NGHI NGỜ VỀ HÀNH VI MUA BÁN NGƯỜI CỦA NGƯỜI KHÁC THÌ CÓ ĐƯỢC BÁO CÔNG AN ĐỂ NGĂN CHẶN KHÔNG?


Hỏi: 

Gần nhà tôi có một phụ nữ thường xuyên bị một người ở địa phương khác đến rủ đi lao động nước ngoài. Qua nhiều lần tiếp xúc và nghe hai bên nói chuyện, tôi nghi ngờ người kia có hành vi dụ dỗ người phụ nữ hàng xóm đi lao động nước ngoài để bán. Về việc này, Luật sư cho tôi hỏi những nội dung sau:

– Các yếu tố cấu thành tội mua bán người là gì? 

– Nếu tôi nghi ngờ về hành vi mua bán người của người khác mà không báo Công an để ngăn chặn thì có bị coi là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm hay không?

Nội dung tư vấn: 

Các yếu tố cấu thành tội mua bán người:

Theo khoản 1 Điều 150 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về tội mua bán người như sau:

“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; 

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.”

Như vậy, có thể hiểu các yếu tố cấu thành của tội mua bán người như sau:

1.1. Về mặt khách quan:

– Các dấu hiệu về hành vi bao gồm: Hành vi chuyển giao và tiếp nhận người; các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao và tiếp nhận người.

– Về thủ đoạn: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hay bằng các thủ đoạn khác như lợi dụng quyền lực, lợi dụng tình trạng quẫn bách của nạn nhân, ép nạn nhân sử dụng bia, rượu hoặc chất kích thích…. Hoặc bất kỳ thủ đoạn nào khác để thực hiện hành vi chuyển giao tiếp nhận người.

– Người bị hại phải đủ từ 16 tuổi trở lên. Trong trường hợp bị hại dưới 16 tuổi thì cấu thành tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” theo Điều 151 Bộ luật Hình sự và không nhất thiết phải chứng minh thủ đoạn.

1.2. Về mặt chủ quan:

– Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, biết được hành vi mua bán người là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra.

– Mục đích phạm tội: (1) để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; (2) để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động; (3) để lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác như ép buộc đi ăn xin, ép buộc thực hiện các hành vi phạm tội, làm vật thí nghiệm, ép buộc tham gia chiến tranh…

1.3. Mặt khách thể: 

– Hành vi mua bán người xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, tính mạng, sức khỏe và danh dự của con người (nạn nhân).

1.4. Mặt chủ thể: 

– Bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi trở lên đủ năng lực trách nhiệm về hành vi, nhận thức)

2. Khi phát hiện, nghi ngờ người khác có hành vi mua bán người mà không báo Công an để ngăn chặn thì có bị coi là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm không?

Tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“Điều 18. Che giấu tội phạm

Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.”

“Điều 19. Không tố giác tội phạm 

Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.”

Trường hợp trên mới chỉ là nghi ngờ về việc một người có hành vi dụ dỗ người phụ nữ hàng xóm đi lao động nước ngoài để bán, không thể biết chính xác hành vi của người đến rủ chị hàng xóm đi lao động nước ngoài có đúng là để lừa bán hay không nên việc không đi trình báo Công an để ngăn chặn không bị coi là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, khi phát hiện hành vi dụ dỗ, tuyển mộ người đi lao động nước ngoài nghi ngờ là để bán, nên đến cơ quan Công an hoặc các cơ quan chức năng khác để trình báo, cung cấp thông tin về những nghi vấn của mình như đã nêu ở phần trên để các cơ quan này tiến hành điều tra xác minh xử lý.

Ánh Tuyết, Nguyễn Hồng – Công ty luật ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

, ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *