmart