Tòa án Quốc tế về Luật Biển theo Phụ lục VI UNCLOS (ITLOS): Khả năng sử dụng Tòa trong việc đấu tranh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp trên biển


(LSVN) – Ngày nay, biển đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của loài người. Ngày nay, với sự bùng nổ về dân số và khoa học kỹ thuật, sự cạn kiệt tài nguyên đất liền cũng như các mối quan tâm về môi trường ngày càng tăng thì biển lại càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với mỗi quốc gia ven biển nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Để không một quốc gia ven biển nào có thể làm chủ biển và đại dương đồng thời điều hòa lợi ích trên biển của các quốc gia và các bên sử dụng biển thì cần phải xây dựng một trật tự pháp lý công bằng trên biển. Những năm gần đây, thường xuyên xảy ra các tranh chấp phát sinh liên quan đến lĩnh vực biển. Để giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra giữa các quốc gia trong lĩnh vực Luật Biển, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là một trong những Tòa được các quốc gia lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Qua đó, tác giả sẽ tìm hiểu về những đặc điểm của Tòa án Quốc tế về Luật Biển và thông qua thẩm quyền của Tòa cũng như điều kiện tạo nên thẩm quyền sẽ đưa ra một số đánh giá về khả năng sử dụng Tòa trong việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên biển hiện nay.

I. Một số vấn đề lý luận

1. Sự ra đời và hoạt động của Tòa án Quốc tế về Luật Biển

1.1. Sự ra đời của ITLOS

Vấn đề thiết lập một cơ quan đến biển và đại dương hình thành ngay từ đầu của quá trình đàm phán xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982. Trong hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật Biển đã quyết định thành lập Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Do đó, Tòa án Quốc tế về Luật Biển được thành lập và là cơ quan quan giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tòa được thành lập trên cơ sở pháp các thành viên của UNCLOS vào ngày 01/8/1996 có trụ sở tại Hambourg – Cộng hòa Liên bang Đức, bầu ra 21 Thẩm phán và chính thức hoạt động vào ngày 01/10/1996.

Quy chế của Tòa được quy định tại Phụ lục VI – Công ước Luật Biển năm 1982. Tòa án Quốc tế về Luật Biển là một thiết chế độc lập với các cơ quan khác do Công ước lập ra như cơ quan quyền lực đáy đại dương và Ủy ban ranh giới thềm lục địa.

1.2. Hoạt động của Tòa

Từ khi thành lập đến nay, Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã thụ lý và giải quyết xong 27 vụ việc và 02 vụ đang được giải quyết. Trong đó, có 09 vụ liên quan đến thủ tục thả tàu nhanh (prompt release), 08 vụ liên quan đến thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (provisional measures), 03 vụ liên quan đến phân định biển (maritime delimitation), 02 vụ liên quan đến thủ tục xin ý kiến tư vấn (advisory proceedings), 07 vụ liên quan đến các vấn đề pháp lý thực chất khác (có 01 vụ mà các bên xin rút) (1). Dựa vào số liệu vụ việc đã và đang được thụ lý và giải quyết của Tòa như đã nêu ở trên thì khoảng 60% vụ việc liên quan đến những thủ tục bổ trợ như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và thả tàu nhanh.

2. Cơ cấu tổ chức của Tòa án Quốc tế về Luật Biển

2.1. Hội đồng Thẩm phán

Theo Điều 2, Mục 1, Phụ lục VI – Công ước Luật Biển 1982 quy định Tòa có 21 Thẩm phán chuyên trách, có nhiệm kỳ 09 năm và có thể được tái cử, được tuyển chọn trong số các nhân vật nổi tiếng nhất về công bằng và liêm khiết, có năng lực rõ ràng trong lĩnh vực Luật Biển. Các thành viên được bầu bằng bỏ phiếu kín, người trúng cử là những ứng cử viên đạt được số phiếu bầu cao nhất và phải được 2/3 số quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu (2).

Đồng thời, Tòa không thể có quá một Thẩm phán mang quốc tịch của một quốc gia, nghĩa là không có hai Thẩm phán cùng một quốc tịch. Bên cạnh đó, theo quy định phải bao gồm ít nhất 03 Thẩm phán từ mỗi nhóm khu vực do Đại hội đồng Liên hợp Quốc phân chia. Theo thỏa thuận giữa các nước, sẽ bao gồm 05 đại diện từ Châu Á, 05 người từ Châu Phi, 04 người từ các nước Mỹ Latinh và Caribe, 04 người từ Tây Âu và các nước khác, cùng ba đại diện từ Đông Âu.

2.2. Thẩm phán Ad-hoc

Theo quy định tại Điều 17, Phụ lục VI – UNCLOS, nếu Tòa hoặc Viện không bao gồm Thẩm phán mang quốc tịch của một bên tranh chấp thì bên đó có thể chọn một người làm Thẩm phán. Các Thẩm phán đặc biệt cần phải đáp ứng các điều kiện của thành viên (quy định tại Điều 2, Điều 8, Điều 11 của Quy chế). Họ tham gia vào vụ án mà họ được chọn theo điều kiện hoàn toàn bình đẳng với các Thẩm phán khác và được ưu tiên sau các thành viên của Tòa và theo thứ tự thâm niên về tuổi tác.

2.3. Các chuyên viên khoa học kỹ thuật

Theo quy định tại Điều 289, UNCLOS, đối với mọi tranh chấp đụng chạm đến những vấn đề khoa học hay kỹ thuật, một Tòa án khi thi hành thẩm quyền của mình theo mục này, theo yêu cầu của một bên hay tự ý mình, và tham khảo ý kiến các bên, có thể lựa chọn trên một bản danh sách thích hợp được lập nên theo đúng Điều 2 của Phụ lục VIII, ít nhất là 02 chuyên viên khoa học hay kỹ thuật tham gia Tòa án nhưng không có quyền biểu quyết mà chỉ tham gia vào các cuộc thảo luận của Tòa án.

2.4. Chánh án, Phó Chánh án

Toà án bầu ra Chánh án và phó chánh án với nhiệm kỳ 03 năm, các vị này có thể được bầu lại. Bên cạnh đó, các phiên toà phải do chính Chánh án Toà án chủ tọa, hay nếu Chánh án bận, thì do phó chánh án chủ tọa; trong trường hợp cả hai người bận, thì phiên Tòa do Thẩm phán lâu năm nhất trong số các Thẩm phán của Tòa có mặt chủ toạ (3).

2.5. Ban Thư ký

Ban Thư ký của Tòa án là một cơ quan hành chính thường trực của Tòa án. Đây là cơ quan liên lạc giữa Tòa án với các gia thành viên và các bên khác. Thư ký của Tòa làm việc tại trụ sở của Tòa.

2.6. Viện giải quyết tranh chấp

Viện giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển (SDC) gồm 11 thành viên do Tòa án lựa chọn trong các thành viên đã được bầu của Tòa án, theo đa số các thành viên đó (Điều 35, Mục 4, Phụ lục VI, UNCLOS). Các thành viên của Viện được lựa chọn 03 năm một lần và chỉ có thể được lựa chọn thêm một nhiệm kỳ. Như tên gọi, viện này giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển. Viện giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến đáy biển lập ra một viện ad-hoc (đặc biệt), gồm có 03 thành viên để xét xử một vụ tranh chấp nhất định mà viện có trách nhiệm theo đúng điểm b, khoản 1, Điều 188.

3. Chức năng của Tòa án Quốc tế về Luật Biển

Tòa án Quốc tế về Luật Biển bao gồm 02 chức năng chính, cụ thể là chức năng giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan đến lĩnh vực biển và đưa ra kết luận tư vấn pháp lý. Tòa án Quốc tế về Luật Biển có phạm vi hẹp hơn so với Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Tuy nhiên, chủ thể trong ITLOS lại có phạm vi rộng hơn so với ICJ bởi chủ thể của ITLOS là các quốc gia thành viên của pháp luật quốc tế, quốc gia không là thành viên của UNCLOS, pháp nhân, thể nhân, tổ chức quốc tế (EU).

3.1. Chức năng giải quyết tranh chấp

Tòa án Quốc tế về Luật Biển giải quyết các tranh chấp liên quan đến các vấn đề về giải thích hay áp dụng Công ước Luật Biển 1982. Các tranh chấp liên quan đến các quốc gia thành viên của UNCLOS trong lĩnh vực Luật Biển được quy định cụ thể tại Mục 5, Phần XI, Điều 187, Điều 188 của Công ước “Các vụ tranh chấp giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng phần này và các Phụ lục có liên quan”; “Các vụ tranh chấp giữa các bên ký kết một hợp đồng, các bên này là các quốc gia thành viên”. Ví dụ: Vụ Singapore kiện Malaysia về tính pháp lý của những đường lấn biển của Singapore ở khu vực Đông Nam Á; vụ kiện giữa Bangladesh và Myanmar…

Bên cạnh đó, Viện giải quyết tranh chấp dưới đáy biển có thẩm quyền bắt buộc đối với các tranh chấp liên quan đến hoạt động ở vùng đáy biển quốc tế được quy định cụ thể tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm e; Điều 187; Mục 5; Phần XI của Công ước.

3.2. Chức năng tư vấn pháp lý

Bên cạnh chức năng giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực Luật Biển, Tòa án Quốc tế về Luật Biển còn có chức năng tư vấn pháp lý. Theo Điều 21, Phụ lục VI UNCLOS, Tòa đưa ra ý kiến và câu trả lời đối với các câu hỏi pháp lý được đệ trình lên Tòa và các ý kiến tư vấn này không mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Toà đưa ra các ý kiến tư vấn về các vấn đề pháp lý nếu một điều ước quốc tế có liên quan đến mục đích của Công ước Luật Biển 1982.

Ngoài ra, theo Điều 191, Mục 5, Phần XI “Viện giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển đưa ra các ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng, hay Hội đồng về những vấn đề pháp lý được đặt ra trong những thời hạn ngắn nhất”. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cho phép Viện giải quyết tranh chấp liên quan đến đáy biển (SDC) đưa ra ý kiến tư vấn đối với các câu hỏi pháp lý do Cơ quan quốc tế quản lý đáy đại dương (ISA) đệ trình.

4. Thẩm quyền và điều kiện tạo nên thẩm quyền của Tòa án Quốc tế về Luật Biển

4.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp

4.1.1. Đối với các quốc gia

Theo quy định tại Điều 287: “Một quốc gia được quyền lựa chọn, hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước. Nếu các bên tranh chấp đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác” (4). Nói cách khác, nếu các bên tranh chấp liên quan đến lĩnh vực Luật Biển cùng lựa chọn Tòa án Quốc tế về Luật Biển thì Tòa sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, Tòa sẽ không có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp khi một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết các tranh chấp trong những trường hợp được quy định tại khoản 1, Điều 298. Cụ thể:

– Các vụ tranh chấp liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử;

– Các vụ tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự;

– Các vụ tranh chấp mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đang giải quyết;

– Các vụ tranh chấp có tính chất liên quan đến chủ quyền đảo, lãnh thổ (5).

Bên cạnh đó, trong trường hợp thuộc những trường hợp loại trừ được quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 297, cụ thể là đánh bắt cá hay nghiên cứu khoa học biển thì Tòa ITTOS cũng không có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp đó. Có thể hiểu, hoạt động đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, tại đây sẽ phát sinh các tranh chấp như đánh giá khố lượng đánh bắt, phân phối số dư đánh bắt… thì Tòa ITLOS không có thẩm quyền. Và tranh chấp xảy ra trong lúc xin phép hoặc thăm dò và phát sinh tranh chấp thì Tòa án Quốc tế về Luật Biển cũng không phép được giải quyết.

Ngoài ra, đối với các quốc gia không là thành viên của Công ước trao thẩm quyền cho Tòa khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng một điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực Luật Biển có liên quan đến mục đích của Công ước (6). Có thể kể đến một số Điều ước Quốc tế quy định thẩm quyền của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, ví dụ như: Hiệp ước năm 1995 về giải thích các điều khoản Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 liên quan đến gìn giữ và quản lý cá dao động và di cư (Điều 30, 31, 32); Công ước năm 2001 về bảo vệ di sản văn hóa trong lòng biển (Điều 25)…

4.1.2. Giữa các quốc gia, pháp nhân, cá nhân với nhau tại Viện giải quyết tranh chấp đáy biển

Theo quy định tại khoản 3, Điều 288 quy định: “Viện giải quyết tranh chấp liên quan đến đáy biển được lập nên theo đúng Phụ lục VI và bất kỳ Viện nào khác, hay Tòa trọng tài nào khác, đã nêu ở Mục 5 của Phần XI, đều có thẩm quyền xét xử mọi vấn đề đã được đưa ra cho mình theo đúng mục đó”. Nghĩa là Viện có thẩm quyền đối với các tranh chấp liên quan đến hoạt động ở Vùng đáy biển quốc tế, Viện có quyền tài phán đối với các tranh chấp liên quan đến các hoạt động trong khu vực. Các bên trong tranh chấp có thể thể là quốc gia thành viên, các cá nhân, pháp nhân với nhau được nêu tại Điều 153 của Công ước.

Ví dụ: Vụ phân định biển giữa Ghana và Côte d’lvoire…

4.1.3. Điều kiện tạo nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Để Tòa ITLOS có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phát sinh như đã nói ở trên thì cần phải có những điều kiện sau:

(i) Các bên tranh chấp là các quốc gia thành viên, các quốc gia không là thành viên của Công ước, thể nhân, pháp nhân, tổ chức quốc tế (7);

(ii) Xảy ra tranh chấp pháp lý quốc tế về lĩnh vực biển (trừ những trường hợp ngoại lệ được quy định tại Điều 297, Điều 298);

(iii) Các bên tranh chấp cùng thỏa thuận lựa chọn Tòa, chấp nhận thẩm quyền của Tòa (Điều 20, Điều 21, Quy chế Tòa) theo từng trường hợp cụ thể: trong các tuyên bố đơn phương; trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận; trong từng vụ việc.

4.2. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn pháp lý

4.2.1. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn chung của Tòa

Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của Tòa được quy định ngầm định tại Điều 21, Phụ lục VI Công ước. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền đối với tất cả các vụ tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đưa ra Tòa theo đúng Công ước và đối với tất cả các trường hợp được trù định rõ trong mọi thỏa thuận khác, giao thẩm quyền cho Tòa. Tòa có thể cho ý kiến tư vấn đối với một câu hỏi pháp lý được các quốc gia thống nhất đưa lên Tòa trên cơ sở một điều ước quốc tế, nội dung phù hợp với mục đích của UNCLOS. Tại đây, các quốc gia thành viên cần nêu rõ việc đề nghị Tòa cho ý kiến tư vấn và cử một đại diện để đệ trình yêu cầu lên Tòa.

4.2.2. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn pháp lý theo Công ước của Viện giải quyết tranh chấp đáy biển

Viện giải quyết tranh chấp đáy biển có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng hay Hội đồng về những vấn đề pháp lý được đặt ra trong những thời gian ngắn nhất (8). Yêu cầu xin ý kiến tư vấn cần được ưu tiên giải quyết trước các vụ việc tranh chấp. Tuy nhiên, thẩm quyền của Viện giải quyết tranh chấp đáy biển chỉ hạn chế trong các vấn đề liên quan đến đáy đại dương.

4.2.3. Điều kiện tạo nên thẩm quyền cho ý kiến tư vấn pháp lý

Thẩm quyền tư vấn pháp lý của ITLOS phải được nêu rõ trong một điều ước quốc tế giữa chủ thể của luật quốc tế, mà điều ước quốc tế đó phải phù hợp với Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế, phải có nội dung phù hợp với mục đích của UNCLOS, phải có quy định rõ ràng về việc cho phép đệ trình yêu cầu tư vấn lên ITLOS trong các điều khoản của mình. Bên cạnh đó, các bên cần phải trình bày rõ câu hỏi pháp lý trong hồ sơ yêu cầu của mình.

4.3. Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một thẩm quyền phát sinh từ thẩm quyền giải quyết tranh chấp, cụ thể quy định tại Điều 290 của UNCLOS: “Nếu một Tòa án được đề nghị xét một vụ tranh chấp theo đúng thủ tục và thấy hiển nhiên là mình có thẩm quyền theo phần này hay Mục 5 của phần XI, thì Tòa án này có thế quy định tất cả các biện pháp bảo đảm mà mình xét thấy thích hợp với tình hình để bảo vệ các quyền riêng của từng bên tranh chấp hay để ngăn không cho môi trường của biển bị những tổn thất nghiêm trọng, trong khi chờ quyết định cuối cùng”. Ví dụ: Vụ Malaysia kiện Singapore về lấn biển… Ngoài ra, Tòa còn có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ việc đệ trình lên trọng tài trong giai đoạn tòa trọng tài đang thành lập theo khoản 5, Điều 290.

Về điều kiện tạo nên thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cụ thể: (1) Tòa được thành lập phải có thẩm quyền đương nhiên xét xử vụ việc đó; (2) Có nguy cơ thực sự và nhãn tiền có thể gây tổn hại không thể khắc phục được đến quyền và lợi ích của các bên hoặc đến môi trường biển; (3) Quyền mà các bên yêu cầu bảo đảm ít nhất có cơ sở; (4) Có liên hệ giữa quyền mà các bên yêu sách và biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu. Ví dụ, Tòa đã tiến hành một số vụ việc liên quan đến các biện pháp ngăn chặn tạm thời như vụ Ireland và Anh (Mox Plant) (9)…

4.4. Thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh

Đây là một thẩm quyền tài phán mang đặc trưng cơ bản của ITLOS mà ICJ không có. Thẩm quyền này có chủ thể tranh chấp là các quốc gia thành viên hoặc các bên có thỏa thuận trước Tòa. Khi các bên phát sinh tranh chấp thì Tòa có quyền tài phán bắt buộc đối với các bên liên quan. Thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh được quy định tại Điều 292, UNCLOS. Thủ tục thả tàu nhanh sẽ phải kích hoạt bởi quốc gia có tàu bắt giữ, không phải chủ tàu thuyền bị bắt giữ. Chủ tàu tự mình phải thuyết phục quốc gia mà tàu mang cơ kích hoạt thủ tục. Quốc gia mà tàu mang cờ có quyền chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu kích hoạt thủ tục của chủ tàu.

Thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh của Tòa phải thỏa mãn những điều kiện sau: (1) quốc gia ven biển bắt giữ tàu khi liên quan đến những vi phạm tại Điều 292, UNCLOS; (2) Các bên có thể đưa vụ việc ra giải quyết của Tòa là quốc gia mà tàu mang cờ cho rằng quốc gia bắt giữ đã không tuân thủ các quy định của Công ước Luật Biển 1982 liên quan đến việc phóng thích ngay tàu và thủy thủ đoàn sau khi đã nộp một khoản tiền bảo đảm.

5. Phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển

Phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển có tính chất tối hậu, chung thẩm và tất cả các bên tranh chấp đều phải tuân theo. Phán quyết của ITLOS chỉ có giá trị đối với các bên tranh chấp và các bên không có quyền kháng án (10).

II. Kết luận

Việt Nam là quốc gia thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982, do đó Việt Nam có quyền và nghĩa vụ lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc. Việc lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp thể hiện thái độ tôn trọng pháp luật quốc tế, là một trong những biện pháp mà nước ta có thể sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước cũng như của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên biển.

Việc lựa chọn bên thứ ba giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia hiện nay này càng trở nên phổ biến.

Theo quy định tại Điều 287 và loại trừ các trường hợp tại Điều 297, Điều 298 thì mặc dù Tòa án Quốc tế về Luật Biển có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước về việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hay quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với các quyền tự do của các quốc gia khác về hàng hải, hàng không, đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, đối với nghiên cứu khoa học biển.

Tuy nhiên, Công ước lại cho phép các quốc gia ký kết, phê chuẩn hay tham gia Công ước hoặc ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình không chấp nhận Tòa án Quốc tế về Luật Biển có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng liên quan đến phân định lãnh hải, phân định vùng đặc quyền kinh tế, phân định thềm lục địa hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử.

Với tình hình tranh chấp trên biển diễn ra căng thẳng như hiện nay thì việc chuẩn bị mọi phương thức giải quyết tranh chấp là điều hết sức cần thiết. Đối với nước ta, chủ quyền thiêng liêng của đất nước là bất khả xâm phạm và lòng tự tôn dân tộc. Nhân dân ta phải ra sức bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Việc nghiên cứu để giải quyết tranh chấp trên biển bằng Tòa án Quốc tế về Luật Biển là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là cần thiết. Hiện nay, việc lựa chọn Tòa án Quốc tế về Luật Biển còn chưa khả thi, do đó, Việt Nam có thể xem xét và tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ITLOS và tham gia những điều ước quốc tế có liên quan và sử dụng triệt để chức năng tư vấn pháp lý của Tòa.

Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Công ước Luật Biển năm 1982
2. Lưu Thị Kim Thanh, Giải quyết tranh chấp trên biển bằng Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), năm 2014, truy cập ngày 29/05/2021.
3. Trần H. D. Minh, [171] Nỗ lực “tìm thêm việc” của Tòa ITLOS trong những năm gần đây, Luật pháp Quốc tế, 2019, năm 2019, truy cập ngày 30/05/2021.
4. Trần. H. D. Minh, Phán quyết ngày 23/09/2017 về vụ Phân định biển giữa Ghana và Côte d’lvoire, Theo Luật pháp Quốc tế, năm 2017, truy cập ngày 31/05/2021.
5. Trần H. D. Minh, [55] Cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982, năm 2017, truy cập ngày 31/05/2021.
6. Luật quốc tế về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Trung tâm nghiên cứu biển đảo, truy cập ngày 31/05/2021.
7. Hoài Lê, Luật Quốc tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Cổng thông tin điện tử Tỉnh Cà Mau, ngày 21/07/2016, truy cập ngày 31/05/2021.
8. Trần H. D. Minh, [145] Vụ việc tàu Hải Dương 8: Các bước đi bài bản của Việt Nam, và tiếp theo?, 2019, truy cập ngày 01/06/2021.
9. “Article 20: Access to the Tribunal1 – The Tribunal shall be open to States Parties.2 – The Tribunal shall be open to entities other than States Parties in any case expressly provided for in Part XI or in any case submitted pursuant to any other agreement conferring jurisdiction on the Tribunal which is accepted by all the parties to that case.”
10. The Mox Plant Case (Ireland v. United Kingdom), Provisional Measures, International Tribunal, truy cập ngày 01/6/2021.
11. TS. Đào Thị Thu Hường, Việt Nam và phương án sử dụng Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982 trước những yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016), trang 61-62, truy cập ngày 01/6/2021.

NGUYỄN THỊ HỒNG – ĐỖ THỊ HÀ

Công ty Luật TNHH ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *