Bàn về tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại trong bộ luật hình sự năm 2015


Ngô Ngọc Diễm

Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội

Tóm tắt: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại lần đầu tiên được trong Bộ luật hình sự 1999 bằng Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009. Trong Bộ luật hình sự 2015 tội phạm này tiếp tục được quy định tại Điều 236. Trong đó có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm này trên thực tiễn. Bài viết này với mục đích làm rõ hơn về nội dung quy định về Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại trong Bộ luật hình sự năm 2015.

Từ khóa: Điều 236 Bộ luật hình sự 2015; Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Chất thải nguy hại.

1. Đặt vấn đề

Ngày 27 tháng 11 năm 2015 Bộ luật hình sự năm 2015 (sau đây gọi tắt là BLHS 2015) đã được Quốc hội khóa 13 thông qua với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng. Việc ban hành BLHS 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, khắc phục những hạn chế, bất cập của BLHS năm 1999, thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự.

Trong những sửa đổi, bổ sung đó quy định về các tội phạm về môi trường tại Chương XIX đã có những thay đổi rất lớn so với BLHS 1999. Điều này nhằm tăng cường khả năng xử lý và đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm về môi trường – một vấn đề rất cấp thiết và gây bức xúc của dư luận trong thời gian qua. Việc sửa đổi các tội phạm về môi trường, trong đó có Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Điều 236 BLHS 2015 (Điều 182a BLHS 1999).

2. Các dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại

Khoản 1 Điều 236 BLHS 2015 quy định: “Người nào có thẩm quyền mà cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.[1]

Với cấu thành cơ bản nêu trên và theo quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân trong hoạt động quản lý chất thải nguy hại và danh mục chất thải nguy hại được quy định trong luật chuyên ngành, thì các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội này được quy định như sau.

2.1. Về khách thể của tội phạm

Đối với các tội phạm về môi trường nói chung, khách thể loại của các tội phạm về môi trường là tổng thể những quan hệ xã hội được hình thành trong việc bảo vệ môi trường, về giữ gìn môi trường trong sạch, giữ gìn các điều kiện thiên nhiên thuận lợi đối với con người và các động vật sống khác, sử dụng hợp lý những tài nguyên thiên nhiên của nó và đảm bảo an toàn cho môi trường dân cư. Nội dung của các quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm về môi trường không giới hạn trong một lĩnh vực nào, như trong hoạt động kinh tế chẳng hạn. Hậu quả của những hành vi xâm hại về môi trường không chỉ đối với hoạt động kinh tế mà đối với toàn bộ cuộc sống trên trái đất. Trên cơ sở phân tích khách thể của loại tội phạm này, khách thể trực tiếp của từng tội phạm là những quan hệ cụ thể về bảo vệ và sử dụng hợp lý những bộ phận cấu thành của môi trường cũng như bảo đảm an toàn môi trường cho dân cư[2].

Khách thể trực tiếp của tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại là các quan hệ xã hội về quản lý chất thải nguy hại được quy định trong các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản khác như: Luật Bảo vệ môi trường 2014; Nghị định 38/2015/NĐ-CP  của Chính phủ ngày 24-4-2015 về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường ngày 30-6-2015 về quản lý chất thải nguy. Các quan hệ xã hội này trực tiếp ảnh hưởng tới các yếu tố môi trường như đưa vào môi trường các chất thải nguy hại, không bảo quản, xử lý chất thải nguy hại theo quy trình được pháp luật quy định.

Các tội phạm về môi trường xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường, xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường sinh thái cũng như tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người.

Như vậy, khách thể của tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại.

Đối tượng bị tội phạm tác động theo tội danh này là các quy định về quản lý chất thải nguy hại. Theo khoản 15 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2015 và Điều 1 Nghị định 38/2015/NĐ-CP thì Quản lý chất thải nguy hại là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nguy hại.

2.2. Về hành vi khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường. Trong đó thể hiện ở hành vi của người có thẩm quyền cho phép chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường các chất thải nguy hại.

Chất thải nguy hại được Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Theo quy định của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường ngày 30-6-2015 về quản lý chất thải nguy hại và theo quy định của Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thì các chất thải nguy hại này gồm: Aldrin, CAS No: 309-00-2, Chlordane, CAS No: 57-74-9, Dieldrin, CAS No: 60-57-1, Endrin, CAS No: 72-20-8, Heptachlor, CAS No: 76-44-8, Hexachlorobenzene, CAS No: 118-74-, Mirex, CAS No: 2385-85-5, Toxaphene, CAS No: 8001-35-2, Polychlorinated, Biphenyls (PCB). Đây là các chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ khỏi sử dụng và sản xuất. Mức độ  các chất chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy mà người phạm tội chôn, lấp, đổ, thải trái phép ra môi trường là từ 3.000 kg đến dưới 5.000kg.

Ngoài các chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy Điều 236 còn quy định các chất thải có chứa chất phóng xạ, gây ô nhiễm môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – Phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép. Chất phóng xạ này thuộc nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép[3]. Hiện nay quy chuẩn quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn bức xạ được căn cứ theo QCVN 6: 2010/BKHCN – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại phóng xạ được Bộ khoa học công nghệ ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010. Như vậy, QCVN 6: 2010/BKHCN là căn cứ để xác định mức độ nguy hiểm của chất thải có chứa chất phóng xạ do người phạm tội thải ra môi trường từ đó có thể xác định được hành vi phạm tội của người đó.

Như vậy, so với Điều 1892a Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 236 Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể hóa số lượng chất thải nguy hại mà người phạm tội cho phép chôn, lấp, thải ra môi trường và quy định cụ thể tiêu chuẩn đánh giá về việc chôn, lấp, thải chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép làm căn cứ để xác định người có các hành vi trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội này.

Ngoài ra còn có thể xác định hành vi phạm tội của tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại được xác định theo nhóm hành vi của những chủ thể có trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại như:

– Các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của chủ nguồn thải chất thải nguy hại có thể gây ô nhiễm môi trường gồm:

+ Không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bao bì chuyên dụng hoặc thiết bị lưu chứa tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định;

+ Không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định;

+ Không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời mà chất thải nguy hại đó có thể tràn, đổ, phát tán ra ngoài môi trường.

+ Để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác.

+ Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại.

+ Làm rò rỉ, tràn đổ chất thải nguy hại hoặc để xảy ra sự cố tràn đổ chất thải nguy hại ra môi trường đất, nước ngầm, nước mặt;

+ Tự xử lý chất thải nguy hại khi không có công trình xử lý phù hợp và không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

+ Chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường.  

+ Chuyển giao, cho, bán không đúng quy định, chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường.

– Các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại có thể gây ô nhiễm môi trường gồm:

+ Chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện về quản lý, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại hoặc không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại.

+ Không lưu giữ chất thải nguy hại trước và sau khi xử lý trong thiết bị chuyên dụng phù hợp với loại hình chất thải nguy hại;

+ Thiết bị chuyên dụng phục vụ lưu giữ chất thải nguy hại, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại hoặc thiết bị xử lý chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

+ Chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường.

+ Chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ra môi trường không đúng quy định hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường.

– Các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của Chủ tái sử dụng chất thải nguy hại có thể gây ô nhiễm môi trường gồm:

+ Tái sử dụng trực tiếp chất thải nguy hại không theo đúng mục đích ban đầu của phương tiện, thiết bị, sản phẩm, vật liệu, hóa chất là nguồn gốc phát sinh chất thải nguy hại này hoặc sử dụng cho mục đích khác hoặc chuyển giao lại cho một tổ chức, cá nhân khác mà không được phép tái sử dụng trực tiếp.

+ Chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường.

+ Chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ra môi trường không đúng quy định hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Ngoài ra tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại cũng đòi hỏi chủ thể là chủ thể đặc biệt vì ngoài các các yếu tố bắt buộc đối với các chủ thể của tội phạm thông thường thì họ phải là những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý chất thải nguy hại hoặc là người chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, giám sát các công việc đó.

Trong bối cảnh BLHS 2015 đã quy định pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm trong đó có một số tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, đối với tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại không áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Điều này theo chúng tôi là một điểm đáng tiếc, bởi lẽ hành vi chôn, lấp, xả thải chất thải nguy hại ra môi trường về căn bản giống với hành vi của tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 BLHS 2015. Tuy nhiên Điều 235 lại quy định pháp nhân thương mại mà thực hiện hành vi phạm tội trên thì phải chịu trách nhiệm hình sự, còn trong Điều 236 thì không chịu trách nhiệm hình sự. Điều này cho thấy mức độ răn đe, và đảm bảo cơ chế xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của pháp nhân thương mại còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, những chủ thể hành nghề quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT hoặc chủ nguồn thải, chủ xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP thì khó có thể là cá nhân[4]. Cụ thể, về điều kiện cơ sở pháp lý, chủ thể thực hiện hoạt động quản lý chất thải nguy hại phải có đăng ký ngành, nghề kinh doanh phù hợp trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương đương. Thực tế cho thấy điều kiện này thường chỉ có pháp nhân mới có thể đáp ứng.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Đối với tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của mình là nguy hiểm cho xã hội, họ thấy được trước hậu quả của hành vi đó có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, kinh tế v.v… nhưng vẫn thực hiện tội phạm. Có trường hợp, người phạm tội mong muốn những hậu quả trên sẽ xảy ra (đối với trường hợp là lỗi cố ý trực tiếp). Bên cạnh đó, cũng có trường hợp, người phạm tội tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (đối với trường hợp là lỗi cố ý gián tiếp) khi thực hiện những hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại.

3. Những đề xuất thực thi tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại trong giai đoạn hiện nay

Lần đầu tiên được quy định trong BLHS 1999, tuy nhiên cho đến hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đưa ra xét xử một trường hợp nào về tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại. Một trong những nguyên nhân căn bản là quy định của Điều 182a BLHS 1999 còn thiếu tính thực tiễn để áp dụng. Những bất cập này đã được BLHS 2015 khắc phục. Tuy nhiên, để có thể xử lý được tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại chúng tôi xin đề xuất các một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các cơ quan tư pháp ở trung cần ban hành văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về các tội phạm về môi trường trong đó có tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại. Trong một thời gian dài áp dụng BLHS 1999 chúng ta mới chỉ ban hành Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS 1999 về tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo quản rừng và quản lý lâm sản, mà chưa ban hành bất kỳ văn bản hướng dẫn thi hành nào về các tội phạm môi trường khác. Điều này dẫn đến việc xử lý các hành vi phạm tội về môi trường như: gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại… chưa đáp ứng được yêu cầu trên thực tế. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp trung ương cần tập trung phối hợp để ban hành văn bản hướng dẫn Chương XIX BLHS 2015 về các tội phạm môi trường để có thể áp dụng thuận lợi trên thực tế.

Thứ hai, về công tác tổ chức thực hiện. Trong thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã được kiện toàn một bước. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: tổ chức quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương còn quá mỏng, thiếu hẳn tổ chức cần thiết ở cấp cơ sở (cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn).

Chính vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội khóa XII đã thông qua việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường với việc thiết lập các cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đang được sắp xếp lại từ trung ương đến địa phương. Chắc chắn việc kiện toàn này sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý.

Đồng thời, trong thời gian tới chúng ta cũng cải cách tổ chức của các cơ quan tiến hành tố tụng với trọng tâm là sắp xếp lại Tòa án theo nguyên tắc hai cấp xét xử, tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về môi trường, pháp luật về môi trường, đặc biệt các quy định về tội phạm môi trường cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong thực tiễn hoạt động xét xử của tội phạm này.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn đối với đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường. Cụ thể như sau:

– Thường xuyên đào tạo, nâng cao kiến thức môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường cho những cán bộ tư pháp thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

– Thành lập và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường ở các cấp cơ sở.

– Nâng cao kiến thức về điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về môi trường cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Mở các lớp tập huấn chuyên sâu về xử lý các tội phạm về môi trường cho các đối tượng này.

– Kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra môi trường, thành lập các bộ phận thanh tra môi trường tương ứng tại các quận, huyện, xã phường, khu công nghiệp…

– Cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ cho các cán bộ trực tiếp bảo vệ môi trường. Đặc biệt là trang thiết bị cho Cảnh sát môi trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

– Có chế độ ưu đãi, khuyến khích những cán bộ làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, khó khăn… đặc biệt là cán bộ điều tra tội phạm có liên quan đến chất thải nguy hại.

4. Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2015), Bộ luật hình sự, Hà Nội

2. Bộ Khoa học công nghệ (2010), Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010, Hà Nội

3. Bộ Tài nguyên và môi trường (2015), Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường về quản lý chất thải nguy hại, Hà Nội

4. Trần Văn Luyện (chủ biên) (2010), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội


[1] Quốc hội (2015), Bộ luật hình sự, Hà Nội

[2] Trần Văn Luyện (chủ bien) (2010), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội

[3] Bộ Khoa học công nghệ (2010), Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010, Hà Nội

[4] Bộ Tài nguyên và môi trường (2015), Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường về quản lý chất thải nguy hại, Hà Nội


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *