Bạo lực gia đình – Những vấn đề pháp lý


Luật sư Việt Nam » Nghiên cứu – Trao đổi

Bạo lực gia đình nói chung luôn là vấn đề được quan tâm ở thời điểm hiện tại, đây là vấn đề hết sức phức tạp vì từ lâu vẫn được dư luận cho là vấn đề cá nhân, tế nhị, mặt khác nó cũng chứa đựng những vấn đề pháp lý về quyền công dân, quyền con người…cần phải giải quyết để đảm bảo trật tự xã hội nói chung và mỗi gia đình, cá nhân nói riêng. Thực tiễn cho thấy hành vi bạo lực gia đình vẫn diễn ra thường xuyên, có nhiều phụ nữ bị chính chồng mình đánh đập, hành hạ nhưng không dám lên tiếng vì sợ dư luận, sợ ảnh hưởng đến con cái…chúng ta cùng nghiên cứu trường hợp dưới đây.

Ngày 15/08/2021 nhiều đơn vị báo chí đưa tin về trường hợp của chị Lê Thị H (SN 1977, trú tại phường Việt Hòa, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị chồng bạo hành đến mức phải nhập viện cấp cứu.

Chị Nguyễn Thị H đi xuất khẩu lao động về nước được 3 năm. Trong thời gian vừa qua, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã, xô xát vì anh Ngô Văn Q. (chồng chị H) làm ăn, tiêu xài dẫn đến nợ nần. Sau quá trình mâu thuẫn tích tụ, ngày 04/08/2021 chị H và anh Q xảy ra xô xát với nhau tại trang trại của gia đình, tại đây anh Q đã dùng dây điện nối với nguồn điện sinh hoạt chích vào chân, đánh đập, dìm xuống nước, khiến chị H bị thương nặng. Vụ xô sát khiến hai vợ chồng phải nhập viện, Chị H điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương 1 tuần (đã xuất viện ngày 10/8/2021) còn anh Q điều trị tại Bệnh viện Quân y 7 hiện cũng đã được xuất viện.

Qua trao về sự việc trên, Chuyên gia pháp lý Trần Trọng Nam – Công ty luật ThinkSmart có quan điểm cho rằng: trước hết, hành vi của anh Q đã vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của người chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Hơn nữa hành vi của anh Q đã xâm phạm đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của chị H. Hành vi của anh Q có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy tính chất, mức độ, diễn biến của sự việc thì tội danh mà anh Q phải chịu sẽ có sự khác biệt nhất định.

Trong trường hợp chị H sau khi xuất khẩu lao động về sống phụ thuộc vào chồng thì việc anh Q bạo hành, chửi mắng, đánh đập vợ trong một thời gian dài, khiến chị H bị đau đớn về thể xác và tinh thần có thể cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với khung hình phạt cơ bản là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, hành vi của anh Q còn có thể bị  truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Ta có thể thấy việc sử dụng dây điện đấu nối vào nguồn điện sinh hoạt để chích vào chân hoặc dìm xuống nước đều là các hành động gây nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến khả năng tử vong rất cao. Anh Q là người đầy đủ năng lực TNHS nhưng vẫn cố tình thực hiện. Do đó tùy tính chất lỗi và hậu quả gây ra mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh thích hợp đối với anh Q. Trong trường hợp anh Q thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp (biết việc dùng nguồn điện để tra tấn cũng như dìm chị H có thể dẫn đến tử vong, đồng thời mong muốn hậu quả đó xảy ra) thì anh Q có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người chưa đạt. Trong trường hợp anh Q thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp (biết hành vi của mình có thể gây tử vong cho chị H, tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả đó) thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Ở đây, có thể coi việc dùng dây điện để giật chị H là sử dụng hung khí nguy hiểm bởi nguồn điện nói chung luôn được coi là nguồn nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả chết người cho dù có là điện dân sinh dùng trong gia đình đi chăng nữa. Căn cứ vào tỉ lệ thương tật gây ra cho chị H mà anh Q có thể chịu các khung hình phạt khác nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp anh Q phạm vào khoản 1, Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với tỉ lệ thương tật từ 11% đển 30% thì việc khởi tố vụ án phụ thuộc vào chị H, nếu chị H đồng ý thì cơ quan điều tra có thể ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Q.

Đối với chị H cần xác định rằng việc mâu thuẫn với chồng trong thời gian dài có thể đã hình thành ý thức phản kháng nói chung, khi bị anh Q tấn công, đánh đập, tra tấn thì chị H mới đánh lại. Hành vi của chị H tùy tính chất, mức độ, tình tiết, diễn biến của sự việc có thể được coi là phòng vệ chính đáng hoặc phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn về phòng vệ chính đáng (nếu chị H có các hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại và gây ra hậu quả đáng kể cho anh Q).

Hiện nay, có rất nhiều cách thức để phụ nữ có thể bảo vệ quyền và lợi ích cho mình khỏi các hành vi xâm hại, bạo lực gia đình. Đơn cử là việc liên hệ các cơ quan, tổ chức như: Chi Hội liên hiệp phụ nữ địa phương; UBND xã, phường, thị trấn; Trung tâm trợ giúp pháp lý; Cơ quan công an tại địa phương….hoặc đơn giản hơn là nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân. Để đẩy lùi vấn nạn này cần sự nỗ lực không chỉ từ phía nạn nhân mà còn từ các cơ quan chức năng, các hiệp hội, đoạn thể và toàn dư luận trong xã hội. Do đó, với vai trò là một người công dân chúng ta nên bày tỏ quan điểm đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống nói chung và vấn nạn bạo lực gia đình nói riêng.

Trên đây là quan điểm của Chuyên gia pháp lý Trần Trọng Nam về nội dung tình huống nêu trên, quan điểm này dựa trên những thông tin được cung cấp và một vài giả thiết đề ra với mục đích chính là tư vấn pháp luật, không nhằm mục đích định tội một cá nhân nào. Hy vọng qua nội dung tư vấn nêu trên có thể giúp các chị em phụ nữ đặc biệt là các chị em đang chịu bạo hành có được những thông tin cần thiết để bảo vệ cho chính mình, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật.

Nguyễn Văn Lâm và Đỗ Thị Hà

Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *