1. Điều kiện về mặt pháp luật
Trong tố tụng hình sự Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được bảo đảm thực hiện bằng các chế định mang tính pháp lý có giá trị thực tiễn. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo được đảm bảo thực hiện thông qua các nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTHS; việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền của bị cáo và trình tự thủ tục liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị cáo.
Thứ nhất, việc bảo đảm thực hiện quyền của bị cáo được quy định trong một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự:
Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật. Đây là một trong những nguyên tắc hiến định, quy định tại Điều 16 Hiến pháp 2013. Nội dung nguyên tắc thể hiện yêu cầu mọi cá nhân, pháp nhân khi tham gia vào các hoạt động TTHS đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, không có sự phân biệt, việc áp dụng các biện pháp tố tụng đối với họ luôn phải dựa trên quy định của pháp luật TTHS. Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật là yếu tố không thể thiếu trong một xã hội dân chủ. Trong TTHS, quyền bình đẳng trước pháp luật được hiểu là khi tham gia với cùng một tư cách tố tụng sẽ có các quyền và nghĩa vụ tố tụng như nhau. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là ngang bằng, nếu chủ thể thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong TTHS được quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013 và cụ thể hóa tại Điều 16 BLTTHS năm 2015: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. Quyền tự bào chữa được coi là quyền cơ bản, đặc thù của bị cáo, họ là chủ thể bị buộc tội nên phải tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình. Bên cạnh đó, bị cáo cũng có thể nhờ người khác bào chữa. Đối với những bị cáo thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội mà theo pháp luật về trợ giúp pháp lý thì họ có quyền được trợ giúp pháp lý, được bào chữa miễn phí mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác theo quy định pháp luật.
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm: Nguyên tắc này là sự bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013, đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chuyển hướng tích cực của tố tụng hình sự nước ta, có tính đột phá theo tinh thần của cải cách tư pháp được quy định tại Điều 26 BLTTHS năm 2015. Theo đó, tranh tụng cần đến sự phân vai rõ ràng giữa các chủ thể và nhờ đó, các chủ thể hình thành bên buộc tội, bên bào chữa với lợi ích tố tụng độc lập và khác nhau. Bản chất của quá trình tranh tụng này là việc các bên đưa ra những trình bày, tranh luận để làm rõ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội tại phiên tòa.
Ngoài các nguyên tắc nêu trên, BLTTHS năm 2015 còn quy định một số nguyên tắc: Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8); Nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13); Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 17) và Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự (Điều 32).
Thứ hai, đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm bằng các quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, Thẩm phán. Hội thẩm, Thư ký Tòa án.
Quy định về quyền và nghĩa vụ của bị cáo cũng đồng thời là căn cứ pháp lý buộc Tòa án phải thực hiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Quyền của bị cáo có thể là nghĩa vụ đối với Tòa án, cụ thể là với Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, … Điều 17 BLTTHS năm 2015 quy định: Trong quá trình THTT, cơ quan, người có thẩm quyền THTT phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Bộ luật cũng quy định trách nhiệm xử lý khi cơ quan THTT, THTT vi phạm pháp luật trong quá trình xét xử, làm ảnh hưởng quyền của bị cáo thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỉ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện được đầy đủ quyền của mình, bảo vệ lợi ích chính đáng khi tham gia tố tụng nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án là cơ sở để bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị cáo giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Thứ ba, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị cáo bằng các quy định pháp luật về trình tự thủ tục xét xử sơ thẩm liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị cáo và bằng các quy định pháp luật cụ thể về quyền và nghĩa vụ của bị cáo.
Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, quy định vè quyền và nghĩa vụ của bị cáo phải có sự cụ thể hóa trong các điều luật, tạo về quyền và nghĩa vụ của bị cáo phải có sự cụ thể hóa trong các điều luật, tạo nên một trình tự, thủ tục xét xử tại phiên tòa. Quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải cụ thể, đầy đủ, rõ ràng để bị cáo có thể hiểu và tự bảo vệ quyền của mình, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong tố tụng hình sự đầy đủ và hoàn thiện hơn.
2. Các điều kiện khác
Thứ nhất là điều kiện về con người: Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, cơ quan THTT, NTHTT phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, các chủ thể có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Chánh án, Phó Chánh án, Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Luật sư, người bào chữa cho bị cáo và các chủ thể có liên quan. Những người này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bị cáo. Do vậy, nâng cao nhận thức về bảo đảm quyền của bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm cho Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký tòa án là việc làm cần thiết bởi điều đáng lo ngại nhất khi nói đến vấn đề bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị cáo chính là sự xâm phạm từ phía công quyền, sự xâm phạm này không chỉ thể hiện ở việc pháp luật còn khoảng trống mà phần nhiều nằm ở chính hoạt động cụ thể của NTHTT.
Bên cạnh đó, đội ngũ luật sư, trợ giúp pháp lý cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm quyền của bị cáo. Luật sư, trợ giúp pháp lý có kiến thức, am hiểu quy định pháp luật thì mới có thể bào chữa, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bị cáo.
Ngoài ra, khả năng tự bảo vệ và thực hiện quyền của bị cáo cũng là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ
Thứ hai là điều kiện về cơ sở vật chất như trại tạm giam, phòng cách li ở phòng xử án, phòng xử thân thiện với bị cáo dưới 18 tuổi…. Điều 35 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng quy định cụ thể về người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Cụ thể: bị cáo bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm Sóc y tế, được hưởng ghế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe. Nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe cho những bị cáo là đối tượng đặc biệt.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến điều kiện về phòng xét xử. Bị cáo là người chưa thành niên thường có thái độ sợ hãi khi tham gia xét xử tại phiên tòa, nguyên nhân một phần là do không khí nghiêm trang tại phòng xử án. Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi, Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 có hướng dẫn việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với việc xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử. Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, phù hợp và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi. Việc bố trí phòng xử án theo không gian mới sẽ tác động tâm lý tốt tới người chưa thành niên, không làm họ hoảng sợ, việc khai báo chính xác hơn, góp phần bảo đảm chất lượng xét xử vụ án của Tòa án được nâng cao. Tuy nhiên thực tế hiện nay chưa có phòng xử án dành riêng cho bị cáo dưới 18 tuổi, điều này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giải quyết vụ án.
Thứ ba, chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người bào chữa chỉ định, trợ giúp viên pháp lý cũng là một trong những điều kiện đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị cáo. Với đặc thù là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, nhưng chế độ tiền lương của công chức làm việc trong Tòa án còn thấp. Tiền lương và phụ cấp chưa đồng bộ so với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu cải cách tư pháp. Chế độ bồi dưỡng đối với người bào chữa chỉ định, trợ giúp viên pháp lý còn chưa phù hợp. Điều này ảnh hưởng phần nào tới chất lượng làm việc, trách nhiệm trong thi hành công vụ của Thẩm phán, người bào chữa chỉ định.
Công ty luật TNHH 𝗧𝗵𝗶𝗻𝗸𝗦𝗺𝗮𝗿𝘁
Địa chỉ: P1001 tầng 10 toà CT3-3, KĐT Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Website: tuvanluatonline.vn | thinksmartlaw.vn
Điện thoại: 091 1796555